Sự phát triển của trẻ ở tháng thứ 19 sau sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Trẻ 19 tháng tuổi là độ tuổi bé đang rất đáng yêu, có thể bi bô nói chuyện và chạy quanh nhà. Giấc ngủ của bé cũng dần trở nên ổn định hơn. Ở thời điểm này mẹ cần lưu ý các trò chơi kích thích sự phát triển trí não của trẻ cũng như đảm bảo về dinh dưỡng cho trẻ.

1. Giấc ngủ ở trẻ 19 tháng tuổi

Trẻ 19 tháng tuổi sẽ cần ngủ khoảng 13.5 giờ một ngày, trong đó giấc ngủ ban đêm kéo dài khoảng 11.5 giờ và một giấc ngủ ngắn buổi trưa từ 1 đến 2 giờ. Bạn nên thiết lập thói quen cho bé đi ngủ từ 7 đến 8 giờ tối.

Bạn cũng có thể không nhất thiết phải tuân theo nguyên tắc này - cho trẻ đi ngủ trước 8 giờ tối. Bạn có thể làm bất cứ điều gì mà bạn cảm thấy tốt cho bạn và con nhỏ của bạn. Nhưng nên nhớ rằng nếu con bạn chạy xung quanh, và nghịch ngợm nhiều vào buổi tối thì điều đó không có nghĩa là bé không mệt mỏi. Điều này có thể hoàn toàn ngược lại, vì khi trẻ mệt mỏi quá mức có thể dẫn đến việc giải phóng adrenaline và cung cấp cho trẻ nhiều năng lượng, và trẻ lại tiếp tục chạy nhảy. Nếu bạn nhận thấy rằng trẻ cảm thấy khó thức dậy vào buổi sáng, rất mệt mỏi vào ban ngày hoặc hay ngủ gật thì đó là dấu hiệu cho thấy trẻ không ngủ đủ.

Trẻ sơ sinh ngủ trên giường có nguy hiểm?
Trẻ 19 tháng tuổi sẽ cần ngủ khoảng 13.5 giờ một ngày

2. Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ 19 tháng tuổi

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức y tế giới, chiều cao và cân nặng trung bình của trẻ 19 tháng tuổi là:

  • Các bé gái 19 tháng tuổi: Chiều cao trung bình cần đạt 81,7cm. Cân nặng trung bình đạt 10,4 kg.
  • Các bé trai 19 tháng tuổi: Chiều cao trung bình cần đạt 83,2cm. Cân nặng trung bình đạt 11,1 kg.

Để trẻ phát triển khỏe mạnh mẹ cần tiếp tục cho trẻ ăn ba bữa chính một ngày, hai bữa ăn nhẹ và 400ml sữa béo - đừng quên rằng lượng sữa uống hàng ngày của trẻ có thể dưới 400ml nếu bạn vẫn đang cho trẻ bú .

Cho con bú sữa mẹ tốt cho sức khỏe của trẻ. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị tất cả trẻ em nên được bú sữa mẹ cho đến khi trẻ được 2 tuổi hoặc lâu hơn.

Bạn cũng cần lưu ý rằng nếu trẻ vẫn đang bú sữa bình, trẻ có thể bị sâu răng. Ở tuổi này, trẻ đã có khả năng sử dụng cốc thành thạo vì thế không nên cho trẻ bú bình. Bạn nên tập thói quen cho bé đi kiểm tra nha khoa định kỳ 6 tháng một lần và nếu bạn phát hiện ra những mảng màu nâu trên răng của trẻ thì bạn phải đưa trẻ đến gặp nha sĩ, vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh sâu răng. Ngoài ra mẹ cũng nên lưu ý về dinh dưỡng cho trẻ theo từng độ tuổi.

3. Sự phát triển ở trẻ 19 tháng tuổi

3.1 Di chuyển

Trẻ 19 tháng tuổi đã có thể chạy xung quanh và khá nhanh, vì vậy bạn hãy trông chừng trẻ cẩn thận! Trẻ sẽ vui thích khi được thoát ra khỏi vòng tay của bạn và chạy đi. Những khoảng không gian rộng thoáng như trong siêu thị, sảnh khách sạn .... sẽ là những địa điểm tuyệt vời để trẻ chạy, nhảy.

Đôi khi trẻ cảm thấy thích thú được chạy, nhảy tự do đến mức từ chối để bạn dắt. Vì vậy khi dẫn trẻ đi ra ngoài đường hoặc chỗ đông người, mẹ cần đặc biệt lưu ý để mắt đến trẻ, không để trẻ chạy vào đám đông người và lạc mất trẻ.

3.2 Các giác quan, giao tiếp và cảm xúc ở trẻ 19 tháng tuổi

Trẻ 19 tháng tuổi có thể nói một vài từ cơ bản, vui vẻ trò chuyện với bạn hoặc người khác bằng những từ ngữ có thể không rõ nghĩa, đơn giản là trẻ đang tập nói.

Thời điểm này trẻ sẽ phát triển khả năng chơi, đùa và trẻ thích trò chơi cho cho búp bê hoặc thú nhồi bông ăn. Trẻ cũng sẽ biết một số đồ vật cơ bản là gì, ví dụ như cốc, ghế, bàn và điện thoại... mà không nhất thiết phải nói được từ đó.

4. Những hoạt động và trò chơi giúp em bé 19 tháng tuổi phát triển

Khuyến khích sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ bằng cách tương tác, nói chuyện với trẻ hoặc đưa cho trẻ một chiếc điện thoại đồ chơi để nói chuyện.

Trẻ em cũng bắt đầu ý thức về việc đi vệ sinh ở giai đoạn này và có thể nói với bạn rằng chúng đang đi “nặng” hay đi “nhẹ”. Việc tập luyện ngồi bệ xí thường chưa bắt đầu cho đến khi trẻ 2 tuổi, nhưng bạn có thể dạy từ từ cho trẻ bằng cách cho trẻ xem cách bạn đi vệ sinh, xả nước. Điều này khiến trẻ quen với việc sử dụng nhà vệ sinh và cho thấy không có gì phải sợ hãi.

Dạy trẻ tập nói là việc làm cần thiết
Khuyến khích sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ bằng cách tương tác với trẻ

5. Các cột mốc quan trọng cho em bé 19 tháng tuổi

  • Có thể chỉ vào một hoặc hai bộ phận cơ thể, như đầu và bụng, theo yêu cầu của bạn.
  • Có thể lật các trang của một cuốn sách bìa cứng.
  • Nhìn vào bạn khi có điều gì đó xảy ra - chẳng hạn như khi ai đó hét lên - để xem cách bạn phản ứng. Nên nhớ rằng trẻ sẽ luôn bắt chước bạn, vì vậy trẻ sẽ lo lắng nếu bạn lo lắng, và sẽ học cách giữ bình tĩnh nếu bạn bình tĩnh.

Trẻ cũng có thể sẽ:

  • Nói chuyện bi bô theo một cách nào đó, ngay cả khi nó có vẻ vô nghĩa đối với bạn.
  • Chống lại việc gội đầu. Trẻ đang bắt đầu khẳng định bản thân, vì vậy trẻ có thể không được thích thú do dầu gội thường làm cay mắt, nước có thể vào tai, mũi của trẻ.
  • Có những cơn giận dữ vô cớ.
  • Chạy trốn và tìm cách thoát khỏi vòng tay yêu thương bạn.

Giai đoạn trẻ 19 tháng tuổi vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Nếu trẻ không được chăm sóc cẩn thận rất dễ mắc các bệnh về dinh dưỡng như (còi xương, suy dinh dưỡng, chậm lớn). Nếu nhận thấy các dấu hiệu khác thường của con, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và thăm khám. Khoa Nhi tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có thế mạnh trong các khám - phát hiện - can thiệp sớm các vấn đề về:

  • Tâm lý nhi: Chậm nói - các dạng rối loạn tâm lý
  • Bệnh lý thận chuyên sâu: Thận hư, viêm thận, luput ban đỏ, dị dạng tiết niệu, tiểu dầm
  • Bệnh lý nội tiết chuyên sâu: Dậy thì sớm, tiểu đường, chậm tăng trưởng chiều cao, bệnh lý tuyến giáp, tiểu dầm
  • Tư vấn dinh dưỡng toàn diện cho mọi đối tượng.

Trẻ 19 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: emmasdiary.co.uk

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

52.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan