Sốt xuất huyết ở trẻ em kéo dài bao lâu?

Sốt xuất huyết là bệnh lý truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Sốt xuất huyết có thể lây từ người bệnh sang người lành thông qua đường muỗi đốt. Bệnh có thể lây cho cả trẻ em và người lớn. Vậy sốt xuất huyết ở trẻ em mấy ngày thì khỏi?

1. Sốt xuất huyết ở trẻ em mấy ngày thì khỏi?

Sau khi virus gây bệnh sốt xuất huyết xâm nhập vào cơ thể thông qua nốt muỗi đốt, bệnh có thể ủ trong vòng 3 - 13 ngày. Theo đó, thoảng thời gian ủ bệnh ở mỗi bệnh nhân là khác nhau, số ngày ủ bệnh sẽ phụ thuộc vào thể trạng, sức đề kháng của từng người. Vậy sốt xuất huyết ở trẻ em kéo dài bao lâu?

Trong giai đoạn ủ bệnh, trẻ sốt xuất huyết gần như không xuất hiện triệu chứng hoặc có triệu chứng nhưng không rõ ràng. Sau thời gian ủ bệnh, những triệu chứng bắt đầu xuất hiện ở trẻ sốt xuất huyết và tiến triển đến những giai đoạn như sau:

1.1. Trẻ sốt xuất huyết giai đoạn sốt

Giai đoạn này thường kéo dài 3 - 7 ngày, xuất hiện tình trạng sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, trước đó trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Trẻ sốt xuất huyết bắt đầu xuất hiện một số triệu chứng bệnh như cơ thể mệt mỏi, đau nhức đầu, đau khớp, đau các cơ, đau ở 2 bên hốc mắt, đau ở vùng thượng vị, tiêu chảy, buồn nôn, chán ăn..

Vào thời điểm này, những triệu chứng của trẻ sốt xuất huyết thường không đặc hiệu, không thể phân biệt được sốt xuất huyết với nhiễm các loại virus khác như cúm, sốt do COVID-19...

1.2. Trẻ sốt xuất huyết giai đoạn nguy hiểm

Giai đoạn này thường xảy ra từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 trong chu kỳ nhiễm bệnh, tính từ khi trẻ sốt xuất huyết bị sốt. Ở giai đoạn này, trẻ sẽ sốt nhẹ hoặc có thể đã hết sốt, thông thường tình trạng xuất hiện nốt ban đỏ dưới da sẽ xuất hiện trong giai đoạn này, biểu hiện xuất huyết rất đa dạng (do giảm tiểu cầu trong máu), đây là giai đoạn nhiều biến chứng xảy ra. Một số trẻ sốt xuất huyết có hiện tượng chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng, có trường hợp trẻ đi tiểu ra máu. Nghiêm trọng hơn, trẻ sốt xuất huyết có thể bị xuất huyết dạ dày, xuất huyết não hoặc một số biến chứng như viêm gan, viêm cơ tim, viêm não...

1.3. Giai đoạn hồi phục ở trẻ sốt xuất huyết

Giai đoạn phục hồi ở trẻ sốt xuất huyết thường kéo dài khoảng 1 - 2 ngày. Lúc này cơ thể trẻ đã khỏe dần lên và bắt đầu thèm ăn, đi tiểu nhiều hơn. Trẻ sốt xuất huyết hết sốt trên 48 giờ, xét nghiệm tiểu cầu bắt đầu tăng.

Như vậy, sốt xuất huyết ở trẻ em mấy ngày thì khỏi còn tùy thuộc vào thể trạng của từng trẻ. Tuy nhiên con số trung bình của trẻ sốt xuất huyết kể từ thời gian phát bệnh (sốt cao) cho đến khi khỏi dần là 7 - 10 ngày. Bệnh sốt xuất huyết có diễn biến rất nhanh, vì vậy cha mẹ không nên chủ quan mà cần tìm hiểu, chăm sóc trẻ sốt xuất huyết đúng cách để giúp trẻ sớm hồi phục sức khỏe.

2. Dấu hiệu nào cho thấy trẻ đã khỏi bệnh sốt xuất huyết

Ngoài việc quan tâm đến vấn đề sốt xuất huyết ở trẻ em mấy ngày thì khỏi, cha mẹ cần tìm hiểu để nhận biết rõ những dấu hiệu cho thấy trẻ khỏi bệnh sốt xuất huyết. Một lưu ý hết sức quan trọng trong bệnh sốt xuất huyết đó là: không phải cứ hết sốt là đã khỏi sốt xuất huyết. Thông thường khi trẻ sốt xuất huyết bắt đầu hết sốt, lúc này trẻ sẽ chuyển sang giai đoạn nguy hiểm nhất. Cha mẹ cần phải theo dõi sát tình trạng sức khỏe của trẻ cũng như đưa trẻ đi kiểm tra mỗi ngày để đánh giá lượng tiểu cầu. Trẻ sốt xuất huyết cần trải qua đủ 3 giai đoạn kể trên mới được đánh giá là khỏi bệnh hoàn toàn. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy sốt xuất huyết ở trẻ em sắp khỏi:

  • Cơ thể trẻ không còn tình trạng mệt mỏi quá mức sau những cơn sốt cao. Sau khi cắt cơn sốt được khoảng 7 ngày, cơ thể trẻ sốt xuất huyết sẽ có những chuyển biến khá rõ rệt như: đỡ mệt hơn, thèm ăn vặt, trẻ ăn ngon miệng hơn và cảm thấy cơ thể khỏe mạnh hơn. Đây là những dấu hiệu cho thấy, trẻ sắp khỏi bệnh và đang hồi phục tốt;
  • Trẻ đi ngoài nhiều hơn: trẻ sốt xuất huyết thường sốt cao dẫn đến tình trạng mất nước, do đó khi sốt trẻ ít đi tiểu hơn. Nhưng sau khoảng 5 - 7 ngày được điều trị, chăm sóc tích cực, trẻ sốt xuất huyết sẽ có xu hướng không xuất hiện nốt phát ban mới;
  • Lưu ý khi bệnh ở giai đoạn nguy hiểm, trẻ bị nổi nhiều nốt ban đỏ dưới da, khiến trẻ vô cùng ngứa ngáy và khó chịu. Nếu tình trạng sức khỏe của trẻ sốt xuất huyết tiến triển tốt thì những nốt phát ban sẽ mờ đi và không mọc thêm nốt mới, bé cũng không còn cảm thấy ngứa ngáy. Đây là một trong những biểu hiện cho thấy trẻ sắp khỏi bệnh.

3. Từng mắc sốt xuất huyết rồi có mắc lại không?

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, trẻ vừa mắc sốt xuất huyết khỏi bệnh thì không thể tiếp tục mắc lại nữa, tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm. Virus gây bệnh sốt xuất huyết bao gồm 4 chủng là DEN - 1, DEN - 2, DEN - 3 và DEN - 4. Trẻ sẽ nhiễm bệnh khi bị muỗi vằn cái (mang virus Dengue) đốt lên da. Khi một người đã được điều trị khỏi sốt xuất huyết thì hệ miễn dịch của cơ thể sẽ có khả năng chống lại loại virus đã gây bệnh. Tuy nhiên, như đã đề cập, virus sốt xuất huyết có 4 chủng, vì vậy trẻ sốt xuất huyết do chủng này gây bệnh thì vẫn có thể tiếp tục mắc bệnh do 3 chủng loại còn lại. Vì vậy nếu trẻ vừa nhiễm sốt xuất huyết khỏi thì trẻ vẫn có thể mắc bệnh tái diễn nếu bị muỗi vằn mang nguồn bệnh thuộc chủng khác đốt vào da.

4. Lời khuyên của thầy thuốc cho các bậc phụ huynh

  • Khi nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất. Khi được chẩn đoán mắc bệnh sốt xuất huyết, cha mẹ cần tuân theo tư vấn của bác sĩ. Nếu bác sĩ đồng ý cho trẻ được theo dõi và điều trị tại nhà, cha mẹ cần đảm bảo thực hiện đủ đơn thuốc của bác sĩ và lịch tái khám. Một số trường hợp trẻ sốt xuất huyết cần phải nhập viện điều trị. Cần lưu ý là "theo dõi" tại gia đình cần thực hiện 24/24 giờ, đảm bảo phát hiện được những biểu hiện bất thường hoặc những biến chứng nguy hiểm của trẻ sốt xuất huyết.
  • Cha mẹ khi chăm sóc con tại nhà cần theo dõi nhiệt độ của trẻ thường xuyên, cho trẻ nghỉ ngơi tuyệt đối không để trẻ nô đùa nhiều, tránh dùng quần áo quá dày hoặc tránh mặc nhiều áo quần, ủ kín trẻ. Nếu thân nhiệt của trẻ trên 38,5 độ C, cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt loại Paracetamol đơn chất với liều lượng 10 - 15mg/kg tính theo trọng lượng cơ thể trẻ, cho trẻ uống lặp lại mỗi 6 giờ/lần nếu trẻ vẫn sốt cao.
  • Sau khi uống thuốc hạ sốt 1 giờ cha mẹ nên đo lại nhiệt độ cho trẻ để theo dõi sát. Tuyệt đối không được sử dụng Aspirin, vì chất này có thể làm rối loạn đông máu, gây chảy máu kéo dài, điều này đặc biệt rất nguy hiểm cho người bị sốt xuất huyết, đặc biệt là đối tượng trẻ em.
  • Theo dõi nhiệt độ của trẻ bằng cách sử dụng nhiệt kế kẹp ở nách hoặc hậu môn hay đặt nhiệt kế bên khóe miệng trẻ cứ mỗi vài giờ một lần. Trong trường hợp gia đình đang dùng nhiệt kế điện tử thì trước khi sử dụng để đo thân nhiệt cho trẻ, cha mẹ nên kẹp thử nhiệt kế trên người bình thường để đánh giá tính xác thực của dụng cụ, nếu thấy sai lệch nhiều thì cha mẹ nên thay bằng nhiệt kế thủy ngân;
  • Nếu thân nhiệt của trẻ đo được trên 37 độ, dưới 38,5 độ thì không cần cho trẻ sử dụng các loại thuốc hạ nhiệt mà chỉ cần lau mát cho trẻ bằng khăn nhúng nước ấm (nhiệt độ nước thấp hơn nhiệt độ của trẻ vài ba độ) để hiện tượng thoát nhiệt xảy ra dễ dàng;
  • Khi trẻ bị sốt cao trong một thời gian dài (nhiệt độ trên 39 độ) sẽ làm cho trẻ bị mất nước và các chất điện giải, có nguy cơ dẫn đến rối loạn thần kinh, thậm chí co giật. Cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước để bù đắp lượng nước bị mất do sốt, nếu được hãy cho trẻ sốt xuất huyết uống nước pha từ oresol hoặc nước gạo rang, nước muối (2 thìa cà phê muối ăn cùng, 8 thìa cà phê đường trong 1 lít nước đun sôi, để nguội, uống dần dần trong ngày);
  • Cha mẹ có thể cho trẻ sốt xuất huyết uống thêm nước cam, nước chanh tươi để có thêm vitamin C. Trẻ sốt xuất huyết thường có triệu chứng nôn mửa, miệng nhạt, lười ăn, không chịu ăn, nếu ăn không đủ lượng thức ăn cần thiết trẻ rất dễ bị hạ đường huyết.
  • Trường hợp trẻ ăn ít hoặc bị nôn mửa nhiều thì cần cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ để cung cấp đủ năng lượng, tránh bị suy kiệt sau bệnh sốt xuất huyết. Trong giai đoạn trẻ sốt xuất huyết cần tránh các loại thức ăn có nhiều mỡ. Trẻ đang bú mẹ thì cho trẻ bú tăng thêm số lần và kéo dài thêm thời gian, có thể dùng thêm sữa để cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ.

5. Khi nào trẻ sốt xuất huyết cần nhập viện?

  • Trẻ sốt xuất huyết vẫn thấy khó chịu nhiều mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt;
  • Trẻ không ăn, uống được;
  • Trẻ bị nôn ói nhiều;
  • Trẻ có biểu hiện đau bụng nhiều;
  • Tay chân của trẻ lạnh, ẩm;
  • Trẻ sốt xuất huyết rơi vào trạng thái mệt lả, bứt rứt;
  • Chảy máu mũi, chảy máu miệng...;
  • Trẻ sốt xuất huyết không tiểu trên 6 giờ;
  • Hành vi của trẻ sốt xuất huyết thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.

Khi có những triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa trẻ sốt xuất huyết đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan