Chế độ ăn uống để ngăn ngừa thiếu kẽm ở trẻ

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Kẽm là một nguyên tố vi lượng thiết yếu, đóng nhiều vai trò trong cơ thể. Thiếu kẽm là một yếu tố gây bệnh tật liên quan đến dinh dưỡng trên toàn thế giới. Ngừa thiếu kẽm ở trẻ thông qua chế độ ăn giúp giảm tỷ lệ mắc và kết quả của các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng.

1. Kẽm có trong thức ăn nào?

Cả thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật đều có thể cung cấp kẽm cho cơ thể. Tuy nhiên, các sản phẩm động vật chứa nhiều kẽm hơn đáng kể, trong đó hàu đặc biệt giàu kẽm. Đồng thời, cơ thể cũng hấp thụ kẽm từ thức ăn động vật tốt hơn nhiều so với thức ăn có nguồn gốc thực vật. Ruột non của bạn không thể hấp thụ 100% kẽm từ thực phẩm, mà chỉ khoảng 40% từ thịt, sữa và pho mát, trong khi tỷ lệ hấp thụ kẽm đối với rau củ quả là 20%.

Thực phẩm có kẽm Lượng kẽm (mg) trên 100 g thực phẩm
Hàu, mầm lúa mì, cám lúa mì 10 - 25 mg
Trứng, gan heo, thịt bò, hạt hướng dương, hạt lanh, bột đậu nành, bột cacao 5 - 10 mg
Lúa mạch đen, lúa mì, lúa mạch, yến mạch, quinoa, đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu phộng, quả óc chó, hạt chia, sô cô la đen 2,5 - 5 mg

Cả khoai lang và khoai tây thông thường đều chứa khoảng 1 miligam kẽm, và các loại rau khác như đậu xanh và cải xoăn cũng chứa kẽm. Những người ăn chay trường cũng có thể chọn các loại thực phẩm thuần chay tăng cường (chẳng hạn như ngũ cốc) hoặc thực phẩm giàu kẽm như đậu gà, các loại đậu, các loại hạt và đậu phụ để bổ sung kẽm.

Như đã đề cập, protein động vật hỗ trợ quá trình hấp thụ kẽm, tạo thành một phức hợp mà cơ thể có thể sử dụng tốt. Ngoài ra, còn có các chất dinh dưỡng khác thúc đẩy sự hấp thụ kẽm, bao gồm:

  • Histidine trong hạnh nhân, đậu phộng, thịt bò và thịt lợn
  • Methionine trong hạnh nhân, cá tuyết, cá thu, cá ngừ
  • Cysteine ​​trong hạnh nhân, đậu phộng, thịt bò và thịt lợn
  • Axit citric trong táo, lê, quả mọng và trái cây họ cam quýt

Kẽm làm tăng hoạt động của biotin, vì vậy các chế phẩm kẽm thường được kết hợp với vitamin này. Thông qua chế độ ăn uống, bạn có thể bổ sung biotin dưới dạng các sản phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt, nấm và thịt.

2. Liều lượng bổ sung kẽm cho trẻ nhỏ

Nhìn chung, trẻ sẽ thay đổi nhu cầu kẽm ở mỗi giai đoạn phát triển và mỗi độ tuổi khác nhau. Lượng kẽm trong chế độ ăn khuyến nghị dao động từ 2 mg/ngày ở trẻ nhỏ đến 9 mg/ngày ở nữ vị thành niên và 11 mg/ngày ở nam vị thành niên. Bạn có thể tham khảo liều lượng bổ sung do tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) quy định cụ thể như sau:

Độ tuổi Lượng kẽm
0 - 6 tháng tuổi 2mg/ngày
7 - 11 tháng tuổi 3mg/ngày
1 - 3 tuổi 3mg/ngày
4 - 8 tuổi 5mg/ngày
9 - 13 tuổi 8mg/ngày
14 tuổi trở lên Bé trai cần 11mg/ngày
Bé gái cần 9mg/ngày

3. Lời khuyên cho trẻ ăn gì để bổ sung kẽm?

3.1. Trẻ dưới 6 tháng tuổi

Sữa mẹ là nguồn bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh nhanh và tốt nhất. Sữa mẹ ở giai đoạn đầu không chỉ dồi dào kẽm mà còn chứa nhiều kháng thể và các dưỡng chất khác. Do đó, trong suốt giai đoạn này bạn cần tận dụng nguồn sữa mẹ để trẻ phát triển tối đa, hạn chế bú sữa ngoài. Cũng vì thế mà việc bổ sung đầy đủ kẽm và chất dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và cho con bú là hết sức quan trọng.
Mẹ cần bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày của mình những món:

  • Giàu kẽm như hải sản, thịt, trứng,...
  • Giàu vitamin C như các loại trái cây có múi họ cam quýt
  • Những loại hạt, loại đậu, đặc biệt là đậu nành.
kẽm có trong thức ăn nào
Kẽm có trong thức ăn nào là thắc mắc của nhiều phụ huynh

3.2. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên

Đa dạng thực đơn hàng ngày của con để giới thiệu những món ăn lành mạnh mới, ngon miệng và đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.

3.3. Trẻ suy dinh dưỡng

Ưu tiên các loại thực phẩm đa dạng chất dinh dưỡng khác như hải sản (cá, tôm, lươn, cua, hàu), thịt hoặc các loại đậu, hạt, rau lá xanh (bông cải xanh),...

3.4. Trẻ biếng ăn

Bạn có thể kích thích con ăn ngon miệng hơn bằng một số thực phẩm giàu kẽm mà hầu hết trẻ nhỏ đều ưa chuộng, như socola đen, bơ sữa, sữa chua, hải sản, ngũ cốc nguyên hạt,... Vì ép con ăn uống đầy đủ là rất khó khăn, mẹ cũng có thể bổ sung kẽm cho trẻ thông qua những loại thực phẩm chức năng theo lời khuyên của bác sĩ. Tuy nhiên, việc bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thông qua những loại thực phẩm tươi hàng ngày vẫn được khuyến khích hơn vì khả năng hấp thu của kẽm sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Các thực phẩm hỗ trợ đã được bác sĩ kê đơn có thể giúp bé ăn ngon miệng hơn, đồng thời bổ sung đầy đủ kẽm và chất dinh dưỡng cho cơ thể. Nhờ đó, trẻ có thể tăng khả năng miễn dịch, được hỗ trợ phát triển toàn diện cả về thể trọng lẫn sức khỏe.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, cha mẹ có thể bổ sung kẽm để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm sẽ phát sinh các biểu hiện bất thường hay các bệnh lý cụ thể do thiếu kẽm như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ có thể bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... cho con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Nguồn tham khảo: pubmed.ncbi.nlm.nih.gov

600 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan