Da bé bị nổi hạt sần sùi có phải là bất thường?

Tình trạng da bé bị nổi hạt sần sùi đáng sợ có thể khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Nhưng tin tốt là đa phần chúng thường lành tính và vô hại, nhiều trường hợp có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Có nhiều lý do khiến da bé bị nổi hạt sần sùi và dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp.

1. Da bé bị nổi hạt sần sùi do mụn sữa

Mụn sữa được biết như một mụn thịt (Milia) thường gặp ở các trẻ do sự tích tụ của chất sừng bên dưới da. Chúng thường xuất hiện khi trẻ khoảng 1 tháng và có thể kéo dài đến lúc lên 2 tuổi. Mặc dù được gọi là mụn sữa nhưng chúng không thực sự có mối liên hệ nào đến sữa.

Dấu hiệu để nhận biết mụn sữa gồm: Da bé bị nổi hạt sần sùi không ngứa, không đau, màu trắng hoặc vàng, không có nhân, thường phân bố chủ yếu ở mặt, xung quanh mắt, mũi và miệng.

Tình trạng này có thể khiến có bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng, nhưng chúng thường vô hại và tự biến mất mà không cần một kế hoạch điều trị cụ thể nào.

Vì vậy cách tốt nhất để điều trị đốm sữa là để chúng yên. Bạn có thể sử dụng các sản phẩm dành riêng cho trẻ nếu muốn, nhưng đừng bao giờ thử nặn các nốt mụn. Điều này có thể làm hỏng làn da mỏng manh của bé.

2. Da bé bị nổi hạt sần sùi do mụn trứng cá

Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh là tình trạng da bé bị nổi hạt sần sùi, cũng giống mụn trứng cá gặp trong tuổi dậy thì, chúng có đầu trắng và có thể phát triển trong lỗ chân lông và đỏ hoặc viêm, hay gặp nhất ở mặt, má và mũi và cũng có thể kéo dài đến da đầu, cổ, cằm, lưng hoặc ngực.

Mụn thường xuất hiện trong vòng sáu tuần đầu tiên của cuộc đời trẻ, dai dẳng và thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm hoặc hơn.

Nguyên nhân chính xác của mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh không chắc chắn, nhưng sự hình thành của chúng được cho là do nội tiết tố hoặc phản ứng với nấm men sống trên da.

Bạn chỉ nên điều trị khi có một tình trạng cơ bản gây ra mụn trứng cá của trẻ vì giống như mụn sữa chúng thường vô hại và có thể tự biến mất.

3. Da bé bị nổi hạt sần sùi do mụn nhọt

Mụn nhọt mô tả tình trạng viêm nang lông do vi khuẩn thường gặp do liên cầu và tụ cầu vàng. Ban đầu mụn nhọt chỉ là những hạt sần sùi màu đỏ, mềm mọc riêng lẻ hoặc thành cụm khắp cơ thể, sau đó chúng sưng to dần có thể hóa mủ và gây đau đớn, khó chịu cho trẻ.

Trẻ bị mụn nhọt cần đến bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Sốt;
  • Nhọt tăng kích thước nhanh;
  • Trẻ đau nhiều;
  • Nhiều nhọt hoặc nhọt có kích thước trên 2cm;
  • Nhọt to dần không hóa mủ, không thuyên giảm sau 2 ngày;
  • Vùng da quanh nhọt sưng đỏ lan rộng dần;
  • Trẻ cũng mắc các bệnh lý khác như suy giảm miễn dịch, tiểu đường.

Việc điều trị mụn nhọt có thể bao gồm thuốc bôi, uống hoặc chích rạch dẫn lưu.

4. Mụn cóc gây nổi hạt sần sùi ở da trẻ

Mụn cóc ở trẻ có thể do bị lây bệnh khi tiếp xúc với người nhiễm virus Papiloma. Tình trạng này khá phổ biến ở trẻ em và trẻ sơ sinh và thường vô hại.

Trên da bé bị nổi hạt sần sùi không ngứa, sờ có cảm giác thô ráp và tùy từng loại loại mụn cóc mà vị trí phân bố, một số đặc điểm có thể không giống nhau.

Mụn cóc có thể không cần điều trị can thiệp vì nó tự biến mất trong vòng 2 năm sau đó. Tuy nhiên nếu bạn lo lắng về tình trạng của trẻ có thể đưa trẻ đến gặp các nhân viên y tế có chuyên môn để được hướng dẫn cách xử trí mụn cóc hoặc dùng thuốc hay laser cắt bỏ.

5. Ban đỏ nhiễm độc (Erythema toxicum)

Ban đỏ nhiễm độc là một tình trạng da phổ biến khác có thể xuất hiện dưới dạng phát ban, mụn nhỏ hoặc vết đỏ. Tình trạng này có thể được nhìn thấy trên mặt, ngực hoặc tay chân của bé trong vài ngày đầu sau khi chúng chào đời.

Ban đỏ nhiễm độc vô hại và nó thường biến mất trong vòng chưa đầy 1 tuần sau khi sinh.

6. Chàm sữa (lác sữa)

Chàm sữa hay còn gọi là bệnh chàm ở trẻ sơ sinh, lác sữa là một tình trạng viêm da mạn tính, không lây thường gặp ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi.

Nguyên nhân gây ra chàm sữa liên quan đến 2 yếu tố gồm:

  • Chất gây dị ứng;
  • Cơ địa dị ứng.

Chàm sữa phân bố ở trên mặt, 2 má, tay chân hoặc có khi lan ra toàn thân. Giai đoạn đầu của chàm sữa da bé bị nổi hạt sần sùi ngứa, màu đỏ, sau đó chuyển thành dạng tổn thương mụn nước, vỡ ra, đóng vảy và bong tróc, nứt da. Tình trạng này khiến bé bứt rứt, khó chịu thậm chí quấy khóc, bú kém, ngủ không ngon giấc.

Bệnh rất dễ tái phát đặc biệt khi thay đổi thời tiết hoặc dị ứng thức ăn. Điều trị bệnh bằng cách bình thường hóa là da trẻ, kéo dài thời gian lành bệnh nhằm hạn chế tái phát và hạn chế sự tiếp xúc với các yếu tố kích ứng

7. Rôm sảy khiến da bé sần sùi

Rôm sảy ở trẻ xảy ra khi tuyến mồ hôi bị bít tắc gây ứ đọng mồ hôi, khiến ống bài tiết dễ bị bít kín dẫn đến da bé bị nổi hạt sần sùi ngứa, kích thước nhỏ màu hồng, trầy xước da hoặc loét do trẻ gãi nhiều, viêm nhiễm da.

Rôm sảy thường xảy ra vào mùa hè khi thời tiết nóng, ẩm khiến mồ hôi tiết ra nhiều hơn.

Vị trí phát triển rôm sảy thường gặp ở nơi tiết nhiều mồ hôi, chẳng hạn như trán, cổ, ngực, vai, lưng, kẽ nách, nếp bẹn.

Để phòng ngừa tình trạng rôm sảy ở trẻ, các bậc cha mẹ có thể cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, hút ẩm vào mùa hè, tránh mặc quá nhiều, quá chật, tránh tiếp xúc với ánh nắng, cho trẻ ngủ ở nơi thông thoáng, tắm mát cho trẻ, giữ cho da trẻ khô ráo, sạch sẽ, hạn chế bôi các loại kem lên da vì có thể làm bít lỗ chân lông. Khi trẻ đã bị rôm sảy cố gắng tránh để trẻ làm trầy xước da vì có thể gây nhiễm trùng.

8. Bệnh ghẻ khiến da bé bị nổi hạt sần sùi ngứa

Ghẻ là bệnh do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei hominis gây ra. Vị trí da bị tổn thương thường ở những vùng như giữa các ngón, cổ tay, eo, bộ phận sinh dục. Chẩn đoán dựa vào thăm khám lâm sàng và soi tìm ký sinh trùng.

Biểu hiện ghẻ là da bé bị nổi hạt sần sùi ngứa nhiều, các đường luống ghẻ mảnh, ngoằn ngoèo, màu trắng đục hoặc trắng xám, bong vảy, có thể dài từ vài mm đến vài cm, mụn nước ở đầu luống, vết xước da, vảy tiết, mụn mủ,...

Trẻ bị bệnh ghẻ cần được phát hiện và điều trị sớm bằng thuốc bôi kết hợp với phòng bệnh chống lây lan. Cách ly trẻ, không ngủ chung, giặt luộc, là, phơi nắng quần áo, đồ dùng, chăn màn,...

Phần lớn các trường hợp trẻ bị nổi hạt sần sùi là lành tính, vì vậy cha mẹ không nên vội dùng thuốc hay cố gắng loại bỏ các hạt sần cho trẻ. Tuy nhiên, khi trẻ có các biểu hiện như quấy khóc nhiều, sốt, bỏ bú,... hoặc bạn quá lo lắng cho tình trạng của trẻ, hãy đưa con đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

51.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan