Đầu bé sơ sinh bị méo: Khi nào là bất thường?

Nhiều bậc cha mẹ bỗng phát hiện đầu bé sơ bị méo và cảm thấy rất lo lắng, không biết trẻ sơ sinh bị méo đầu lớn có hết không và khi thấy trẻ sơ sinh bị méo đầu phải làm sao?

Trước tiên, để kiểm tra đầu bé sơ sinh có bị méo không, cha mẹ nên quan sát vùng đầu của trẻ theo chiều từ trên xuống bằng cách đặt trẻ nằm ngửa và nhìn hình dạng đầu trẻ từ đỉnh đầu.

Nếu đầu bé sơ sinh bị méo, thì 1 bên đầu ở phía sau (khi trẻ nằm ngửa là phần đầu bên dưới) có thể bị phẳng và ít cong hơn so với bên kia. Bên cạnh đó, tai ở bên vùng đầu bị méo còn bị đẩy ra trước nhiều hơn, 1 bên trán trẻ cũng nhô ra nhiều hơn.

1. Vì sao đầu bé sơ sinh bị méo?

Đầu bé sơ sinh bị méo có thể do 2 nguyên nhân chính sau đây:

  • Hình dạng đầu của trẻ bị thay đổi khi mẹ sinh trẻ qua ngã âm đạo. Phần thóp của trẻ rất mềm do xương vùng sọ chưa dính liền với nhau, cho phép đầu trẻ có thể đi qua đường âm đạo chật hẹp của mẹ và ra bên ngoài.
  • Đầu bé sơ sinh bị méo có thể do trẻ nằm nghiêng 1 bên khá nhiều. Ở trẻ sơ sinh, xương vùng sọ còn mềm, nếu để trẻ nằm nghiêng một bên (trái hoặc phải) trong thời gian dài có thể khiến đầu trẻ bị thay đổi hình dạng như méo bên phải hoặc bên trái theo hướng bé nằm.

Đầu bé sơ sinh bị méo trong 2 trường hợp trên gọi là méo do tư thế. Dù bị méo nhưng hình ảnh chụp cắt lớp vi tính 64 cho thấy các khớp sọ của trẻ là hoàn toàn bình thường.

2. Đầu bé sơ sinh bị méo: Khi nào là bất thường?

Đầu bé sơ sinh bị méo do tư thế chỉ ảnh hưởng đến hình dáng thẩm mỹ bên ngoài của trẻ sau này chứ không ảnh hưởng đến não bộ và sự phát triển của trẻ. Do đó, trẻ sơ sinh bị méo đầu là bình thường và không cần phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh bị méo đầu có thể là do một số dị tật ở xương sọ, khi đó trẻ có thể cần được điều trị ngoại khoa.

2.1 Đầu bé sơ sinh bị méo do dị tật dính khớp sọ

Dính khớp sọ (craniosynostosis) là một dị tật bẩm sinh ít gặp, khi các đường khớp sọ hay còn gọi là thóp dính với nhau sớm hơn so với bình thường, hay còn gọi là trẻ đóng thóp sớm. Thông thường, trẻ đóng các khớp sọ khi được 2 - 4 tuổi và khớp sọ thật sự dính vào nhau từ 20 tuổi.

Đầu bé sơ sinh bị méo do dị tật dính khớp sọ tùy vào loại khớp nào bị dính. Chẳng hạn như đầu trẻ sẽ méo theo chiều dài từ trước ra sau (tật đầu thuyền) do dính khớp dọc giữa (khớp nối hai xương đính). Hoặc đầu trẻ sẽ méo sang một bên hoặc dẹt 2 bên theo chiều ngang do dính khớp trán đính (khớp nối xương đính và xương trán). Hoặc đầu trẻ méo tạo thành hình tam giác do dính khớp metopic và đầu dẹt về phía sau do dính khớp đính chẩm.

Đầu bé sơ sinh bị méo do dính khớp sọ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, gây đau đầu do tăng áp lực nội sọ, trẻ cũng gặp các vấn đề về thị giác hoặc tâm thần vận động của trẻ kém phát triển.

2.2 Đầu bé sơ sinh bị méo do hội chứng dính đa khớp

Hội chứng dính đa khớp (craniosynostosis syndromes) là 1 hoặc nhiều khớp sọ dính vào nhau và dính sớm ở mặt, hoặc các dị tật dính ngón gây ra hội chứng phức tạp.

Đầu bé sơ sinh bị méo do hội chứng dính đa khớp có thể ảnh hưởng đến khuôn mặt của trẻ. Chẳng hạn như hội chứng Crouzon (dính khớp đường vành 2 bên, xương hàm trên chậm phát triển, tất vách ngăn mũi kèm theo, ...), hay hội chứng Apert (đi cùng với dị tật dính ngón), hoặc hội chứng Pfeiffer, ...

Đầu bé sơ sinh bị méo do hội chứng dính đa khớp cần được điều trị phối hợp giữa nhiều chuyên khoa khác nhau như răng hàm mặt, chỉnh hình, sọ não. Việc điều trị chính là phẫu thuật ngoại khoa cắt bỏ các khớp bị dính, sau đó tạo hình hộp sọ (toàn bộ hoặc một phần) để tạo không gian cho não bộ phát triển.

Điều trị phẫu thuật đầu bé sơ sinh bị méo do dính đa khớp nên được tiến hành ở trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi. Vì trong độ tuổi này xương sọ của trẻ còn mỏng, chưa biến dạng nhiều và dễ chỉnh nắn hơn. Sau 12 tháng tuổi mới phẫu thuật có thể gặp khó khăn trong việc tạo hình toàn bộ hộp sọ.

Ngoài phẫu thuật cắt bỏ khớp dính, điều trị đầu bé sơ sinh bị méo còn có thể áp dụng phẫu thuật nội soi cắt diện khớp dính sớm, thường được chỉ định đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi. Sau phẫu thuật trẻ cần được mang mũ chỉnh hình chuyên dụng.

2.3 Đầu bé sơ sinh bị méo do teo não

Teo não là bệnh lý não bộ không phát triển được khiến các khớp sọ bị dính sớm vào nhau, trẻ đóng thóp sớm và không thể điều trị được bằng phương pháp phẫu thuật.

Nhìn chung, nếu nghi ngờ đầu bé sơ sinh bị méo do các dị tật hay bệnh lý nói trên, bác sĩ sẽ chỉ định chụp cắt lớp vi tính 64 dãy và CT Multislices 3D để tái tạo hình hộp sọ trong không gian 3 chiều.

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ chỉ định thêm chụp MRI để đánh giá những tổn thương bất thường trong não bộ như thoát vị não, giãn não thất và nhu mô não, ...

3. Khi thấy trẻ sơ sinh bị méo đầu phải làm sao?

Khi thấy đầu trẻ bị méo và băn khoăn không biết trẻ sơ sinh bị méo đầu phải làm sao, cha mẹ nên đưa con thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra trẻ méo đầu tư thế hay do dị tật, bệnh lý. Với méo đầu do tư thế, áp dụng một số biện pháp sau có thể giúp hình dạng đầu của trẻ tròn trở lại:

  • Đổi hướng ngủ: Đổi hướng nghiêng đầu của trẻ khi trẻ ngủ hoặc cho bú.
  • Bồng bế trẻ: Thay vì cho trẻ nằm trong nôi hoặc ghế rung, cha mẹ nên bồng bế trẻ lúc trẻ thức để làm giảm áp lực lên đầu trẻ.
  • Tập nằm sấp: Nếu đầu bé sơ sinh bị méo do tư thế, có thể tập cho trẻ nằm sấp lúc ngủ dưới sự quan sát và theo dõi của cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ trong thời gian ngắn để làm giảm áp lực lên não bộ.
  • Dùng mũ chỉnh hình chuyên dụng: Mũ chỉnh hình chuyên dụng giúp giữ hình dáng đầu trẻ và làm giảm áp lực lên vùng đầu bị méo. Tuy nhiên, mũ chỉnh hình nên được dùng ở trẻ từ 4 - 12 tháng tuổi, khi xương sọ não của trẻ còn mềm và bộ não đang trong giai đoạn phát triển. Sau 12 tháng tuổi, việc dùng mũ không đạt hiệu quả vì giai đoạn này các khớp sọ đã dính với nhau và não bộ giảm dần tốc độ phát triển.

Đầu bé sơ sinh bị méo là bất thường và cần thăm khám kiểm tra cũng như điều trị khi méo đầu do dị tật dính khớp bẩm sinh hoặc hội chứng dính đa khớp hoặc bệnh lý teo não.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

59.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan