Sự phát triển của trẻ 24 tuần tuổi sau sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Đây là thời gian để ăn mừng vì em bé của bạn đã được 6 tháng tuổi. Có thể có rất nhiều câu hỏi trong đầu bạn như em bé thuận tay trái hay tay phải? Liệu em bé của bạn đã sẵn sàng ăn thức ăn cứng hay chưa? Khi nào trẻ có thể bước đi được? Trọng lượng và kích thước của trẻ 24 tuần tuổi khác nhau tùy thuộc vào sự tăng trưởng và phát triển của mỗi trẻ.

Cùng với những biểu cảm phấn khích, bạn cũng sẽ nhận thấy rằng trẻ gần như có thể ngồi một mình, chơi với đồ chơi và cũng chơi với người khác, bò xung quanh .... Trẻ 24 tuần tuổi thậm chí đã sẵn sàng cho các loại thực phẩm nhẹ ngoài sữa mẹ và sữa công thức.

1. Cách chăm sóc trẻ 24 tuần tuổi

1.1. Cho bé 24 tuần tuổi ăn

Khi trẻ bước vào tuần tuổi 24, cơ thể trẻ sẽ trải qua những bước phát triển lớn. Điển hình như cơ thể trẻ trong thời điểm này đã mất dần hàm lượng sắt vốn có trong cơ thể từ khi còn ở trong bụng mẹ, bên cạnh đó sữa mẹ lại không chứa nhiều chất sắt cho trẻ nên cần có sự bổ sung từ bên ngoài. Lúc này các bậc phụ huynh có thể tìm hiểu và sử dụng một vài sản phẩm thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa cùng với sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Các bậc cha mẹ thường xé nhỏ thức ăn thành những miếng nhỏ để tránh cho trẻ bị nghẹn. Bên cạnh đó, việc trang trí món ăn trở nên sinh động sẽ thu hút được sự chú ý của trẻ và khiến trẻ ăn được nhiều hơn, ngon miệng hơn. Tuy nhiên, trẻ 24 tuần tuổi thường chỉ có thể cầm nắm đơn giản, có nghĩa là đối với những mảnh thức ăn nhỏ quá sẽ khiến trẻ khó chịu. Vậy nên các bậc phụ huynh có thể cho trẻ ăn những lát táo, lát xoài, những quả chuối nhỏ mà bé có thể cầm lên được. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý tới một số loại thực phẩm cần tránh hoàn toàn cho đến khi bé đến độ tuổi có thể sử dụng được như sữa bò có chứa rất nhiều protein mà hệ thống tiêu hóa của trẻ còn non nớt, không thể tiêu hóa được gây đầy bụng, khó tiêu cho trẻ hoặc một số thực phẩm chứa nhiều axit ảnh hưởng đến dạ dày và ruột của bé.

Khi các bậc phụ huynh cho bé ăn một loại thực phẩm mới thì nên chú ý tới biểu hiện trên khuôn mặt của bé. Các bé sẽ sử dụng lưỡi, môi và nướu của mình theo những cách khác nhau để nhai, nuốt thức ăn. Một chiếc thìa nhỏ, mềm sẽ thuận tiện cho trẻ sử dụng trong những món như cháo ăn dặm, súp,... Giai đoạn đầu có thể khó khăn cho các bậc phụ huynh, đòi hỏi sự kiên nhẫn vì các bé sẽ làm thức ăn vương vãi xung quanh và dính trên những chiếc váy áo xinh đẹp của trẻ. Sẽ tốt hơn khi cho trẻ sử dụng một chiếc yếm có kích thước lớn hay một chiếc ghế cao cùng thảm nhựa ở dưới. Như vậy việc vệ sinh của các bậc phụ huynh có thể sẽ dễ dàng hơn sau khi bữa ăn của bé kết thúc.

Trẻ 6 tháng
Khi trẻ bước vào tuần tuổi 24, cơ thể trẻ sẽ trải qua những bước phát triển lớn

1.2. Cho bé 24 tuần tuổi ngủ

Ở độ tuổi này, các bé không còn ngủ nhiều như trước. Do sự thay đổi trong thói quen ăn uống của bé nên giấc ngủ của bé cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là vào ban đêm. Cùng với các loại thực phẩm bổ sung thì sự phát triển của não bộ đi kèm sự mọc răng của trẻ sẽ gây khó khăn cho các bậc phụ huynh trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ trong thời gian này. Các bé sẽ thường xuyên thức dậy vào ban đêm,khóc nhiều hơn nên bậc phụ huynh cần phải cho ăn và ru ngủ.

1.3. Mẹo chăm sóc em bé 24 tuần tuổi

Chăm sóc em trẻ 24 tuần tuổi có thể khiến các bậc phụ huynh hoặc người chăm sóc thực sự mệt mỏi và stress. Vì vậy, hãy dành thời gian và cố gắng tận hưởng những khoảnh khắc bên trẻ qua việc đưa em bé đi dạo bằng một chiếc xe đẩy và tận hưởng không khí bên ngoài. Các bậc phụ huynh cũng không nên bao bọc bé quá cẩn thận, hạn chế tiếp xúc với môi trường bên ngoài mà để cho bé tự mình khám phá thế giới xung quanh, thỏa trí tò mò dưới sự theo dõi của cha mẹ.

Một số bậc phụ huynh lại quá chú ý tới sự sạch sẽ xung quanh trẻ mà làm mất đi khả năng khám phá của trẻ. Các bé ở độ tuổi này có thể sẽ thích cầm nắm, cắn, mút các đồ chơi quanh mình. Thay vì cản trợ các bé hoạt động, vui chơi của các bé thì bậc phụ huynh có thể sử dụng các sản phẩm đồ chơi đảm bảo sức khỏe, có thể cắn mút mà không gây hại cho bé. Sau mỗi lần trẻ sử dụng, các bậc phụ huynh nên rửa sạch và phơi khô, bảo quản tốt cho lần chơi tiếp theo.

Hãy thật cẩn thận trong việc lựa chọn thức ăn cho trẻ, đặc biệt là việc phối hợp các loại thức ăn khác nhau trong bữa ăn phải được cân nhắc kĩ, không nên sử dụng các thực phẩm có tính chất kỵ nhau gây đầy bụng, khó tiêu, nặng hơn là ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Các bậc phụ huynh có thể tham gia ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng, có thể tham gia các lớp học tư vấn dinh dưỡng bởi các chuyên gia trong ngành. Sau đó lên kế hoạch ăn uống cân bằng, phù hợp với từng giai đoạn của trẻ.

Một chú ý nữa là ở thời điểm trẻ 24 tuần tuổi này, các bé vẫn cần ít nhất 3 giấc ngủ ngắn từ 1-3 giờ mỗi ngày. Vì vậy ngay cả khi các bé chưa muốn ngủ, hãy đặt trẻ vào giấc ngủ nếu có thể. Các bậc phụ huynh có thể kể chuyện, hát ru,... để đưa trẻ vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

Trẻ 2 tuần tuổi có thể ngủ tối đa 18 tiếng
Thời điểm trẻ 24 tuần tuổi này, các bé vẫn cần ít nhất 3 giấc ngủ ngắn từ 1-3 giờ mỗi ngày

1.4. Tiêm chủng

Các bậc phụ huynh cần thường xuyên kiểm tra phiếu tiêm chủng của trẻ, theo dõi ngày tiêm và tên mũi tiêm cho bé 24 tuần tuổi. Vắc-xin cho trẻ cần ở độ tuổi này được tiêm đầy đủ, đúng số mũi theo thời gian quy định của Bộ y tế như sau:

  • Vắc-xin cúm được khuyến cáo cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên
  • Vắc-xin ngừa bệnh Rotavirus liều thứ ba ( Rotateq).
  • Vắc-xin phòng các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra như bệnh viêm phổi ở trẻ
  • Vắc-xin phòng HIB – liều thứ 3, giúp ngăn ngừa bệnh viêm phổi và viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn do vi khuẩn HIB ( Haemophilus Influenza type B)

1.5. Trò chơi và hoạt động cho bé 24 tuần tuổi

Trẻ ở độ tuổi 24 tuần tuổi sẽ trở nên năng động hơn, tràn đầy sức sống hơn so với khoảng thời gian trước. Thay vì các bậc phụ huynh cứ bế ẵm trẻ suốt ngày đêm thì nên trải một chiếc thảm và đặt trẻ xuống. Để tự trẻ khám phá những thứ xung quanh và cũng có thể bắt đầu tập luyện cơ bắp chân tay để phát triển thể chất. Các bé sẽ bắt đầu nghịch các món đồ chơi, đồ dùng xung quanh, thậm chí là cả đưa chân lên miệng để mút và nhai. Điều này sẽ trở thành một trò chơi thú vị cho bản thân trẻ trong một vài tuần, cũng là những bước khởi đầu, chuẩn bị cho chân và hông của trẻ để bò hay trẻ có thể tự thay đổi tư thế từ ngồi xuống nằm và ngược lại.

Những trò chơi liên quan đến âm thanh, vần điệu, nói, hát và bất kỳ loại âm thanh nào cũng sẽ thu hút sự chú ý của trẻ. Các bậc phụ huynh có thể tạo ra âm thanh động vật hoặc cho trẻ xem những hình ảnh con vật, đồ vật mà trẻ thích thú, làm cho trẻ cười và dạy cùng một lúc. Sau đó trẻ sẽ tự hình thành khả năng bắt chước theo trò chơi thú vị này. Các bậc phụ huynh nên dành thời gian vui chơi cùng trẻ, nắm bắt được sự thay đổi của trẻ từng ngày như thế nào.

Phác đồ tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ có mẹ bị viêm gan B
Các bậc phụ huynh cần thường xuyên kiểm tra phiếu tiêm chủng của trẻ 24 tuần tuổi

2. Trẻ 24 tuần tuổi sau sinh phát triển như thế nào?

Về mặt thể chất, trẻ 24 tuần tuổi sẽ có cân nặng và kích thước gấp đôi so với khi sơ sinh. Làn da và nước da của bé sẽ có sự thay đổi rõ ràng hơn so với thời điểm sinh ra. Khi xương và cơ bắp của trẻ trở nên chắc chắn, khỏe hơn thì trẻ có thể tự mình ngồi và lăn tròn quanh nhà. Một số trẻ nhanh hơn có thể bắt đầu bò xung quanh. Tuy nhiên các bậc phụ huynh có con chưa bắt đầu biết bò thì cũng không nên quá lo lắng, một thời gian ngắn nữa thôi là trẻ sẽ có thể bò được.

Khi trẻ phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, các bậc phụ huynh có thể cảm nhận thấy sự thay đổi trong sinh hoạt của trẻ, đó là trẻ sẽ thường xuyên thức đêm hơn nên các bậc phụ huynh sẽ phải dỗ trẻ ngủ bằng cách cho trẻ ăn và ru trẻ ngủ trở lại. Đôi khi vào thời điểm trẻ mọc răng, trẻ sẽ sốt hoặc quấy khóc nhiều hơn. Bên cạnh đó, hệ thống thần kinh và não bộ của trẻ đang phát triển, các bậc phụ huynh có thể thấy được hành động điển hình ở trẻ đó là đưa đôi chân trần của mình lên miệng và bắt đầu nhai mút. Đừng quá để tâm tới hành động đó của trẻ, hãy kiên nhẫn trải nghiệm và tận hưởng vì điều này chứng tỏ trẻ đã bắt đầu kiểm soát các cử động cơ thể.

Ở thời điểm này, thú vị nhất là khi trẻ nhận ra được giọng nói, cảm nhận, tình cảm của những người thân xung quanh, đặc biệt là cha mẹ, những người có nhiều thời gian bên trẻ nhất. Trẻ sẽ bắt đầu có những biểu cảm hài hước, đôi khi sẽ phấn khích, hạnh phúc, bối rối và cả giận dữ.

Đây là khoảng thời gian tốt nhất để các bậc phụ huynh và người thân xung quanh có thể phát triển mạnh mẽ mối liên kết, sự gần gũi với trẻ. Vì vâỵ, thay vì khó chịu khi trẻ đòi hỏi một vật gì đó hoặc khóc quấy trong đêm thì các bậc phụ huynh nên ghi lại những khoảnh khắc quý giá này, nó chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong cuộc đời của trẻ mà thôi.

Các bậc phụ huynh có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu nhận thấy bất kỳ loại thay đổi hành vi bất thường nào như khóc không kiểm soát, sốt cao, thiếu hứng thú chơi và không hoạt động như khoảng thời gian trước đó nữa. Sự thay đổi của chế độ ăn uống cũ có thể khiến trẻ dễ mắc tiêu chảy. Những dấu hiệu này có thể có hoặc không liên quan đến mọc răng hoặc một số vấn đề khác nên tốt hơn hết, các bậc phụ huynh nên liên lạc với bác sĩ để nhận biết sớm được những dấu hiệu bất thường của trẻ.

Đặc biệt, trẻ 24 tuần tuổi bắt đầu đến giai đoạn khám phá, học kỹ năng và ăn dặm nên rất dễ mắc các bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa. Vì vậy, việc tiêm chủng có vai trò rất quan trọng, giúp tăng cường sức đề kháng trước những bệnh lý nguy hiểm như: viêm phổi, viêm màng não, tiêu chảy do Rotavirus, nhiễm khuẩn do vi khuẩn HIB. Cha mẹ nên chủ động đưa bé đến cơ sở y tế tiêm đúng lịch.

Nguồn tham khảo: parenting.firstcry.com, mamanatural.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan