Lưu ý khi bắt đầu cho bé ăn dặm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Ăn dặm đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình trưởng thành của con. Thời điểm nào bắt đầu ăn dặm hay ăn dặm ngày mấy bữa luôn là những câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm. Sau đây là một số lưu ý khi ăn dặm mẹ cần ghi nhớ để chăm sóc con thích hợp nhất.

1. Thời điểm bắt đầu ăn dặm phù hợp

Việc cho bé bắt đầu ăn dặm quá sớm hay quá muộn đều không tốt, nguyên nhân là bởi:

1.1. Cho trẻ bắt đầu ăn dặm quá sớm

  • Nếu trẻ chịu ăn có thể giảm bú mẹ, đồng thời khiến lượng sữa mẹ tiết ra ít hơn. Tuy nhiên các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo trẻ em cần được bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu đời và tiếp tục dùng sữa như một nguồn dinh dưỡng chính cho đến 1 - 2 tuổi.
  • Hệ miễn dịch, cơ quan tiêu hóa và nhiều chức năng khác của trẻ nhỏ đều chưa phát triển toàn diện, dẫn đến khả năng hấp thu dinh dưỡng kém, khó tiêu hóa được thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Hơn nữa, những bé còn quá nhỏ cũng chưa thành thạo kỹ năng nhai nuốt những loại thực phẩm được cung cấp trong quá trình ăn dặm.
  • Bắt đầu ăn dặm quá sớm có nguy cơ khiến trẻ bị dị ứng với thức ăn, nguy hiểm hơn là nhiễm trùng đường tiêu hóa. Thêm vào đó, cơ thể của trẻ nhỏ cũng dễ bị tăng áp lực do phải đào thải các chất không cần thiết ra bên ngoài.

1.2. Cho trẻ bắt đầu ăn dặm quá muộn

  • Trẻ có thể bị thiếu hụt những dưỡng chất mà đáng ra các bé đã được bổ sung từ thời điểm 6 tháng tuổi.
  • Quá trình phát triển thể chất của trẻ bị chậm lại, hệ miễn dịch đang trong giai đoạn hoàn thiện cũng sẽ bị ảnh hưởng.
  • Chậm phát triển một số kỹ năng vận động liên quan đến ăn uống, bao gồm kỹ năng nhai, nuốt, cầm nắm thức ăn,...

1.3. Dấu hiệu bắt đầu ăn dặm đúng thời điểm

Trẻ 6 tháng tuổi được cho là thời điểm phù hợp nhất để làm quen với thức ăn. Thế nhưng tuổi tác cũng không phải là cơ sở duy nhất để quyết định thời điểm cho con ăn dặm. Phụ huynh cần tìm hiểu và quan sát con để tìm ra khi nào bắt đầu ăn dặm là phù hợp nhất. Cụ thể, khi đã gần 6 tháng tuổi, mẹ hãy chú ý nếu bé có những thay đổi sau đây thì nên tập làm quen với chế độ ăn dặm:

  • Có thể tự ngồi thẳng hoặc ngồi thẳng với sự hỗ trợ của ghế ăn dặm.
  • Khi ở gần thức ăn, con mở miệng hoặc tỏ ra thích thú, tò mò với những món được mang đến, thậm chí đưa tay ra với đồ ăn.
  • Trẻ có phản xạ thè lưỡi, dùng lưỡi lấy thức ăn và nuốt khi được bón thức ăn cho.
  • Cân nặng của con đã tăng gấp đôi so với khi mới sinh ra cũng là dấu hiệu cho thấy bé có thể ăn dặm lần đầu tiên.
Ăn dặm ngày mấy bữa
Trẻ 6 tháng tuổi được cho là thời điểm phù hợp nhất để bắt đầu ăn dặm

2. Những lưu ý khi ăn dặm bố mẹ cần nắm

Khi đã chọn được thời điểm bắt đầu ăn dặm phù hợp với trẻ, phụ huynh cần ghi nhớ thêm một số lưu ý khi ăn dặm quan trọng như sau:

  • Sữa

Dù đã bắt đầu ăn dặm nhưng sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng hàng đầu đối với trẻ. Vì thế, mẹ nên lưu ý chỉ cho con ăn dặm bổ sung, chứ không thể thay thế hoàn toàn nguồn sữa bằng những bữa ăn bột, cháo.

  • Thứ tự các món

Nếu ăn dặm theo phương pháp truyền thống, trẻ nên được bắt đầu với bột ngọt trước và bột mặn sau, tiếp đến là cháo từ loãng đến đặc, cơm nát rồi đến cơm thường. Ban đầu nên ưu tiên thực phẩm có mùi vị gần giống sữa mẹ, từ tháng thứ 7 trở đi con mới có thể ăn đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất.

  • Lựa chọn thực phẩm

Đối với bột ngọt, mẹ chỉ cần pha sữa công thức với sữa mẹ mà không cho thêm thực phẩm nào khác. Nếu trẻ thích nghi tốt sau 2 - 4 tuần, mẹ có thể chuyển sang bột mặn với thịt, hải sản và một số loại rau phù hợp nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu.

Khi tập ăn ngũ cốc lần đầu, gạo trắng nên là lựa chọn ưu tiên. Gạo trắng không chỉ quen thuộc với bữa ăn của người Việt mà còn tăng cường bổ sung dưỡng chất lại lành tính và ít có nguy cơ dị ứng so với những loại khác.

  • Số bữa ăn

Xung quanh thắc mắc ăn dặm ngày mấy bữa, ban đầu mẹ chỉ nên cho con dùng thức ăn dạng lỏng và chỉ duy nhất 1 bữa mỗi ngày. Có thể thêm chút trái cây ngọt, cắt sẵn để con tự gặm. Khi thấy con có biểu hiện thích nghi, hệ tiêu hóa hoạt động tốt thì mới tăng dần số bữa ăn cũng như lượng thực phẩm lên.

  • Lượng thức ăn

Do đang quen bú sữa mẹ hoàn toàn, việc chuyển sang chế độ ăn dặm có thể gây khó khăn cho bé. Vì vậy mẹ cần cho trẻ thời gian để làm quen bằng cách bón từ ít đến nhiều dần, có thể chỉ bắt đầu với khoảng 1 - 2 muỗng. Tuyệt đối không ép con ăn, nhất là khi con ngậm miệng, nhè thức ăn, quay sang chỗ khác hay khóc khi thấy đồ ăn,... Khi giới thiệu những thực phẩm mới, nếu bé không chịu ăn, mẹ cần kiên nhẫn thử lại vào nhiều lần sau.

Bắt đầu ăn dặm
Khi trẻ bắt đầu ăn dặm cha mẹ chỉ nên cho con dùng thức ăn dạng lỏng

3. Thiết lập một thói quen ăn uống tốt

3.1. Trước bữa ăn

  • Mẹ cần chuẩn bị bữa ăn sẵn sàng trước khi đặt con vào bàn ăn, đối với những mẹ bận rộn có thể tận dụng thời gian rảnh vào buổi tối để sơ chế trước. Tránh để con ngồi chờ lâu trong ghế mà chưa được ăn sẽ gây chán và mất hào hứng với bữa ăn.
  • Khoảng cách giữa các bữa ăn không được quá gần khiến con chưa kịp đói và không quá xa khiến con mệt mỏi vì quá đói.
  • Không nên cho con ăn vặt hoặc uống sữa trước bữa chính. Thay vào đó, vận động trước khi ăn giúp tiêu hao năng lượng và tạo cảm giác đói, bé sẽ mong chờ bữa chính, hấp thụ thức ăn tốt hơn.

3.2. Trong bữa ăn

Trong khi ăn, việc giúp con tập trung và hứng thú với bữa ăn là vô cùng quan trọng để hình thành nên thói quen ăn uống tích cực. Sau đây là một số gợi ý các mẹ có thể tham khảo:

  • Tạo không gian ăn phù hợp và cố định để con biết đã đến lúc phải tập trung ăn. Ví dụ, mẹ có thể bày biện “các bạn” muỗng, chén, ly,... yêu thích của con trên ghế ăn dặm, đặt ở vị trí quen thuộc.
  • Thử dụ dỗ con ăn bằng những trò chơi nhỏ phù hợp, ví dụ như thi ăn ngoan với bạn ly hình gấu, ăn bột để tìm bạn cá trong dĩa,... để bé thấy thích thú với giờ ăn. Hạn chế tối đa xem tivi hay chơi các thiết bị điện tử và món đồ chơi khác trong khi ăn để tạo thói quen tập trung vào bữa ăn ngay từ ngày đầu.
  • Cố gắng cho con ăn vào một thời điểm cố định, tốt nhất là cùng giờ ăn với cả nhà, ngồi cùng nhau để bé bắt chước cách ba mẹ ăn uống điềm đạm, gọn gàng, tập trung. Kết thúc bữa ăn trong vòng tối đa 30 phút, tránh kéo dài dù con chưa ăn hết.

Cuối cùng trong quá trình bắt đầu ăn dặm, trẻ có nguy cơ gặp phải tình trạng dị ứng thức ăn, rối loạn tiêu hóa,... phụ huynh cần phải chú ý theo dõi con. Nếu bé xuất hiện triệu chứng bất thường, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám bệnh kịp thời.

Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan