Tìm hiểu rối loạn giảm tiểu cầu ở trẻ em

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng - Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Rối loạn giảm tiểu cầu ở trẻ em là căn bệnh có nhiều nguyên nhân, tùy vào mức độ bệnh mà cách thức và thời gian điều trị khác nhau. Điều quan trọng là cần biết nguyên nhân và triệu chứng bệnh để sớm đưa trẻ đi khám kịp thời.

1. Rối loạn giảm tiểu cầu ở trẻ em là gì?

Tiểu cầu là những tế bào máu có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu ở cơ thể con người. Theo đó, rối loạn tiểu cầu gồm có: Tăng tiểu cầu; Giảm tiểu cầu; Suy giảm chức năng tiểu cầu.

Rối loạn giảm tiểu cầu là một trong những dạng của rối loạn tiểu cầu. Giảm tiểu cầu được định nghĩa là số lượng tiểu cầu máu < 150.000 μL. Chảy máu tự phát thường xảy ra khi số lượng tiểu cầu giảm xuống < 20.000 μL.

Mức độ giảm tiểu cầu thường nhẹ, chỉ gây ra một vài dấu hiệu hoặc triệu chứng. Trong những trường hợp hiếm, số lượng tiểu cầu quá thấp có thể gây ra chảy máu nội tạng, rất nguy hiểm.

tiểu cầu
Số lượng tiểu cầu máu trung bình khoảng 150.000 μL

2. Nguyên nhân gây rối loạn tiểu cầu

Nguyên nhân gây giảm tiểu cầu là rất đạ dạng, một số chỉ mang tính chất thoáng qua, điều trị và hồi phục nhanh chóng, số khác cần điều trị suốt đời. Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây giảm tiểu cầu, đó là: Tăng phá hủy tiểu cầu và giảm sinh tiểu cầu.

  • Vi - rút: Cơ thể nhiễm vi rút có thể làm tủy xương tạm thời tạo ra ít tiểu cầu hơn, hiện tượng này được gọi là ức chế virus. Do đó, chỉ cần loại vi rút ra khỏi cơ thể thì tiểu cầu sẽ tiếp tục được sản xuất bình thường.
  • Thuốc: Một số loại thuốc chữa bệnh có khả năng gây ức chế tạo tiểu cầu hoặc tạo kháng thể phá hủy tiểu cầu.
  • Giảm tiểu cầu miễn dịch: Là tình trạng rối loạn hệ thống miễn dịch, tấn công phá hủy tiểu cầu.
  • Bệnh ác tính: Một số bệnh ung thư như bệnh bạch cầu có thể làm giảm số lượng tiểu cầu. Điều này xảy ra là do tế bào ung thư chiếm không gian trong tủy xương, ngăn chặn việc sản xuất tiểu cầu mới.
  • Hóa trị: Hầu hết hóa trị có cơ chế tấn công vào các tế bào phân chia nhanh như tế bào ung thư. Các tế bào máu bị tổn thương do hóa trị, khiến chúng tạm thời không thể tạo ra các tế bào máu mới. Đối với hóa trị, tất cả các dòng tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu) đều có thể bị ảnh hưởng.
  • Thiếu máu bất sản: Thiếu máu bất sản là tình trạng tủy xương không thể tạo ra các tế bào máu bình thường dẫn đến giảm tiểu cầu.
  • Gen di truyền giảm tiểu cầu: Các bệnh liên quan đến gen di truyền như Bernard Soulier và MYH9 có thể gây giảm tiểu cầu thứ phát do đột biến gen.
  • Lách to: Một phần tiểu cầu được lưu trữ trong lá lách, lách to làm nhiều tiểu cầu bị mắc kẹt lại dẫn đến giảm tiểu cầu trong máu.
  • Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối: Chủ yếu được tìm thấy ở phụ nữ trưởng thành khiến các cục máu nhỏ hình thành trong các mạch máu phá hủy tiểu cầu và hồng cầu.
  • Mang thai: Giảm tiểu cầu có thể xảy ra hơn 5% thai kỳ bình thường hoặc trong tiền sản giật.

3. Triệu chứng rối loạn tiểu cầu ở trẻ em

Triệu chứng rối loạn tiểu cầu ở trẻ em thường gặp là:

  • Chảy máu niêm mạc (chảy máu cam, chảy máu lợi, xuất huyết dạng bọng nước, rong kinh, chảy máu tử cung)
  • Chảy máu dưới da (đốm xuất huyết, ban xuất huyết không cảm nhận được khi sờ, bầm máu).
  • Xuất huyết nội sọ là một hậu quả hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của giảm tiểu cầu, và là nguyên nhân gây tử vong thường gặp nhất. Xuất huyết nội sọ thường xảy ra với những người có tiền sử chấn thương đầu.

Triệu chứng toàn thân của giảm tiểu cầu là hạch to hoặc gan lách to. Trẻ có triệu chứng ngày cần được đánh giá nhanh chóng do có nhiều mối liên quan đến các bệnh lý ác tính hoặc quá trình tăng sinh khác.

rối loạn tiểu cầu máu
Rối loạn tiểu cầu gây ra những xuất huyết dưới da

4. Chẩn đoán rối loạn giảm tiểu cầu

Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe tổng quát để tìm các dấu vết bầm tím hoặc ban xuất huyết, một trong các triệu chứng của giảm tiểu cầu. Thêm vào đó, bác sĩ có thể hỏi về bệnh sử gia đình và tình trạng sức khỏe, cũng như các loại thuốc đang sử dụng.

Tiếp theo, bác sĩ sẽ ra các chỉ định xét nghiệm, bắt đầu bằng công thức máu. Các chỉ số về tiểu cầu được kiểm tra một cách cẩn thận để ước tính số lượng, hình thái tiểu cầu và đánh giá các bất thường có liên quan của tế bào bạch cầu và hồng cầu. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm đông máu để xác định thời gian đông máu và các yếu tố ảnh hưởng.

Kỹ thuật xét nghiệm tủy xương có thể được chỉ định cho trẻ có bằng chứng liên quan tới các dòng tế bào máu khác như thiếu máu và giảm bạch cầu hoặc các triệu chứng toàn thân và có tế bào blast trong phiến đồ máu ngoại vi.

Siêu âm được sử dụng giúp bác sĩ kiểm tra kích thước của lách. Sinh thiết tủy xương và hút tủy được thực hiện để xác thực các nghi ngờ liên quan đến chức năng của hệ thống tủy xương.

5. Điều trị rối loạn giảm tiểu cầu

Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bệnh nhân bị giảm tiểu cầu nên tránh dùng aspirin hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen vì những thuốc này làm giảm chức năng tiểu cầu và khả năng hình thành cục máu đông.

  • Trường hợp không cần điều trị: Giảm tiểu cầu ở mức độ nhẹ hoặc không có tình trạng chảy máu, giảm tiểu cầu thứ phát sau nhiễm vi - rút có thể không cần phải điều trị.
  • Truyền tiểu cầu: Giảm tiểu cầu trong thời gian ngắn, chẳng hạn như hóa trị, có thể được điều trị bằng truyền tiểu cầu. Mức độ truyền tiểu cầu thường xuyên hay không phụ thuộc vào lượng máu xuất huyết và tình trạng giảm tiểu cầu.
  • Ngưng thuốc: Nếu giảm tiểu cầu do thuốc, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc nên hay không nên tiếp tục sử dụng loại thuốc này.
  • Sử dụng thuốc điều trị: Giảm tiểu cầu miễn dịch cần được điều trị bằng các thuốc như steroid, globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch hoặc globulin miễn dịch anti D.
  • Cắt lách: Lách là cơ quan giữ và tiêu hủy tiểu cầu. Cắt lách được áp dụng đối với những người lách to do các bệnh lý mạn tính.
  • Tách huyết tương: Xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (TTP) có thể được điều trị bằng tách huyết tương.

Rối loạn giảm tiểu cầu là căn bệnh có thể để lại nhiều biến chứng, do đó khi thấy có những dấu hiệu của bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

63.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan