Hậu quả khi trẻ bị thiếu máu

Trẻ bị thiếu máu là một tình trạng khá thường gặp, có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào ở trẻ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, thiếu máu sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.

1. Vì sao trẻ bị thiếu máu?

Hemoglobin là một protein có chứa sắt nằm trong tế bào hồng cầu. Chức năng của Hemoglobin là vận chuyển oxy từ phổi đến các mô của cơ thể và vận chuyển carbon dioxide từ các mô trở lại phổi. Thiếu máu là tình trạng lượng hemoglobin (hay khối lượng hồng cầu) trong cơ thể thấp hơn giới hạn bình thường.

Trẻ bị thiếu máu là một tình trạng khá thường gặp. Theo Tổ chức y tế thế giới, trẻ em được chẩn đoán là thiếu máu khi lượng hemoglobin trong hồng cầu ở dưới giới hạn sau:

  • Trẻ 6 tháng- 6 tuổi: lượng hemoglobin dưới 110 g/l
  • Trẻ 6 tuổi - 14 tuổi: lượng hemoglobin dưới 120 g/l

Thiếu máu có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào ở trẻ. Các nguyên nhân khiến trẻ bị thiếu máu rất đa dạng, trong đó có một số nguyên nhân thường gặp như:

  • Chế độ ăn thiếu chất hoặc trẻ biếng ăn, kén ăn làm cơ thể thiếu hụt các chất cần để tạo hồng cầu như sắt, acid folic, vitamin B12,...
  • Trẻ bị suy dinh dưỡng, mắc các bệnh nhiễm trùng, bệnh lý mãn tính làm tủy xương sản sinh hồng cầu ít hơn bình thường.
  • Trẻ bị mất máu, xuất huyết do chấn thương, xuất huyết tiêu hóa do các bệnh nhiễm trùng như lỵ, viêm ruột hoại tử, sốt xuất huyết Dengue, nhiễm giun sán,..

Khi bị thiếu máu, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng như da xanh xao, lòng bàn tay nhợt, khó ngủ, khó tập trung, khi chơi đùa nhanh mệt hơn những trẻ khác. Một số trẻ thiếu máu có triệu chứng nhịp tim nhanh, do thiếu máu gây ra thiếu oxy đến các cơ quan. Cơ thể phải bù lại bằng cách tăng nhịp tim lên để tống máu với tốc độ nhanh hơn.

2. Trẻ thiếu máu có nguy hiểm không?

Máu có nhiệm vụ cung cấp chất dinh dưỡng và oxy giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động bình thường. Do đó, khi trẻ bị thiếu máu sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Tuỳ theo mức độ thiếu máu sẽ ảnh hưởng đến cơ thể trẻ mức độ từ ít đến nhiều.

Trẻ thiếu máu có nguy hiểm không? Một số biến chứng thường gặp khi trẻ bị thiếu máu gồm:

  • Về toàn trạng: trẻ mệt mỏi, lờ đờ, ít vận động do thiếu năng lượng, chậm hoặc ngừng tăng cân.
  • Về thần kinh, tâm thần: do não là cơ quan tiêu thụ oxy nhiều nhất cơ thể nên khi thiếu máu, lượng oxy cung cấp cho não không đủ sẽ gây các triệu chứng tổn thương thần kinh như đau đầu, ù tai, hoa mắt, chóng mặt, kém tập trung khi học tập, giảm nhận thức và tư duy.
  • Về hô hấp: trẻ bị thiếu máu có thể bị khó thở, thở nhanh nông, thở mệt gắng sức.
  • Về tim mạch: thiếu máu ảnh hưởng lớn đến hệ tim mạch. Khi bị thiếu máu trẻ có thể bị rối loạn nhịp tim do tim phải làm việc nhiều hơn để tống máu đi nuôi cơ thể. Nếu tình trạng thiếu máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim với các triệu chứng như phù, khó thở, tim to,...

Về miễn dịch: tình trạng thiếu máu có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh lý nhiễm trùng.

trẻ thiếu máu có nguy hiểm không
Giải đáp trẻ thiếu máu có nguy hiểm không?

3. Trẻ em thiếu máu nên ăn gì?

Do những tác động nguy hiểm của tình trạng thiếu máu đối với cơ thể, khi trẻ có các triệu chứng thiếu máu, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sức khỏe để kịp thời phát hiện và điều trị các nguyên nhân gây thiếu máu. Bên cạnh đó, cha mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn, bổ sung các thực phẩm giàu sắt và các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tạo máu.

Trẻ thiếu máu nên bổ sung gì? Một số thực phẩm trẻ nên ăn khi bị thiếu máu gồm:

  • Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn nạc, thịt lợn phần bắp đùi, thịt cừu,.. chứa nhiều sắt, rất tốt cho trẻ bị thiếu máu. Gan lợn cũng là một thực phẩm chứa nhiều sắt và các chất dinh dưỡng khác như vitamin A, phospho, vitamin B, vitamin D. Khi trẻ bị thiếu máu có thể bổ sung một lượng vừa phải gan lợn vào chế độ ăn của trẻ.
  • Các loại hải sản như cá, nghêu, sò, tôm, cua,... chứa nhiều sắt và các vitamin, rất tốt cho sức khoẻ trẻ bị thiếu máu.
  • Trứng: các loại trứng (trứng gà, trứng vịt) chứa nhiều sắt và lượng protein dồi dào giúp cơ thể trẻ phát triển.
  • Các loại rau củ đậm màu như cải xoong, cải dền, rau ngót, rau cải xanh, cải bó xôi, rau chân vịt, cần tây, súp lơ xanh... ,các loại đậu như đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh,...chứa nhiều sắt, vitamin, protein là nguồn thực phẩm rất cần thiết cho cơ thể trẻ. Cha mẹ cần bổ sung những thực phẩm này vào trong chế độ ăn uống của trẻ bị thiếu máu mỗi ngày để giúp trẻ bù lại lượng sắt còn thiếu trong cơ thể.
  • Các loại trái cây như dưa hấu, dâu tây, chuối, đu đủ, mận, chà là, nho,... chứa nhiều sắt, các vitamin và khoáng chất. Trẻ thiếu máu nên ăn gì? Các loại trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi, ổi, kiwi,... cũng nên tăng cường vào chế độ ăn của trẻ vì vitamin C sẽ giúp hỗ trợ hấp thu sắt tốt hơn.

Ngoài lựa chọn các thực phẩm phù hợp, cha mẹ cũng cần chú vệ sinh khi chế biến thức ăn để tránh các bệnh giun sán và tiêu chảy. Tẩy giun cho trẻ theo định kỳ để tránh nguy cơ thiếu máu do nhiễm giun sán.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan