Hướng dẫn theo dõi và kiểm soát nhiệt độ cơ thể trẻ nhỏ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú, Thạc sĩ Đặng Thị Ngoan - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Mặc dù bạn thường có thể biết con mình có nóng hơn bình thường hay không bằng cách sờ trán, nhưng chỉ có nhiệt kế mới có thể biết được nhiệt độ cơ thể chính xác ở trẻ nhỏ là bao nhiêu. Ngay cả khi con bạn cảm thấy nóng hơn bình thường, bạn không nhất thiết phải kiểm tra nhiệt độ này trừ khi trẻ có các dấu hiệu bệnh khác. Kết quả đo nhiệt độ có thể bị ảnh hưởng bởi cách đo nhiệt độ và các yếu tố môi trường khác. Nhiệt độ của con bạn và các triệu chứng của bệnh khác sẽ giúp bác sĩ đề xuất phương pháp điều trị tốt nhất cho con bạn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích và cùng tìm hiểu về cách theo dõi và kiểm soát nhiệt độ cơ thể trẻ nhỏ.

1. Khi nào cần đo nhiệt độ cho bé

Trong một số trường hợp sau đây, các bậc cha mẹ cần lưu ý và tiến hành theo dõi và đo nhiệt độ cho trẻ nếu trẻ cảm thấy:

  • Không khỏe và cảm thấy nóng hơn bình thường
  • Cáu kỉnh, khóc nhiều, bỏ ăn, bỏ bú...
  • Buồn ngủ hoặc ngủ nhiều hơn bình thường
  • Đau nhức
  • Không uống được
  • Nôn mửa

2. Các loại nhiệt kế đo nhiệt độ cho trẻ

Nhiều bậc cha mẹ thường dùng tay đặt lên trán trẻ để kiểm tra xem trẻ có sốt không tuy nhiên đây thực sự không phải là phương pháp đáng tin cậy. Để biết chính xác nhiệt độ cơ thể của trẻ, cách hiệu quả nhất là dùng nhiệt kế. Hầu hết các loại nhiệt kế hiện đại là nhiệt kế kỹ thuật. Một số loại nhiệt kế thông dụng nhất thường được sử dụng cho trẻ sẽ được chúng tôi đề cập đến ngay sau đây:

2.1. Nhiệt kế đa dụng kỹ thuật số

Nhiệt kế đa dụng kỹ thuật số là loại nhiệt kế cơ bản và phổ biến nhất.

Nhiệt kế đa dụng kỹ thuật số
Nhiệt kế đa dụng kỹ thuật số

Các bậc cha mẹ có thể sử dụng nhiệt kế đa dụng kỹ thuật số để đo nhiệt độ cho bé theo hai cách chính:

  • Bằng miệng: Nhiệt kế được đặt dưới lưỡi của trẻ để đo nhiệt độ
  • Kẹp nách: Nhiệt kế được trẻ kẹp vào nách của trẻ.

Nhiệt kế đa dụng kỹ thuật số thường cho kết quả chính xác nhất khi đo nhiệt độ ở miệng của trẻ. Nếu muốn kiểm tra nhiệt độ của bé bằng nhiệt kế đa dụng kỹ thuật số bằng miệng hoặc nách, cần đảm bảo vệ sinh sạch nhiệt kế sau mỗi lần sử dụng. Đầu dò của nhiệt kế có thể được làm sạch bằng nước xà phòng ấm hoặc khăn tẩm cồn. Mặc dù nhiệt kế đa dụng kỹ thuật số có thể được sử dụng để đo nhiệt độ trực tràng, nhưng điều này không được khuyến khích. Đầu dò của nhiệt kế có thể làm tổn thương niêm mạc trực tràng của bé.

2.2. Nhiệt kế đo tai kỹ thuật số

Nhiệt kế đo tai kỹ thuật số được thiết kế đặc biệt để sử dụng cho tai trẻ em. Nhiệt kế đo tai cho kết quả rất nhanh và dễ sử dụng, nhưng bù lại, độ chính xác của chỉ số nhiệt độ đo bởi nhiệt kế đo tai kỹ thuật số không cao.

Nhiệt kế đo tai kỹ thuật số
Nhiệt kế đo tai kỹ thuật số

2.3. Nhiệt kế kỹ thuật số động mạch

Nhiệt kế động mạch kỹ thuật số bao gồm 2 loại nhiệt kế động mạch trán và nhiệt kế động mạch thái dương được sử dụng để đo nhiệt độ vùng trán của trẻ.

Nhiệt kế động mạch kỹ thuật số là loại nhiệt kế dễ sử dụng nhất tuy nhiên độ chính xác của chúng không cao. Các chuyên gia khuyến cáo nếu không có các loại nhiệt kế khác mới nên sử dụng loại nhiệt kế này. Một ưu điểm của nhiệt kế động mạch kỹ thuật số là có thể đo nhiệt độ cơ thể của trẻ mà không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.

Nhiệt kế động mạch kỹ thuật số
Nhiệt kế động mạch kỹ thuật số

2.4. Các loại nhiệt kế khác

Ngoài 3 loại nhiệt kế kể trên, hiện này có rất nhiều loại nhiệt kế khác có thể sử dụng để đo nhiệt độ của bé. Tuy nhiên các bác sĩ đưa ra lời khuyên với phụ huynh của trẻ không nên sử dụng nhiệt kế núm vú, que đo nhiệt độ hay các ứng dụng đo nhiệt độ trên các dòng điện thoại thông minh vì chúng mang lại kết quả không chính xác. Ngoài ra trong trường hợp đo nhiệt độ cho trẻ bằng nhiệt kế thủy ngân cần đảm bảo cẩn thận, tránh để vỡ nhiệt kế và gây ngộ độc thủy ngân cho bé.

3. Cách đo nhiệt độ cho trẻ

Bất kể sử dụng loại nhiệt kế nào, việc đầu tiên và quan trọng nhất là cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng đi kèm với nhiệt kế trong lần đầu tiên sử dụng. Dưới đây là một số mẹo các bậc cha mẹ có thể áp dụng để đo chính xác nhiệt độ cơ thể của bé.

3.1. Đo nhiệt độ miệng

Các bậc cha mẹ có thể sử dụng nhiệt kế đa dụng kỹ thuật số để đo nhiệt độ miệng cho bé. Các bước để đo nhiệt độ miệng bao gồm:

  • Cho trẻ uống một ly nước ấm, chờ trong 5 phút rồi tiến hành đo
  • Đặt nhiệt kế dưới một bên lưỡi của bé
  • Hướng dẫn trẻ giữ nhiệt kế bằng môi thay vì bằng răng và lưu ý trẻ phải thở bằng mũi.
  • Chờ đến khi nhiệt kế kêu bíp, báo hiệu quá trình đo đã hoàn tất thì lấy nhiệt kế ra và đọc giá trị nhiệt độ hiển thị ở màn hình kỹ thuật số.
  • Nhiệt độ trong khoang miệng của trẻ thường thấp hơn nhiệt độ cơ thể khoảng 0,50C do đó nên cộng thêm giá trị này vào giá trị thu được của nhiệt kế để ước tính chính xác nhiệt độ cơ thể trẻ.
nhiệt kế đo ở miệng
Cha mẹ có thể sử dụng nhiệt kế đa dụng kỹ thuật số để đo nhiệt độ miệng cho bé

Nếu trẻ bị nghẹt mũi, bé có thể cảm thấy khó thở khi ngậm nhiệt kế. Thông thường, đo nhiệt độ miệng thường được áp dụng với những trẻ trên 4 tuổi. Với những trẻ nhỏ hơn, thật khó để hướng dẫn cho trẻ ngậm nhiệt kế sao cho đúng cách.

3.2. Đo nhiệt độ nách

Đo nhiệt độ nách cho trẻ bao gồm một số công đoạn sau:

  • Đặt nhiệt kế vào nách của trẻ
  • Yêu cầu trẻ khép tay lại để giữ nhiệt kế cố định trong nách
  • Chờ đến khi nhiệt kế kêu bíp, báo hiệu quá trình đo đã hoàn tất, lấy nhiệt kế ra vào kiểm tra giá trị nhiệt độ hiển thị trên màn hình kỹ thuật số.
  • Thêm 10C vào giá trị nhiệt độ thu được để ước tính chính xác nhiệt độ của cơ thể

Đo nhiệt độ vùng nách là phương pháp tương đối dễ thực hiện, nhất là đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên cách đo này cũng kém chính xác hơn so với đo nhiệt độ ở khoang miệng.

3.3. Đo nhiệt độ tai

Nhiệt độ tai trẻ được đo bằng một loại nhiệt kế đặc trưng, dành riêng cho việc đo nhiệt độ tai. Các bước đo nhiệt độ tai trẻ bao gồm:

  • Đặt một đầu mút bằng nhựa lên đầu nhiệt kế
  • Nhẹ nhàng đưa đầu mút vào bên trong ống tai của trẻ.
  • Chờ cho đến khi nhiệt kế kêu bíp, báo hiệu quá trình đo đã hoàn tất thì lấy nhiệt kế ra và đọc giá trị nhiệt độ được hiển thị trên màn hình kỹ thuật số.
  • Trong trường hợp sử dụng đúng loại nhiệt kế cũng như ống tai của trẻ không quá nhỏ và không có quá nhiều ráy tai, nhiệt kế đo tai có sai số khoảng 10C.

3.4 Đo nhiệt độ trán

Nhiệt độ vùng trán của trẻ có thể được đo bằng nhiệt kế động mạch thái dương.

Đảm bảo trán của trẻ khô ráo hoàn toàn trước khi bắt đầu đo. Sau đó nhẹ nhàng quét nhiệt kế trên trán của bé. Kiểm tra kết quả đo ở màn hình kỹ thuật số và đọc chỉ số nhiệt độ.

đo nhiệt độ trán
Có thể sử dụng nhiệt kế động mạch thái dương để đo nhiệt độ trán của trẻ

4. Những trường hợp trẻ sốt cao cần đưa đi khám

Trẻ sơ sinh dưới ba tháng bị sốt nên được đưa ngay đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các bác sĩ có thể xác định liệu trẻ có nguy cơ mắc các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hay không.

Trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi, sốt có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng, do đó cũng cần đưa đến các cơ sở y tế để khám và điều trị.

Đối với những trẻ trên 12 tháng tuổi, đưa trẻ đến các cơ sở y tế hoặc gọi xe cấp cứu ngay lập tức nếu trẻ có biểu hiện sốt cao kèm với các dấu hiệu khác nghiêm trọng như đau dữ dội, buồn ngủ, da xanh xao, mất nước, khó thở, cứng cổ, nôn mửa liên tục.... Trong trường hợp không có các dấu hiệu trên nhưng nhiệt độ cơ thể trẻ không có dấu hiệu giảm trong 48 giờ, đó cũng có thể coi là tình trạng cấp cứu.

Cách hiệu quả nhất để kiểm tra nhiệt độ cơ thể của trẻ là sử dụng những loại nhiệt kế kỹ thuật số đang được áp dụng rộng rãi trong những năm qua. Nhiệt kế đa dụng kỹ thuật số mang lại những kết quả chính xác nhất bằng cách đo nhiệt độ dưới lưỡi hoặc nách của trẻ. Nhiệt kế đo tai và nhiệt kế động mạch thái dương dễ sử dụng tuy nhiên độ chính xác không cao. Ngoài ra nhiệt kế thủy ngân và phương pháp đo nhiệt độ trực tràng hiện nay đã được khuyến cáo không nên áp dụng bởi chúng có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Khi đo thân nhiệt cho trẻ phát hiện nhiệt độ cơ thể trẻ quá cao hoặc sốt đi kèm với nhiều triệu chứng bất thường như co giật, phát ban,... các bậc phụ huynh nên nhanh chóng đưa con em mình tới các trung tâm y tế uy tín để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan