Khi nào hệ tiêu hóa của trẻ hoàn thiện?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Sức khỏe hệ tiêu hóa của trẻ luôn là mối quan tâm của các bậc phụ huynh đang chăm con nhỏ. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh là tiền đề quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Vậy khi nào hệ tiêu hóa của trẻ hoàn thiện?

1. Khi nào hệ tiêu hóa của trẻ hoàn thiện?

Những năm đầu đời là thời gian hệ tiêu hóa của trẻ hoàn thiện cả về cấu trúc lẫn chức năng. Tuy nhiên nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng cần cung cấp của trẻ lại rất cao, không đồng bộ với chức năng sinh lý của hệ tiêu hóa. Vì vậy việc hiểu rõ khi nào hệ tiêu hóa của trẻ hoàn thiện và các đặc điểm trong từng giai đoạn phát triển sẽ giúp phụ huynh ngăn ngừa các vấn đề về tiêu hóa có thể xảy ra cho em bé của mình.

Bộ máy tiêu hóa hoàn chỉnh là một dây chuyền được liên kết vô cùng chặt chẽ với nhau gồm: miệng, thực quản, dạ dày, ruột, gan và tụy, mỗi bộ phận lại đảm nhận một vai trò quan trọng không thể thiếu đối với sự phát triển toàn diện của hệ tiêu hóa.

1.1 Miệng

Cấu trúc xương hàm của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện, miệng của trẻ nhỏ nhưng lưỡi lại khá rộng so với miệng, gai lưỡi phát triển giúp trẻ bú mút bầu vú mẹ tốt hơn. Vùng niêm mạc khoang miệng của trẻ khá mỏng, tập trung nhiều mạch máu nên rất dễ bị tổn thương, nhiễm nấm và nhiễm vi khuẩn, mẹ nên vệ sinh sạch sẽ khoang miệng cho trẻ thường xuyên. Tuyến nước bọt ở trẻ sơ sinh phải đợi đến tháng thứ 3 – 4 mới hoàn thiện, vì vậy thức ăn tốt trong giai đoạn này chính là sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Trẻ 4 – 6 tháng thường chảy nước bọt sinh lý do mầm răng kích thích dây thần kinh V. Trong nước bọt có chứa các men tiêu hoá tinh bột: amylase, mantase..., hoạt tính của các men này sẽ tăng dần theo tuổi. Khi mới sinh trẻ chưa có răng, răng sữa sẽ bắt đầu mọc từ tháng thứ 4 – 6 và kết thúc vào tháng 24 – 30 khi mọc đủ 20 răng.

Khi được 1 tuổi, cấu trúc khoang miệng của trẻ đã gần hoàn chỉnh. Khi trẻ được 6 tuổi, răng vĩnh viễn sẽ bắt đầu mọc và thay thế dần răng sữa.

1.2. Thực quản

Thực quản của em bé mới sinh có dạng hình phễu với cấu tạo thành rất mỏng, các cơ co bóp còn khá yếu vì vậy trẻ thường hay nôn trớ. Theo độ tuổi phát triển, chiều dài thực quản sẽ có sự thay đổi về kích thước để đạt được chiều dài hoàn thiện khi trưởng thành:

  • Sơ sinh: 10 – 11 cm
  • 1 tuổi: 12 cm
  • 5 tuổi: 16 cm
  • 10 tuổi: 18 cm
  • 15 tuổi: 20 cm
  • Người trưởng thành: 25 – 32 cm

1.3. Dạ dày

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, dạ dày thường có dạng hình tròn, nằm ngang và tương đối cao. Tổ chức cơ của trẻ nhỏ phát triển yếu, nhất là cơ thắt tâm vị nên dạ dày rất dễ bị biến dạng sau ăn, trong khi đó cơ thắt môn vị lại phát triển khá tốt (đóng chặt hơn co thắt tâm vị) nên trẻ rất dễ nôn trớ sau ăn quá no, đặc biệt trong 6 tháng đầu đời.

Theo thời gian hệ tiêu hóa của trẻ sẽ hoàn thiện dần, tuy nhiên thời gian đó là bao lâu tùy vào mỗi trẻ, có hệ tiêu hóa của trẻ 3 tháng tuổi đã hoàn thiện cơ bản, có trẻ 6 tháng, 12 tháng...

Để tránh tình trạng trào sữa do cơ thắt tâm vị không đóng kín khi dạ dày co bóp để tống sữa xuống ruột non, mẹ nên cho trẻ nằm đầu cao sau khi bú, chia nhỏ cữ bú (các bữa ăn của trẻ nên cách nhau từ 2,5 – 3 giờ), tránh dạ dày quá căng, tránh bắt trẻ bú liên tục.

Khi trẻ được 1 tuổi, thay vì nằm ngang như giai đoạn sơ sinh, dạ dày của trẻ bắt đầu đứng dọc từ độ tuổi trẻ biết đi và có hình dài thuôn thuôn. Từ sau 2 tuổi trở đi, cấu trúc dạ dày đã phát triển và trở nên hoàn thiện hơn, gần giống với dạ dày của người lớn.

Khi nào hệ tiêu hóa của trẻ hoàn thiện là thắc mắc của nhiều bậc cha mẹ
Khi nào hệ tiêu hóa của trẻ hoàn thiện là thắc mắc của nhiều bậc cha mẹ

1.4. Ruột

Trên thực tế ruột của trẻ thường dài hơn ruột của người lớn, khi trẻ 6 tháng tuổi thì ruột già của trẻ có chiều dài gấp 6 lần cơ thể, trong khi chiều dài ruột già ở người lớn chỉ gấp 4 lần chiều cao.

Đặc điểm của ruột trẻ đó là có diện tích ống tiêu hóa khá lớn, thành ruột ở trẻ rất mỏng, hệ thống mạch máu nhiều và tính thẩm thấu cao, vì vậy ngay trong những năm đầu đời khi hệ thống ruột đang dần hoàn thiện, cha mẹ cần chăm sóc tốt cho hệ tiêu hóa để tận dụng được khả năng hấp thụ nhanh của ruột, tránh tình trạng nhiễm trùng do sự kết nối giữa các tế bào biểu mô ruột lỏng lẻo, không thể ngăn chặn các vi khuẩn có hại.

Mạc treo ruột của trẻ khá dài, manh tràng ngắn rất dễ di động nên thường bị xoắn ruột. Ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi vị trí ruột thừa không cố định, thường nằm sau manh tràng do đó việc chẩn đoán viêm ruột thừa ở trẻ em là khó khăn. Trực tràng của trẻ khá dài, cơ yếu và niêm mạc lỏng lẻo nên dễ bị sa trực tràng khi ho nhiều, rặn nhiều.

Sau khi trẻ được 7 tuổi trở đi, hệ tiêu hóa của trẻ đã hoàn thiện và gần như tương đồng với người lớn cả về giải phẫu lẫn sinh lý, đặc biệt là hệ vi sinh đường ruột.

1.5. Tụy

Tụy tạng là cơ quan tiết ra một số loại men tiêu hóa như Trypsin, Lipase, Amylase, giúp trẻ chuyển hóa chất đạm, mỡ, đường, vi chất... từ dạng phân tử phức tạp thành dạng phân tử đơn giản dễ hấp thu qua màng ruột. Trong những năm đầu đời của trẻ, chức năng tụy tạng còn chưa hoàn thiện, do đó sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng duy nhất phù hợp với đặc điểm hấp thu của cơ thể trẻ.

1.6. Gan

Kích thước gan của trẻ sơ sinh khá lớn, chiếm 4,4% trọng lượng cơ thể, chứa nhiều mạch máu nhưng các tế bào gan lại chưa phát triển đầy đủ. Bên cạnh các men tiêu hóa từ tụy, dịch mật bài tiết từ gan cũng góp một phần không nhỏ trong quá trình phân giải các hợp chất phức tạp trong thức ăn thành các phân tử đơn giản và dễ hấp thu.

Thức ăn sẽ được tiêu hoá ở ruột nhờ tác dụng của các men tiêu hóa có trong dịch ruột, dịch tụy, mật... tuy nhiên hàm lượng các men này ở trẻ em luôn thấp hơn người lớn vì vậy trẻ rất dễ bị rối loạn tiêu hoá và kém hấp thu.

Hệ tiêu hóa của trẻ 3 tháng tuổi
Cha mẹ hoàn toàn có thể tự khám hệ tiêu hóa cho trẻ tại nhà nếu như biết cách

2. Chăm sóc tốt hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện của con

Hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, vì vậy những triệu chứng như đầy hơi, táo bón, nôn trớ, tiêu chảy, ăn không tiêu... rất thường hay xảy ra, nếu biết cách khám hệ tiêu hóa cho trẻ tại nhà, cha mẹ hoàn toàn có thể trở thành "bác sĩ riêng" giúp trẻ khắc phục và hoàn thiện hệ tiêu hóa non nớt.

2.1. Chăm sóc hệ tiêu hóa của trẻ dưới 6 tháng tuổi

  • Mẹ cần cố gắng cho trẻ bú sữa mẹ ngay sau sinh,trong vòng 1 giờ để kích thích sữa bài tiết. Sữa non sẽ giúp trẻ phòng chống các nhiễm khuẩn thời kỳ sơ sinh, giúp trẻ thải phân nhanh và cải thiện tình trạng vàng da.
  • Cách cho trẻ bú sẽ quyết định việc trẻ có bú đủ hay không, cần cho trẻ bú theo đúng nhu cầu và dung tích dạ dày trẻ, nên cho trẻ bú kiệt một bên vú trước khi chuyển để trẻ nhận được lượng sữa cuối giàu chất béo.
  • Trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không cho trẻ ăn bất kỳ thức ăn, nước uống nào kể cả nước trắng. Hệ tiêu hóa ở trẻ bú sữa công thức thường kém hơn trẻ bú sữa mẹ rất nhiều và có nhiều nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hóa hơn.

2.2. Chăm sóc hệ tiêu hóa của trẻ từ 6 - 24 tháng tuổi

  • Trẻ từ 6 – 24 tháng tuổi thì sữa mẹ vẫn là nguồn thức ăn chủ yếu và đáp ứng được phần lớn nhu cầu năng lượng, vì vậy cần tiếp tục cho trẻ bú mẹ kéo dài đến khi trẻ được 2 tuổi, đồng thời bắt đầu cho trẻ ăn dặm khi trẻ tròn 6 tháng.
  • Thời gian bắt đầu ăn dặm là khi trẻ tròn 6 tháng tuổi vì ở lứa tuổi này trẻ có sự hứng thú với ăn uống, răng cũng bắt đầu mọc, biết sử dụng lưỡi đảo thức ăn và sử dụng hàm để nhai, lúc này hệ tiêu hóa của trẻ đã bắt đầu có khả năng tiêu hóa thức ăn đặc.
  • Thức ăn ăn dặm của trẻ cần đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu phát triển thể chất, tinh thần, trí não, có đủ 4 nhóm: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
  • Số bữa ăn và số lượng thức ăn trong mỗi bữa cần tăng dần theo tháng tuổi để phù hợp với dung tích dạ dày ngày càng phát triển của trẻ.
  • Trong giai đoạn này cần cho trẻ uống thêm nước đun sôi để nguội khoảng 400 – 600ml/ngày.
  • Massage bụng cho trẻ nhẹ nhàng để kích thích nhu động ruột, cho trẻ ăn thêm trái cây (cam, đu đủ, thanh long...), rau quả để bổ sung chất xơ, tập cho trẻ thói quen đại tiện đúng giờ, không nhịn đi tiêu.

Nhìn chung, đặc điểm hệ tiêu hóa trẻ em có nhiều điểm khác biệt so với người trưởng thành. Nắm rõ các đặc điểm này sẽ giúp phụ huynh dễ dàng sắp xếp chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng như phát hiện sớm các vấn đề tiêu hóa bất thường ở trẻ.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan