Thiếu kẽm - thực trạng báo động ở trẻ em Việt Nam

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú, Thạc sĩ Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Theo các nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam về vấn đề dinh dưỡng toàn quốc thì có tới gần 70% trẻ em dưới 5 tuổi ở nước ta bị thiếu kẽm dù đây là một nguyên tố vi lượng rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Thiếu kẽm là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chứng biếng ăn ở trẻ, suy dinh dưỡng và thấp còi.

1. Thực trạng thiếu kẽm của trẻ em Việt Nam

Kẽm là vi chất cần cho sự tăng trưởng và phát triển của các chức năng miễn dịch, tiêu hóa, nội tiết cũng như cơ xương nên khi thiếu kẽm sẽ dẫn đến suy giảm tiêu thụ năng lượng gây thiếu năng lượng tế bào và nhiều dưỡng chất khác. Theo thống kê về thực trạng thiếu kẽm của trẻ thì cứ 10 trẻ dưới 5 tuổi ở nước ta thì có tới 7 trẻ thiếu kẽm và 10 thai phụ có đến 8 người bị thiếu kẽm trong giai đoạn mang thai.

Nguyên nhân thiếu kẽm được cho là do bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam hiện thiếu các thực phẩm giàu kẽm, bữa ăn có chất lượng kém, thiếu thức ăn có nguồn gốc động vật. Đặc biệt đối với các trẻ biếng ăn, khẩu phần ăn của trẻ không phong phú, cách chế biến thức ăn không hợp lý làm mất hàm lượng kẽm trong thức ăn. Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh tràn lan trong thời đại này cũng dẫn tới hàm lượng kẽm trong cơ thể trẻ bị giảm.

2. Trẻ thiếu kẽm có biểu hiện như thế nào?

Như đã đề cập, kẽm tham gia vào hoạt động của enzyme, vào biểu hiện kiểu gen, phân chia tế bào và phát triển cơ thể. Kẽm cũng tham gia vào chức năng sinh sản, miễn dịch, điều hòa vị giác, cảm giác ngon miệng nên thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng đến vị giác và khứu giác khiến trẻ không có cảm giác ngon miệng khi ăn. Lâu dần tình trạng biếng ăn của trẻ kết hợp với thiếu kẽm làm trẻ chậm phát triển thể chất đặc biệt là chiều cao. Bên cạnh đó, thiếu kẽm có gây ra nhiều biểu hiện khác như sau:

  • Suy giảm hệ thống miễn dịch khiến trẻ dễ cảm lạnh, cảm cúm hay nhiễm trùng
  • Tóc khô, dễ gãy, dễ rụng do suy yếu các tế bào trên da đầu
  • Rối loạn giấc ngủ, trẻ dễ nổi cáu do kẽm giúp vận chuyển canxi vào não, là một chất giúp ổn định thần kinh
  • Rối loạn tiêu hóa và chuyển hóa: giảm bú, giảm ăn, không ăn thịt cá, chậm tiêu, táo bón nhẹ, buồn nôn và nôn kéo dài
  • Nhiễm trùng hô hấp tái diễn, viêm đường tiêu hóa, viêm da
  • Tổn thương mắt gồm sợ ánh sáng, quáng gà, khô mắt, loét giác mạc
  • Vết thương khó lành do thiếu kẽm làm giảm quá trình tân tạo ra các tế bào và enzyme mới
Thiếu kẽm - thực trạng báo động ở trẻ em Việt Nam
Tình trạng biếng ăn của trẻ kết hợp với thiếu kẽm làm trẻ chậm phát triển chiều cao

3. Phòng ngừa thiếu kẽm ở trẻ nhỏ như thế nào?

Các phương pháp nhằm phòng ngừa thiếu kẽm, thiếu vi chất ở trẻ bao gồm:

  • Tăng cường làm mới và đa dạng chế độ ăn của trẻ, sử dụng thực phẩm giàu kẽm, thay đổi thói quen ăn uống có lợi cho hấp thụ kẽm
  • Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú đến 24 tháng
  • Bổ sung thực phẩm chứa vitamin C có thể làm tăng khả năng hấp thụ kẽm như rau xanh, hoa quả
  • Các thực phẩm giàu kẽm có thể sử dụng gồm cua biển, thịt bò, tôm, thịt, cá
  • Tiêm chủng đúng lịch cho trẻ ngừa các bệnh như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gam B
  • Tẩy giun định kỳ cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, 6 tháng một lần

Khi đã hiểu rõ được vai trò của kẽm đối với sự phát triển của trẻ nhỏ, cha mẹ có thể cân nhắc bổ sung kẽm trong chế độ ăn hàng ngày của con hay thông qua các loại thực phẩm chức năng được bác sĩ tư vấn để giúp con phát triển được toàn diện.

Ngoài bổ sung kẽm, cha mẹ có thể cho bổ sung cho trẻ các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen, ... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan