Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị ho

Ho là một phản xạ giúp làm thông thoáng đường thở ở cổ họng và ngực. Hầu hết trẻ nhỏ hay trẻ mới biết đi có thể kiểm soát được những cơn ho tại nhà khi cha mẹ biết cách chăm sóc phù hợp và khoa học. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc chăm sóc trẻ bị ho và sổ mũi có thể gặp khó khăn và cần được điều trị từ bác sĩ.

1. Nguyên tắc chung khi chăm sóc trẻ bị ho và sổ mũi tại nhà

Cha mẹ luôn cảm thấy lo lắng khi nghe tiếng ho của con mình. Tuy nhiên, đây là một triệu chứng phổ biến vào mùa đông và sẽ rất hữu ích nếu bạn biết cách chăm sóc trẻ bị ho cũng như nhận biết triệu chứng này trở nên tồi tệ hơn bình thường.

Ho là một trong những cách chống lại bệnh lý đường hô hấp. Trong quá trình nhiễm trùng, chất nhầy được tiết vào đường thở như một phần của phản ứng với nhiễm trùng và ho sẽ giúp loại bỏ điều này. Các loại ho khác nhau có thể cung cấp những gợi ý chẩn đoán về bệnh lý của trẻ, do đó cha mẹ cần phân biệt được tình trạng và loại ho ở trẻ.

2. Các cách chăm sóc trẻ bị ho

Trẻ sẽ rất khó chịu khi có một cơn ho dai dẳng. Trong khi người trưởng thành có thể sử dụng các loại thuốc không kê đơn điều trị thì trẻ nhỏ lại cần phải thận trọng khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào. Vì vậy, đây là lý do tại sao thuốc ho và cảm lạnh thường không được kê cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trong trường hợp cần dùng, tốt nhất là tham vấn ý kiến bác sĩ.

Dưới đây là một số cách chăm sóc trẻ bị ho khan, ho có đờm và sổ mũi:

2.1. Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý khi trẻ bị ho, sổ mũi

Ngạt mũi có thể gây khó thở, khó ngủ và thậm chí là bỏ bú ở trẻ. Do đó, chăm sóc trẻ bị ho và sổ mũi là nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ.

Nước muối nhỏ mũi có thể làm cho chất nhầy trong mũi loãng hơn và giúp đường thở giảm sưng phù. Cha mẹ có thể nhỏ nước muối sinh lý 2-3 lần mỗi ngày vào mũi trẻ, mỗi lần 1 giọt và lần lượt từng bên.

Đối với trẻ sơ sinh, cha mẹ nên dùng dụng cụ hút mũi để hút lấy dịch nhầy trong mũi sau khi nhỏ nước muối sinh lý, việc này sẽ giúp đường thở trên mau chóng thông thoáng hơn. Đối với trẻ mới biết đi, trẻ cần học cách xì mũi đúng nơi khi cần tống xuất dịch mũi.

Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý
Cha mẹ chăm sóc trẻ bị ho bằng cách nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý

2.2. Bổ sung thêm chất lỏng trong việc chăm sóc trẻ bị ho

Nếu trẻ đang bị ho và cảm lạnh, cha mẹ nên tăng cường uống nước cho trẻ. Chất lỏng bổ sung sẽ làm cho chất nhầy trong mũi, khí phế quản loãng hơn, điều này sẽ giúp trẻ dễ dàng ho ra những chất cặn bã.

Cha mẹ có thể tăng lượng chất lỏng cho trẻ bằng cách cho trẻ uống thêm nước, nước trái cây và sữa. Nếu trẻ cũng bị đau họng, trẻ nên ăn cháo, súp gà và nước canh rau củ hầm thịt. Hãy chắc chắn rằng những thứ này ấm và không nóng, để tránh bị bỏng cho trẻ.

Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng không nên cho uống nước trái cây mà việc tăng chất lỏng cho trẻ là uống sữa mẹ hoặc sữa công thức nhiều thêm về số lượng hay số cữ bú.

2.3. Uống mật ong để giảm ho

Mật ong là một phương thức lâu đời giúp làm dịu cơn đau họng và giảm ho. Tác dụng của mật ong đem lại thậm chí còn hoạt động tốt hơn các loại thuốc ho bán theo đơn.

Do đó, dược liệu này từ lâu là bí quyết giúp chăm sóc trẻ bị ho một cách an toàn. Cha mẹ có thể cho trẻ uống 1⁄2 thìa mật ong trước khi trẻ đi ngủ. Điều này không chỉ giúp trẻ bớt ho khan trong đêm mà sẽ giúp trẻ ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ hơn một tuổi, hãy tránh cho trẻ uống mật ong.

2.4. Nâng cao đầu của bé

Giống như việc kê thêm một chiếc gối giúp người lớn thở tốt hơn khi bị nghẹt mũi, mẹo này cũng có hiệu quả với trẻ sơ sinh.

Đặt một chiếc khăn đã gấp dưới nệm của em bé, để nâng khăn lên một chút cũng là cách chăm sóc trẻ bị ho có đờm hiệu quả. Đờm sẽ hạn chế trào ngược lên gây tắc đường thở, giúp trẻ giảm ho.

2.5. Sử dụng máy tạo độ ẩm

Độ ẩm trong không khí có thể giúp trẻ thở dễ dàng hơn, nhất là khi dùng máy điều hòa vốn dễ khiến cho không khí trở nên lạnh và khô.

Như vậy, cha mẹ có thể đặt máy tạo độ ẩm trong phòng của trẻ khi trẻ ngủ. Các mẫu máy tạo ẩm phun sương mát tốt hơn các loại máy tạo hơi nước, giảm nguy cơ bị nhiễm khuẩn.

2.6. Hạ sốt cho trẻ

Đôi khi cảm lạnh và ho, ho đờm hay sổ mũi sẽ kèm theo sốt nhẹ. Nếu trẻ bị sốt, hãy làm theo các bước sau:

  • Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi: Tốt nhất nên gọi cho bác sĩ nhi khoa
  • Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng: Nói chuyện với bác sĩ nhi khoa để được tư vấn
  • Trẻ sơ sinh từ 3 đến 6 tháng: Cha mẹ có thể cho trẻ uống acetaminophen 4-6 giờ một lần. Tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn về thuốc và chỉ sử dụng ống nhỏ giọt được cung cấp cùng với thuốc.
  • Trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi trở lên và trẻ mới biết đi: Cha mẹ có thể cho trẻ uống acetaminophen 4-6 giờ một lần hoặc ibuprofen 6-8 giờ một lần. Không cho trẻ uống cả hai loại thuốc đồng thời.
Chăm sóc trẻ bị ho với cách hạ sốt cho trẻ khi trẻ sốt cao
Khi trẻ bị sốt cao kèm ho, cha mẹ nên tìm cách hạ sốt cho trẻ

3. Khi nào việc chăm sóc trẻ bị ho và sổ mũi cần đi khám?

Trong khi hầu hết các trường hợp, việc chăm sóc trẻ bị ho có đờm tại nhà thường đơn giản và đạt hiệu quả với các hướng dẫn như trên, một số ít các trường hợp khác cần được thăm khám bởi bác sĩ nhi khoa:

  • Khởi phát ho trong vài tuần đầu sau sinh
  • Ho kèm theo sốt kéo dài hơn 5 ngày
  • Ho kéo dài trong 8 tuần
  • Ho trở nên tồi tệ hơn vào tuần thứ ba
  • Khó thở hoặc thở gấp gáp, thở nhanh
  • Đổ mồ hôi ban đêm
  • Bỏ bú, sụt cân
  • Ho ra máu
  • Khò khè.

Như vậy, nếu tình trạng ho và nghẹt mũi của trẻ kéo dài hơn 10 ngày mà không cải thiện, hãy đến gặp bác sĩ. Trẻ nhỏ có thể bị ho do trào ngược axit, dị ứng, hen suyễn hoặc thậm chí phì đại adenoids gây ức chế hô hấp. Trẻ lớn hơn có thể bị viêm xoang, viêm phế quản. Vào mùa đông, nếu bé ho nhiều, đó có thể là do virus hợp bào hô hấp, một bệnh nhiễm virus nguy hiểm cho trẻ sơ sinh. Bệnh ho gà cũng có thể xảy ra mặc dù đã có vaccin. Đây là tất cả những lý do mà cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay lập tức để được bác sĩ can thiệp theo chuyên môn.

4. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh ho cho trẻ?

Hầu hết các cơn ho ở trẻ nhỏ đều do vi-rút, vì vậy, điều tốt nhất cha mẹ có thể làm để giúp ngăn ngừa bé bị ho là cố gắng nâng cao sức đề kháng và thực hiện các biện pháp sau đây:

  • Rửa tay cho trẻ và người chăm sóc thường xuyên. Đồng thời, đảm bảo rằng tất cả các thành viên trong gia đình cũng làm điều này.
  • Giúp trẻ che kín vùng miệng và mũi khi trẻ bị ho. Khi con đủ lớn, hãy dạy con tự làm điều tương tự cho chính mình bằng khăn giấy thay vì lòng bàn tay. Sau đó hãy bỏ khăn giấy vào thùng rác ngay lập tức và rửa tay với xà phòng hay dung dịch rửa tay nhanh.
  • Không dùng chung các dụng cụ cá nhân như bàn chải đánh răng, đồ dùng, cốc hoặc khăn lau.
  • Khi trẻ lớn hơn và hình thành ý thức, hãy dạy con không chạm vào mắt, mũi hoặc miệng trừ khi đã rửa tay trước đó với xà phòng.
  • Giữ vệ sinh tay nắm cửa, mặt bàn và đồ chơi của trẻ.
  • Nếu cơn ho của trẻ là do nguyên nhân nào đó không phải do nhiễm vi rút, hãy đưa trẻ đi thăm khám sớm để được tư vấn về cách kiểm soát cơn ho liên quan đến tình trạng này.

Tóm lại, giống như đau họng hoặc sụt sịt, ho là một trong những triệu chứng mà trẻ thỉnh thoảng có thể mắc phải. Mặc dù điều đó thường không có gì đáng lo ngại khi biết cách chăm sóc trẻ bị ho tại nhà, nếu cha mẹ có bất kỳ lo lắng nào, tốt nhất vẫn là tham vấn ý kiến bác sĩ nhi khoa. Khi có sự chăm sóc phù hợp, cơn ho của trẻ sẽ mau hết và trẻ sẽ cảm thấy vui vẻ, khỏe mạnh trở lại bình thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: timesofindia.indiatimes.com, chla.org, littleremedies.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan