Điều trị lồng ruột cấp ở trẻ em

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú, Bác sĩ Nguyễn Hùng Tiến - Bác sĩ Nội trú Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Lồng ruột cấp là bệnh lý cấp tính ở trẻ em trong đó một phần của ruột trước trượt vào trong lòng ruột ở đoạn tiếp theo. Tình trạng này thường chặn thức ăn hoặc chất lỏng đi qua chỗ lồng hoặc cắt nguồn cung cấp máu đến phần ruột bị ảnh hưởng dẫn đến thủng ruột nhiễm trùng và hoại tử mô ruột.

1. Triệu chứng trẻ bị lồng ruột

Do lồng ruột cấp ở trẻ là bệnh lý cấp tính, nên trong trường hợp bạn nghĩ rằng trẻ có thể bị lồng ruột thì hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ở mỗi trẻ có thể có các triệu chứng khác nhau. Triệu chứng phổ biến nhất là đau bụng đột ngột, trẻ khóc rất to mặc dù trước đó trẻ khỏe mạnh.

Lúc đầu bố mẹ có thể nghĩ trẻ quấy khóc bình thường nhưng sau đó trẻ sơ sinh co đầu gối cao lên, hành động rất cáu kỉnh và khóc to. Trẻ có thể cảm thấy tốt hơn và vui đùa giữa những cơn đau. Hoặc trẻ có thể trở nên mệt mỏi và mệt lả do khóc nhiều.

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Nôn nhiều
  • Phân có nhày máu.
  • Sốt
  • Mệt mỏi hay thờ ơ
  • Tiêu chảy
  • Đổ mồ hôi
  • Mất nước
  • Bụng chướng.
  • Sờ có thể thấy cục cứng trên bụng.

Không phải trẻ nào cũng có tất cả các triệu chứng. Một số trẻ sơ sinh không có cơn đau rõ ràng và một số trẻ không đi ngoài ra máu hoặc có khối cứng ở bụng. Một số trẻ lớn hơn có thể chỉ bị đau bụng nhưng lại không có các triệu chứng nào khác.

Trẻ sơ sinh sốt
Trẻ sốt cao

2. Nguyên nhân lồng ruột cấp ở trẻ

Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn tới lồng ruột cấp ở trẻ em. Bệnh thường xảy ra vào mùa thu và mùa đông và do nhiều trẻ có các triệu chứng của bệnh lồng ruột cấp giống như cúm nên một số chuyên gia nghi ngờ virus có thể đóng vai trò trong nguyên nhân dẫn đến lồng ruột cấp. Trong một số trường hợp, bệnh này có thể xảy ra sau khi trẻ bị viêm dạ dày ruột hay bệnh cúm dạ dày (Stomach Flu). Nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn hoặc virus có thể gây ra sưng các mô hạch bạch huyết có chức năng chống nhiễm trùng trong đường ruột và dẫn tới một phần của ruột bị tụt vào phần ruột tiếp theo.

Ở trẻ dưới 3 tháng tuổi hoặc lớn hơn 5 tuổi, lồng ruột cấp có nhiều khả năng liên quan đến các một số bệnh lý thực thể như phì đại hạch lympho, khối u hoặc vấn đề về mạch máu trong ruột.

Hình ảnh lồng ruột
Virus có liên quan đến nguyên nhân lồng ruột cấp ở trẻ

3. Điều trị lồng ruột cấp ở trẻ

Điều trị sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của lồng ruột, tuổi và tổng trạng của trẻ. Đôi khi lồng ruột có thể tự khỏi khi trẻ có chụp X quang cản quang ống tiêu hóa với Barium. Trong nhiều trường hợp khác, bác sĩ sẽ điều trị bằng cách đặt một ống nhỏ vào trực tràng của trẻ dưới sự hướng dẫn của máy siêu âm hoặc tia X (huỳnh quang) để giúp đặt ống đúng vị trí và bơm không khí hoặc nước muối. Khi bơm không khí vào sẽ giúp ruột di chuyển trở lại vị trí bình thường. Nhưng nếu trẻ có các biến chứng như nhiễm trùng bụng hoặc các vấn đề khác, bác sĩ sẽ phải thực hiện phẫu thuật.

Đối với phẫu thuật, trẻ sẽ được gây mê và bác sĩ phẫu thuật sẽ phải mở bụng để đẩy các bộ phận của ruột trở lại vị trí ban đầu, đồng thời kiểm tra các vấn đề khác trong ổ bụng. Nếu có đoạn ruột đã bị hoại tử thì buộc bác sĩ sẽ phải cắt bỏ và nối hai đầu ruột khỏe mạnh lại với nhau.

Sau khi điều trị, trẻ sẽ ở lại bệnh viện và được nuôi dưỡng qua đường cho đến khi chức năng ruột trở lại bình thường và trẻ có thể ăn. Các bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ để đảm bảo trẻ không bị lồng ruột trở lại. Ngoài ra, một số trẻ phải dùng thêm thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Tháo lồng ruột bằng phẫu thuật
Tháo lồng ruột bằng phẫu thuật

4. Biến chứng của lồng ruột cấp

Lồng ruột cấp có thể cắt đứt nguồn cung cấp máu đến phần sau đoạn lồng nên khiến đoạn ruột đó bị hoại tử do không được nuôi dưỡng. Hoại tử ruột có thể dẫn đến thủng ruột và gây nhiễm trùng niêm mạc khoang bụng hay còn gọi là viêm phúc mạc.

Viêm phúc mạc là tình trạng đe dọa đến tính mạng của trẻ và đòi hỏi phải được cấp cứu ngay lập tức. Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm phúc mạc bao gồm:

  • Đau bụng
  • Chướng bụng
  • Sốt

Viêm phúc mạc có thể khiến trẻ bị sốc. Các dấu hiệu và triệu chứng sốc bao gồm:

  • Da, chân tay lạnh ẩm ướt, nhợt nhạt hoặc xám
  • Mạch yếu và nhanh
  • Nhịp thở bất thường có thể chậm và nông hoặc rất nhanh
  • Lo lắng hoặc kích động
  • Mặt bơ phờ

Trẻ bị sốc có thể có ý thức hoặc bất tỉnh. Nếu bạn nghi ngờ trẻ bị sốc, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguồn tham khảo: stanfordchildrens.org, mayoclinic.org

Video đề xuất:

Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan