Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 9 tháng tuổi

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Trẻ nhỏ cần được ăn đủ chất dinh dưỡng hàng ngày để phát triển khỏe mạnh, cứng cáp và thông minh. Vào khoảng 9 tháng tuổi, em bé đang phát triển nhanh chóng và cần nhiều năng lượng, cũng như chất dinh dưỡng hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong cuộc đời. Do vậy, cha mẹ cần nắm được nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 9 tháng tuổi để bổ sung một cách hợp lý.

1. Nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ 9 tháng tuổi

Để giúp trẻ 9 tháng tuổi phát triển cân nặng và chiều cao phù hợp thì trong giai đoạn này, cha mẹ cần hiểu rõ nhu cầu về dinh dưỡng và bổ sung một cách đầy đủ nhất.

Đối với trẻ 9 tháng tuổi, ngoài bú sữa mẹ, trẻ cần phải ăn dặm thêm bột, cháo đặc và trái cây,... Khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ 9 tháng tuổi bao gồm ba bữa chính và ba bữa phụ. Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 9 tháng tuổi bao gồm:

  • Sữa mẹ: 500-600ml
  • Ba bữa chính: bột hoặc cháo ăn dặm mỗi bữa khoảng 200ml, cơm nhão xay nhuyễn 60-90g gạo tẻ trắng. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy bổ sung cho trẻ thêm thức ăn như 60-90g thịt (ví dụ như thịt lợn, tôm, cá,...), 15g mỡ hoặc dầu, rau xanh và trái cây chín.
  • Ba bữa phụ bao gồm: trái cây, bánh quy hoặc phô mai,...

Thực đơn ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi cần đảm bảo đầy đủ bốn nhóm chất dinh dưỡng cơ bản bao gồm: đạm, bột đường, chất béo, vitamin và chất khoáng.

  • Nhóm bột đường: gạo, lúa mì, yến mạch và các loại đậu,...
  • Nhóm chất đạm: thịt, tôm, cua, cá, lòng đỏ trứng,...
  • Nhóm vitamin và chất khoảng: bao gồm tất cả các loại rau củ và trái cây. Ưu tiên rau màu xanh đậm và các loại trái cây họ cam quýt.
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mát, bơ,...
nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 9 tháng
Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 9 tháng gồm sữa mẹ và bữa ăn dặm

2. Một số lưu ý trong thực đơn ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi

Một số lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ 9 tháng tuổi bao gồm:

  • Trẻ 9 tháng tuổi đã mọc được 4 răng cửa và bắt đầu quá trình tập nhai. Lúc này cha mẹ có thể cho trẻ ăn cháo nguyên hạt hoặc bột ăn dặm và các loại rau củ băm nhỏ nhưng không cần phải xay hoặc nghiền nát như giai đoạn trước đó.
  • Tập cho trẻ ăn với các loại thức ăn như: các loại rau, củ và trái cây. Điều này không chỉ giúp cho trẻ có thể khám phá mùi vị thật của các loại thức ăn, mà còn khuyến khích cho trẻ tập nhai, kích thích hệ tiêu hóa, trẻ sẽ hào hứng hơn với bữa ăn và giúp cho trẻ ăn ngon miệng hơn.
  • Ngoài thời gian các cữ bú, mẹ nên bổ sung thêm các bữa ăn phụ bằng các chế phẩm từ sữa như: sữa chua, bơ, phô mai,... giúp cho trẻ tăng cường thêm dưỡng chất.
  • Hãy xây dựng một thực đơn dinh dưỡng phong phú cho trẻ, cung cấp đủ chất, giúp cho trẻ ăn ngon miệng hơn. Đặc biệt, với những trẻ còn đang bú mẹ thì cần tăng cường thêm chất sắt trong thực đơn hàng ngày của trẻ như thịt đỏ, gan gà, gan lợn,... Tuy nhiên, cần lưu ý trẻ 9 tháng tuổi có thể sẽ dễ bị dị ứng với những thực phẩm như: sữa tươi, lòng trắng trứng và các loại hải sản thuộc dòng vỏ cứng như sò, ốc, trai,...
  • Bổ sung đầy đủ nước cho trẻ: Khác với thời điểm khi trẻ 6 tháng đầu đời thì trẻ 9 tháng tuổi cần được uống đủ nước để tránh tình trạng táo bón.
  • Nên tập cho trẻ thói quen ngồi vào bàn ăn: Để tập thói quen ăn uống nghiêm túc, cha mẹ nên cho trẻ ngồi vào bàn ăn như một thói quen, trẻ sẽ hào hứng và điều này sẽ kích thích trẻ ăn ngon miệng.

Xem ngay: Cho bé 9 tháng ăn gì để tăng cân và chiều cao?

3. Một số thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 9 tháng

3.1 Cháo cá hồi + bí đỏ

Chuẩn bị:

  • Cá hồi: 30g
  • Bí đỏ: 30g
  • Gạo tẻ: 40g
  • Dầu ăn: 5g
  • Hành lá + hành khô

Cách làm: Cá hồi đem rửa sạch sau đó hấp cách thủy với một ít lát gừng để khử mùi tanh của cá. Cá chín để nguội và đem ra gỡ bỏ xương, băm nhuyễn. Sau đó phi cá với hành khô băm nhuyễn và cho ra bát. Gọt sạch vỏ bí đỏ, sau đó đem hấp chín và nghiền nhuyễn. Cháo nấu nhừ thì cho hỗn hợp cá hồi và bí đỏ vào trộn đều, nấu sôi lên cho hành lá thái nhỏ và tắt bếp. Múc cháo ra bát và cho thêm một vài giọt dầu oliu, cho con ăn ngay khi cháo còn ấm.

nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 9 tháng
Món cháo cá hồi + bí đỏ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 9 tháng

3.2 Cháo gan gà + khoai lang

Chuẩn bị:

  • Gan gà: 30g
  • Khoai lang: 20g
  • Gạo tẻ: 20g
  • Dầu ăn: 5g

Cách làm: Gan gà đem rửa sạch rồi băm nhuyễn. Phi gan gà với hành khô rồi múc ra bát. Khoai lang hấp chín và nghiền nhuyễn. Gạo nấu cháo nhừ thì cho hỗn hợp gan gan gà và khoai lang sau đó trộn đều vào nấu sôi lên. Múc cháo ra bát và cho một vài giọt dầu oliu hoặc dầu ăn rồi cho trẻ ăn.

3.3 Cháo thịt heo + rau ngót

Chuẩn bị:

  • Gạo: 20g
  • Thịt nạc: 30g
  • Rau ngót: 30g
  • Dầu ăn: 5g

Cách làm: Cho 20g gạo vào nồi ninh nhừ. Thịt heo rửa sạch và băm nhỏ. Hành khô phi thơm và cho thịt heo vào cùng đến khi chín. Rau ngót tuốt vỏ, rửa sạch và xay nhuyễn rồi cho vào cháo. Trộn đều hỗn hợp và đợi cháo sôi lại cho chín rau thì tắt bếp. Múc cháo ra bát và cho thêm vài giọt dầu oliu và cho trẻ ăn.

3.4 Cháo tôm + cải bó xôi

Chuẩn bị:

  • Gạo: 20g
  • Tôm: 30g
  • Cải bó xôi: 30g
  • Dầu ăn: 5g

Cách làm: Tôm lột sạch vỏ, bỏ đầu và chỉ đen sau đó băm nhuyễn rồi xào qua với hành khô băm nhỏ. Cải bó xôi rửa sạch và băm nhỏ. Ninh gạo nhừ thì cho cải bó xôi và tôm vào nấu, trộn đều khi sôi lại cháo thì tắt bếp. Múc cháo ra cho thêm dầu oliu hoặc dầu ăn và cho trẻ ăn.

Tóm lại, trẻ nhỏ cần được ăn đủ chất dinh dưỡng hàng ngày để phát triển khỏe mạnh, cứng cáp và thông minh. Vào khoảng 9 tháng tuổi, em bé đang phát triển nhanh chóng và cần nhiều năng lượng, chất dinh dưỡng hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong cuộc đời. Do vậy, để giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, cha mẹ cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, có thể tham khảo các thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 9 tháng tuổi và bổ sung thêm các vi chất cần thiết như : Kẽm sinh học, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa. Cha mẹ có thể tham khảo việc bổ sung vi chất từ các bác sĩ chuyên khoa Nhi, Dinh dưỡng để việc sử dụng đạt đúng mục đích và mang lại hiệu quả cao.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

26.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan