Sự phát triển của trẻ sinh non ở tuần 26 -28

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú, Thạc sĩ Đặng Thị Ngoan - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Trẻ sơ sinh từ 26 đến 28 tuần mặc dù được xem là rất non tháng nhưng vẫn có tiên lượng tốt hơn nhiều so với những trẻ sinh ra sớm hơn nhờ vào những tiến bộ khoa học kĩ thuật trong chăm sóc trẻ non tháng.

1. Cách phân loại trẻ sơ sinh non tháng

Quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh, thời gian lưu trú tại NICU và khả năng bị biến chứng phụ thuộc vào xếp loại trẻ sinh non. Nói chung, em bé của bạn được sinh ra càng sớm, khả năng sống sót càng thấp, khả năng mắc các bệnh lý nghiêm trọng cao hơn và thời gian ở lại NICU càng lâu và phức tạp hơn. Các phân loại chung bao gồm:

  • Sinh cực non tháng: Trẻ sinh ra vào hoặc trước 28 tuần của thai kỳ
  • Rất non tháng: Trẻ sinh ra khi thai chưa được 32 tuần
  • Sinh non vừa phải. Trẻ sinh ra từ tuần thứ 32 đến 34 của thai kỳ
  • Sinh non muộn. Trẻ sinh ra từ 34-36 tuần thai kỳ

Trẻ sinh non không chỉ được phân loại theo tuổi thai. Sức khỏe của trẻ sinh non và việc điều trị trong NICU cũng liên quan nhiều đến kích thước khi sinh - thường thì trẻ càng nhỏ, cơ hội nằm viện lâu hơn và khả năng bị biến chứng càng lớn:

  • Trẻ sơ sinh nhẹ cân là những trẻ sinh ra có trọng lượng dưới 2500g
  • Trẻ sơ sinh rất nhẹ cân là những trẻ sinh ra có trọng lượng dưới 1500g
  • Trẻ sơ sinh cực kỳ nhẹ cân là những trẻ sinh ra có trọng lượng dưới 1000g

Những trẻ sơ sinh siêu nhỏ được xem là những em bé sinh cực non và cực nhẹ cân, được sinh ra với cân nặng dưới 1 pound, 12 ounce (800 gam) hoặc trước 26 tuần tuổi thai.

Trẻ sinh non rất dễ mắc nhiễm khuẩn sơ sinh
Trẻ sinh non không chỉ được phân loại theo tuổi thai

2. Sự phát triển của trẻ sinh non 26 đến 28 tuần tuổi thai

Ở tuần thứ 26-28, em bé trong bụng mẹ tiếp tục tăng cân và dài ra. Nhưng nếu em bé sinh non của bạn bị ốm, sự tăng cân của bé có thể không theo kịp với em bé được nuôi dưỡng trong bụng mẹ. Khi được 26 tuần, trẻ sinh non nặng khoảng 1000 đến 1100 g và dài khoảng 38cm khi tính từ đầu đến chân. Những đứa trẻ sinh ra vào thời điểm này còn được gọi là trẻ sinh cực non, chúng phải đối mặt thời gian nằm tại NICU lâu và gặp nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến sinh non. Ngoài ra, các bác sĩ sẽ áp dụng kế hoạch cho ăn theo giai đoạn, cẩn thận để bảo vệ đường ruột non nớt của trẻ khỏi bị nhiễm trùng và điều này có thể làm chậm tăng cân

Khi được 26 tuần, phổi của trẻ sinh non bắt đầu phát triển các phế nang, các túi khí cho phép trao đổi khí. Khi đó trẻ vẫn còn quá nhỏ để thở mà không cần sự trợ giúp, đây là một cột mốc quan trọng. Em bé sinh non trong giai đoạn này vẫn có trương lực cơ thấp và có khả năng bị co giật và run. Các mốc phát triển khác của trẻ 26 tuần là sự phát triển của phản xạ giật mình. Một đứa trẻ sinh ra vào thời điểm này sẽ giật mình vì những tiếng động lớn - một phản ứng bình thường của hệ thần kinh của chúng. Dấu chân và dấu vân tay của trẻ cũng đang phát triển ở giai đoạn này.

Đến tuần thứ 27, có sự tiên lượng khá tốt cho những trẻ này, chúng có tỷ lệ sống sót sau sinh trước và xuất viện NICU cao hơn 95 %. Tuy nhiên, trẻ 27 đến 28 tuần vẫn cần được chăm sóc y tế nhiều và có thể sẽ ở lại NICU trong thời gian dài. Khi được 28 tuần, trẻ sinh non nặng khoảng 2,5kg và dài khoảng 40 – 41 cm từ đầu đến chân.

Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu chớp mắt. Chúng cũng mọc lông mi và lông mày. Sự phát triển của mắt trẻ diễn ra rất nhanh chóng. Trẻ sinh non sau 27 tuần có thể chớp mắt và không còn nhắm mắt liên tục nữa. Võng mạc vẫn đang phát triển, khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh võng mạc do sinh non (ROP). Mắt của chúng có thể hình thành hình ảnh ở giai đoạn này.

Vào tuần 27 và 28, trẻ sinh non cũng bắt đầu phát triển các chu kỳ giấc ngủ và thức, phối hợp tốt hơn và sẽ có giai đoạn ngủ có chuyển động mắt nhanh (rapid eye movement – REM). Tuy nhiên, chu kỳ ngủ và thức của trẻ vẫn chưa rõ ràng, nhưng trẻ có thể có những khoảng thời gian hoạt động và yên tĩnh và thời gian tỉnh táo rất ngắn.

Ở độ tuổi này, phản ứng của trẻ với âm thanh có thể thay đổi theo từng giờ hoặc từng ngày. Hoặc trẻ có thể đáp lại giọng nói của bố mẹ nhưng lại bị căng thẳng bởi những tiếng ồn khác. Những đáp ứng với âm thanh của trẻ sẽ bắt đầu cung cấp cho các bác sĩ một số manh mối về những gì trẻ thích và không thích.

Trẻ có thể bắt đầu bú nhưng vẫn không thể bú từ vú mẹ. Để cho con bú, mẹ cần biết cách trẻ bú, nuốt và thở theo đúng trình tự. Da của trẻ vẫn còn mỏng manh và nhạy cảm. Nhưng nếu trẻ của bạn ổn định về mặt y tế, bạn có thể bắt đầu tiếp xúc da kề da bằng cách chăm sóc kangaroo.

Cơn ngừng thở ở trẻ sinh non
Vào tuần 27 và 28, trẻ sinh non cũng bắt đầu phát triển các chu kỳ giấc ngủ và thức

3. Triển vọng cho những đứa trẻ cực non tháng từ 26 đến 28 tuần thai

Triển vọng về những đứa trẻ rất cực non tháng đã được cải thiện đáng kể trong những năm qua nhờ những tiến bộ của y học. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hơn 50% trẻ sinh ra ở tuần thứ 23 sống sót, hơn 3/4 trẻ sinh ra ở tuần thứ 25 sống sót và hơn 90% trẻ sinh ra ở tuần thứ 26 sống sót. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi trẻ được sinh và chăm sóc tại các cơ sở y tê được trang bị tốt về nhân lực và cơ sở vật chất.

Vì hệ hô hấp của chúng chưa phát triển hoàn thiện nên những đứa trẻ nhỏ bé này cần được trợ giúp thở máy. Và vì khả năng phối hợp các phản xạ như mút và nuốt chưa được hoàn chỉnh cho đến khi thai được khoảng 34 tuần tuổi, chúng không thể tự ăn; hầu hết nhận được dinh dưỡng và chất lỏng qua đường tĩnh mạch (qua IV) hoặc ống cho ăn. Vì nhẹ cân khi sinh nên chúng sẽ cần phải cải thiện cân nặng của chúng để phát triển, tăng cơ hội sống sót

Ngoài ra, sinh cực non tháng có nguy cơ biến chứng cao hơn, bao gồm hội chứng suy hô hấp (RDS, một chứng rối loạn phổi), hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp), hạ thân nhiệt (khó giữ ấm), vàng da, nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm phổi. Tất cả những điều này có thể làm tăng thời gian em bé phải nằm viện.

Những thai nhi cực non tháng không có biến chứng thường sẵn sàng xuất viện trước ngày dự sinh từ 2 đến 3 tuần. Nhưng những em bé đã phải chịu đựng các biến chứng sức khỏe do tình trạng sinh non, chẳng hạn như khó thở hoặc khó tăng cân, có thể phải ở lại NICU đến sau ngày dự sinh. Nói chung, em bé được sinh ra càng sớm thì càng có nhiều khả năng em bé sẽ phải nằm NICU càng lâu hơn.
Trẻ sinh ở tuần 28 tuần được coi là “rất non tháng” nhưng lại có tiên lượng tốt hơn so với trẻ sinh sớm trước đó 2 đến 4 tuần. Điều này là do các cơ quan quan trọng của chúng - như tim và phổi - đã phát triển hơn nhiều. Theo Đại học Y tế Utah, tỷ lệ sống sót của của trẻ sơ sinh là 80 đến 90% khi được 28 tuần. Một số nghiên cứu lâm sàng thậm chí còn có dữ liệu hứa hẹn hơn, cho thấy tỷ lệ sống sót là 94% và 98%. Ở tuổi này, chỉ 10% trẻ sinh ra ở tuần thứ 28 có nguy cơ bị các biến chứng lâu dài. Chúng có thể bao gồm: Vấn đề về hô hấp, nhiễm trùng, vấn đề về tiêu hóa, vấn đề về máu, vấn đề về thận, các vấn đề về não và hệ thần kinh như co giật.

Thuốc trợ phổi được sử dụng cho những trường hợp sinh non
Sinh cực non tháng có nguy cơ biến chứng cao hơn, bao gồm hội chứng suy hô hấp

4. Các biến chứng có thể có của trẻ sinh non 26 – 28 tuần

4.1. Vấn đề về hô hấp

Trẻ sinh non có thể khó thở do hệ hô hấp chưa trưởng thành. Trẻ sinh non cũng có thể bị rối loạn phổi được gọi là loạn sản phế quản phổi. Ngoài ra, một số trẻ sinh non có thể bị ngừng thở kéo dài.

4.2. Vấn đề về tim

Các vấn đề về tim phổ biến nhất mà trẻ sinh non gặp phải là còn ống động mạch (PDA) và huyết áp thấp (hạ huyết áp). PDA là tình trạng tồn tại ống giữa động mạch chủ và động mạch phổi. Mặc dù khuyết tật tim này thường tự đóng lại, nhưng nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến quá nhiều máu chảy qua tim, làm suy yếu các cơ tim, gây ra suy tim và các biến chứng khác.

4.3. Vấn đề về não

Trẻ sinh ra càng sớm, nguy cơ chảy máu não càng lớn, được gọi là xuất huyết não. Hầu hết xuất huyết là nhẹ và giải quyết với ít tác động ngắn hạn. Nhưng một số em bé có thể bị chảy máu não quá nhiều gây ra chấn thương não vĩnh viễn.

4.4. Vấn đề kiểm soát nhiệt độ cơ thể

Trẻ sinh non có thể mất nhiệt cơ thể nhanh chóng. Nguyên nhân do thiếu chất béo từ đó không thể tạo ra đủ nhiệt để chống lại những gì đã mất qua bề mặt cơ thể. Nếu nhiệt độ cơ thể xuống quá thấp có thể dẫn đến hạ thân nhiệt.

4.5. Các vấn đề về dạ dày – ruột

Trẻ sinh non có nhiều khả năng có hệ thống tiêu hóa chưa trưởng thành, dẫn đến các biến chứng như viêm ruột hoại tử (NEC).

4.6. Vấn đề về máu

Trẻ sinh non có nguy cơ mắc các vấn đề về máu như thiếu máu và vàng da sơ sinh. Vàng da sơ sinh là sự đổi màu vàng ở da và mắt của em bé xảy ra do máu của em bé có chứa bilirubin dư thừa – một chất màu vàng, từ gan hoặc hồng cầu.

4.7. Vấn đề trao đổi chất

Trẻ sinh non thường có vấn đề với sự trao đổi chất trong cơ thể. Một số trẻ sinh non có thể phát triển lượng đường trong máu thấp bất thường (hạ đường huyết).

4.8 Vấn đề hệ thống miễn dịch

Trẻ sinh non có một hệ thống miễn dịch kém phát triển, có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Nhiễm trùng ở trẻ sinh non có thể nhanh chóng lây lan vào máu, gây nhiễm trùng huyết.

Trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non nhìn chung dễ gặp bệnh về đường hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp và nhiễm trùng đường tiêu hóa nếu bé ăn dặm sớm hoặc việc lưu trữ và pha chế sữa không đảm bảo. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên thực hiện tốt việc cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (nếu được) và tiêm vắc-xin đúng lịch. Ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng như biếng ăn, mệt mỏi, quấy khóc thì cần đứa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn theo dõi và điều trị.

Nhiễm trùng huyết là một trong những biểu hiện của nhiễm khuẩn sơ sinh
Trẻ sinh non có một hệ thống miễn dịch kém phát triển, có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cao hơn

Để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ sơ sinh hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: raisingchildren.net.au, verywellfamily.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

18.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan