Dấu hiệu viêm gan cấp ở trẻ em

Thông tin về các trường hợp bệnh viêm gan ở trẻ em chưa rõ nguyên nhân thời gian gần đây gây khá nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh. Những ca bệnh đầu tiên xuất phát từ châu Âu và Bắc Mỹ với số lượng ngày càng tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Viêm gan cấp ở trẻ em sẽ khởi đầu với đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, sau đó là giai đoạn viêm gan nặng, vàng da, vàng mắt cuối cùng là tử vong.

1. Tình trạng lưu hành của bệnh viêm gan trẻ em chưa rõ nguyên nhân tại Việt Nam và thế giới

Vào ngày 15/04/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lần đầu tiên ban hành thông báo về một đợt bùng phát bệnh viêm gan cấp tính nặng chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em trên khắp Vương quốc Anh. Sau đó chỉ trong vài tháng thế giới đã liên tục ghi nhận các trường hợp viêm gan cấp ở trẻ em từ 1 tháng tuổi- 16 tuổi mà không rõ nguyên nhân.

Tại Việt Nam, mặc dù tới nay chưa ghi nhận ca bệnh nào trên phạm vi cả nước nhưng Bộ Y tế đã có văn bản gửi tới các cơ sở y tế về việc tăng cường giám sát, phân tích dịch tễ cũng như lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời triển khai các biện pháp phòng dịch, đề xuất biện pháp phòng chống sự lan truyền của bệnh. Từ đó, Việt Nam có thể hạn chế tối đa số trẻ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong.

2. Đặc tính viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em

Viêm gan cấp là tình trạng gan mới bị tổn thương do các nguyên nhân khác nhau gồm virus, vi khuẩn, độc chất, các tình trạng rối loạn chuyển hoá, rối loạn huyết động, rối loạn miễn dịch hoặc các bệnh lý toàn thân dẫn tới hậu quả là huỷ hoại tế bào gan. Đa số các trường hợp viêm gan cấp có thể hồi phục sau khi được loại trừ các tác nhân gây bệnh, tuy nhiên cũng có các trường hợp diễn tiến nặng thêm gây hậu quả suy gan không hồi phục, bệnh gan mãn tính, xơ gan, thậm chí là tử vong.

Theo WHO, triệu chứng viêm gan ở trẻ em chưa rõ nguyên nhân có các đặc điểm chung như sau:

  • Xảy ra ở lứa tuổi từ 0-16
  • Dấu hiệu viêm gan ở trẻ em: sốt, đau bụng, nôn, tiêu chảy,...
  • Tổn thương gan ở nhiều mức độ khác nhau như vàng da, vàng mắt, phân bạc màu, sự huỷ hoại tế bào gan (tăng nồng độ các enzyme của gan ở trong máu)
  • Không tìm thấy nguyên nhân thông thường đã biết mà có thể gây tổn thương gan
  • Trẻ có thể hồi phục nếu được điều trị hỗ trợ tích cực, tuy nhiên vẫn có các trường hợp diễn biến nặng gây suy gan không hồi phục, cần ghép gan và các trường hợp tử vong

Do đó các bậc phụ huynh khi thấy con mình có các dấu hiệu nghi ngờ như vàng da, vàng mắt, phân bạc màu, li bì thì cần đưa trẻ đến khám ở các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

3. Nguyên nhân gây viêm gan cấp tính lạ ở trẻ nhỏ

Hiện tại vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây nên bệnh viêm gan cấp ở trẻ nhỏ, các ca bệnh được phát hiện vẫn trên phạm vi rộng mà không thành chùm ca bệnh. Tuy nhiên có một số giả thuyết được đưa ra để nghiên cứu và làm rõ ở các nhà khoa học gồm có:

  • Sự liên quan của Adenovirus, đặc biệt là chủng Adenovirus 41, tới sự khởi phát tổn thương gan cấp tính vì được phát hiện ở phần lớn mẫu máu của trẻ mắc bệnh. Thêm vào đó ở Anh, nơi có số ca viêm gan bí ẩn được báo cáo nhiều nhất cũng cho thấy sự gia tăng đáng kể các trường hợp nhiễm adenovirus trong cộng đồng. Do vậy, adenovirus hiện là tác nhân được nghi ngờ hàng đầu gây ra viêm gan bí ẩn
  • Vai trò gây tổn thương gan của virus SARS-CoV-2: tuy nhiên chỉ có 20 ca được phát hiện nhiễm Covid-19 cho thấy sự ít liên quan giữa viêm gan bí ẩn và Covid-19
  • Sự xuất hiện của một biến thể virus mới chưa xác định
  • Sự thay đổi và đáp ứng miễn dịch của trẻ sau khi mắc Covid 19 cũng như đáp ứng với các virus thông thường khác
  • Do vaccine Covid-19: đa số các trẻ bị bệnh là các trẻ thuộc độ tuổi nhỏ, chưa được tiêm phòng vaccine Covid-19 do đó không thấy có mối liên hệ giữa vaccine Covid-19 với viêm gan cấp

4. Điều trị viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân như thế nào?

Do chưa xác định được nguyên nhân gây viêm gan nên chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Các biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ, bao gồm cả các biện pháp hồi sức tích cực cho các trường hợp suy gan nặng như thay huyết tương, lọc máu liên tục,... và có thể ghép gan cấp cứu.

Mục tiêu điều trị chủ yếu là hỗ trợ sớm cho trẻ để hạn chế mức độ tổn thương tới mức thấp nhất và tăng cường khả năng phục hồi chức năng gan và ghép gan trong trường hợp suy gan mất bù.

5. Phòng ngừa bệnh gan cấp tính bí ẩn

Chưa thể có các khuyến cáo đặc hiệu và chủ động cho bệnh gan chưa rõ nguyên nhân, tuy nhiên cha mẹ không nên quá hoang mang vì vẫn có thể chú ý theo dõi để phát hiện sớm các triệu chứng bệnh ở trẻ. Các trẻ có triệu chứng sốt, đau bụng, nôn - buồn nôn, tiêu chảy, vàng da, vàng kết mạc,... cần được khám tại cơ sở y tế. Các biện pháp phòng ngừa cần tuân thủ gồm có:

  • Thực hiện an toàn vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
  • Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo lịch tiêm chủng gồm cả vaccine phòng viêm gan B, viêm gan A, vaccine Covid-19 chi đủ điều kiện
  • Sử dụng thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
  • Đặc biệt lưu ý phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi đến trường học, nhà trẻ, dùng đồ cá nhân riêng (ly uống nước, thìa, bát ăn, khăn mặt,...)
  • Vệ sinh, sát khuẩn bề mặt tốt
  • Xử lý chất thải thích hợp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

766 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan