Nguy cơ bệnh hen ở trẻ sinh non

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Trẻ sinh non là trẻ ra đời khi thai chưa được 37 tuần tuổi. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 15 triệu trẻ bị sinh non. Và các nghiên cứu mới đây cho thấy trẻ sinh non có nguy cơ mắc bệnh hen cao hơn so với trẻ được sinh đủ tháng.

1. Bệnh hen ở trẻ sinh non

Hen là một bệnh lý viêm mạn tính đường hô hấp, rất phổ biến ở trẻ em. Tình trạng viêm kéo dài khiến đường hô hấp trở nên nhạy cảm với nhiều chất kích thích khác nhau. Khi tiếp xúc với các chất kích thích, đường hô hấp (thường là phế quản) sẽ bị phù nề, co thắt và chứa đầy các chất nhầy, dẫn tới tắc nghẽn. Và bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như ho, khò khè, khó thở, thở nhanh, thở rút lõm lồn ngực, đau tức ngực, mệt mỏi,...

Thông thường, một thai kỳ kéo dài khoảng 40 tuần. Sinh non (đẻ non) là hiện tượng thai nhi ra đời trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Sinh non khiến trẻ ít có thời gian phát triển trong tử cung hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Trẻ càng sinh sớm thì càng có nhiều biến chứng sức khỏe.

Tùy thuộc vào thời điểm em bé chào đời, sinh non được phân loại như sau:

  • Sinh non trễ: Trẻ ra đời giữa tuần 34 - 36 của thai kỳ;
  • Sinh non vừa: Trẻ ra đời giữa tuần 32 - 34 của thai kỳ;
  • Sinh rất non: Trẻ ra đời trước tuần 32 của thai kỳ;
  • Sinh cực non: Trẻ ra đời vào trước hoặc trong tuần 25 của thai kỳ.

Hầu hết các trường hợp sinh non đều là sinh non trễ.

Suy hô hấp trẻ sơ sinh, sinh non
Trẻ sinh cực non có nhiều biến chứng sức khỏe

2. Nguy cơ mắc bệnh hen ở trẻ sinh non

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Khoa học Sức khỏe Dân số của Đại học Edinburgh - Scotland được công bố trên tạp chí PLoS Medicine, các nhà khoa học đã có kết luận trẻ sinh non có nguy cơ mắc bệnh hen cao hơn so với trẻ đủ tháng.

Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra rằng, hen suyễn liên quan tới 8% trẻ em sinh đủ tháng và tỷ lệ này ở trẻ sinh non lên tới 14%. Những bé được sinh trước 37 tuần có nguy cơ mắc hen suyễn cao hơn 50% so với trẻ sinh đủ tháng. Còn những trẻ được sinh ra sớm trước 2 tháng có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao gấp 3 lần so với trẻ đủ tháng.

Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Mỹ tại Đại học Stanford (California) đăng trên tạp chí khoa học Pediatrics số ra tháng 3/2011 cho thấy: Những thanh thiếu niên trước đây bị sinh non (thường từ tuần thứ 23 - 27 của thai kỳ) có nguy cơ mắc chứng hen suyễn cao gấp 2 lần với người được sinh đủ tháng.

Nguyên nhân trẻ sinh non bị hen hoặc các vấn đề về hô hấp khác vì phổi của trẻ chưa được hoàn thiện về chức năng.

3. Cách chăm sóc trẻ bị hen

Tránh các tác nhân gây cơn hen, sử dụng thuốc và theo dõi các triệu chứng hen suyễn là biện pháp kiểm soát hen ở trẻ em. Cụ thể:

  • Tránh nguyên nhân có thể làm khởi phát cơn hen: Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, khói dầu mỡ, lông thú vật, các chất nặng mùi, nước hoa xịt phòng, thuốc xịt muỗi, côn trùng hay nhang khói,...;
  • Nơi ngủ của trẻ cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp và không nên trải thảm. Nên thường xuyên giặt khăn trải giường và chăn của trẻ bằng nước nóng, phơi khô dưới ánh nắng;
  • Không nên cho trẻ chơi thú bông;
  • Duy trì không khí sạch, trong lành trong nhà;
  • Ngưng sử dụng các thuốc nghi ngờ có thể làm khởi phát cơn hen;
  • Nhận biết sớm các dấu hiệu cho thấy cơn hen đang đến như ho, khò khè, khó thở, nặng ngực,... để sử dụng thuốc điều trị hen dưới dạng hít hoặc xông;
  • Nên đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu khi: Thuốc cắt cơn hen không có tác dụng hoặc tác dụng ngắn, trẻ vẫn bị khó thở, khó nói, cánh mũi phập phồng, môi hoặc đầu ngón tay tím tái,...
Thuốc lá
Tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá

4. Biện pháp phòng ngừa bệnh hen ở trẻ sinh non

Phụ nữ mang thai nên chú ý tới những vấn đề sau để giảm nguy cơ mắc bệnh hen ở trẻ sinh non:

4.1 Tránh khói thuốc lá

Phơi nhiễm khói thuốc lá trước khi sinh là yếu tố làm tăng nguy cơ gây sinh non và hen suyễn. Vì vậy, phụ nữ mang thai cần tránh xa khói thuốc lá;

4.2 Sử dụng thuốc hen suyễn theo chỉ định

Thuốc hen suyễn tiêu chuẩn được đánh giá là an toàn khi sử dụng trong thai kỳ và làm giảm nguy cơ trẻ sinh non bị hen nếu thai phụ dùng thuốc đúng theo quy định;

4.3 Thay đổi chế độ sinh hoạt

Thai phụ cần duy trì cân nặng khỏe mạnh, thường xuyên vận động và tránh căng thẳng để giảm nguy cơ sinh non và giảm nguy cơ mắc bệnh hen ở trẻ;

4.4 Bổ sung đầy đủ vitamin và dưỡng chất

Vitamin D có thể được hấp thu qua thức ăn, thuốc uống bổ sung hoặc tắm nắng mặt trời. Trẻ được sinh ra bởi những bà mẹ tiếp nhận vitamin đầy đủ có nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn thấp hơn. Đồng thời, việc cung cấp thiếu kẽm, vitamin A, C, D, E và chế độ ăn ít rau quả cũng liên quan tới tình trạng hen, dị ứng ở trẻ. Vì vậy, để phòng ngừa hen cần đảm bảo bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho bé;

nguoi-lon-co-can-bo-sung-vitamin-d-2
Vitamin D cần được bổ sung cho trẻ sinh non

4.5 Thận trọng khi sử dụng thuốc

Việc sử dụng kháng sinh trong thai kỳ (đặc biệt là 3 tháng đầu thai kỳ) làm tăng nguy cơ hen ở trẻ em. Vì vậy, thai phụ cần thận trọng khi sử dụng thuốc, chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Trẻ sinh non có nguy cơ mắc bệnh hen cao hơn so với trẻ đủ tháng. Vì vậy, phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới các nguy cơ mắc bệnh để tìm ra biện pháp phòng ngừa bệnh hen hữu hiệu cho trẻ. Đồng thời, với những trẻ bị hen, phụ huynh cần chăm sóc, điều trị cho trẻ đúng theo hướng dẫn để bé không gặp phải những biến chứng nguy hiểm.

Quý khách có nhu cầu khám tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có thể đăng ký khám tại hệ thống Bệnh viện, Phòng khám Vinmec trên toàn quốc TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

357 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan