Hướng dẫn sơ cứu trẻ bị hóc dị vật đường thở

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS. Phạm Ngọc Tiệp, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Trẻ bị hóc dị vật đường thở là một tai nạn cực kỳ nguy hiểm và thường xảy ra đặc biệt là khi trẻ đang ăn uống một thứ gì đó. Trẻ bị hóc dị vật đường thở nếu không được sơ cứu kịp thời và đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng, thậm chí có thể tử vong. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần biết được các cách xử lý khi trẻ bị hóc dị vật để đảm bảo an toàn cho con trẻ.

Trẻ bị hóc dị vật đường thở có thể xảy ra trong cuộc sống hàng ngày bởi các nguyên nhân như: Thói quen đưa đồ vật cầm ở tay vào mồm của trẻ, dị vật rơi trúng đường thở khi trẻ hít mạnh hoặc đang cười, khóc... DỊ vật rơi vào đường thở do liệt họng hoặc đơn giản là thức ăn bị kẹt lại đường thở khiến trẻ bị hóc di vật.

Cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật rất đơn giản, tuy nhiên vì không hiểu biết nên có nhiều bậc cha mẹ dùng tay móc họng khiến cho dị vật đi vào sâu hơn, trầy xước họng và trẻ càng khó thở, gặp nguy hiểm hơn.

Đối với trẻ dưới 2 tuổi bị hóc dị vật, cha mẹ thực hiện cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật như sau: Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay của mình, đầu hướng xuống đất, giữ chắc để cổ và đầu của trẻ khỏi bị tuột, sau đó dùng gót bàn tay còn lại vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ. Tiếp tục lật trẻ qua tay phải và quan sát xem trẻ đã hồng hào trở lại, đã thở và khóc được chưa, đồng thời kiểm tra miệng của trẻ xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu dị vật vẫn chưa ra ngoài hoặc trẻ vẫn chưa thể thở thì tiếp tục thực hiện biện pháp ấn ngực bằng cách lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức) 5 cái theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp, lặp lại động tác này cho đến khi xe cấp cứu tới.

Với đối tượng trẻ bị hóc dị vật đường thở trên 2 tuổi và còn tỉnh táo thì hãy để cho trẻ đứng, cha mẹ hoặc người sơ cứu sẽ đứng phía sau lưng trẻ hoặc quỳ gối rồi choàng 2 tay ra phía trước của trẻ, một tay nắm thành nắm đấm và một tay chồng lên tay còn lại để đặt vào vùng thượng vị của trẻ rồi ấn mạnh theo chiều từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh. Nếu trẻ bị hóc dị vật chưa thể thở được và dị vật chưa ra thì tiếp tục thực hiện biện pháp từ 6-10 lần.

Trường hợp trẻ bị hóc dị vật đường thở và hôn mê, bất tỉnh thì hãy đặt trẻ nằm ngửa, cha mẹ hoặc người sơ cứu quỳ gối, tựa 2 chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm và ấn mạnh vào dưới xương ức của trẻ theo chiều từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp. Thực hiện hà hơi thổi ngạt 2 cái, nếu dị vật vẫn chưa ra và trẻ không thở được thì tiếp tục thực hiện sơ cứu cho đến khi dị vật văng ra và trẻ khóc trở lại.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

25.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan