Phục hồi chức năng cho trẻ giảm thính lực

Nghe kém, giảm thính lực là bệnh lý gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới cuộc sống của trẻ, dẫn tới nhiều trở ngại trong cuộc sống. Việc phục hồi chức năng cho trẻ giảm thính lực đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ hòa nhập cộng đồng, chủ động gánh vác cuộc sống của mình trong tương lai.

1. Tổng quan về tình trạng giảm thính lực ở trẻ

1.1 Giảm thính lực là gì?

Trẻ bị nghe kém, điếc, khó khăn về nghe,... là tình trạng trẻ bị giảm một phần hoặc toàn bộ sức nghe, khiến trẻ không nghe được với cường độ âm thanh bình thường. Những trẻ bị mất khả năng nghe khi vừa sinh ra hoặc bị giảm thính lực trong những năm đầu đời thường không có khả năng phát triển ngôn ngữ bình thường, dẫn tới không nói được.

Dựa trên mức độ mất sức nghe, điếc/khiếm thính được chia thành 4 mức độ: Điếc nhẹ (nghe được âm thanh 20 - 40dB), điếc trung bình (nghe được âm thanh 41 - 70dB), điếc nặng (chỉ nghe được âm thanh 71 - 90dB) và điếc sâu (chỉ nghe được âm thanh trên 90dB).

Trẻ bị giảm thính lực gặp nhiều khó khăn như:

  • Trong giao tiếp: Trẻ khó bắt kịp các cuộc nói chuyện xung quanh, không hiểu rõ ý nghĩa của các cuộc trò chuyện. Với những trẻ bị điếc, trẻ sẽ phải sử dụng dấu, cử chỉ để giao tiếp, gây khó khăn cho người xung quanh nếu chưa được học về cách nói chuyện với người bị điếc;
  • Trong học tập: Trẻ gặp khó khăn trong việc nghe giảng, gây nhiều trở ngại trong học tập. Với các môn học cần tới kỹ năng nghe - nói - viết, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn;
  • Trong quan hệ xã hội: Trẻ bị giảm thính lực thường gặp nhiều hạn chế trong việc kết bạn, quan hệ xã hội do khó khăn về việc giao tiếp;
  • Về tâm lý: Trẻ gặp trở ngại tâm lý do không thể hiện được nhu cầu của bản thân hoặc cảm thấy bất lực vì không hiểu những điều mà người xung quanh diễn đạt. Điều này khiến trẻ hay nóng giận, cáu gắt hoặc mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp.
trẻ giảm thính lực
Giảm thính lực là rào cản cho trẻ trong giao tiếp, sinh hoạt

1.2 Nguyên nhân gây giảm thính lực

Gồm các nguyên nhân sau:

  • Trước khi sinh: Trẻ bị dị dạng tai, khiếm khuyết vành tai; người mẹ bị ốm trong khi mang thai hoặc do bẩm sinh;
  • Trong khi sinh: Trẻ bị sinh non dưới 6 tháng, cân nặng dưới 2kg, bị chấn thương não do can thiệp sản khoa (forcep);
  • Sau khi sinh: Trẻ mắc bệnh nhiễm trùng (sởi, quai bị, viêm não, viêm màng não mủ), bệnh ở tai (viêm tai giữa), nhiễm độc thính giác do một số loại thuốc hoặc bị chấn thương đầu.

1.3 Triệu chứng của trẻ bị giảm thính lực

  • Trẻ ngơ ngác khi nghe nói chuyện, học nói muộn;
  • Trẻ không phản ứng trước mọi âm thanh;
  • Trẻ bị nói ngọng;
  • Trẻ phải nhìn miệng của người nói chuyện với mình để đoán được nội dung cuộc hội thoại.
Chữa nói ngọng
Nói ngọng là dấu hiệu trẻ bị giảm thính lực

2. Phục hồi chức năng cho trẻ giảm thính lực

Để trẻ khiếm thính có thể hòa nhập cộng đồng, việc điều trị giảm thính lực bẩm sinh kết hợp với phục hồi chức năng đóng vai trò rất quan trọng.

2.1 Điều trị cho trẻ giảm thính lực

Việc điều trị bệnh tùy thuộc vào nguyên nhân gây giảm thính lực. Cụ thể:

  • Giảm thính lực do bệnh lý: Gồm các bệnh như viêm tai giữa, dị vật trong ống tai, do ráy tai hoặc các chấn thương thủng màng nhĩ,... thì cần phát hiện kịp thời, điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Nếu xử lý kịp thời, cơ hội khôi phục thính lực cho trẻ là rất lớn. Với các trẻ này, cần chú ý vệ sinh sạch sẽ tai - mũi - họng trong và sau quá trình điều trị để nâng cao hiệu quả điều trị, phòng ngừa bệnh tái phát;
  • Giảm thính lực do bẩm sinh, di truyền hoặc trong khi sinh, di chứng sau viêm não - màng não,... thì trẻ sẽ không thể phục hồi được thính lực, phải mang khuyết tật suốt đời. Với những trẻ này, khi được phát hiện bệnh sớm, trẻ được đeo máy nghe, máy trợ thính hoặc ốc tai điện tử, cho phép trẻ học nói sớm, phát triển như các trẻ khỏe mạnh bình thường. Máy trợ thính giúp khuếch đại cường độ âm thanh để trẻ có thể nghe, tiếp nhận thông tin bình thường. Hiệu quả của máy được phát huy tối đa nếu trẻ được đeo từ khi được 0 - 3 tuổi, đeo hằng ngày, suốt ngày.
Vệ sinh tai trẻ
Vệ sinh tai mũi họng thường xuyên cho trẻ để điều trị giảm thính lực

2.2 Các mô hình phục hồi chức năng cho trẻ giảm thính lực

Trẻ bị giảm thính lực được khám sức khỏe toàn diện, khả năng nghe, phát âm, nhận thức,... để gia đình lựa chọn mô hình và phương pháp phục hồi chức năng phù hợp. Một số phương pháp gồm:

Phục hồi chức năng theo mô hình chuyên biệt

  • Dạy văn hóa: Trẻ khiếm thính lớn trên 6 tuổi, mức độ điếc nặng và sâu, không phát triển ngôn ngữ,... được kết hợp dạy văn hóa theo chương trình tiểu học và phục hồi chức năng lao động hướng nghiệp nghề (khi trẻ được trên 12 tuổi);
  • Dạy nghề: Cho trẻ khiếm thính lớn tuổi tham gia học theo chương trình văn hóa, kết hợp với hướng nghiệp, dạy nghề phù hợp với khả năng, nhu cầu của trẻ;
  • Dạy kỹ năng sống: Trẻ khiếm thính nhỏ được dạy đi vệ sinh, đánh răng, rửa mặt, tắm, mặc quần áo,... Trẻ khiếm thính lớn tuổi hơn được tư vấn tâm sinh lý, giáo dục giới tính và hướng dẫn làm việc nhà;
  • Hoạt động khác: Giáo dục đạo đức; tăng cường hoạt động văn hóa, văn nghệ để củng cố sự tự tin cho trẻ; hỗ trợ trẻ học tập, điều trị, tìm việc làm; hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc và giáo dục trẻ tại gia đình.

Phục hồi chức năng theo mô hình hòa nhập

Những trẻ khiếm thính có khả năng nghe qua máy trợ thính hoặc điện cực ốc tai sẽ được can thiệp cá nhân để phục hồi chức năng nghe, nói. Trẻ có thể tham gia học tại các trường học như trẻ khỏe mạnh bình thường. Những trẻ được can thiệp sớm có thể phục hồi được ngôn ngữ lời nói và khả năng nghe, hòa nhập được với các trẻ khỏe mạnh.

Máy trợ thính
Trẻ em giảm thính lực có thể nghe được qua máy trợ thính

2.3 Chi tiết cách phục hồi chức năng cho trẻ giảm thính lực

Nguyên tắc chung là cần tiếp tục giao tiếp với trẻ như bình thường. Sau đó, chú ý hướng dẫn trẻ như sau:

Hướng dẫn cho trẻ bị nghe kém mức độ nhẹ

  • Ở lớp học, sắp xếp cho trẻ ngồi ở vị trí thuận lợi như ở đầu lớp học, hướng tai nghe tốt hơn về phía giữa lớp, giáo viên nên nói to, rõ hơn khi giao tiếp với trẻ;
  • Vị trí của người nói với trẻ càng gần càng tốt. Ở nhà hoặc ở các lớp học hòa nhập, giáo viên nên vừa nói chuyện vừa ra hiệu để trẻ quan sát được miệng của người đối thoại.

Hướng dẫn cho trẻ bị nghe kém ở mức độ nặng

Người lớn nên dạy trẻ giao tiếp bằng các hình thức không lời như nét mặt, tư thế, ánh mắt, khẩu hình miệng,... Cụ thể:

  • Khẩu hình miệng: Là cử động của miệng khi nói. Trẻ bị giảm thính lực thường phải đọc hình miệng để hiểu những gì mà người khác muốn trao đổi. Do đó, khi nói chuyện với trẻ, cần nói chậm, dùng câu ngắn để trẻ quan sát được hình miệng. Việc hướng dẫn cho trẻ nên bắt đầu bằng các âm môi, đơn, chọn các vật khác nhau, nói mà không chỉ vào vật để trẻ nhận biết dần;
  • Ra dấu: Dùng cử động của tay để giao tiếp với trẻ bị giảm thính lực. Cách dạy trẻ dùng dấu là hãy để các vật gần nhau, khi cần nói gì thì chỉ và làm dấu về vật đó. Có nhiều bộ dấu khác nhau như đại từ nhân xưng, con vật, đồ dùng, thức ăn,...;
Ra dấu với trẻ khiếm thính
Ra dấu là một hình thức giao tiếp với trẻ nghe kém ở mức độ nặng

  • Dùng chữ cái ngón tay: Là cử động của ngón tay để mô tả các chữ cái tiếng Việt. Khi giao tiếp, trẻ sẽ dùng các ngón tay, ghép chúng lại thành câu. Có thể hướng dẫn trẻ dùng chữ cái ngón tay khi trẻ bắt đầu học chữ;
  • Huấn luyện nghe: Cho trẻ tập nghe để phát hiện âm thanh, phân biệt các âm thanh khác nhau, phân biệt lời nói,...;
  • Huấn luyện nói: Dạy trẻ cách tạo ra các âm thanh khác nhau, để trẻ bắt chước các âm thanh. Sau đó, khi trẻ được 1 tuổi thì dạy trẻ nói các từ đơn, tiếp theo dạy cho trẻ nói từ câu ngắn tới câu dài.

Với những trường hợp trẻ điếc nặng, việc đeo máy trợ thính, các biện pháp kể trên tuy ít có hiệu quả nhưng vẫn là phương pháp giao tiếp tốt. Với các gia đình có điều kiện, có thể cho trẻ cấy điện cực ốc tai ngay từ nhỏ và luyện nghe nói để khi lớn lên trẻ có cơ hội giao tiếp bình thường như trẻ khác.

Can thiệp về phương diện xã hội

  • Tạo điều kiện cho trẻ giao tiếp, vui chơi với các trẻ khác để giúp trẻ hòa nhập cộng đồng tốt hơn;
  • Cho trẻ tham gia các câu lạc bộ, hội người khuyết tật để trao đổi thông tin, giao tiếp bằng ngôn ngữ tổng hợp.

Phục hồi chức năng cho trẻ giảm thính lực cần thực hiện lâu dài, bài bản để mang lại kết quả tốt nhất, giúp trẻ có thể hòa nhập cộng đồng, sinh hoạt bình thường. Để giảm nguy cơ bị suy giảm thính lực, cần chú ý hạn chế các sang chấn sản khoa, tránh sử dụng các thuốc gây ảnh hưởng tới thính giác ở bà mẹ mang thai, tiêm chủng, nuôi con bằng sữa mẹ,...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan