Tiêu chảy cấp ở trẻ em: Nên ăn gì cho mau hồi phục?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Bác sĩ Nhi khoa- Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để giảm bớt tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong khi trẻ bị tiêu chảy cấp, ngoài việc việc bổ sung điện giải bằng đường uống thì chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy sự hồi phục sớm niêm mạc ruột, chức năng tụy và sản xuất các men làm cho chức năng tiêu hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng chóng hồi phục.

1. Nguyên nhân tiêu chảy cấp ở trẻ em

Tiêu chảy là tình trạng tăng lượng dịch đột ngột trong phân, đi ngoài phân lỏng trên hoặc bằng 3 lần trong 24 giờ. Tiêu chảy cấp thường kéo dài không quá 14 ngày. Cơ chế gây tiêu chảy chính là thẩm thấu và xuất tiết. Các nguyên nhân tiêu chảy cấp ở trẻ bao gồm:

  • Do virus, nhiễm trùng: Tiêu chảy cấp ở trẻ hầu hết do virus, nhiễm trùng tại ruột, nhiễm trùng ngoài ruột
  • Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ
  • Trẻ bị suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch tạm thời như sau sởi, thủy đậu... và do một số tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh.
  • Ăn uống không hợp lý: Trẻ bú bình sữa, thức ăn bị ô nhiễm, nấu không chín hoặc nấu để lâu bị ô nhiễm. Nguồn nước uống bị nhiễm bẩn
  • Vệ sinh không hợp lý: Không rửa tay sau khi đi ngoài, không rửa tay trước khi chế biến thức ăn cho trẻ.

Tiêu chảy cấp ở trẻ em nếu không được điều trị và chăm sóc kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như sau:

  • Nguy cơ tử vong: Tiêu chảy cấp ở trẻ thường bị mất nước, nếu không được bù nước và điện giải, cơ thể sẽ lâm vào tình trạng mất nước và điện giải.... dẫn tới nguy cơ tử vong cao ở trẻ.
  • Nguy cơ suy dinh dưỡng: Khi trẻ bị tiêu chảy, các chất dinh dưỡng không được cung cấp đầy đủ bởi trẻ chán ăn. Hậu quả khi trẻ khỏi bệnh tiêu chảy thì lại bị suy dinh dưỡng.
Trẻ suy dinh dưỡng
Trẻ bị suy dinh dưỡng có thể là nguyên nhân bị tiêu chảy cấp

2. Dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy cấp

Để giảm bớt tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong khi trẻ bị tiêu chảy cấp, việc bổ sung điện giải bằng đường uống và chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng, giúp thúc đẩy sự hồi phục sớm niêm mạc ruột, chức năng tụy và sản xuất các men làm cho chức năng tiêu hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng chóng hồi phục.

2.1. Tiêu chảy cấp ở trẻ nên ăn gì cho mau hồi phục?

Bổ sung nước và điện giải cho trẻ tùy theo mức độ mất nước:

  • Nếu trẻ mất nước nhẹ có thể điều trị tại nhà bằng cách cho trẻ uống nước nhiều hơn bình thường bằng dung dịch ORS, nước đun sôi để nguội, nước canh, sữa, ...
  • Trường hợp trẻ vật vã kích thích hoặc li bì, uống nước bị nôn, tiểu ít, khóc không ra nước mắt, da nhăn nheo, môi khô, ... thì phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để truyền dịch.

Chế độ ăn khi trẻ bị tiêu chảy:

  • Quá trình hấp thu thức ăn khi trẻ bị tiêu chảy cấp có giảm hơn bình thường, nhưng lượng hấp thu qua ruột vẫn được khoảng 60%, do vậy trong suốt quá trình tiêu chảy cần cho trẻ ăn đủ khẩu phần, không kiêng khem, thì trọng lượng cơ thể sẽ tiếp tục tăng với tốc độ gần như bình thường.
  • Cho trẻ ăn gạo (bột gạo), khoai tây, thịt gà nạc, thịt lợn nạc, cá nạc; Sữa đậu tương (đậu nành), sữa chua, sữa có ít hoặc không có lactose; dầu thực vật, chuối, táo...
  • Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ thì tiếp tục cho bú bình thường và tăng số lần bú. Nếu trẻ không có sữa mẹ thì cho trẻ ăn sữa bò hoặc sữa bột công thức nhưng phải pha loãng 1/2 trong vòng 2 ngày.
  • Trẻ từ 6 tháng tuổi, ngoài sữa mẹ và sữa thay thế cần cho trẻ ăn thêm nhiều lần và từng ít một các thức ăn giàu chất dinh dưỡng. Thức ăn cần mềm, nấu kĩ, nấu loãng hơn bình thường và cho ăn ngay sau khi nấu.
Trẻ  tự uống nước bằng cốc
Tiêu chảy khiến trẻ mất nước nên cần được bổ sung nước qua đường uống

2.2. Tiêu chảy cấp ở trẻ không nên ăn gì?

Ngoài những dinh dưỡng cần bổ sung như trên, thì phụ huynh cần nắm bắt rõ việc trẻ bị tiêu chảy không nên ăn gì? Theo đó, trẻ không nên ăn, uống các loại thực phẩm như:

  • Không cho trẻ uống các loại nước giải khát công nghiệp có ga và nhiều đường
  • Các loại thức ăn có chứa nhiều đường vì những thức uống, ăn này có thể làm tăng tiêu chảy do tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột kéo nước trong tế bào vào lòng ruột.
  • Tránh dùng các loại thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như: Các loại rau thô, tinh bột nguyên hạt vì sẽ gây triệu chứng khó tiêu hóa ở trẻ.
  • Các loại thức ăn có nhiều đường và thức ăn chế biến sẵn (giò, chả, xúc xích, pate...)
Thịt hộp xúc xích
Không cho trẻ ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn

3. Phòng ngừa tiêu chảy cấp ở trẻ

Để phòng ngừa tiêu chảy cấp ở trẻ, mọi người nên chủ động thực hiện các phương pháp sau:

  • Nuôi con bằng sữa mẹ trong trường hợp có thể.
  • Cho trẻ ăn thức ăn đúng và hợp lý, đảm bảo vệ sinh trước khi chế biến cũng như bảo quản. Đồng thời dùng nguồn nước và thực phẩm sạch, tươi không bị nhiễm khuẩn hoặc hóa chất bảo vệ thực vật
  • Rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, thay tã lót cho trẻ; trước khi chế biến thức ăn và chăm sóc trẻ.
  • Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, xử lý an toàn phân trẻ nhỏ bị tiêu chảy.
Sữa mẹ có tự hết khi không cho con bú?
Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn ở 6 tháng đầu đời

Tóm lại, bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em mặc dù có thể điều trị khỏi nhưng nếu không kịp thời sẽ có nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Do vậy, cha mẹ cần chủ động tìm hiểu các kiến thức liên quan đến căn bệnh này và kịp thời xử lý khi trẻ không may mắc bệnh. Trẻ trong giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi rất dễ gặp phải các vấn đề về hệ hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, bệnh lý về da và nhiễm trùng đường tiêu hóa...cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.

Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý đường tiêu hoá mà trẻ nhỏ hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

327 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan