Sự phát triển của trẻ 26 tuần tuổi sau sinh

Bài viết được duyệt chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Và Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Bảo Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ đã có 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi khoa.

Khi trẻ 26 tuần tuổi bạn sẽ thấy nhiều sự thay đổi của trẻ về thể chất lẫn trí tuệ. Lúc này trẻ có thể ăn được một vài thức ăn cứng và có cân nặng dao động từ 7,0 – 8,6 kg với bé trai và 6,5 – 8,2 kg với bé gái. Vậy trẻ 26 tuần tuổi biết làm những gì và bố mẹ cần làm gì để hỗ trợ cho sự phát triển của bé.

1. Trẻ 26 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Trong những tuần này, mẹ bé sẽ khám phá ra nhiều nhu cầu mới của trẻ như:

  • Kỹ năng vận động tăng: Khi bé bước vào tuần thứ 26, bé đã đủ khả năng lẫy, bò và tiếp đến là giai đoạn tập ngồi.
  • Chú ý đến giọng nói: Phần não tiếp nhận âm thanh sẽ hoạt động trong thời gian này. Điều này là do nó đang phát triển với tốc độ nhanh và bạn có thể nhận thấy sự khác biệt rõ rệt trong nhận thức nghe của trẻ.
  • Mọc răng: Trong thời gian này, răng sữa sẽ mọc ra, đó là dấu hiệu cho thấy bé có thể bắt đầu ăn dặm.

Ngoài ra, trẻ 26 tuần tuổi còn có khả năng:

  • Sử dụng ngón tay: Lúc này bé đã biết sử dụng tất cả các ngón tay một cách linh hoạt. Bé có thể di chuyển để tiếp cận với một vật thể và nắm lấy nó.
  • Phân biệt lạ quen: Trẻ đã biết theo mẹ và theo những người thân và khóc hay la hét khi người lạ bế.
  • Âm thanh cơ bản: Trẻ sẽ phát ra những âm thanh ê a khi muốn bày tỏ cảm xúc hay thích thú với một sự vật hay đơn giản khi được người thân nô đùa.
  • Thính giác của trẻ phát triển với tốc độ nhanh: Trẻ có thể quay người lại khi nghe thấy tiếng người thân gọi hay nghe được âm thanh thú vị nào đó.
  • Ngồi mà không có sự hỗ trợ: Trẻ có thể tự ngồi mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào và không bị ngã do cơ lưng đã khỏe hơn.
  • Sự linh hoạt của cơ cổ: Các cơ cổ bây giờ đã săn chắc, và trẻ sẽ tự kiểm soát cổ và quay lại để quan sát mọi thứ.
  • Chơi nhiều hơn: Trẻ có thiên hướng chơi với bạn và thích những điều mới lạ.
Trẻ tập ngồi
Trẻ 26 tuần tuổi còn có khả năng ngồi mà không có sự hỗ trợ

2. Chăm sóc trẻ 26 tuần tuổi

2.1 Về dinh dưỡng

Mẹ nên tập cho trẻ ăn dặm. Tuy nhiên, trẻ vẫn nhận được chất dinh dưỡng chủ yếu từ sữa mẹ và các loại sữa công thức vào thời điểm này.

Để hạn chế tình trạng táo bón, trong thức ăn dặm bạn có thể kết hợp với một số thực phẩm giàu chất xơ như yến mạch và gạo lứt.

Thời điểm này cũng là lúc cho trẻ tập uống nước. Hãy chắc chắn rằng bạn đun sôi nước trước khi cho trẻ uổng. Bạn có thể cho trẻ sử dụng bình tập uống để hạn chế hiện tượng sặc.

Trong quá trình ăn dặm, đừng ép trẻ ăn nếu trẻ không thích, ở thời điểm này ăn đối với trẻ chỉ như một hình thức làm quen.

2.2 Giấc ngủ

Nhiều trường hợp trẻ ở 26 tuần tuổi ngủ ngày thức đêm. Giấc ngủ bị xáo trộn có thể là do một loạt các yếu tố như mọc răng và ăn đêm. Bạn nên ngưng các cữ ăn đêm và điều chỉnh giấc ngủ cho bé.

3. Một số lưu ý cần biết khi chăm sóc trẻ

  • Trẻ đang trong giai đoạn khám phá thế giới xung quanh, và sự xuất hiện của những vết bầm tím là không thể tránh khỏi. Vì vậy, hãy bảo vệ trẻ trong nhà hoặc các khu vực trẻ chơi đùa bằng cách dán các cạnh sắc nhọn.
  • Lúc này là thời gian trẻ mọc răng và trẻ có thể cho bất cứ đồ vật nào mà chúng có thể với tới được vào miệng. Vì vậy, không nên để những vật nhỏ dưới 3cm và những vật nguy hiểm trong tầm với của trẻ. Hãy đảm bảo rằng không có bất kỳ sự nguy hiểm nào có thể gây nghẹt thở cho trẻ. Bạn cũng cần thường xuyên vệ sinh đồ chơi của trẻ.
Sốt mọc răng ở trẻ
Một số trẻ giai đoạn 26 tuần tuổi bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên
  • Khả năng nghe nhìn của trẻ ở giai đoạn này gần hoàn thiện như người lớn. Trẻ dần học hỏi được cách sử dụng những phương tiện ngôn ngữ. Con cũng thích thú với việc lặp đi lặp lại một số âm tiết như “ba”, “ma”. Mẹ càng phản ứng lại những tín hiệu giao tiếp của bé, bé càng học hỏi được nhiều.
  • Nếu trẻ sử dụng tay trái thường xuyên, tránh cố gắng khuyến khích trẻ sử dụng tay phải. Nó sẽ ức chế sự khéo léo của trẻ; không có bằng chứng nào cho thấy chúng sẽ thuận tay phải hay thuận tay trái cho đến khi chúng được 2-3 tuổi.
  • Với những lúc rảnh rỗi, nên tạo thói quen cho trẻ làm quen với sách bằng cách đọc truyện cho trẻ nghe, tạo những hình ảnh tươi sáng để gây chú ý với trẻ.
  • Cho con ra ngoài thư giãn, gặp gỡ những bạn nhỏ cùng trang lứa.

Trẻ 26 tuần tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: parents.com, mamanatural.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan