Tại sao trẻ thường bị táo bón?

Táo bón là tình trạng trẻ đi đại tiện phân to, cứng, khô và khoảng cách giữa hai lần đi ngoài quá lâu. Đây là dấu hiệu cảnh báo hệ tiêu hóa không khỏe mạnh, chế độ ăn thiếu nước, thiếu chất xơ. Đối với trẻ số lần đại tiện hàng ngày khác nhau theo từng lứa tuổi.

Nội dung video được tư vấn chuyên môn được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trung tâm Nhi - Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City

1. Nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón

Với trẻ dưới 1 tuổi: Thường đi đại tiện 2-3 lần một ngày, nhưng nếu trẻ chỉ đi 1 lần 1 ngày nhưng phân mềm dẻo, khối lượng bình thường thì vẫn không gọi là táo bón. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón ở trẻ trong đó được chia thành 2 nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, nguyên nhân thực thể như phình đại tràng bẩm sinh, suy giáp, bệnh xơ nang, một số bệnh lý thần kinh- cơ, tác dụng phụ của một số thuốc điều trị ở trẻ

Thứ 2, nguyên nhân chức năng (chiếm 90-95%)

  • Việc trẻ nhịn không chịu đi ngoài là nguyên nhân thường gặp nhất. Khi trẻ càng nhịn thì phân ở trong ruột càng lâu và to khiến cho trẻ càng gặp khó khăn khi đi ngoài hậu quả là trẻ có thể bị táo bón lâu dài.
  • Thay đổi môi trường toilet (trẻ mới đi học)
  • Trẻ nhỏ thường bị táo bón nếu được cho ăn thức ăn đặc một cách đột ngột, đặc biệt là ở những trẻ mới ăn dặm. Táo bón cũng có thể xảy ra khi bé cai sữa mẹ. Nguyên do là việc cai sữa đôi khi khiến bé bị giảm nguồn cung cấp nước, và sữa mẹ vốn dĩ có tác dụng xổ nhẹ, giúp trẻ dễ đi ngoài hơn.
  • Thành phần protein khác nhau trong sữa công thức có thể là nguyên nhân gây táo bón ở trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh dùng sữa công thức với lượng nhiều và bị táo bón thường có phân xanh và cứng.
  • Táo bón cũng hay gặp ở những trẻ bị thiếu nước và mất nước, khi đó cơ thể sẽ hấp thụ chất lỏng từ bất cứ đâu trong cơ thể từ thức ăn, đồ uống thậm chí là phân điều đó vô tình lại khiến phân trở nên rắn và khô.
  • Ngoài ra chế độ ăn thiếu chất xơ cũng gây nên táo bón. Chất xơ từ những loại rau, củ quả góp phần làm tăng thể tích cho phân, làm cho phân mềm hơn.

2. Những dấu hiệu nhận biết cho thấy trẻ có nguy cơ táo bón

Những dấu hiệu điển hình cho thấy trẻ có nguy cơ táo bón gồm:

  • Trẻ có biểu hiện đau rát khi đi vệ sinh: khuôn phân to cứng khiến trẻ bị đau hậu môn khi đi vệ sinh, nguy hiểm hơn nữa là khi trẻ sợ đau, chúng sẽ càng cố nhịn đi vệ sinh điều đó dẫn đến tình trạng táo bón trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Đi ngoài phân to kèm theo máu ở khuôn phân
  • Són phân không có kiểm soát: Một khi trẻ bị táo bón đồng nghĩa với việc dịch ruột sẽ ứ lại quanh khối phân cứng gây tắc nghẽn. Trong trường hợp dịch ứ nhiều sẽ gây nên triệu chứng són phân lỏng, khiến trẻ bị táo bón nhiều, phân bón thường cứng.
  • Bên cạnh đó đau bụng quanh rốn và hố chậu trái cũng có thể xảy ra đối với trẻ bị táo bón
  • Trẻ xuất hiện trĩ hậu môn

Khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu trên thì khả năng cao con đã bị táo bón, cha mẹ cần nghĩ tới hướng điều trị để con cảm thấy dễ chịu cũng như không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân
Chế độ ăn góp phần rất lớn trong việc cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ

3. Cách giúp trẻ cải thiện hệ tiêu hoá cũng như điều trị chứng táo bón

3.1 Thứ nhất, duy trì chế độ dinh dưỡng cho trẻ

Trong chế độ ăn dành cho trẻ bị táo bón nặng cần cho trẻ uống đủ nước, chế độ ăn nhiều rau quả. Ngoài ra nên dạy cho trẻ có thói quen đi vệ sinh không được nhịn bên cạnh việc bổ sung nước cũng như chất xơ.

Đối với trẻ đang bú mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ vì sữa mẹ có chứa thành phần cân bằng chất béo và protein, chất xơ, nước... Sữa mẹ còn có chất gây xổ nhẹ khiến trẻ đại tiện dễ dàng... Điều này khiến phân của bé luôn luôn mềm, ngay cả khi bé không đi vệ sinh trong một vài ngày.

Đối với trẻ ăn dặm: Trong giai đoạn tập ăn dặm, các món như bột sữa, bột ngũ cốc, cháo ngũ cốc... thường thiếu chất xơ. Việc trẻ được cho ăn những thức ăn này quá sớm có thể khiến bé bị táo bón.

Trẻ lớn hơn: Nên tập cho trẻ có thói quen uống nhiều nước cũng như ăn nhiều rau củ quả cũng như tránh việc nhịn đi ngoài để đảm bảo trẻ không bị táo bón.

Cung cấp thêm chất xơ cho bé thông qua ngũ cốc nguyên cám, hoa quả chín và rau xanh như: cam, quýt, bưởi, chuối, bơ, đu đủ chín, súp lơ, mồng tơi, rau dền...

3.2 Thứ 2, cho trẻ uống nhiều nước

  • Trẻ bắt đầu ăn dặm từ 6 - 12 tháng cần uống 600ml nước/ngày (bao gồm: sữa, nước, nước trái cây...).
  • Trẻ 1 - 3 tuổi cần uống 900ml nước/ngày.
  • Trẻ 3 - 5 tuổi cần uống 1200ml nước/ngày.
  • Trẻ lớn hơn 10 tuổi uống bằng người lớn: 1500 - 2000 ml nước/ngày.

3.3 Thứ 3, tập cho trẻ đi vệ sinh đúng giờ

Tập cho bé đi vệ sinh vào một giờ nhất định trong ngày để hình thành cho cơ thể bé phản xạ đi vệ sinh hàng ngày. Khi thấy bé đang chơi bỗng nhiên chạy vô góc nhà đứng hoặc ngồi: đó là dấu hiệu bé đang nín nhịn. Mẹ nên khuyến khích bé đi tiêu lúc này.

3.4 Thứ 4, massage bụng bé hằng ngày

Điều này rất tốt và hiệu quả với trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi để kích thích nhu động ruột của bé, giúp ruột già đào thải phân dễ dàng hơn. Trước khi xoa bụng cho bé, mẹ nên xoa 2 bàn tay vào nhau cho ấm lên rồi xoa bụng nhẹ nhàng cho bé theo chiều kim đồng hồ. Mỗi lần thực hiện kéo dài từ 10 - 15 phút.

Tốt nhất để hạn chế việc trẻ nhỏ bị táo bón cũng như phải sử dụng kháng sinh, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời, bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan