Nên dùng thuốc bôi tay chân miệng nào cho trẻ?

Bệnh tay chân miệng là một bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách, trẻ sẽ sớm khỏi bệnh và không để lại biến chứng gì. Vậy trẻ bị chân tay miệng bôi thuốc gì?

1. Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở trẻ

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh thường có biểu hiện nhẹ và tự hết sau vài ngày. Mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh tay chân miệng, nhưng hay gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Căn bệnh này rất dễ lây, virus có thể lây từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết đường hô hấp, hoặc dịch từ bọng nước, phân hoặc gián tiếp qua các bề mặt bị nhiễm virus (như đồ chơi, mặt bàn, ghế, bát đũa,...) không được vệ sinh sạch sẽ.

Bệnh tay chân miệng gây ra bởi một nhóm các virus đường ruột phổ biến là virus Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71)... Trong đó, virus Coxsackievirus A16 là nguyên nhân thường gặp nhất với các triệu chứng ở mức độ nhẹ, ít biến chứng và thường tự khỏi. Virus Enterovirus 71 thường gây bệnh nặng hơn, dẫn tới biến chứng nguy hiểm hơn, thậm chí có thể gây tử vong.

Khi bị bệnh tay chân miệng trẻ thường có các triệu chứng như:

  • Đau miệng.
  • Đau họng
  • Quấy khóc, ăn kém, nôn trớ.
  • Sốt thường chỉ dưới 38,3 độ C. Trẻ sốt cao và nôn nhiều thường là có biến chứng nặng.
  • Vết loét đỏ hay bọng nước với đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi. Trẻ chảy dãi nhiều do tăng tiết nước bọt.
  • Phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn chân, lòng bàn tay, gối, mông.

2. Trẻ bị tay chân miệng bôi thuốc gì?

Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng, việc điều trị chủ yếu điều trị triệu chứng và đợi cho bệnh qua đi. Các trẻ có biến chứng cần phải nhập viện để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Các loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị cho trẻ bị tay chân miệng bao gồm:

  • Thuốc hạ sốt, giảm đau: Sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen nếu trẻ sốt và đau nhiều. Không sử dụng thuốc aspirin cho trẻ bị nhiễm virus, vì có gây ra hội chứng Reye ở trẻ. Sử dụng các loại thuốc này với mục đích chính là giảm đau, nên dù trẻ không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ, vẫn có thể sử dụng cho trẻ. Liều dùng thuốc như với việc hạ sốt paracetamol 10-15mg/kg/lần, có thể lặp lại sau mỗi 4-6h, không dùng quá 5 lần/24h; ibuprofen 10mg/kg/lần, có thể lặp lại sau mỗi 6-8h.
  • Bù nước và điện giải: Do trẻ sốt và đi ngoài nên sẽ bị mất nước và điện giải, có thể cho trẻ uống dung dịch oresol hoặc hydrit. Lưu ý, cần pha dung dịch đúng liều lượng hướng dẫn trên bao bì hoặc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Chăm sóc tổn thương ngoài da: Với các tổn thương ở da của bệnh tay chân miệng cũng không cần chăm sóc gì đặc biệt, các mụn nước thường sẽ tự hết. Bạn chỉ cần giữ vệ sinh, cắt gọn móng tay cho trẻ để tránh việc trẻ cào gãi gây nhiễm trùng. Với các nốt mụn nước to vỡ có nguy cơ nhiễm khuẩn có thể sử dụng thuốc sát trùng ngoài da như là xanhmethylen, kem chứa ion bạc...

Tuy nhiên, có nhiều bậc phụ huynh mắc phải sai lầm khi bôi thuốc lên tất cả các tổn thương ở trên da của trẻ. Việc làm này hoàn toàn không mang lại hiệu quả điều trị bệnh cho trẻ. Làm vậy sẽ có nguy cơ gây tác dụng phụ khi trẻ cho tay dính thuốc vào miệng hoặc gây hấp thụ toàn thân khi bôi thuốc với lượng quá nhiều.

  • Điều trị các vết loét trong miệng họng: Với các vết loét trong niêm mạc miệng, họng có thể sử dụng dung dịch glycerin borat để lau sạch miệng cho trẻ trước và sau khi ăn. Các loại gel rơ miệng như là kamistad, zyttee cũng có tác dụng sát khuẩn và giảm đau giúp cho trẻ ăn uống dễ dàng hơn.
  • Thuốc chống dị ứng: Nếu trẻ bị ngứa nhiều, muốn gãi luôn tay sẽ gây trầy xước và có nguy cơ bội nhiễm da, bác sĩ sẽ cân nhắc cho trẻ uống thuốc chống dị ứng để giúp trẻ bớt ngứa.

Để dùng thuốc an toàn cho trẻ trong điều trị tay chân miệng, bạn cần lưu ý:

  • Tuyệt đối không cho trẻ sử dụng thuốc quá liều quy định, sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.
  • Thuốc kháng sinh chỉ được sử dụng trong trường hợp được xác định là có biến chứng bội nhiễm vi khuẩn và chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Thuốc kháng virus như acyclovir và các loại thuốc kháng virus khác đều không có hiệu quả trong điều trị bệnh tay chân miệng.
  • Trường hợp trẻ ngứa nhiều có thể sử dụng thuốc kháng histamin dạng uống hoặc kem bôi.

Bạn nên cho trẻ đi khám để được bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh của trẻ một cách chính xác, từ đó kê đơn thuốc sử dụng phù hợp cho trẻ nhanh khỏi bệnh.

3. Các loại thuốc không nên dùng trong bệnh tay chân miệng

Nhiều bậc phụ huynh khi thấy trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường sốt ruột nên đã mua các loại thuốc bôi ngoài da để giúp trẻ mau khỏi và giảm nhanh các triệu chứng như đau, ngứa, sát khuẩn...

Tuy nhiên, các tổn thương ngoài da do bệnh tay chân miệng gây ra thường không đau nên việc bôi thuốc với mục đích giảm đau là không cần thiết. Đặc biệt là hiện tại các loại thuốc bôi có tác dụng gây tê tại chỗ, giảm đau cũng không được bác sĩ khuyến cáo sử dụng cho bệnh lý này.

Với các tổn thương trong miệng có thể gây đau và khiến trẻ bỏ ăn, thì các thuốc bôi miệng cũng không nên dùng, đặc biệt trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Các nốt phỏng trong tổn thương của bệnh tay chân miệng thường ít khi bị vỡ, nó thường sẽ tự thu nhỏ lại, khô dần rồi biến mất, không để lại sẹo, nên thường không cần bôi thuốc với mục đích sát khuẩn. Chỉ sử dụng thuốc sát khuẩn với những nốt phỏng to bị vỡ, các nốt ở vùng kín dễ bị nhiễm trùng thì có thể bôi để đề phòng bội nhiễm.

Không sử dụng thuốc bôi chứa corticoid để bôi cho trẻ bị tay chân miệng: Các loại thuốc bôi có chứa corticoid, có thể gây tác dụng phụ làm suy giảm miễn dịch và làm cho bệnh thêm trầm trọng.

Không sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da không rõ nguồn gốc, vì chúng có thể gây những tác dụng phụ kích ứng da.

Một số bậc phụ huynh bôi thuốc acyclovir cho trẻ với mong muốn diệt virus giúp trẻ nhanh khỏi bệnh. Tuy nhiên, thuốc bôi acyclovir hoàn toàn không có tác dụng đối với loại virus gây bệnh tay chân miệng.

Hiện nay chuyên khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, bệnh đường hô hấp, bệnh truyền nhiễm, bệnh tay chân miệng,... Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó, Vinmec có khám đa khoa kết hợp cùng bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để xây dựng các thực đơn riêng cho bé để con luôn được phát triển khỏe mạnh trong từng giai đoạn.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, cha mẹ hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị cho bé tại Bệnh viện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan