Sự phát triển của trẻ 33 tuần tuổi sau sinh

Bài viết được duyệt chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Và Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Bảo Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ đã có 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi khoa.

Đến cuối 33 tuần, bạn sẽ thấy con mình tiến bộ tốt về mặt phát triển cả về thể chất và tinh thần. Thời gian này có thể được đặc trưng bởi sự thay đổi tâm trạng ngẫu nhiên - con bạn sẽ cười rúc rích hay đột nhiên bắt đầu khóc một cách khó chịu. Ngay cả về thức ăn, con bạn sẽ không nhất quán, trẻ sẽ ăn đồ ăn hôm nay nhưng vào ngày hôm sau trẻ lại không thích, ngoại trừ sữa.

Ở một em bé 33 tuần tuổi, các giai đoạn tăng trưởng là phổ biến. Trong vòng một vài tháng, con bạn sẽ bắt đầu bò, và sau đó đứng lên và thậm chí là bước đi chập chững. Cân nặng của em bé cũng tăng nhanh, và cơ bắp cũng tăng trưởng. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về sự phát triển của trẻ 33 tuần tuổi và những gì bố mẹ có thể giúp cho sự phát triển của bé.

1. Những thay đổi về giấc ngủ của trẻ 33 tuần tuổi

Dường như có những sự thay đổi lớn về nhiều mặt của trẻ khi chúng đạt 33 tuần tuổi trong đó bao gồm cả những thay đổi về giấc ngủ. Bé không còn ngủ nhiều như những giai đoạn trước nữa. Mặc dù trẻ 33 tuần tuổi vẫn có thể ngủ tới 11 hoặc 12 tiếng mỗi ngày nhưng những giấc ngủ này dường như bị gián đoạn nhiều hơn, đặc biệt là vào ban đêm. Trong một số trường hợp trẻ có thể thức giấc rất nhiều lần vào ban đêm không chỉ để đòi ăn.

Trẻ ngủ
Bước sang tuần thứ 33 trẻ không còn ngủ nhiều như giai đoạn trước nữa

Một giấc ngủ trong giai đoạn này của trẻ có thể chia thành ba giai đoạn chính:

  • 1-2 giờ đầu: Đây là khoảng thời gian ngủ sâu nhất trong một giấc ngủ của trẻ, chúng sẽ khó bị đánh thức bởi bất cứ điều gì trong khoảng thời gian này.
  • 3-4 giờ tiếp theo: Trẻ ngủ trong trạng thái lơ mơ và có thể thức dậy bất cứ lúc nào
  • Giai đoạn cuối: Trẻ thức giấc và chuẩn bị cho giấc ngủ tiếp theo.

Trẻ trong giai đoạn này có thể thức và quấy khóc trong đêm nhiều lần. Thay vì sử dụng những bài hát ru để đưa trẻ đi vào giấc ngủ hãy đợi vài phút xem trẻ có thể tự ngủ lại không. Nếu không hãy nhẹ nhàng vỗ về bé, lưu ý không nên bật đèn hay thay đổi vị trí nằm của trẻ. Trẻ có thể sẽ vẫn khóc nhưng vài phút sau sẽ nhanh chóng ngủ gật.

Đây cũng là giai đoạn trẻ có thể phát âm được các từ có âm tiết phức tạp hơn. Ví dụ thay vì chỉ nói được từ “ba” trẻ có thể nói được từ “bà”. Bé cũng sẽ cố gắng bắt chước những chuyển động của miệng và hàm khi nói của người lớn. Mặc dù không hiểu bé nói gì, các bậc cha mẹ hoặc người thân cũng nên đáp lại lời của trẻ bằng sự nhiệt tình. Một điều quan trọng khác cần nhớ đó là động lực để trẻ nói chính là mong muốn bắt chước người lớn. Các bậc cha mẹ càng nói, đọc hoặc hát cho bé nhiều, tư duy về mặt ngôn ngữ của bé càng phát triển và bé sẽ càng nhanh nói được.

Đến lúc này, con bạn đã chuyển sang thức ăn đặc. Mặc dù trẻ vẫn có thể thích sữa mẹ trong một số ngày, thực phẩm gia đình sẽ là sở thích của trẻ trong hầu hết các ngày. Bạn có thể bắt đầu cho bé ăn đồ nghiền hoặc xay nhuyễn, chỉ đơn giản bằng cách cho bé ăn bằng thìa với số lượng nhỏ.

Mặc dù răng hàm của trẻ vẫn chưa phát triển, trẻ vẫn nhai tốt nhờ nướu. Trẻ sẽ có thể nhai hầu hết các loại thực phẩm, loại bỏ các thực phẩm khó nhai. Luôn giữ một vài món đồ ăn cho bé bất cứ khi nào bạn ra ngoài, trong trường hợp bạn có thứ gì đó không phù hợp với con bạn (ví dụ: Đồ ăn nhanh). Nếu con bạn không thể hiện nhiều khuynh hướng với thức ăn đặc, không nên ép buộc trẻ ăn. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề xấu trong tương lai. Bạn phải nhớ rằng mặc dù con bạn được cho là có thể thức ăn đặc vào cuối 9 tháng, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của bé.

trẻ tập ăn trẻ nhỏ ăn dặm
Nướu phát triển khỏe mạnh giúp trẻ có thể nhai hầu hết các loại thực phẩm

2. An toàn cho trẻ 33 tuần tuổi

Trẻ 8 tháng tuổi đang trong giai đoạn cố gắng đứng và đi trên chính đôi chân của mình. Bé có xu hướng bám vào bất cứ vật gì chắc chắn để đứng lên. Đôi khi chúng ta sẽ bắt gặp cảnh tượng bé cố gắng bám vào bàn hoặc ghế để đứng dậy. Tuy nhiên một khi đã đứng dậy được, bé sẽ rất khó có thể ngồi xuống. Hãy nhẹ nhàng gỡ tay của bé khỏi ghế và giúp trẻ ngồi xuống sàn. Có thể ngay lập tức trẻ lại tiếp tục thử lại hành động bám vào ghế và đứng dậy, đừng ngăn cản mà hãy để trẻ tiếp tục thực hiện. Đó là những bước giúp trẻ thành thạo kỹ năng này qua đó giúp trẻ có thể đi lại sớm hơn.

Cha mẹ, người thân hay người trông giữ trẻ nên chỉ cho trẻ cách ngồi xuống an toàn bằng cách uốn cong phần thắt lưng và ngồi phịch xuống. Những lần đầu có thể trẻ sẽ đau và khóc, hãy cười và tán thưởng trẻ bằng những cái vỗ tay và dỗ dành chúng. Việc ngồi xuống càng khó khăn sẽ càng giúp trẻ vượt qua được nỗi sợ hãi và cuối cùng chúng sẽ tìm được cách để ngồi xuống mà không làm tổn thương chính bản thân mình.

Ngoài ra trong giai đoạn trẻ 33 tuần tuổi, cha mẹ và người thân của trẻ cũng cần lưu ý đến những loại đồ chơi mua cho bé. Hãy đảm bảo mua những loại đồ chơi đúng với độ tuổi của bé. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại đồ chơi không có nhãn mác, không rõ xuất xứ và được bày bán tràn lan và có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Một số loại đồ chơi được chế tạo từ những loại nhựa độc hại hoặc được phủ bằng sơn chì, trong khi đó một số loại đồ chơi nhỏ, có thể khiến trẻ ngạt thở khi nuốt phải.

Bé 8 tháng tuổi thường rất hiếu động, chúng luôn cố gắng khám phá và thử mọi thứ xung quanh do đó bất kể những thứ gì đặt trong tầm với của trẻ đều cần được đảm bảo độ an toàn một cách tối đa.

Ở độ tuổi này, con của bạn sẽ được tiêm một số loại vắc-xin trong thời gian kiểm tra 6 tháng và bộ vắc-xin tiếp theo sẽ được lên lịch khi bé được 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, hãy kiểm tra với bác sĩ nhi khoa để biết thêm về lịch tiêm chủng, trẻ có thể tiêm vắc-xin viêm màng não hoặc tiêm phòng cúm nếu bố mẹ nghĩ rằng em bé có nguy cơ mắc bệnh.

Trong trường hợp bạn đã bỏ lỡ buổi tiêm chủng, bạn chắc chắn nên đi khám bác sĩ để lên lịch tiêm bù. Nếu không được tiêm vắc-xin đúng lịch, trẻ có thể mắc những bệnh nguy hiểm như sởi, viêm màng não...

Đừng quên tiêm chủng những mũi vắc-xin quan trọng khi bé 10 tuần tuổi
Trẻ 33 tuần tuổi vẫn phải tiêm một số loại vắc-xin để tăng cường đề kháng

3. Cách dạy trẻ 33 tuần tuổi

Cha mẹ chính là những thầy, cô giáo đầu tiên của trẻ. Bé có thể tiếp thu rất nhanh những thứ mà cha mẹ dạy cho chúng, do đó những hành động của các bậc cha mẹ trong giai đoạn này hết sức quan trọng. Dưới đây là ba cách cơ bản mà các ông bố bà mẹ có thể áp dụng để giúp trẻ có thể học hỏi tốt hơn bao gồm thực hành, chia sẻ và định hướng:

  • Thực hành: Chính là cách trực quan nhất. Bản thân những ông bố bà mẹ sẽ thực hiện một hành động đơn giản nào đó, chẳng hạn như mở nắp hộp, sau đó khuyến khích và để bé tự thực hiện. Bạn cũng có thể khiến trò chơi trở nên thú vị hơn khi bỏ vào trong hộp những món ăn ưa thích của bé. Điều này hoàn toàn có thể kích thích tư duy về nhân – quả của bé phát triển, khi thực hiện hành động này thì bé nhận được những gì. Vì các bé thích bắt chước người lớn nên các bậc cha mẹ chính là tấm gương tốt, đặc biệt trong giai đoạn 33 tuần tuổi để thúc đẩy bé nỗ lực cố gắng nhiều hơn.
  • Chia sẻ: Chia sẻ có nghĩa là các bậc cha mẹ nên tham gia cùng trẻ trong những hoạt động của bé. Chẳng hạn họ có thể cầm tay và hướng dẫn bé cầm nắm một vật và di chuyển chúng. Trẻ sẽ học được cảm giác làm những việc mà người lớn làm. Điều đó giúp bé dễ dàng tự mình thử làm nó hơn.
  • Định hướng: Định hướng là mức độ phức tạp hơn, đòi hỏi các bậc cha mẹ phải chia một nhiệm vụ lớn thành các nhiệm vụ nhỏ hơn và có thể quản lý được. Ví dụ, nếu muốn dạy cho bé cách xếp một hình lớn, cha mẹ bé có thể chia chúng thành các hình nhỏ hơn để trẻ dễ xếp sau đó mới để trẻ ghép chúng lại thành hình lớn.

Ngoài ra, có một số mẹo khác để giúp chăm sóc trẻ tốt hơn:

  • Ngủ chung là lựa chọn tốt để bạn có thể ngủ thêm vào ban đêm.
  • Nếu con bạn bắt đầu khóc vào giữa đêm, chỉ dỗ dành với bé nếu bé tiếp tục trong vài phút. Trong hầu hết các trường hợp, con bạn sẽ nhanh chóng vượt qua một giấc ngủ sâu.
  • Đồ chơi mọc răng giúp trẻ giảm bớt sự khó chịu liên quan mọc răng, vì vậy hãy để trẻ cắn vào đồ lạnh và ướp lạnh một vài lần trong ngày.
Trẻ mọc răng
Cho trẻ sử dụng đồ chơi mọc răng một vài lần trong ngày

4. Những cột mốc của trẻ 33 tuần tuổi

Giai đoạn này trẻ di chuyển nhiều hơn, và các bậc cha mẹ cũng có thể nhận thấy các trò chơi của bé đã trở nên độc lập hơn nhiều. Giai đoạn này, bé có thể tự chơi một mình trong thời gian dài. Tuy nhiên điều này cũng mang lại những sự phiền toái nhất định cho cha mẹ hoặc người trông trẻ. Bé sẽ cố gắng di chuyển càng ngày càng xa hơn, khám phá mọi ngóc ngách trong ngôi nhà. Điều này đôi khi khiến các bậc cha mẹ lo lắng, sợ bé có thể bị tổn thương nếu va vào những đồ vật khác. Tuy nhiên có một số mẹo có thể hỗ trợ họ trong việc trông chừng trẻ ở độ tuổi này:

  • Thường xuyên nói chuyện với trẻ: Những câu chuyện có thể khiến trẻ chú ý đến bố mẹ hơn và có thể giữ bé ở trong tầm kiểm soát của họ
  • Cố gắng thường xuyên để mắt đến trẻ. Nếu có điều kiện hãy tham gia chơi cùng chúng.
  • Động viên trẻ: Khi trẻ học cách sử dụng các bộ phận trên cơ thể để di chuyển, hãy động viên trẻ bằng cách để chúng thấy được sự phấn khích của mình. Điều đó giúp bé hiểu được rằng những hành động mang đến sự an toàn của bé có thể đi kèm với những phản hồi tích cực từ cha mẹ.

Đây là thời gian của sự thay đổi và trưởng thành của bé và thậm chí của các các bậc cha mẹ. Vì thế hãy trân trọng từng khoảnh khắc, những khó khăn trong giai đoạn này là tất yếu và đó là một phần trong quá trình phát triển bình thường của trẻ.

Chính trong độ tuổi này, bé bắt đầu hình thành tính cách và trở nên rất ham chơi. Con bạn sẽ là một niềm vui để xem, mặc dù giấc ngủ của bạn có thể bị tổn hại. Vì vậy, hãy luôn cảnh giác với những từ đầu tiên của bé và mang theo máy ảnh để bạn không bỏ lỡ bất kỳ hành động vui nhộn nào của con bạn.

Thời điểm 33 tuần tuổi là giai đoạn trẻ phát triển rất nhanh cả về thể chất lẫn tinh thần. Bé 8 tháng tuổi sẽ ngủ ít và hoạt động nhiều hơn, cố gắng tập đứng và tập đi trên chính đôi chân của mình bằng cách bám vào các đồ vật chắc chắn khác. Bé cũng luôn muốn bắt chước các hành động của cha mẹ mình nên đây cũng là thời điểm cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có thể dạy dỗ và làm tấm gương tốt để trẻ có thể noi theo.

Khi trẻ có những bất thường về sức khỏe, Cha mẹ có thể đưa trẻ đến hệ thống Y tế Vinmec để được khám và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, trẻ 8 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: parents.com; mamanatural.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan