Thời gian hồi phục sau khi sinh mổ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa. Bác sĩ từng có thời gian giảng dạy trường Cao đẳng Y Hải Phòng, Đại học Y Hải Phòng và công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng trước khi là Bác sĩ Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Sau khi sinh con bằng phương pháp sinh mổ người mẹ sẽ phải trải qua quãng thời gian hồi phục sau phẫu thuật và xử lý các vấn đề sau sinh như căng tức ngực, thay đổi tâm trạng và tăng tiết dịch âm đạo. Lúc này cơ thể người mẹ chưa thể phục hồi mà phải mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau mới bình thường trở lại.

1. Thời gian phục hồi sau sinh mổ: Từ phẫu thuật đến khi rời viện

1.1 Ngay sau khi phẫu thuật

Ngay sau phẫu thuật, người mẹ có thể cảm thấy mất thăng bằng và buồn nôn. Buồn nôn có thể kéo dài đến 48 giờ và thông thường các cơ sở y tế sẽ cung cấp một số loại thuốc để giảm thiểu tình trạng này.

Ngoài ra, nhiều bà mẹ cũng cảm thấy ngứa khắp người, đặc biệt là những người được gây tê ngoài màng cứng hoặc gây mê cột sống. Nếu xuất hiện tình trạng này cần thông báo với bác sĩ ngày.

Ngay sau phẫu thuật, người mẹ hoàn toàn có thể cho con bú trong phòng hồi sức, thậm chí ngay sau khi sinh. Lưu ý những tư thế nằm bú của bé để tránh tác động đến vết mổ của mẹ.

Sau mổ có sử dụng gây tê ngoài màng cứng gây buồn nôn cần thông báo cho bác sĩ
Sau mổ có sử dụng gây tê ngoài màng cứng gây buồn nôn cần thông báo cho bác sĩ

1.2 Vài giờ đầu tiên sau khi phẫu thuật

Y tá sẽ đến kiểm tra tình trạng sức khỏe của người mẹ sau mỗi vài giờ. Họ sẽ xác định các chỉ số cũng như dấu hiệu khác để đảm bảo tử cung đã ổn định trở lại và không còn tình trạng chảy máu âm đạo.

Phụ nữ nào vừa sinh con, âm đạo sẽ bắt đầu tiết dịch. Dịch tiết âm đạo bao gồm máu, vi khuẩn và mô bị bong ra từ niêm mạc tử cung. Trong vài ngày đầu, dịch tiết âm đạo có màu đỏ tươi đây hoàn toàn là hiện tượng bình thường.

1.3 Sau 6 đến 12 giờ tiếp theo

Trong vòng 12 giờ, nếu mọi thứ đều ổn, y tá sẽ tiến hành bỏ ống thông tiểu sau khi phẫu thuật. Họ cũng sẽ hướng dẫn các bà mẹ cách ho và tập thở sâu để mở rộng phổi và loại bỏ chất lỏng ứ đọng trong phổi, đặc biệt là với những trường hợp đã gây mê toàn thân. Điều này làm giảm nguy cơ mắc viêm phổi.

1.4 Sau khi sinh một ngày

Một đến hai ngày sau khi sinh, các sản phụ sẽ được khuyến khích rời khỏi giường một vài lần để đi bộ xung quanh phòng bệnh. Điều này giúp ích rất nhiều cho quá trình lưu thông máu để tránh hình thành các cục máu đông. Hơn thế, nó sẽ giúp cơ thể bớt uể oải và cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.

Các sản phụ cũng có thể cảm thấy tê và đau ở vết mổ và vết sẹo sẽ dần hình thành, lồi và tối màu hơn màu da tự nhiên. Bác sĩ sẽ đến kiểm tra hàng ngày xem vết mổ có đang lành lại hay có bất thường gì không.

Sau sinh 1 ngày, sẹo vết mổ sẽ dần hình thành
Sau sinh 1 ngày, sẹo vết mổ sẽ dần hình thành

1.5 Hai đến bốn ngày sau

Sản phụ có thể bị táo bón, đau và đầy hơi trong hai ngày đầu. Khi có xu hướng tích tụ vì ruột phản ứng chậm sau phẫu thuật. Nên thường xuyên rời khỏi giường để đi lại xung quanh nhằm giúp hệ tiêu hóa dần hoạt động bình thường trở lại.

Sản phụ sẽ được khuyến khích đi bộ mỗi ngày, sau khi uống thuốc giảm đau để cảm thấy thoải mái hơn. Điều quan trọng là nên thường xuyên đi tiểu, tránh để bàng quang ứ nước sẽ khiến tử cung khó co bóp hơn và làm tăng áp lực lên vết thương.

Thông thường sản phụ sẽ được cho xuất viện sau khi phẫu thuật từ 3-4 ngày. Thời gian nằm viện của sản phụ sẽ phụ thuộc vào tình trạng vết mổ và việc cơ thể của họ có hồi phục đủ nhanh hay không?

2. Thuốc phục hồi sau phẫu thuật và giảm đau

Các bác sĩ sẽ cung cấp một số loại thuốc khác nhau sau khi phẫu thuật nhằm giảm đau và nhanh chóng chữa lành các vết thương. Hãy báo cho các bác sĩ hoặc y tá khi cơ thể có bất kỳ cảm giác nào không thoải mái mà bạn gặp phải để có cách xử trí nhanh chóng và chính xác nhất.

Dưới đây là một số loại thuốc phổ biến mà các sản phụ thường nhận được sau khi sinh mổ:

  • Thuốc giảm đau: Nếu sản phụ được gây tê ngoài màng cứng, cột sống hoặc gây mê toàn thân trước khi phẫu thuật, các bác sĩ có thể tiêm morphin hoặc một chất giảm đau khác giúp giảm tình trạng đau sau sinh đến 24 giờ. Trong nhiều trường hợp các bà mẹ có thể cần được tiêm thuốc giảm đau qua đường tĩnh mạch sau phẫu thuật.
Sau sinh mổ sản phụ được uống thuốc giảm đau
Sau sinh mổ sản phụ được uống thuốc giảm đau

  • Thuốc nhuận tràng: Các chất làm mềm phân, nhuận tràng cũng có thể được sử dụng để chống lại tác dụng phụ gây táo bón của các loại thuốc giảm đau.
  • Thuốc chứa simethicone: Nếu sản phụ gặp tình trạng đầy hơi khó tiêu, bác sĩ sẽ cung cấp một số loại thuốc chứa simethicone. Simethicone giúp các bong bóng khí kết hợp với nhau và khí thoát ra dễ dàng hơn. Simethicone an toàn đối với những bà mẹ cho con bú.
  • Vaccine: Trước khi rời khỏi bệnh viện, các sản phụ sẽ được tiêm bất kỳ loại vacxin nào cần thiết mà họ chưa được tiêm bao gồm rubella, thủy đậu, cúm mùa....

3. Phục hồi sinh mổ sau khi rời bệnh viện

Các sản phụ sẽ cần sự giúp đỡ của người thân nhiều hơn sau khi rời bệnh viện về nhà. Những người phụ nữ sau sinh cần nhiều thời gian để hồi phục và cần hạn chế tối đa những công việc có thể gây áp lực và khiến vết mổ tổn thương.

Dưới đây là những điều các sản phụ nên làm sau khi được ra viện

  • Thuốc giảm đau: Việc sử dụng thuốc giảm đau cần duy trì tối thiểu một tuần sau khi phẫu thuật. Ngoài ra cũng cần uống thêm thuốc nhuận tràng và uống nhiều nước để tránh bị táo bón.
  • Chữa lành vết mổ: Bất kỳ thứ gì gây tác động đến vùng bụng, đặc biệt là khu vực vết mổ đều sẽ khiến sản phụ cảm thấy đau. Tình trạng này sẽ cải thiện sau vài ngày khi vết mổ dần liền lại.
  • Chăm sóc vết mổ: Cần làm sạch vết mổ nhẹ nhàng bằng nước sạch trong khi tắm, đảm bảo giữ vết mổ khô ráo sau khi rửa sạch. Hiện nay, các vết mổ được khâu chủ yếu bằng loại chỉ y tế tự hủy do đó việc cắt chỉ là không cần thiết.
  • Chảy máu: Tình trạng chảy máu và tiết dịch âm đạo sẽ giảm dần, mặc dù trong nhiều trường hợp nó có thể kéo dài đến 6 tuần sau sinh. Dịch âm đạo sẽ chuyển dần từ màu đỏ tươi sang hồng và sang màu vàng trắng.
  • Nuôi con bằng sữa mẹ: Nuôi con bằng sữa mẹ là điều quan trọng nhất, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ. Cố gắng để trẻ bú trong tư thế thoải mái nhất mà không làm ảnh hưởng đến vết mổ của mẹ.
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp bé khỏe mạnh hơn
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp bé khỏe mạnh hơn
  • Đi bộ: Sau khi sinh mổ việc nghỉ ngơi là cần thiết, tuy nhiên các bà mẹ cũng được khuyến khích đi bộ nhẹ nhàng, thường xuyên. Đi bộ giúp ngăn ngừa nguy cơ xuất hiện các cục máu đông. Bắt đầu đi từ từ và tăng dần hoạt động qua từng ngày.
  • Tập thể dục: 6 đến 8 tuần sau sinh là quãng thời gian các bà mẹ có thể nghĩ đến những bài tập thể dục. Tuy nhiên chỉ nên tập những bài tập nhẹ đến vừa, tránh tập những bài tập quá nặng.
  • Quan hệ tình dục: Sản phụ sẽ không thể quan hệ tình dục trong ít nhất 6 tuần.
  • Băng vệ sinh: Để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng, không đặt bất cứ thứ gì vào âm đạo trong một vài tuần sau sinh. Hãy hỏi ý kiến các bác sĩ về thời gian có thể bắt đầu dùng băng vệ sinh.
  • Tắm: Để tránh nhiễm trùng, không nên ngâm mình trong nước trong ít nhất 6 tuần sau sinh.

Sau khi sinh con, người phụ nữ cần một khoảng thời gian nghỉ ngơi để hồi phục cả về thể chất lẫn tinh thần, khoảng thời gian này thường dài hơn đối với những người phụ nữ sinh mổ. Ngoài thời gian để tử cung, âm đạo trở lại trạng thái bình thường, họ cũng cần thời gian để vết mổ lành lại. Quá trình hồi phục tại nhà của người phụ nữ sau xuất viện sẽ cần sự giúp đỡ rất nhiều từ phía người thân trong các công việc nhà hoặc chăm sóc con cái.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

27.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan