Nguyên nhân nào gây ra chứng vẹo cổ bẩm sinh?

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi BS. Nguyễn Hùng Tiến– Bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Chứng vẹo cổ bẩm sinh ở trẻ có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do các vấn đề liên quan đến các nhóm cơ ức đòn chũm ở vùng cổ. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, chứng bệnh này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ và để lại những hệ lụy tiêu cực khi trẻ lớn lên.

1. Chứng vẹo cổ bẩm sinh là gì?

Chứng vẹo cổ (Torticollis) là tình trạng đầu của trẻ bị nghiêng sang một bên trong khi cằm lại quay sang bên kia. Chứng bệnh này có nghĩa là cổ bị xoắn, đôi khi nó cũng được gọi là “vẹo cổ” – (wryneck). Mặc dù thoạt nhìn nó có vẻ trông rất đau đớn, nhưng thực chất bé sẽ không cảm nhận được điều này.

Khi một đứa trẻ được sinh ra với tình trạng này, nó được gọi là chứng vẹo cổ bẩm sinh. Ngoài ra còn có một tình trạng khác cũng liên quan đến chứng vẹo cổ, có thể phát triển sau khi trẻ được sinh ra, người ta gọi đó là chứng vẹo cổ hình thành. Đối với chứng vẹo cổ này, cằm và đầu của bé sẽ cùng quay về một bên.

Theo nghiên cứu cho thấy, cứ 250 trẻ sơ sinh được sinh ra sẽ có khoảng một trẻ mắc phải chứng vẹo cổ bẩm sinh. Ngoài ra, khoảng 10-20% trẻ bị tật vẹo cổ cũng có thể mắc phải tình trạng loạn sản xương hông, trong đó khớp háng của trẻ bị dị dạng.

Thai nhi 24 tuần da bụng mỏng và bụng không được tròn có sao không?
Tư thế thai nhi trong tử cung xấu làm ảnh hưởng tới nhóm cơ ức đòn chũm và gây ra chứng vẹo cổ

2. Nguyên nhân nào dẫn đến chứng vẹo cổ bẩm sinh?

Chứng vẹo cổ bẩm sinh thường xảy ra do cơ nối xương ức và xương đòn bị bó chặt lại với hộp sọ của trẻ. Những cơ này thường được gọi là cơ ức đòn chũm. Sự bó chặt của các cơ này có thể phát triển do tư thế nằm của trẻ khi còn đang ở trong tử cung của người mẹ (đầu nghiêng sang một bên), hoặc đôi khi xuất phát từ sự tổn thương của các cơ xảy ra trong quá trình sinh nở.

Một nguyên nhân khác ít phổ biến hơn là do sự bất thường ở xương cổ của trẻ (đốt sống cổ). Các xương cổ có thể hình thành một cách bất thường, dính vào nhau (hợp nhất) hoặc kết hợp cả hai trường hợp trên. Trong y học, tình trạng này được gọi là hội chứng Klippel-Feil.

Thông qua chẩn đoán, bác sĩ chuyên khoa sẽ xác định xem liệu nguyên nhân gây ra chứng vẹo cổ bẩm sinh ở trẻ có phải bắt nguồn từ hội chứng Klippel-Feil hay không, bởi vì nhiều trẻ khi mắc phải hội chứng này thường kèm theo một số vấn đề sức khoẻ khác, đặc biệt là về thận và thính giác. Đôi khi, một số bài tập kéo giãn được khuyến nghị thực hiện dành cho chứng vẹo cổ không những không đem lại hiệu quả mà còn có thể trở thành tác nhân tiềm ẩn những mối nguy hiểm đối với trẻ mắc hội chứng Klippel-Feil.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, chứng vẹo cổ bẩm sinh ở trẻ có thể xảy ra do yếu tố di truyền. Hoặc, đôi khi nó có thể là kết quả của một tình trạng y tế nghiêm trọng, chẳng hạn như khối u ở tuỷ sống hoặc não dẫn đến những tổn thương nặng nề cho hệ thần kinh và cơ.

3. Làm thế nào để biết trẻ có mắc chứng vẹo cổ bẩm sinh hay không?

Một trong những cách để nhận biết trẻ có mắc chứng vẹo cổ bẩm sinh hay không là quan sát tư thế bất thường của trẻ. Khi bị vẹo cổ bẩm sinh, trẻ thường có xu hướng nghiêng đầu sang một bên và các cử động cổ của trẻ dường như bị hạn chế. Một dấu hiệu khác cho thấy trẻ đang mắc phải chứng bệnh này là xuất hiện một vết sưng nhỏ (bướu) ở cạnh cổ trẻ.

Ngoài ra, trẻ sơ sinh mắc chứng vẹo cổ cũng có thể phát triển chứng đầu lép với biểu hiện là sự bất đối xứng của hình dạng đầu, xảy ra khi trẻ thường xuyên ngủ với tư thế quay đầu sang một bên.

Trẻ sơ sinh hay lắc đầu kèm gãi đầu gãi tai khi ngủ,đầu lưỡi bị tím có nguy hiểm không?
Trẻ bị mắc Torticollis thường có xu hướng nghiêng đầu sang một bên

Thông thường, chứng vẹo cổ bẩm sinh sẽ được chẩn đoán trong vòng hai tháng đầu sau khi trẻ được sinh ra. Thông qua các xét nghiệm chẩn đoán, bác sĩ sẽ xác định được liệu trẻ có đang mắc phải tình trạng này hay không.

Ngoài việc yêu cầu khám sức khoẻ tổng thể cho trẻ, bác sĩ có thể thực hiện chụp X-quang cổ để xác định xem trẻ đang mắc phải chứng vẹo cổ nào. Trong một số trường hợp nhất định, bác sĩ cũng có thể yêu cầu các xét nghiệm khác, chẳng hạn như siêu âm thận hoặc vùng chậu, tùy thuộc vào loại vẹo cổ mà trẻ mắc phải.

4. Điều trị chứng vẹo cổ bẩm sinh

Để điều trị chứng vẹo cổ bẩm sinh cho trẻ, các bậc phụ huynh nên đưa bé đến một nhà trị liệu vật lý hoặc một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình.

Thông thường, tật vẹo cổ bẩm sinh ở trẻ sẽ được điều trị bằng các bài tập kéo căng và định vị lại cổ. Bạn sẽ cần phải thực hiện những bài tập kéo căng này cho trẻ vào nhiều lần trong ngày. Ưu điểm lớn nhất của các động tác này là không quá phức tạp để thực hiện, tuy nhiên bạn cần phải làm chúng theo đúng sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để đem lại kết quả điều trị tốt nhất.

Đối với trẻ mắc chứng vẹo cổ bẩm sinh, bạn hãy tạo cơ hội cho trẻ quay đầu nhiều sang bên mà trẻ ít quay lại càng nhiều càng tốt. Chẳng hạn, nếu trẻ gặp khó khăn khi quay đầu sang bên phải, bạn có thể đặt bé vào cũi và đứng về phía bên phải của trẻ để trẻ nghiêng đầu sang hướng đó nhìn bạn. Ngoài ra, bạn cũng nên để bé nằm sấp khi thức để giúp phát triển các cơ ở cổ.

vẹo cổ ở trẻ nhỏ
Cha mẹ có thể giúp trẻ tập các bài kéo căng và định vị lại cổ nhiều lần tại nhà

5. Sẽ mất bao lâu để đạt được hiệu quả điều trị?

Chứng vẹo cổ bẩm sinh của trẻ có thể được cải thiện trong vài tuần miễn là được phát hiện đủ sớm, lý tưởng nhất là khi trẻ được 2 hoặc 3 tháng tuổi, đồng thời bạn cũng thực hiện các bài tập điều trị theo đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ. Tốt nhất, tình trạng vẹo cổ bẩm sinh nên được khắc phục hoàn toàn trước khi trẻ được một tuổi.

Tuy nhiên, nếu các cơ không thể trở lại chiều dài như bình thường và các phạm vi chuyển động của trẻ vẫn bị hạn chế khi được 18 tháng tuổi, lúc này bạn nên đưa bé đi gặp bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình. Bác sĩ có thể yêu cầu bé thực hiện phẫu thuật để kéo dài các cơ. Theo thống kê, sẽ có khoảng 15% trường hợp bị vẹo cổ bẩm sinh phải thực hiện cuộc phẫu thuật này.

Đối với trẻ bị vẹo cổ, việc phát hiện sớm những bất thường và đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi là một trong những biện pháp phòng ngừa bệnh lý vẹo cổ ở trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan