Thông khí không xâm nhập ở sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Một trong những biến chứng phổ biến ở trẻ sơ sinh, nhất là trẻ nhẹ cân là bị bệnh phổi mãn tính. Lúc này, thông khí không xâm nhập ở sơ sinh là một lựa chọn tối ưu.

Đây là thiết bị có khả năng hỗ trợ thông khí nhưng không sử dụng ống nội khí quản, giảm thiểu các tổn thương do thở máy và qua đó giúp cho trẻ có một chức năng hô hấp phù hợp với sinh lý nhất trong những ngày đầu đời.

1. Thông khí không xâm nhập ở sơ sinh là gì?

Mặc dù có rất nhiều tiến bộ trong kỹ thuật y học, bệnh phổi mãn tính hoặc loạn sản phế quản phổi vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, nhất là trẻ sinh ra ở tuần thứ 24 đến 26 của thai kỳ.

Chính vì vậy, ngay sau khi trẻ chào đời, nếu nhận thấy các dấu hiệu của suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, chỉ định can thiệp thở áp lực dương nhanh chóng là vô cùng cần thiết để hỗ trợ trẻ sơ sinh bị bệnh hô hấp. Đồng thời, việc sử dụng thông khí không xâm nhập ở sơ sinh, tức thở máy không thông qua ống nội khí quản, sẽ còn phụ thuộc vào sự hiểu biết thấu đáo về thiết bị được sử dụng, khả năng đánh giá và chăm sóc sơ sinh để xác định các bước can thiệp phù hợp.

2. Các loại thông khí không xâm nhập ở sơ sinh

Hệ thống máy móc và các dụng cụ trong thông khí không xâm nhập ở sơ sinh bao gồm máy thở cung cấp nguồn khí và kiểm soát áp lực đường thở, ống thở đặt vào mũi và dây nối từ máy đến ống thở. Bộ phận quan trọng nhất là bộ phận cảm nhận áp lực, nhằm duy trì cho trẻ thở áp lực dương với thông cố định đã được tính toán cũng như có thể điều chỉnh theo diễn tiến bệnh.

Tuy nhiên, khái niệm “thông khí không xâm nhập ở sơ sinh” chỉ ra một hình thức chung nhằm kiểm soát hay hỗ trợ hô hấp. Việc điều khiển hình thức này hoạt động như thế nào thì sẽ được phân chia thành các cách thức khác nhau.

2.1 Thở áp lực dương liên tục (CPAP)

Thở áp lực dương liên tục (CPAP) có nghĩa là trẻ sẽ được kiểm soát đường thở với một áp lực liên tục trong suốt chu kỳ hô hấp. Đây là can thiệp ngay lập tức với chỉ định suy hô hấp ở trẻ sơ sinh.

Áp lực trong CPAP được tạo ra bởi một trong hai cơ chế là thay đổi tốc độ dòng chảy hay cung cấp một dòng khí không đổi và thay đổi áp suất bằng cách khác.

2.2 Ống thông mũi lưu lượng cao

Việc thở áp lực dương ở trẻ sơ sinh cũng có thể được tạo ra với ống thông mũi và lưu lượng dòng chảy cao. Mức độ áp lực có thể được góp phần tạo ra bởi các ngành thở trên ống thông mũi hay từ sự thay đổi theo tốc độ dòng chảy.

Tuy nhiên, việc sử dụng loại ống thông và kích thước cần phù hợp với thể trạng của trẻ sơ sinh, sử dụng ống thông mũi với đường kính ngoài chỉ là 0,3cm trong một nếu trẻ có cân nặng nhẹ cân 1400 g lúc sinh. Đồng thời, lưu lượng dòng chảy tạo ra áp lực đường thở cũng cần phù hợp với lồng ngực của trẻ. Các nhà nghiên cứu đã ước tính rằng đối với trẻ sơ sinh, dòng chảy 2 lít/phút đã tạo ra áp lực dương trung bình 9 cmH2O. Việc tăng lưu lượng dòng chảy có thể không giúp việc thở áp lực dương thêm ý nghĩa mà sẽ làm tổn thương đường thở của trẻ.

2.3 Thở áp lực dương theo chu kì

Ngược lại với thở áp lực dương liên tục (CPAP), trong thở áp lực dương theo chu kì, máy chỉ tạo ra áp lực khi trẻ hít vào, phù hợp chu kỳ hô hấp tự nhiên. Chế độ thở này có thể được cài đặt phân phối đều đặn (không đồng bộ) hoặc đồng bộ hóa với các nỗ lực hô hấp tự nhiên của trẻ sơ sinh.

Trong một số trung tâm, bác sĩ sẽ chọn chế độ kết hợp bởi lẽ nhịp thở của trẻ mới sinh là chưa đều đặn mà còn có các khoảng ngưng thể tự nhiên. Theo đó, máy sẽ hỗ trợ trẻ thở áp lực dương trong thì hít vào hoặc chủ động khởi phát nhịp thở khi trẻ có khoảng ngưng kéo dài hơn thời gian chủ động cài đặt từ trước.

3. Những lợi ích đem lại của thông khí không xâm nhập ở sơ sinh

thông khí
Thông khí không xâm là lựa chọn tối ưu cho trẻ bị viêm phổi

Việc áp dụng thông khí không xâm nhập ở sơ sinh sẽ nhanh chóng đem lại một số lợi ích sinh lý ngay từ khi trẻ vừa chào đời, bao gồm ổn định đường thở, cơ hoành và thành ngực, giúp phổi tăng thể tích, giảm nguy cơ ngưng thở do tắc nghẽn và giảm sức cản đường thở, tăng công thở hiệu quả.

Để được như vậy, điều quan trọng cần lưu ý là phải lựa chọn mức áp lực dương phù hợp, phân biệt trong từng bệnh cảnh trẻ cần can thiệp hô hấp do các bệnh lý tại phổi hay vì nguyên nhân khác. Sự khác biệt này là vì chỉ số áp lực trên đường thờ, nhu mô phổi ở trẻ bình thường và trẻ có tổn thương phổi do sinh non, bị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh do quá trình chuyển dạ, do các bệnh lý bẩm sinh... là khác nhau.

4. Cách chăm sóc thông khí không xâm nhập ở sơ sinh

Việc chăm sóc đóng một phần quan trọng trong tính hiệu quả của thông khí không xâm nhập ở sơ sinh. Điều này thường do các nhân viên điều dưỡng tại khoa Hồi sức tích cực sơ sinh đảm nhận. Điều cần quan tâm nhiều nhất là ngành thở của ống thông khí cần phải nằm khít ở trong mũi và miệng của trẻ sơ sinh cần khép kín. Đồng thời, vai trò chăm sóc của điều dưỡng trong đánh giá hiệu quả của thông khí không xâm nhập ở sơ sinh còn nằm ở việc quản lý đường thở, đánh giá và phòng ngừa các biến chứng liên quan.

4.1 Đánh giá hiệu quả của thông khí không xâm nhập ở sơ sinh

Trẻ sơ sinh khi được can thiệp thông khí không xâm nhập cần được đánh giá thường xuyên và cẩn thận để xác định hiệu quả điều trị, sẵn sàng cho việc cai máy và theo dõi các biến chứng. Các thông số cần quan sát liên tục trên màn hình là huyết áp, tần số thở và độ bão hòa oxy trong máu. Khí máu động mạch cũng nên được xét nghiệm theo tình trạng lâm sàng trẻ sơ sinh.

Các dấu hiệu cho thấy liệu pháp thông khí không xâm nhập có hiệu quả là trẻ giảm công hô hấp và cải thiện độ bão hòa oxy trên lâm sàng lẫn qua giá trị khí máu. Ngược lại, dấu hiệu cho thấy sự bất ổn là khi trẻ thiếu oxy và cần phải tăng mức độ hỗ trợ trên máy.

4.2 Cố định vị trí trẻ sơ sinh

Nếu trẻ vận động quá mức sẽ làm tăng nguy cơ di lệch vách ngăn mũi, ảnh hưởng đến hiệu quả của thông khí không xâm nhập ở sơ sinh. Do đó, việc quấn cố định trẻ sẽ trở nên rất hữu ích trong việc giảm thiểu chuyển động và kéo dãn ống thở áp lực dương.

Theo đó, tư thế thích hợp cho trẻ sơ sinh là quấn trẻ với cùng cổ hơi mở rộng. Đồng thời, một núm vú giả có thể được đặt vào miệng giúp trẻ đóng kín miệng và tập cho trẻ thói quen bú mút. Thay vào đó, một số trung tâm có thể sử dụng các loại dây đeo cằm để giữ cho miệng kín và các ngạnh mũi không di lệch.

4.3 Bảo vệ đường thở

Gây ra các kích thích hoặc làm tổn thương vách ngăn mũi đã được ghi nhận là những tác dụng phụ của thông khí không xâm nhập ở sơ sinh. Trong đó, nguyên nhân gây ra chấn thương vách ngăn thường là kết quả của sự ma sát, áp lực và độ ẩm quá mức do thông khí nhân tạo gây ra.

Tuy nhiên, nếu trẻ được chăm sóc tốt và dùng thiết bị phù hợp, những vấn đề này hoàn toàn có thể phòng tránh được. Lựa chọn ngạnh ống thở và mũ đeo phù hợp là bước đầu tiên trong việc tránh tổn thương mũi. Đồng thời, tránh làm ẩm quá mức vì bản thân thở áp lực dương cũng có khả năng tăng tiết trong khi hạn chế khả năng làm sạch các chất tiết này. Vì vậy, trẻ cần được đánh giá ít nhất 2 đến 3 giờ một lần và can thiệp hút dịch nhầy khi cần thiết.

Kết quả bilirubin ở trẻ sơ sinh
Gây ra các kích thích hoặc làm tổn thương vách ngăn mũi là tác dụng phụ có thể gặp của thông khí không xâm nhập

4.4 Ổn định chức năng dạ dày

Một số trẻ sơ sinh thông khí không xâm nhập rất dễ bị rối loạn chức năng dạ dày và không dung nạp thức ăn. Trong khi đó, tình trạng khó chịu này là hoàn toàn lành tính và có thể giải quyết sau khi ngưng can thiệp hô hấp.

Để khắc phục phần nào, điều quan trọng là phải tránh khả năng trẻ nuốt không khí. Song song đó, việc nuôi ăn liên tục hay cho ăn vào trực tiếp tá tràng có thể là một lựa chọn phù hợp cho trẻ sơ sinh bị rối loạn chức năng dạ dày do thở áp lực dương gây ra.

Thông khí không xâm nhập ở sơ sinh đã trở nên phổ biến, cải thiện tỷ lệ sinh sống nhất là ở các trẻ sinh non bị tổn thương phổi. Chính việc can thiệp thở áp lực dương sớm ngay từ đầu sẽ làm giảm nhu cầu đặt nội khí quản và thở máy kéo dài về sau. Tuy nhiên, để thông khí không xâm nhập ở sơ sinh được hiệu quả, trẻ cần được đánh giá liên tục về tình trạng lâm sàng, chăm sóc toàn diện để mau chóng phục hồi khả năng hô hấp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

639 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan