Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Thiếu vi chất dinh dưỡng dẫn đến giảm bài tiết men tiêu hoá thức ăn, làm giảm hấp thu dinh dưỡng và gây ra tình trạng không tăng cân ở trẻ. Bổ sung vi chất dinh dưỡng vào các bữa ăn giúp trẻ ăn ngon miệng hơn, khỏe mạnh hơn, phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí não.

1. Vi chất dinh dưỡng là gì?

Vi chất dinh dưỡng là những chất có vai trò rất quan trọng dù cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ chỉ tính bằng mcg đến mg. Vi chất dinh dưỡng bao gồm nhóm các nguyên tố khoáng chất (Canxi, phốt pho, kẽm , sắt, iod, đồng, selen, ...) và các nhóm vitamin (A,B,C,D,E...) .

Các vi chất dinh dưỡng giúp xây dựng và phục hồi các tế bào và các mô tổn thương, tham gia vào các hoạt động hô hấp, chuyển hóa, bài tiết của tế bào. Đồng thời, vi chất dinh dưỡng cũng tham gia vào cơ chế hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể, xây dựng hệ thống miễn dịch, duy trì sự cân bằng của hệ thống nội môi, là thành phần chủ yếu để tạo ra các hormone, các dịch tiêu hóa. Vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ.

Thiếu vitamin và khoáng chất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển của cơ thể, đặc biệt là trẻ em. Thiếu vi chất dinh dưỡng gây giảm bài tiết men tiêu hóa thức ăn khiến trẻ ăn không ngon miệng, biếng ăn, rối loạn tiêu hoá, chậm tiêu hoá thức ăn; giảm hấp thu dinh dưỡng gây ra kém hấp thu, trẻ chậm tăng cân, thấp còi, suy nhược.

Thiếu vi chất dinh dưỡng
Thiếu vi chất dinh dưỡng là một trong các nguyên nhân gây ra tình trạng không tăng cân ở trẻ

2. Nguyên nhân trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng

Trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng các nguyên nhân phổ biến nhất là do trẻ biếng ăn, chế độ ăn thiếu dưỡng chất và hội chứng kém hấp thu.

Trẻ biếng ăn

Trẻ biếng ăn có thể do thức ăn không phù hợp với trẻ, không hấp dẫn, chế biến không hợp khẩu vị hoặc trẻ bị ám ảnh trong mỗi bữa ăn do bị cha mẹ ép ăn quá nhiều. Trẻ biếng ăn, chán ăn dẫn đến giảm lượng chất dinh dưỡng nạp cơ thể, làm trẻ chậm phát triển.

Chế độ ăn thiếu dưỡng chất

Thiếu vi chất dinh dưỡng trong chế độ ăn của trẻ là thiếu các nhóm dưỡng chất thiết yếu có trong thịt, cá, trứng, sữa, rau củ, chất béo. Với trẻ sơ sinh, nguyên nhân làm cho trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng thường gặp nhất là do mẹ ít sữa. Ngoài ra, những sai lầm như tư thế cho con bú không đúng, trẻ ngậm ti không đúng cách, sữa mẹ không đủ dưỡng chất cũng khiến trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng dù mẹ đủ sữa.

Hội chứng kém hấp thu

Hội chứng kém hấp thu là tình trạng cơ thể không hấp thu đầy đủ vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng trong suốt quá trình tiêu hóa. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt của các protein, carbohydrate, axit amin thiết yếu, các vitamin và khoáng chất cũng như các chất dinh dưỡng quan trọng khác cần cho sự điều hòa và phát triển của cơ thể.

Hội chứng kém hấp thu xảy ra ở trẻ em do nhiều nguyên nhân gây ra như:

  • Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng
  • Lớp màng nhầy bao phủ niêm mạc ruột dư thừa làm cản trở hấp thu
  • Mất cân bằng hệ vi khuẩn đường tiêu hoá
  • Viêm ruột, nhiễm trùng đường ruột

3. Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ

Để tránh tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, các phụ huynh nên áp dụng các biện pháp sau:

  • Trẻ sơ sinh nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên và ăn dặm khi trẻ được 6 tháng tuổi.
  • Trong giai đoạn phát triển, chế độ ăn của trẻ phải đảm bảo đủ các dưỡng chất và năng lượng bao gồm chất đạm, lysine, vitamin A, D, E, các vitamin nhóm B, canxi, kẽm, sắt, iốt. Ngoài ra, cách chế biến món ăn cũng cần đa dạng, thực đơn luân phiên để trẻ hào hứng ăn, không chán ngán khi ăn
  • Vì cơ thể không tổng hợp được vi chất dinh dưỡng mà cần phải cung cấp từ thực phẩm, nhưng đôi khi khẩu phần ăn không đầy đủ dưỡng chất khiến trẻ dù ăn nhiều vẫn thiếu dưỡng chất. Ngoài chế độ ăn bình thường, phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về thuốc bổ sung vi chất phù hợp cho từng độ tuổi. nhằm giúp trẻ hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
  • Bên cạnh dinh dưỡng đầy đủ, giấc đủ ngủ cũng giúp hệ tiêu hoá của trẻ hoạt động tốt hơn.
  • Tăng cường vận động cho trẻ bằng cách tham gia các hoạt động thể chất giúp trẻ ăn ngon miệng hơn, tăng sự co bóp của ruột và tăng quá trình tiêu hóa, hấp thu thức ăn.
Bú sữa mẹ
Cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ để tránh tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng

4. Thuốc bổ sung các vi chất dinh dưỡng

Thuốc bổ sung vi chất dinh dưỡng sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn, ăn nhiều hơn kích thích hệ tiêu hóa sản sinh ra các enzym. Từ đó trẻ sẽ hấp thụ tốt hơn các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, hỗ trợ tích cực trong việc tăng trưởng chiều cao và cân nặng, tăng sức đề kháng.

Tóm lại, vi chất dinh dưỡng là những chất rất cần thiết cho sự sống còn của cơ thể, giúp tăng sức đề kháng. Thiếu vi chất dinh dưỡng làm giảm bài tiết men tiêu hoá thức ăngiảm hấp thu dinh dưỡng, gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển của cơ thể. Vì vậy phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là việc rất cần thiết, để trẻ có thể phát triển toàn diện và tối ưu.

Ngoài bổ sung qua chế độ ăn uống, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng thực phẩm hỗ trợ có chứa vitamin và các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen, vitamin B1... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

>> Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm: Tác hại khi trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng - Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

30.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan