Dấu hiệu cảnh báo trẻ sơ sinh bị suy hô hấp cấp

Bài viết bởi bác sĩ Đàm Thị Quỳnh - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Những triệu chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị, hạn chế những biến chứng có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

1. Thế nào là suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh?

Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là tình trạng bộ máy hô hấp không đảm bảo được chức năng trao đổi khí dẫn đến thiếu oxy và tăng CO2 trong máu, thể hiện PaO2 thấp và hoặc PaCO2 cao. Là một hội chứng rất hay gặp trong thời kỳ sơ sinh, nhất là trong những ngày đầu sau sinh, trong thời gian trẻ thích nghi với môi trường bên ngoài. Trẻ sinh non dễ bị suy hô hấp hơn trẻ đủ tháng. Suy hô hấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong sơ sinh.

2. Các dấu hiệu cảnh báo suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh

Suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh là tình trạng bệnh lý rất thường gặp ở ở trẻ sơ sinh. Song nếu không có kinh nghiệm thì nhận biết các dấu hiệu suy hô hấp sớm ở trẻ sơ sinh không phải là dễ dàng. Đôi khi trẻ có các dấu hiệu suy hô hấp nặng như ngừng thở dài, tím tái, thở rên, li bì ...mới phát hiện ra.

Nhịp thở của trẻ sơ sinh bình thường là 40 – 60 lần/ phút, trẻ thở êm không có dấu hiệu gắng sức, không tím tái. Trẻ sơ sinh đặc biệt là trẻ sinh non nhịp thở chưa ổn định hay có những cơn ngừng thở ngắn < 15s, nếu ngừng thở dài > 15s, tái diễn có thể dẫn tới suy hô hấp.

Đánh giá mức độ suy hô hấp sau sinh dựa vào chỉ số Silverman, bao gồm 5 triệu chứng lâm sàng: Di động ngực bụng, Co kéo cơ liên sườn, rút lõm hõm ức, cánh mũi phập phồng, thở rên. Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân có mức độ hô hấp tương ứng lâm sàng.

Chỉ số Silverman
Chỉ số Silverman giúp đánh giá tình trạng suy hô hấp

Các biểu hiện của trẻ mắc hội chứng suy hô hấp cấp thường xuất hiện sớm, trong vòng 24 giờ sau sinh. Cho dù là nguyên nhân nào, suy hô hấp sơ sinh cũng bao gồm 3 triệu chứng sau:

  • Nhịp thở nhanh trên 60 lần/ phút hoặc thở chậm < 40 lần/phút hay ngừng thở.
  • Các dấu hiệu co kéo hô hấp: Co kéo cơ liên sườn, rút lõm trên và dưới xương ức, thở ngực bụng, di động ngực bụng ngược chiều.
  • Tím quanh môi, tím đầu chi hay toàn thân.Tím xuất hiện khi PaO2 trong máu giảm dưới 70 mmHg hay lương Hb khử trên 5g%.
  • Các dấu hiệu khác: Kích thích, quấy khóc, bỏ bú hoặc bú kém, li bì, sốt...
Trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh quấy khóc bỏ bú

3. Nguyên nhân gây suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh là gì?

Nguyên nhân hàng đầu gây ra suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh là sinh non. Bên cạnh đó còn có một số các yếu tố khác liên quan tới tình trạng này như: Trẻ sinh mổ, trẻ sơ sinh có mẹ bị tiểu đường, trẻ sinh đôi thứ hai, thai già tháng, trẻ được sinh ra từ mẹ có nhiễm trùng thai kỳ, trẻ sinh ra từ mẹ có Stress trong thai kỳ, trẻ có các dị tật bẩm sinh (tim bẩm sinh, thoát vị hoành, kén khí bẩm sinh...).

Việc chẩn đoán các nguyên nhân dựa vào: Tuổi thai, dấu hiệu lâm sàng, tiền sử sản khoa, X quang...

Trẻ sinh non
Sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh

4. Cần xử trí như thế nào khi trẻ sơ sinh bị suy hô hấp cấp?

Điều trị hội chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh được xem là một thách thức lớn bởi tình trạng này đòi hỏi trẻ cần phải được theo dõi, chăm sóc liên tục với đội ngũ y tế chuyên nghiệp cùng với phương pháp điều trị, chăm sóc thích hợp, đúng đắn. Một trong những yếu tố quyết định nên thành công trong điều trị là phát hiện sớm các dấu hiệu suy hô hấp và điều trị thích hợp, kịp thời.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan