Kẽm: Nguyên tố vi lượng vô cùng cần thiết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Linh Chi - Phó Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Nguyên tố vi lượng kẽm vô cùng cần thiết đối với cơ thể sống và các quá trình sinh học của chúng ta. Kẽm đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hơn 300 enzym và tham gia vào quá trình tăng sinh, biệt hóa và tồn tại của các tế bào.

1. Nguyên tố vi lượng kẽm đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể sống

Kẽm là một nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể sống và các quá trình sinh học. Cơ thể không thể tích lũy kẽm, do đó cần phải bổ sung vi lượng kẽm từ chế độ ăn uống. Mặc dù lượng kẽm cung cấp được trong chế độ ăn thường xuyên thay đổi, tuy nhiên các tế bào cần duy trì cân bằng nội môi của nguyên tố vi lượng kẽm trong tế bào để đảm bảo chức năng bình thường.

Kẽm là nguyên tố vi lượng được phân bố phong phú thứ hai trong cơ thể sau sắt. Kẽm được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, chẳng hạn như thịt bò, thịt gia cầm, hải sản và ngũ cốc. Các sản phẩm bổ sung kẽm trên thị trường chứa 7 đến 80 mg kẽm nguyên tố, thường được bào chế dưới dạng oxit kẽm hoặc muối với axetat, gluconat và sulfat. Trong các viên vitamin tổng hợp thường chứa 7,5 đến 15 mg kẽm nguyên tố.

Kẽm đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc hoặc đóng vai trò là chất xúc tác của hơn 300 enzym và tham gia vào tất cả các cấp độ truyền tín hiệu tế bào. Kẽm tham gia vào quá trình giao tiếp tế bào, tăng sinh, biệt hóa và tồn tại của tế bào. Do đó, kẽm đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hệ thống miễn dịch.

Sự hiểu biết về tầm quan trọng của kẽm đối với sức khỏe con người chỉ bắt đầu vào những năm 1960, thiếu kẽm có liên quan đến sự suy giảm hệ thống miễn dịch với tình trạng viêm mãn tính.

Các triệu chứng do thiếu kẽm bao gồm suy giảm tăng trưởng, chậm lớn, thiểu năng sinh dục ở nam giới, bệnh da, loạn dưỡng móng, suy giảm vị giác và khứu giác, suy giảm khả năng miễn dịch và khả năng chống nhiễm trùng.

nguyên tố vi lượng kẽm
Nguyên tố vi lượng kẽm cần thiết cho sự phát triển của trẻ

2. Kẽm có tác động gì?

  • Ở các nước đang phát triển, bổ sung kẽm có thể có hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp trên và tiêu chảy. Kẽm như một biện pháp hỗ trợ điều trị tiêu chảy đã được đưa vào phác đồ điều trị đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng.
  • Thiếu kẽm có liên quan đến việc chậm chữa lành vết thương. Kẽm là một thành phần phổ biến trong các sản phẩm bôi ngoài da được sử dụng để điều trị các bệnh về da như loét, phát ban tã và bệnh trĩ;
  • Thiếu kẽm có liên quan đến sự tiến triển nhanh chóng của HIV;
  • Kẽm có đặc tính chống oxy hóa và có thể bảo vệ chống lại sự thoái hóa điểm vàng do stress oxy hóa liên quan đến tuổi tác;
  • Kẽm là một phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh Wilson: Bệnh Wilson có thể được điều trị thành công bằng kẽm vì nó có khả năng cạnh tranh với đồng ở các vị trí liên kết. Kẽm acetate đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị lâu dài bệnh Wilson và được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận cho điều trị duy trì.

Như vậy, thuốc bổ sung kẽm thường được sử dụng để giảm bớt một số tình trạng bao gồm tình trạng thiếu kẽm, tiêu chảy, thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, nhiễm trùng đường hô hấp trên (URI), chữa lành vết thương và vi rút suy giảm miễn dịch ở người (HIV)...

Các tác dụng có hại của việc sử dụng kẽm liều cao trong thời gian dài bao gồm khả năng miễn dịch bị ức chế, giảm mức cholesterol lipoprotein mật độ cao, thiếu máu, thiếu đồng.

nguyên tố vi lượng kẽm
Nguyên tố vi lượng kẽm như một biện pháp hỗ trợ điều trị tiêu chảy ở trẻ em suy dinh dưỡng

3. Những lưu ý khi bổ sung vi lượng kẽm

Một số tác dụng không mong muốn khi bổ sung nguyên tố vi lượng kẽm:

  • Có vị kim loại;
  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Đau quặn bụng;
  • Tiêu chảy;
  • Hệ thống miễn dịch có thể bị ức chế;
  • Giảm mức cholesterol tốt HDL;
  • Giảm lượng đồng dự trữ trong cơ thể;
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu;
  • Hình thành sỏi thận.

Ngoài ra, kẽm có thể ức chế làm giảm sự hấp thu của một số kháng sinh nhóm penicillin, tetracyclin và các quinolon. Các chất bổ sung sắt và phytate (thường gặp trong các loại ngũ cốc và các loại đậu) có thể ức chế sự hấp thụ nguyên tố vi lượng kẽm, do đó người dùng nên uống các sản phẩm này cách nhau ít nhất 2 giờ so với thời điểm bổ sung kẽm.

Liều lượng bổ sung nguyên tố vi lượng kẽm:

Chế độ ăn uống được khuyến nghị cho kẽm nằm trong khoảng từ 2 mg / ngày ở trẻ nhỏ đến 9 mg / ngày ở nữ vị thành niên và 11 mg / ngày ở nam vị thành niên. Yêu cầu cao hơn một chút trong thời kỳ mang thai và cho con bú.

Việc chỉnh tăng liều kẽm có thể sẽ làm cạnh tranh hấp thu Đồng tại ruột, nguy cơ gây thiếu đồng

Ở trẻ em trường hợp thiếu kẽm do không đủ bổ sung kẽm đường uống thông thường là 1 đến 2 mg / kg / ngày kẽm nguyên tố. Thời gian bổ sung nên duy trì 4-6 tuần, tùy thuộc vào căn nguyên và mức độ nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, cần phải kiểm soát đồng trong máu để đảm bảo không gây thiếu hụt đồng.

Các liều thay thế này cũng thích hợp cho những bệnh nhân mắc các bệnh tiềm ẩn có sử dụng kẽm thiếu hụt, chẳng hạn như bệnh Crohn, xơ nang, bệnh gan, hoặc bệnh hồng cầu hình liềm. Với một số bệnh ví dụ viêm da đầu chi ruột liều kẽm điều trị có thể cao hơn.

Khuyến cáo khi bổ sung kẽm nên đo nồng độ kẽm trong máu 3-6 tháng một lần và điều chỉnh liều bổ sung khi cần thiết.

Bên cạnh đó, để làm chậm sự tiến triển của bệnh thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác, người bệnh nên sử dụng 80 mg kẽm nguyên tố kết hợp 2 mg đồng, 500 mg vitamin C, 400 IU vitamin E và 15 mg beta-carotene mỗi ngày.

Nguồn tham khảo: pubmed.ncbi.nlm.nih.gov, ncbi.nlm.nih.gov, uptodate.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan