Dùng thuốc cho trẻ bị chân tay miệng ở giai đoạn sớm

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh chân tay miệng ở trẻ em phần lớn có diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể biến chứng nguy hiểm nếu không can thiệp điều trị kịp thời. Vì vậy, việc dùng thuốc điều trị chân tay miệng ở trẻ em ngay từ giai đoạn sớm là rất quan trọng.

1. Bệnh chân tay miệng là gì?

Bệnh chân tay miệng là bệnh truyền nhiễm do nhóm virus ở đường ruột gây nên. Trong đó, 2 họ thường gặp nhất là virus Coxsackie A16 và enterovirus 71 (EV71). Coxsackie A16 ít gây các biến chứng về thần kinh, thường tự khỏi trong vài ngày. Còn EV71 tuy ít gặp nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nặng. Ngoài ra, một số chủng virus nhóm A khác như Coxsackie A4 - A7, A9, A10 hoặc virus Coxsackie nhóm B (B1 - B3 và B5) có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Đa phần trẻ bị bệnh chân tay miệng có diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể có biến chứng nguy hiểm, diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới tình trạng nặng như sốc, viêm màng não, viêm não, phù phổi cấp, viêm cơ tim, thậm chí tử vong.

2. Điều trị chân tay miệng ở trẻ em: Dùng thuốc ở giai đoạn sớm

Trẻ bị chân tay miệng uống thuốc gì? Việc điều trị bệnh chân tay miệng ở trẻ em chủ yếu là: Điều trị triệu chứng, cải thiện sức đề kháng và ngăn ngừa biến chứng, bởi đây là căn bệnh do virus nên hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị điều trị triệt để căn bệnh này. Với những trẻ có diễn biến nặng, cần điều trị tích cực để duy trì chức năng sống, đặc biệt là khi bé xuất hiện suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Cụ thể, các thuốc chữa chân tay miệng ở trẻ em và các biện pháp can thiệp y tế thường được áp dụng là:

2.1 Sử dụng thuốc hạ sốt

Trẻ bị chân tay miệng uống thuốc gì? Khi trẻ bị sốt cao 38,5°C tử lên, cần sử dụng thuốc hạ sốt acetaminophen hoặc ibuprofen liều 10 - 15mg/kg (theo chỉ định của bác sĩ). Nếu trẻ còn sốt cao thì có thể dùng liều thứ 2 sau 4 - 6h. Trong trường hợp trẻ khó uống thuốc, có thể cho bé dùng viên đặt hậu môn để giảm sốt.

2.2 Sử dụng thuốc sát khuẩn

Bệnh tay chân miệng gây ra các vết viêm loét, bọng nước,... có thể dẫn đến nhiễm trùng. Vì thế, trẻ cần được sử dụng gel có thành phần nano bạc, zytee, kamistad,... để sát khuẩn, giảm đau, đặc biệt là với những bé khó ăn uống do viêm loét trong miệng. Ngoài ra, cha mẹ nên cho bé bổ sung thêm kẽm và vitamin C để điều trị sốt và vết loét miệng.

Bên cạnh đó, một số loại thuốc sát khuẩn mà cha mẹ có thể sử dụng cho bé gồm: Nước muối sinh lý NaCl 0,9%, Lidocain, xịt miệng Benzydamine, nước súc miệng Benzydamine,...

2.3 Bù nước và điện giải cho trẻ

Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị chân tay miệng ở trẻ em (gồm thuốc hạ sốt, thuốc sát khuẩn), cha mẹ có thể bổ sung nước và chất điện giải cho bé bằng dung dịch uống hydrite hoặc oresol (pha đúng theo chỉ định của bác sĩ).

2.4 Vệ sinh khử khuẩn

Bên cạnh việc sử dụng thuốc sát khuẩn, trẻ mắc bệnh chân tay miệng và người chăm sóc trẻ cũng cần vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn liên tục bằng:

  • Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc các dung dịch sát khuẩn trước khi nấu ăn, trước khi cho bé ăn, sau khi tiếp xúc với trẻ, sau khi đi vệ sinh;
  • Sát khuẩn quần áo, đồ chơi, đồ dùng của bé,... bằng dung dịch khử khuẩn cloramin 2%;
  • Tiệt trùng, hấp sôi các vật dụng sinh hoạt hằng ngày của trẻ như bình sữa, bát, thìa,... Hạn chế cho trẻ dùng chung đồ dùng với trẻ khác.

2.5 Khi nào cần cho trẻ tay chân miệng nhập viện?

Khi trẻ bị bệnh chân tay miệng nặng với triệu chứng, biến chứng nguy hiểm, cha mẹ nên đưa bé nhập viện ngay. Cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện viện ngay nếu bé có một trong những biểu hiện sau:

  • Trẻ sốt cao liên tục 39°C không hạ dù đã dùng thuốc hạ sốt tích cực;
  • Trẻ bị giật mình chới với, thất thần, hốt hoảng;
  • Trẻ có biểu hiện run tay chân, yếu tay chân, đi đứng loạng choạng;
  • Trẻ đảo mắt bất thường, quấy khóc nhiều, nôn ói nhiều, thở mệt, co giật,...

Tùy tình hình của từng bé, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp để hạn chế tối đa các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Rất nhiều bậc phụ huynh tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, vì tác nhân gây bệnh là virus đường ruột nên kháng sinh không có tác dụng mà còn hại cho sức khỏe, hệ miễn dịch, dễ gây kháng thuốc, khó khăn trong điều trị tay chân miệng nói riêng và các bệnh lý khác về sau.

3. Chăm sóc trẻ bị bệnh chân tay miệng

Bên cạnh việc dùng thuốc ngay từ giai đoạn sớm, cha mẹ cần chú ý tới vấn đề chăm sóc bé bị tay chân miệng và bổ sung dinh dưỡng cho bé để giúp bé mau chóng phục hồi, ngăn ngừa lây nhiễm. Một số lưu ý quan trọng các bậc phụ huynh cần nhớ gồm:

  • Dinh dưỡng phù hợp: Trẻ bị chân tay miệng thường chán ăn, mệt mỏi,... nên cha mẹ cần cho bé ăn thức ăn mềm, lỏng, được chế biến hấp dẫn. Đồng thời, nên hạn chế cho trẻ ăn thức ăn cay nóng, nhiều gia vị vì chúng dễ gây kích thích tiêu hóa và các vết viêm loét ở miệng. Sữa chua là món ăn phụ rất tốt để làm dịu cơn đau cho trẻ;
  • Cho trẻ ăn đúng cách: Cha mẹ nên cẩn thận khi cho bé ăn để không đụng chạm vào các vết loét trong miệng của trẻ, gây đau và khiến bé sợ ăn;
  • Bù nước và điện giải: Tăng cường cho bé bú mẹ và sử dụng nước ép hoa quả tươi để bổ sung đủ nước, điện giải, vitamin và khoáng chất cho trẻ;
  • Theo dõi triệu chứng bệnh: Bệnh chân tay miệng có thể tiến triển nhanh, gây ra những biến chứng nguy hiểm nên cha mẹ cần nắm rõ những biểu hiện nặng của bệnh để kịp thời đưa trẻ tới cơ sở y tế.

Ngoài ra, trẻ bị tay chân miệng thường không tự chủ trong việc dùng tay cào gãi các vết bỏng nước, gây viêm loét, ngứa ngáy, đau đớn,... Vì thế, cha mẹ nên cắt ngắn móng tay hoặc mang bao tay cho trẻ nếu cần thiết.

Để đạt hiệu quả tối ưu, cha mẹ có thể sử dụng kết hợp gel bôi ngoài da và thực phẩm giúp tăng cường sức miễn dịch cho trẻ từ bên trong. Một số thảo dược lành tính có hỗ trợ tăng sức đề kháng trong giai đoạn này có thể kể đến như cao lá neem, cao bạch chỉ, cao lá xoài, cao nhọ nồi,... .

4. Cách phòng ngừa bệnh chân tay miệng cho trẻ

Để phòng ngừa bệnh chân tay miệng cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (đối với cả người lớn và trẻ em), đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi tiếp xúc với bé, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã hoặc làm vệ sinh cho trẻ;
  • Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống sôi, vật dụng ăn uống đều cần phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là được ngâm tráng với nước sôi). Bên cạnh đó, nên sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc hoặc mút tay,... Đồng thời, không nên cho trẻ dùng chung khăn ăn, vật dụng ăn uống như bát, thìa, đĩa, cốc hoặc đồ chơi,... với trẻ khác;
  • Giữ vệ sinh chung: Thường xuyên lau sạch các bề mặt hoặc vật dụng mà trẻ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, tay vịn cầu thang, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, sàn nhà, mặt bàn ghế,... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa;
  • Tránh lây nhiễm: Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng; cách ly trẻ mắc bệnh tại nhà, không đến trường học, khu vui chơi trong 10 - 14 ngày đầu của bệnh. Nếu trong nhà có nhiều trẻ cùng chung sống thì nên cách ly tuyệt đối, khuyến khích trẻ đang mắc bệnh không chơi với trẻ khỏe mạnh. Đồng thời, cần mang khẩu trang y tế cho trẻ bị bệnh và người chăm sóc, sau khi tiếp xúc nên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch ngay.

Nhìn chung bệnh chân tay miệng ở trẻ em khá lành tính. Tuy nhiên, bệnh có thể kéo dài, dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm nếu cha mẹ lơ là trong việc điều trị, chăm sóc trẻ. Do vậy, các bậc phụ huynh cần trang bị kiến thức về cách chăm sóc, sử dụng thuốc điều trị chân tay miệng ở trẻ em đúng và tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan