Mẹo đơn giản để giữ cho da em bé khỏe mạnh

Làn da em bé còn mỏng manh và chưa trưởng thành cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Đó là lý do tại sao việc chăm sóc da cho bé rất quan trọng. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về các tình trạng da phổ biến và cách chăm sóc nếu trẻ gặp phải.

1. Một số tình trạng da phổ biến trong năm đầu tiên của trẻ

Trong năm đầu đời, trẻ có thể gặp phải một số tình trạng da phổ biến như dau:

  • Mụn trứng cá ở trẻ em là nốt mẩn đỏ trên mặt. Còn mụn thịt là những đầu trắng li ti. Thông thường các loại mụn này sẽ biến mất theo thời gian.
  • Mảng xanh tím dạng lưới ở da (Cutis marmorata): Đây là tình trạng da trông giống như đá cẩm thạch màu xanh hồng do giãn sinh lý các mao mạch và mạch máu nhỏ khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, nó sẽ mất đi khi ấm trở lại. Hiện tượng này không nghiêm trọng và sẽ cải thiện khi bé lớn hơn.
  • Ban đỏ nhiễm độc ở trẻ sơ sinh: Là loại ban đỏ phổ biến, có thể ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh. Một số có vết sưng cứng màu vàng hoặc trắng được bao quanh bởi viền đỏ. Ban đỏ có xu hướng xuất hiện ở các bộ phận khác nhau của cơ thể. Nó hay xuất hiện nhất vào ngày thứ 2, nhưng có thể ngay khi mới sinh hoặc trong vòng 2 tuần đầu tiên. Không có phương pháp điều trị cụ thể, nó sẽ dần tự biến mất.
  • Vết bớt Mông Cổ là những vết bớt phẳng có màu nâu đậm, xám đá hoặc xanh đen. Đôi khi chúng trông như vết bầm tím và tìm thấy ở lưng dưới và mông của da em bé. Vết bớt Mông Cổ xuất hiện khi mới sinh và hầu hết chúng mờ đi (ít nhất là một phần) vào năm 2 tuổi và thường hoàn toàn ở 5 tuổi.
chăm sóc da cho bé
Dưỡng ẩm là 1 trong những bước chăm sóc da cho bé

2. Phương pháp chăm sóc da cho bé

2.1. Giữ cho em bé tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong thời gian dài

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian ngắn khi tia cực tím ở mức độ thấp là an toàn và duy trì mức vitamin D cho trẻ. Tuy nhiên, khi bạn cho trẻ ra ngoài trời, hãy cố gắng giữ cho da trẻ không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài, kể cả khi đông.

Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), bạn không nên thoa kem chống nắng cho em bé dưới 6 tháng tuổi, trẻ lớn hơn có thể sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 15. Bên cạnh đó, họ đưa ra những khuyến cáo sau:

  • Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, đây là thời điểm tia cực tím (UV) mạnh nhất;
  • Giữ trẻ trong bóng râm càng lâu càng tốt;
  • Khi hoạt động ngoài trời nên cho trẻ đội mũ che kín cổ và mặc quần áo rộng rãi, nhẹ, che được tay và chân;
  • Điều quan trọng nữa là bạn phải cung cấp đủ nước cho trẻ bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức nếu trẻ ở bên ngoài trong thời gian dài.

2.2. Dưỡng ẩm cho da em bé

Trẻ sơ sinh xuất hiện các mảng da khô nhỏ trong vài tuần đầu tiên sau sinh là điều bình thường. Các mảng khô da này sẽ tự biến mất mà không cần sử dụng thêm loại kem dưỡng ẩm nào.

Nếu trẻ có làn da rất khô hoặc nứt nẻ, bạn có thể sử dụng các sản phẩm có chứa dầu khoáng, không được chứa hương liệu và chất tạo màu, bởi đây là những chất có thể gây kích ứng da của trẻ nhiều hơn.

Các loại dầu thực vật tự nhiên, chẳng hạn như dầu ô liu, dầu dừa có thể làm chất dưỡng ẩm cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên có một số nghiên cứu cho thấy chúng có thể làm cho trẻ da khô hoặc chàm nặng hơn.

2.3. Tắm cho trẻ đúng cách

Bạn nên cho bé tắm thường xuyên nhưng không cần thiết phải tắm hàng ngày. Dùng khăn mềm và nước ấm để rửa sạch tay, mặt, bộ phận sinh dục và các bộ phận cơ thể giữa các lần tắm.

Dưới đây là một số lời khuyên cơ bản về cách tắm cho trẻ:

  • Sử dụng nước ấm, không nóng. Tắm cho trẻ trong phòng ấm;
  • Tắm trong thời gian ngắn, từ 5 đến 10 phút;
  • Chỉ dùng nước sạch để rửa mắt, tai, miệng và mặt cho trẻ. Không sử dụng tăm bông để làm sạch bên trong mũi và tai của em bé. Chất nhầy hoặc ráy tai sẽ tự đào thải ra ngoài theo thời gian;
  • Lau bộ phận sinh dục của con gái từ trước ra sau, đừng tách môi âm đạo;
  • Giữ cho dương vật của bé trai của bạn sạch sẽ bằng cách rửa nhẹ vùng này. Không nên kéo bao quy đầu ra sau. Thông thường, nó không thể co lại hoàn toàn cho đến khi bé trai được 3 đến 5 tuổi, hoặc thậm chí cho đến khi sau tuổi dậy thì;
  • Bạn không cần sử dụng xà phòng, nhưng nếu có, sử dụng xà phòng dành cho trẻ em không có hương liệu và chất tạo màu. Rửa sạch xà phòng để ngăn ngừa kích ứng cho trẻ;
  • Sau khi tắm, lau nhẹ nhàng cho trẻ khô hoàn toàn trước khi mặc quần áo hoặc tã.
Chăm sóc da cho bé
Chăm sóc da cho bé khi bị rôm sảy rất quan trọng

2.4. Viêm da tiết bã nhờn (cradle cap)

Viêm da tiết bã nhờn là tình trạng da phổ biến ở trẻ sơ sinh thường phát triển trong độ tuổi từ 3 tuần đến 3 tháng. Với viêm da tiết bã nhờn, bạn sẽ nhận thấy các mảng màu hơi vàng nâu xung quanh da đầu của trẻ. Nó cũng có thể xuất hiện trên trán, lông mày và quanh tai da em bé.

Trong hầu hết các trường hợp, viêm da tiết bã nhờn sẽ tự hết mà không cần điều trị. Trước khi tắm, bạn có thể thoa một lượng nhỏ chất làm mềm vảy, chẳng hạn như dầu khoáng lên vùng da bị tiết bã nhờn trước khi gội đầu cho bé. Tuy nhiên, gội đầu cho trẻ quá thường xuyên cũng sẽ khiến da đầu bị khô.

Nếu không thấy tình trạng cải thiện sau một vài lần tắm rửa, bạn nên nói chuyện với bác sĩ về các phương pháp điều trị khác.

2.5. Tránh các tác nhân gây viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc có nghĩa là một cái gì đó đã gây ra phản ứng dị ứng trên da của trẻ. Nó có nhiều biểu hiện khác nhau, bao gồm da đỏ và sưng tấy hoặc khô, nứt nẻ, bong tróc.

Các chất gây kích ứng và dị ứng phổ biến gây viêm da tiếp xúc là xà phòng hoặc chất tẩy rửa, kem dưỡng da, thuốc nhuộm, nước hoa, mỹ phẩm... Nếu không thể xác định điều gì đã gây ra viêm da, bạn nên nói chuyện với bác sĩ.

Điều trị thường bao gồm các biện pháp chăm sóc da tại nhà, chẳng hạn như:

  • Cho bé mặc quần áo rộng rãi và tránh các loại vải thô ráp, chẳng hạn như len;
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm không mùi và không chất tạo màu;
  • Tắm bằng nước ấm cho trẻ đến khi hết mẩn ngứa;
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với các chất gây dị ứng đã biết.

2.6. Chăm sóc móng tay của trẻ

Mặc dù móng tay của em bé nhỏ và mỏng, tuy nhiên nếu chúng dài và sắc nhọn thì vẫn có thể gây ra các vết xước trên mặt hoặc cơ thể, vì vậy bạn nên theo dõi tình trạng móng tay của trẻ.

Móng tay của trẻ phát triển nhanh chóng, do đó bạn cần phải thường xuyên cắt tỉa móng tay cho trẻ. Bạn nên dùng dũa không kim loại để làm nhẵn và cắt ngắn móng một cách nhẹ nhàng hoặc sử dụng kéo cắt móng tay trẻ. Cắt hoặc giũa móng tay khi trẻ đang ngủ để tránh vận động đột ngột có thể gây thương tích.

2.7. Ngăn ngừa rôm sảy

Rôm sảy xuất hiện nếu trẻ cảm thấy quá nóng, thường ở các nếp gấp da hoặc những khu vực mà quần áo cọ xát vào. Rôm sảy là các nốt đỏ li ti trên da, dễ nhận thấy nhất ở trẻ sơ sinh có màu da sáng.

Rôm sảy xảy ra khi các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn, đặc biệt trong thời tiết nóng và ẩm ướt, nhưng có thể bị trong mùa đông nếu bé mặc quá nhiều lớp quần áo.

Để chăm sóc da cho bé khi bị rôm sảy, bạn nên giữ da mát, sạch sẽ và tránh sử dụng các sản phẩm chứa dầu. Cho trẻ mặc quần áo cotton rộng rãi, thoáng mát.

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu tình trạng phát ban không cải thiện trong vòng 3 ngày, da có biểu hiện bị nhiễm trùng hoặc trẻ bị sốt.

2.8. Chăm sóc rốn cho trẻ

Bạn cần phải giữ cho khu vực dây rốn sạch sẽ và khô ráo nhất có thể cho đến khi dây tự rụng sau khoảng 1 đến 3 tuần. Điều quan trọng là bạn không được kéo cho dây rốn rụng.

Bạn nên gọi cho bác sĩ nếu nhận thấy xuất hiện mủ, đỏ hoặc sưng, trẻ có biểu hiện sốt, tiết dịch có mùi hôi ở rốn...

Sử dụng nước và bông gòn để giữ vùng rốn của bé sạch sẽ khô ráo. Không sử dụng chất khử trùng hoặc khăn lau tẩm cồn vì chúng làm chậm quá trình rụng rốn.

da em bé
Hăm tã gây kích ứng cho da em bé

2.9. Hăm tã ở trẻ

Hăm tã xảy ra khi nước tiểu hoặc phân trong tã tiếp xúc và gây kích ứng cho da em bé.

Hăm tã do nấm Candida thường xuất hiện xung quanh bộ phận sinh dục và mông. Nó thường rất đỏ với các chấm nhỏ cùng với mảng lớn. Candida là một loại nấm men gây nhiễm trùng trên da hoặc miệng. Nếu nghi ngờ trẻ bị nhiễm nấm Candida, hãy liên hệ với bác sĩ để điều trị bằng kem chống nấm kê đơn.

Cha mẹ có thể làm gì để ngăn ngừa hăm tã:

  • Thay tã thường xuyên cho trẻ;
  • Không mang tã cho trẻ trong thời gian ngắn để cho da khô. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa và điều trị các trường hợp hăm tã ở mức độ nhẹ;
  • Khi thay tã cho con, hãy rửa sạch bằng xà phòng nhẹ và nước ấm, để khô hoàn toàn;
  • Thoa sáp dầu khoáng không mùi hoặc kem có oxit kẽm lên da vùng mang tã;
  • Tránh sử dụng phấn rôm hay bột talc cho trẻ.

2.10. Bệnh chàm da

Bệnh chàm da là tình trạng phát ban với biểu hiện là da khô, dày lên, có vảy hoặc mụn đỏ li ti phồng rộp, chảy dịch hay nhiễm trùng nếu bị trầy xước.

Bệnh chàm thường xuất hiện trên trán, má hoặc da đầu của em bé, mặc dù nó có thể lan ra tay, chân, ngực hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Thường chàm da xảy ra ở trẻ sơ sinh bị dị ứng hoặc tiền sử gia đình bị dị ứng hoặc chàm.

Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh chàm, nhưng nó thường có thể được kiểm soát và khỏi sau vài tháng hoặc vài năm nếu:

  • Tránh tắm thường xuyên;
  • Giữ cho da của trẻ không bị khô và ngứa bằng cách thêm dầu không gây dị ứng vào nước tắm;
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm nhẹ nhàng, không mùi trên da của trẻ để giảm tình trạng khô da, đặc biệt là sau khi tắm khi da trẻ vẫn còn ẩm;
  • Mặc quần áo cho bé bằng các loại vải cotton rộng rãi;

Nếu phát ban vẫn còn và bé không thấy thoải mái, có thể gặp bác sĩ để kê đơn thuốc.

Da là cơ quan lớn nhất trên cơ thể, vì vậy điều quan trọng là phải chăm sóc da đúng cách. Hãy nhớ giữ cho da của trẻ sạch sẽ, khô ráo, không lạm dụng kem dưỡng ẩm hoặc các sản phẩm dùng cho da khác. Nếu phát ban xuất hiện kèm theo sốt, nhiễm trùng hoặc không biến mất trong vòng vài ngày, bạn nên liên hệ với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

662 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan