Thiếu sắt có thể ảnh hướng đến việc học tập của trẻ vị thành niên

Thiếu sắt là tình trạng không hiếm gặp ở trẻ em và là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu máu. Học sinh bị thiếu máu thiếu sắt có thể gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất lẫn tinh thần. Câu hỏi đặt ra là thiếu sắt có ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ hay không và nên điều trị, phòng ngừa như thế nào?

1. Vai trò của sắt đối với trẻ em

Các chương trình can thiệp dinh dưỡng tại Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung ưu tiên cho 2 nhóm đối tượng là phụ nữ đang mang thai và trẻ em, trong đó đặc biệt là lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên. Giai đoạn này được xem là giai đoạn trẻ đang hoàn thiện và phát triển cơ thể, đồng thời xảy ra nhiều sự thay về tâm lý, sinh lý... nên cần một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khoa học và hợp lý.

Trong chế độ dinh dưỡng cho lứa tuổi học sinh, bên cạnh các nhóm chất cơ bản thì chất sắt cũng vô cùng cần thiết. Sắt là nguyên tố tham gia vào quá trình hình thành huyết sắc tố (Hemoglobin) để vận chuyển oxy đến các cơ quan trong cơ thể. Thiếu sắt là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu máu ở trẻ em. Nhu cầu sắt ở giai đoạn thanh thiếu niên niên thường được thông qua chế độ ăn giàu chất sắt giá trị sinh học cao. Tuy nhiên, ở Việt Nam do khả năng tiếp cận các nguồn thực phẩm có hàm lượng chất sắt giá trị sinh học cao rất thấp nên tình trạng học sinh bị thiếu máu thiếu sắt rất phổ biến.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thiếu sắt ở trẻ em xảy ra khi lượng sắt cung cấp cho cơ thể thấp hơn nhu cầu thực mà trẻ cần mỗi ngày. Các dấu hiệu của tình trạng thiếu máu ở tuổi thanh thiếu niên do thiếu sắt bao gồm giảm khả năng tập trung, trẻ trở nên kém linh hoạt và kém nhạy bén với các hoạt động hằng ngày, một số trường hợp còn tỏ ra rất chậm chạp. Đặc biệt nhiều trường hợp học sinh bị đau đầu, suy giảm khả học tập và ghi nhớ bài học xuất phát từ nguyên nhân thiếu sắt. Bên cạnh đó, về mặt thể chất, học sinh bị thiếu sắt thiếu máu sẽ có những triệu chứng như da niêm nhợt nhạt, dễ hoa mắt và chóng mặt, thường xuyên mệt mỏi, yếu ớt và lờ đờ.

Thiếu máu ở tuổi thanh thiếu niên do thiếu sắt có thể gây ra nhiều hệ luỵ cả về ngắn hạn lẫn dài hạn, trong đó bao gồm các rối loạn chức năng vận động, chức năng của các giác quan hoặc các rối loạn hành vi và cảm xúc. Chậm phát triển về nhận thức, tâm lý do học sinh bị thiếu máu thiếu sắt có thể khiến thành tích học tập bị suy giảm, đặc biệt là trẻ khó đáp ứng với các bài kiểm tra về ngôn ngữ, kỹ năng vận động và phối hợp. Tình trạng này được các chuyên gia đánh giá tương đương với chỉ số IQ bị thâm hụt từ 5-10 điểm.

2. Học sinh bị thiếu máu thiếu sắt do đâu?

Học sinh bị đau đầu, suy giảm học tập do thiếu máu thiếu sắt xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Mất máu: Nguyên nhân này thường xảy ra ở trẻ nữ đã có chu kỳ kinh nguyệt do lượng máu kinh mất đi mỗi tháng. Ngoài ra, thiếu sắt ở trẻ em có thể do tình trạng viêm loét đường tiêu hóa gây chảy máu mãn tính. Bên cạnh đó, những trẻ thường xuyên hiến máu mà không bổ sung kịp chất sắt cũng có thể bị thiếu sắt;
  • Giảm hấp thu sắt: Bình thường, cơ thể trẻ sẽ hấp thụ sắt từ thức ăn qua đường tiêu hóa. Do đó khi ống tiêu hóa không hoạt động bình thường, như mắc một số bệnh như bệnh Celiac, viêm dạ dày tự miễn, các dạng viêm dạ dày khác hay phẫu thuật cắt bỏ dạ dày... sẽ dẫn đến việc hấp thu sắt không đầy đủ và khiến học sinh bị thiếu máu thiếu sắt;
  • Cung cấp không đủ: Nguyên nhân hàng đầu gây thiếu sắt ở trẻ em là do thiếu cung cấp thông qua chế độ ăn, đặc biệt là tại Việt Nam.

Theo khuyến nghị của WHO, phụ huynh có con nhỏ dưới 12 tuổi nên cho con tầm soát thiếu máu thiếu sắt bằng các biện pháp như thăm khám lâm sàng, thực hiện xét nghiệm (bao gồm định lượng huyết sắc tố, tổng phân tích tế bào máu, phết tế bào ngoại vi và các xét nghiệm vi chất sắt...) định kỳ. Việc tầm soát rất quan trọng do sẽ giúp trẻ tránh được những rủi ro do thiếu sắt, đồng thời xác định được các nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ để phòng tránh thiếu máu thiếu sắt hiệu quả.

3. Điều trị thiếu sắt gây thiếu máu ở tuổi thanh thiếu niên

Tình trạng học sinh bị thiếu máu thiếu sắt cần được điều trị tập trung vào nguyên nhân dẫn đến thiếu sắt. Mục tiêu điều trị cụ thể là bổ sung lượng sắt dự trữ cho cơ thể trẻ, có thể bằng đường uống hoặc đường tĩnh mạch.

Trong đó, bổ sung sắt đường uống là phương pháp điều trị chính, bao gồm sử dụng viên bổ sung dưới dạng sắt vô cơ ferro (sắt 2+). Mặc dù cơ thể trẻ có thể sử dụng cả sắt ferro (sắt 2+) và sắt ferric (sắt 3+) nhưng dạng 2+ dễ đi vào ruột và hấp thu tốt hơn.

Lưu ý, sắt được hấp thụ tốt nhất khi đói. Tuy nhiên, trẻ sử dụng viên bổ sung sắt lúc đói lại có xu hướng gây kích ứng dạ dày và dẫn đến một số tác dụng phụ không mong muốn như buồn nôn, khó chịu thượng vị, chướng bụng, ợ chua, tiêu chảy hoặc táo bón. Nếu những tác dụng phụ này xảy ra, bác sĩ sẽ yêu cầu trẻ uống viên sắt cùng với bữa ăn thay vì lúc bụng đói. Tuy nhiên, điều này sẽ làm giảm khả năng hấp thụ sắt.

Bác sĩ thường chỉ định trẻ uống viên sắt 3 lần/ngày, có thể điều chỉnh tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh thiếu máu ở tuổi thanh thiếu niên và khả năng chịu đựng của bệnh nhân. Liều khuyến cáo từ 4-6 mg/kg cân nặng cơ thể. Vitamin C hỗ trợ tăng hấp thu sắt nhưng đồng thời cũng tăng nguy cơ kích ứng niêm mạc dạ dày do hỗ trợ duy trì sắt ở trạng thái khử. Điều trị thiếu máu thiếu sắt bằng cách bổ sung sắt nên được duy trì từ 4 đến 5 tháng, ngay cả khi chỉ số Hemoglobin khôi phục về mức bình thường nhằm mục đích bổ sung lượng sắt dự trữ cho cơ thể trẻ.

Bổ sung sắt đường tĩnh mạch được sử dụng khi việc uống viên sắt không khắc phục được tình trạng thiếu máu ở tuổi thanh thiếu niên, hoặc do bệnh nhân không dung nạp viên uống. Trong những trường hợp này, trẻ có thể được bác sĩ chỉ định tiêm sắt dưới dạng sắt Dextran. Mặc dù hiệu quả của đường tĩnh mạch sẽ nhanh hơn, nhưng đồng thời sẽ đắt hơn và không an toàn bằng đường uống.

4. Dự phòng thiếu máu ở tuổi thanh thiếu niên do thiếu sắt

Trước tiên, để dự phòng tình trạng học sinh bị thiếu máu thiếu sắt thì trẻ cần đảm bảo không bị thiếu sắt ở những giai đoạn trước đó. Trong đó bao gồm cả việc bổ sung sắt đầy đủ cho bà bầu để trẻ có lượng sắt dự trữ đầy đủ trước khi được sinh ra. Ngoài ra, trẻ sau sinh cần ưu tiên những vấn đề sau để hạn chế thiếu sắt:

  • Mẹ cần được bổ sung sắt đầy đủ từ chế độ dinh dưỡng;
  • Trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn và có thể bổ sung thêm sắt bằng các sản phẩm hỗ trợ nếu cần thiết;
  • Thời gian bú sữa mẹ hoàn toàn nên duy trì trong ít nhất 6 tháng đầu đời, sau đó có thể vẫn bú mẹ kết hợp chế độ ăn dặm đầy đủ dưỡng chất;
  • Những trường hợp mẹ không đủ sữa cho trẻ bú cần sử dụng các sản phẩm bổ sung sắt thay thế;
  • Lưu ý: Sữa bò không phải là thực phẩm giàu chất sắt.

Biện pháp dự phòng thiếu sắt ở học sinh kế tiếp là đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, trong đó cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Không sử dụng một nhóm thực phẩm bổ sung sắt thường xuyên, thay vào đó nên luân phiên thay đổi các món ăn để tăng khả năng hấp thu;
  • Nguồn bổ sung sắt từ tự nhiên thường là các nhóm thực phẩm có màu đỏ hoặc xanh thẫm, như thịt heo, thịt bò, rau dền, củ dền, các loại rau có màu xanh đậm...

Khi đã đảm bảo chế độ dinh dưỡng hài hòa và tăng cường bổ sung thức ăn giàu chất sắt, cha mẹ cần tăng cường khả năng hấp thu sắt bằng những biện pháp sau:

  • Cho trẻ ăn kết hợp thực phẩm giàu sắt với thực phẩm giàu Vitamin C để tăng khả năng hấp thu sắt;
  • Một số thực phẩm nhiều vitamin C hay gặp bao gồm dưa hấu, kiwi, dâu tây, cà chua, các loại trái cây họ cam quýt...;
  • Hạn chế thực phẩm giàu tanin, gluten... vì các chất này làm giảm khả năng hấp thu sắt và acid folic của đường ruột.

Thường xuyên tẩy giun cho trẻ và điều trị các bệnh lý về đường tiêu hóa... là một cách dự phòng thiếu máu ở tuổi thanh thiếu niên. Mục đích là không làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu sắt và không làm thất thoát lượng sắt đã hấp thu.

Tất cả trường hợp trẻ thiếu cân, suy dinh dưỡng nên được kiểm tra xét nghiệm máu để phát hiện sớm tình trạng thiếu máu và điều trị thiếu máu sắt càng sớm càng tốt.

Học sinh bị thiếu máu thiếu sắt hoàn toàn có thể phòng tránh được. Vì vậy, cha mẹ nên có các biện pháp chủ động, bắt đầu từ lúc mang thai cho đến sau khi sinh và giai đoạn trẻ phát triển vượt bậc về thể chất. Nguồn bổ sung chất sắt nên ưu tiên từ tự nhiên. Các trường hợp thiếu hụt hoặc không thể bổ sung bằng đường ăn thì bổ sung bằng các viên uống hoặc đường tĩnh mạch.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

285 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan