Thiếu Selen ở trẻ gây ra những vấn đề nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Bùi Thị Hà - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Selen là một trong những loại khoáng chất có vai trò vô cùng quan trọng đối với nhiều khía cạnh sức khỏe của trẻ nhỏ. Tình trạng thiếu selen ở trẻ có thể gây ra các vấn đề nhất định, chẳng hạn như mệt mỏi, căng thẳng, dễ ốm vặt, mất sắc tố da, tăng nguy cơ ung thư và nhiễm trùng.

1. Selen có vai trò quan trọng như thế nào đối với sức khỏe của trẻ?

Selen là một loại khoáng chất đóng vai trò trọng yếu đối với nhiều khía cạnh sức khỏe của cả người lớn và trẻ nhỏ. Theo nghiên cứu cho biết, selen góp mặt vào ít nhất 13 loại protein, được chia thành 2 nhóm chính, bao gồm reductase thioredoxin và glutathione peroxidase.

Đối với cơ thể con người, selen được biết đến là một chất tương tự như chất chống oxy hóa, giúp làm chậm quá trình lão hoá của cơ thể. Ngoài ra, nó cũng góp phần ngăn ngừa một số nguy cơ gây các bệnh lý nghiêm trọng, chẳng hạn như ung thư.

Đối với trẻ nhỏ, selen mang lại một số lợi ích sức khỏe nổi bật sau đây:

1.1 Hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển ở trẻ nhỏ

Thực tế, selen là một yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy quá trình chuyển hoá iod diễn ra. Tình trạng thiếu selen (hay thiếu selenium) ở trẻ có thể làm cản trở đến quá trình này. Ngoài ra, nồng độ khoáng vi lượng selen thấp hơn bình thường cũng là một dấu hiệu cảnh báo trẻ bị bướu cổ.

Mặt khác, selen cũng hoạt động dưới vai trò là một enzyme, hỗ trợ đắc lực cho quá trình sản xuất hormone ở tuyến giáp. Điều này đã cho thấy selen có một tầm ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Nếu cơ thể bị thiếu selen, trẻ có thể bị chậm phát triển, tăng trưởng và dễ mắc một số bệnh lý nhất định.

1.2 Tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch của trẻ

Selen được xem là thành phần cốt lõi trong men glutathione peroxidase – loại men có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển của tế bào bạch cầu. Đồng thời, cũng tác động lớn tới hệ thống miễn dịch của cơ thể. Việc thiếu selen ở trẻ có thể gây ra một số ảnh hưởng xấu tới chức năng của hệ miễn dịch, khiến suy giảm khả năng chống lại sự nhiễm trùng và các hoạt động của bạch cầu cũng như tuyến ức.

Nếu bổ sung đầy đủ selen cho trẻ nhỏ, nó sẽ giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ, ngăn ngừa các nguy cơ nhiễm vi khuẩn hoặc virus gây hại cho cơ thể. Bên cạnh đó, thiếu selen có thể làm giảm khả năng phục hồi cấu trúc của DNA và hạn chế sự thanh lọc cơ thể ở trẻ.

Trẻ biếng ăn sau tiêm
Triệu chứng thiếu selen điển hình là trẻ mệt mỏi, hay ốm vặt

2. Thiếu selen trẻ có thể mắc phải các vấn đề gì?

“Vậy thiếu selen gây ra những tình trạng bệnh lý nào ở trẻ?”. Thực tế, khi cơ thể bị thiếu selen (hay thiếu selenium), bé có thể mắc phải những vấn đề sau đây:

2.1 Rụng tóc

Selen được biết đến với chức năng giúp chuyển đổi hormone T4 ở tuyến giáp thành T3 (một dạng hoạt động tốt hơn). Tình trạng thiếu selen ở trẻ có thể gây ra các triệu chứng của suy giáp, trong đó bao gồm cả rụng tóc.

2.2 Mệt mỏi

Đây là một trong những triệu chứng thiếu selen thường gặp nhất ở trẻ. Nguyên nhân gây mệt mỏi ở trẻ nhỏ có thể là do cơ thể bé đang bị thiếu selen, khiến cho hoạt động của tuyến giáp bị ảnh hưởng đáng kể.

Để giúp trẻ cải thiện được tình trạng này, bạn nên cho bé tiêu thụ đầy đủ các loại thực phẩm có chứa protein, carbohydrate, sắt, vitamin D và chất béo.

2.3 Vết thương dễ bị nhiễm trùng

Tình trạng thiếu selen ở trẻ có thể khiến cho hệ miễn dịch bị suy yếu. Điều này cũng góp phần làm giảm khả năng phòng vệ của cơ thể trước những tác nhân gây bệnh bên ngoài, đặc biệt là bệnh ung thư.

2.4 Gây mất sắc tố da của trẻ

Thiếu selen có thể đem đến những tác động xấu tới làn da của trẻ, chẳng hạn như mất sắc tố da. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nặng nề selen ở trẻ cũng có thể gây ra một số rối loạn tim nguy hiểm.

Tuy nhiên, những vấn đề trên thường hiếm khi xảy ra vì selen thường có nhiều trong các loại thực phẩm và rất dễ bổ sung.

2.5 Trẻ dễ bị ốm

Nếu bạn đã cho trẻ tiêm phòng đầy đủ và thực hiện các bước đảm bảo vệ sinh nhưng trẻ vẫn thường xuyên bị ốm, điều này rất có thể là do trẻ đang bị thiếu selen. Khi cơ thể không sản xuất đủ lượng glutathione peroxidase, hệ miễn dịch của trẻ sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn và khiến bé dễ mắc bệnh hơn.

2.6 Gây căng thẳng cho trẻ

Selen được biết đến với vai trò tương tự như một chất chống oxy hóa cực mạnh. Nó giúp đẩy lùi tình trạng stress oxy hóa gây tổn thương đến các tế bào trên cơ thể. Vì vậy, bạn cần bổ sung selen đầy đủ cho bé thông qua chế độ ăn uống hàng ngày để đảm bảo trẻ có thể nhận được những lợi ích sức khỏe tuyệt vời trên.

2.7 Bệnh Keshan ở trẻ

Loại bệnh này thường xảy ra khi cơ thể trẻ bị thiếu selen. Các triệu chứng của bệnh Keshan sẽ có các biểu hiện của bệnh cơ tim, thường được chia thành 4 cấp độ chính: Tiềm ẩn, mạn tính, bán cấp và cấp tính.

Trẻ biếng ăn
Thiếu selen gây ra nhiều vấn đề ở trẻ

3. Các cách giúp khắc phục tình trạng thiếu selen ở trẻ

Những triệu chứng thiếu selen ở trẻ như mệt mỏi, căng thẳng, chán ăn, dễ ốm vặt khiến cho các bậc cha mẹ vô cùng lo lắng và không biết nên khắc phục chúng như thế nào. Để bổ sung selen cho bé bố mẹ có thể tham khảo sử dụng các thực phẩm chức năng có nguồn gốc tự nhiên, an toàn, lành tính và không gây hại tới niêm mạc của trẻ.

4. Tình trạng nhiễm độc selen ở trẻ

Mặc dù việc bổ sung selen cho trẻ là rất quan trọng, tuy nhiên khi dùng ở liều cao (> 900 mcg/ngày), chất dinh dưỡng này có thể gây ra tình trạng nhiễm độc selen.

Các dấu hiệu chính cảnh bảo nhiễm độc selen ở trẻ thường bao gồm: Buồn nôn, tiêu chảy, khó chịu, chán ăn, móng tay bất thường, rụng tóc, bệnh lý thần kinh ngoại biên, viêm da hoặc hơi thở có mùi tỏi. Để điều trị cho tình trạng nhiễm độc selen, bạn nên giảm liều lượng tiêu thụ loại khoáng chất này cho bé.

Để cải thiện tình trạng thiếu selen và ngăn ngừa nguy cơ nhiễm độc loại khoáng chất này ở trẻ, bạn nên lựa chọn các loại sản phẩm bổ sung selen có hàm lượng trong mức khuyến nghị của các chuyên gia dinh dưỡng. Việc bổ sung selen với liều lượng vừa đủ sẽ hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng, cung cấp các axit amin cần thiết, ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng và giải quyết các tình trạng biếng ăn hoặc chán ăn ở trẻ.

Bên cạnh đó, cha mẹ còn cần bổ sung cho con các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, vitamin B1, ... để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Việc bổ sung các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ

Để có thêm kiến thức nuôi con khỏe mạnh, bố mẹ hãy chủ động cập nhật các thông tin y tế hữu ích trên website Vinmec.com và liên hệ ngay với các bác sĩ, chuyên gia tại Vinmec khi cần hỗ trợ nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan