Sốt siêu vi có nổi ban không? Cảnh giác bệnh bùng phát lúc giao mùa

Thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các siêu vi trùng (virus) phát triển, làm bùng phát sốt siêu vi ở trẻ có sức đề kháng kém. Với số lượng bệnh nhân tăng đáng kể, sốt siêu vi có nổi ban không và sốt siêu vi phát ban khi nào hết là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

1. Sốt siêu vi là gì?

Sốt siêu vi, còn gọi là nhiễm siêu vi, chỉ tình trạng trẻ bị sốt vài ngày đầu, nhưng chưa xác định được chính xác căn bệnh. Triệu chứng có thể kéo dài hoặc lặp lại, uống thuốc hạ sốt vẫn không khỏi khiến phụ huynh hoang mang, không biết con mình mắc bệnh gì.

Siêu vi trùng có thể là nguyên nhân gây nên sốt xuất huyết, hoặc viêm đường hô hấp, cảm cúm, sốt phát ban, thậm chí là tay chân miệng... Chính vì vậy, bác sĩ thường hẹn bệnh nhi tái khám hoặc làm thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác. Nếu không tìm được nguyên nhân gây sốt, đồng thời loại trừ nguyên nhân do vi khuẩn (viêm amidan, viêm tai giữa, nhiễm trùng tiết niệu,...) và kết quả xét nghiệm không thấy nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ vẫn giữ nguyên chẩn đoán nhiễm siêu vi.

Trả lời cho câu hỏi sốt siêu vi phát ban khi nào hết, các bác sĩ cho biết bệnh sốt virus có thể tự khỏi sau 5 - 7 ngày, nhưng biểu hiện sốt ở trẻ em rất cần được chăm sóc. Một số trẻ có tiếp xúc với nguồn lây các siêu vi đặc biệt như H1N1, H5N1, H7N9 có thể bị viêm phổi nặng, diễn tiến đến suy hô hấp và thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu phổ biến của trẻ bị nhiễm siêu vi bao gồm:

  • Sốt cao: Rất thường gặp ấm đầu, hoặc sốt từ 38 - 39°C, thậm chí 40 - 41°C. Đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, sốt cao không hạ kịp dễ bị co giật, tăng đàm nhớt dẫn đến suy hô hấp, thiếu oxy não. Còn khi hạ sốt trẻ sẽ tỉnh táo, sinh hoạt bình thường;
  • Đau nhức toàn thân: Trẻ lớn khi bị đau cơ bắp sẽ kêu đau khắp người, còn trẻ nhỏ có thể cựa quậy, quấy khóc;
  • Đau đầu: Một số bệnh nhi có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo;
  • Viêm đường hô hấp: Với các biểu hiện như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ...
  • Rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện nếu nhiễm virus đường tiêu hóa;
  • Viêm hạch: Một số trẻ sưng hạch vùng đầu, mặt, sau tai... với kích thước nhỏ và không đau. Nếu sưng to vùng ngay trước tai có thể nghi ngờ mắc quai bị;
  • Viêm kết mạc: Mắt có thể đỏ, đổ ghèn, chảy nước. Nếu xuất hiện kèm hồng ban có thể nghi ngờ bệnh ban sởi;
  • Nôn: Nôn ói nhiều lần, chủ yếu là sau khi ăn.
Trẻ đau bụng quanh rốn
Sốt siêu vi có thể gây tình trạng rối loạn tiêu hóa cho trẻ

Vậy sốt siêu vi có nổi ban không? Ban đỏ cũng là một trong những triệu chứng của nhiễm siêu vi. Một số trẻ phát ban khu trú ở mặt, chi hoặc toàn thân sau 2 - 3 ngày sốt. Nhưng khi ban xuất hiện thì trẻ cũng giảm sốt. Triệu chứng sốt siêu vi phát ban này rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng sốt xuất huyết.

Trong những trường hợp hiếm gặp, sốt siêu vi có thể dẫn đến một số biến chứng nặng như: viêm phổi, viêm não hay lồng ruột.

3. Điều trị sốt siêu vi phát ban

Hầu như các bệnh do virus gây ra đều chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là kiểm soát triệu chứng. Do đó, các biện pháp thường áp dụng đối với nhiễm siêu vi ở trẻ em là:

3.1. Hạ sốt

  • Bỏ bớt chăn, quần áo, chỉ cho bé mặc đồ mỏng và sáng màu để cơ thể tỏa nhiệt;
  • Uống thuốc hạ sốt acetaminophen (paracetamol) khi sốt trên 38°C. Thuốc có hiệu quả nhanh sau 30 phút và kéo dài từ 4 - 6 giờ, ít tác dụng phụ. Lưu ý liều lượng thích hợp với độ tuổi của bệnh nhi;

3.2. Lau mát

  • Lau người bằng nước ấm trong khi chờ thuốc phát huy tác dụng, hoặc khi trẻ khó chịu, co giật;
  • Chỉ áp dụng cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, không lau mát cho trẻ sơ sinh để tránh hạ thân nhiệt;
  • Tránh dùng nước lạnh hay nước đá vì sẽ làm mạch máu co lại, không thể tỏa nhiệt;
  • Dùng 4 khăn thấm nước ấm và ẩm, đắp 2 bên nách và bẹn, thêm 1 khăn đắp lau khắp người;
  • Kiểm tra lại thân nhiệt của bé mỗi 15 - 30 phút, ngưng lau mát khi dưới 38°C.

3.3. Xử trí sốt cao co giật

  • Đặt trẻ nằm nghiêng để đàm nhớt chảy ra ngoài, tránh hít sặc vào phổi;
  • Nhét thuốc hạ nhiệt acetaminophen vào hậu môn;
  • Lau người bằng nước ấm;
  • Đưa bệnh nhi tới cơ sở y tế.
Những điều cần biết về thuốc hạ sốt đút hậu môn cho trẻ (Phần 2)
Sử dụng thuốc acetaminophen nhét hậu môn xử trí sốt cao co giật

3.4. Bù nước, dinh dưỡng

Sốt cao có thể gây mất nước và rối loạn điện giải, vì vậy nên cho trẻ uống nhiều nước đun sôi để nguội hoặc bù điện giải bằng Oresol pha với một lít nước, uống dần trong ngày.

Về dinh dưỡng thì nên cho trẻ ăn món lỏng, dễ tiêu và bổ dưỡng để cung cấp đầy đủ chất cho bé.

3.5. Chống bội nhiễm

  • Vệ sinh sạch sẽ, tắm bằng nước ấm và cho bé ở trong phòng kín gió, ấm áp;
  • Nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý 0,9%;
  • Cách ly, không cho trẻ đến trường để tránh lây bệnh thành dịch;

3.6. Những điều không nên làm

Việc điều trị, chăm sóc trẻ khi sốt là việc làm quan trọng, tuy nhiên cha mẹ cũng nên chú ý không nên thực hiện các điều sau:

  • Quấn kín trẻ;
  • Kiêng ăn uống;
  • Nặn chanh, đổ sả hoặc thuốc vào miệng khi trẻ đang co giật;
  • Không cạo gió, cắt lễ và bất kỳ biện pháp truyền miệng nào chưa được khoa học chứng minh.

3.7. Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Trong một số các trường hợp sau đây, mẹ cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị:

  • Sốt cao khó hạ;
  • Sốt trên 2 ngày;
  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt;
  • Sốt kèm chấm xuất huyết ở da, hoặc hồng ban mụn nước lòng bàn tay, chân và bất kỳ biểu hiện bất thường nào khác.

4. Phòng ngừa sốt siêu vi phát ban lúc giao mùa

Một vài lưu ý để bảo vệ cho con nhỏ khỏi bị nhiễm siêu vi lúc giao mùa như sau:

  • Không để trẻ tiếp xúc với người bệnh;
  • Giữ con đủ ấm;
  • Không cho trẻ dầm mưa, chơi ngoài nắng, bơi lội hoặc tắm quá lâu;
  • Đảm bảo ăn uống vệ sinh, môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát;
  • Tiêm ngừa vắc-xin cúm, viêm não, thủy đậu, sởi... đầy đủ theo độ tuổi.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp dịch vụ tiêm chủng vắc-xin viêm não mô cầu
Cha mẹ nên cho trẻ tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc-xin giúp phòng ngừa sốt siêu vi phát ban lúc giao mùa

Nếu con bạn mắc bệnh sốt siêu vi phát ban, không nên quá lo lắng hoặc quá chủ quan. Thay vào đó, hãy chăm sóc trẻ chu đáo, uống thuốc theo toa bác sĩ, cũng như nhận biết các dấu hiệu nặng để kịp thời đưa con đến cơ sở y tế khám và chữa bệnh.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

54.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan