Đặc điểm giấc ngủ của trẻ sơ sinh từ 3-6 tháng

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc Chương - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh trong những tuần đầu rất nhiều, thường lên đến 16 đến 17 giờ một ngày. Bé ngủ từng giấc ngắn 2-4 giờ mỗi lần. Ngủ ít hoặc quá nhiều so với bảng thời gian chuẩn đều là những dấu hiệu đáng lo.

1. Lịch trình ngủ cố định cho bé

Trong giai đoạn từ 3 - 6 tháng, nhịp sinh học của bé đã được thiết lập rõ ràng hơn. Còn được gọi là chu kỳ ngủ và thức, nhịp sinh học là một đồng hồ 24 giờ bên trong cơ thể, xoay vòng theo thời gian đều đặn giữa buồn ngủ và tỉnh táo. Một lịch trình ngủ cố định sẽ hỗ trợ chu kỳ sinh học tự nhiên và khuyến khích thói quen ngủ tốt.

Hầu hết trẻ sơ sinh ngủ sẽ ngủ lâu hơn khi được 3 - 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, không có bé nào tuân theo các kiểu ngủ giống nhau, biểu đồ sau đây chỉ là hướng dẫn gợi ý để bạn lập kế hoạch đi ngủ cho trẻ 4 - 6 tháng tuổi:

Lịch ngủ của bé 4 - 6 tháng tuổi
Tổng số giấc ngủ mỗi ngày 12 - 16 giờ
Mỗi sáng bé thức dậy vào khoảng 6 a.m - 8 a.m
Ban ngày chợp mắt 2 - 4 giấc ngủ ngắn, mỗi lần từ 30 phút đến 3 giờ đồng hồ. Trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi thường có ít giấc ngủ ngắn hơn.
Giờ đi ngủ mỗi tối là khoảng 6 p.m - 8 p.m
Giấc ngủ đêm 4 - 10 giờ một lần và tổng cộng là 9 - 12 giờ

Lưu ý:

Để giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh trong lúc ngủ (Sudden infant death syndrome – SIDS), Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo trẻ nên ngủ cùng phòng với bố mẹ vào ban đêm, nhưng nằm trên nôi riêng chứ không phải chung giường, trong ít nhất 6 tháng đầu tiên và lý tưởng nhất là cho đến khi được 1 tuổi.

2. Ngủ suốt đêm và thức dậy giữa đêm

2.1 Khi nào bé có thể ngủ suốt đêm?

Nhìn chung, đa số trẻ sơ sinh 6 tháng có thể ngủ suốt đêm. Trong giữa giai đoạn từ 3 - 6 tháng tuổi, hầu hết trẻ sơ sinh bắt đầu ngủ dài hơn vào ban đêm, một giấc có thể lên đến khoảng 10 giờ đồng hồ. Điều này có nghĩa là bé đã đi ngủ lúc 8 giờ tối và thức dậy lúc 4 giờ sáng. Như vậy được xem là đã ngủ suốt đêm.

Nhiều trẻ sơ sinh trong giai đoạn 4 - 6 tháng vẫn thức dậy nhiều hơn 1 - 2 lần vào ban đêm để đòi bú. Nhưng đến 6 tháng hoặc có thể sớm hơn, con bạn hoàn toàn có khả năng cai sữa đêm nếu bố mẹ muốn.

2.2 Tại sao bé không ngủ suốt đêm nữa?

Một số trẻ sơ sinh đã ngủ suốt đêm hoặc có giấc ngủ dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, sau đó lại bắt đầu thức dậy giữa đêm nhiều hơn. Vì vậy đừng ngạc nhiên nếu con bạn đột nhiên thức dậy sau vài giờ ngủ.

Tình trạng này khá phổ biến và xảy ra vì những lý do khác nhau, chẳng hạn như:

  • Giấc ngủ của bé đang phát triển
  • Em bé ngày càng có nhận thức hơn về những gì xảy ra xung quanh
  • Bé thức dậy khóc đòi mẹ
  • Bé đang chăm chỉ thực hiện các kỹ năng mới cho thành thạo, như lật hoặc ngồi.

Nếu con bạn đột nhiên thức nhiều hơn vào ban đêm, cần đảm bảo rằng bé không bị ốm. Một số tình trạng như nhiễm trùng tai hoặc trào ngược có thể khiến con không thể ngủ ngon.

Khi bé thức giấc nửa đêm, hãy duy trì thói quen đi ngủ bình thường. Nếu bé vẫn không thể ngủ ngon trở lại sau vài tuần, hãy xem xét một số kỹ thuật luyện ngủ.

Trẻ quấy khóc ban đêm
Một số trẻ sơ sinh đã ngủ suốt đêm hoặc có giấc ngủ dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, sau đó lại bắt đầu thức dậy giữa đêm nhiều hơn

3. Cách để giúp trẻ ngủ đủ giấc

3.1 Đặt ra giờ ngủ trưa và đêm cố định

Tuân thủ lịch trình ngủ sẽ giúp bé điều chỉnh giấc ngủ và có đủ thời gian ngủ cần thiết.

  • Bạn có thể cho bé ngủ ngắn vào những thời điểm cụ thể, chẳng hạn như 9 a.m, 12 p.m và 3 p.m. Hoặc bạn có thể đặt trẻ nằm xuống khoảng 2 giờ thức chơi, đảm bảo bé có đủ cơ hội để ngủ.
  • Một vài trẻ sẽ tự nhiên ngủ gật lúc 6pm mỗi ngày, số khác lại vẫn thức và tỉnh táo đến 8pm hoặc muộn hơn. Bé hay quấy khóc và không chịu ngủ vào ban đêm có thể là biểu hiện của mệt mỏi và ngủ không đủ giấc.
  • Nếu con bạn khó ngủ, dù là ban ngày hay đêm, hãy thử đặt bé vào nôi sớm hơn. Quá mệt mỏi có thể khiến trẻ khó ổn định và không ngủ ngon. Bạn cũng có thể thử phương pháp luyện bé tự đi vào giấc ngủ.

3.2 Bắt đầu thói quen trước khi đi ngủ

Nếu chưa từng tạo thói quen trước khi đi ngủ cho bé, bây giờ là thời điểm tốt để bắt đầu. Bạn có thể chọn bất cứ hoạt động nào phù hợp với gia đình mình, miễn là thực hiện theo trình tự giống nhau vào cùng một thời điểm mỗi tối.

Một số gợi ý về thói quen đi ngủ cho bé bao gồm:

  • Cho con bú mẹ hoặc bú bình
  • Tắm cho con
  • Đọc 1 - 2 câu chuyện trước khi đi ngủ
  • Hát một bài hát ru hoặc nghe nhạc
  • Tặng bé một nụ hôn chúc ngủ ngon.

3.3 Đánh thức bé mỗi sáng để đặt đồng hồ sinh học cho con

Một số cha mẹ thích để trẻ thức dậy tự nhiên vào buổi sáng. Nếu bạn cũng vậy, thì vẫn nên đánh thức con dậy nếu bé bỗng nhiên ngủ muộn hơn thường ngày.

Các bậc cha mẹ khác thích đánh thức con dậy vào cùng một thời điểm cố định mỗi sáng. Nhìn chung, phương pháp này có thể giúp đoán trước lịch trình ngủ của con, cũng như giúp đồng hồ sinh học của bé hoạt động tốt hơn.

Ngưng thở khi ngủ ở trẻ sơ sinh
Việc đánh thức con dậy vào cùng một thời điểm mỗi buổi sáng có thể giúp cha mẹ đoán trước lịch trình ngủ của con

4. Cách luyện con tự ngủ

Bạn có thể giúp bé tự đi ngủ bằng cách đặt con vào nôi khi đã có dấu hiệu buồn ngủ nhưng vẫn còn thức. Điều này dễ khiến bé khóc, nhưng nếu vượt qua được, bé có thể tự ngủ trở lại sau khi giật mình thức dậy vào giữa đêm.

Nếu bạn nghe thấy tiếng bé thức dậy vào ban đêm, hãy đợi vài phút trước khi đến dỗ dành hoặc cho bé bú. Đây là cách tạo cơ hội cho trẻ biết tự trấn an bản thân trở lại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

81.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan