Chẩn đoán và điều trị viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh non tháng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Viêm ruột hoại tử sơ sinh thường gặp ở trẻ đẻ non, cân nặng thấp. Bệnh diễn biến nhanh, có thể dẫn đến các biến chứng như thủng ruột, tắc ruột, viêm phúc mạc. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, viêm ruột hoại tử sơ sinh non tháng có thể dẫn tới tử vong.

1. Viêm ruột hoại tử là gì?

Viêm ruột hoại tử là tình trạng ruột bị nhiễm trùng và có thể bắt đầu bị hoại tử. Đây là bệnh lý đường ruột cấp tính, hay gặp trong số các bệnh tiêu hóa của trẻ, đặc biệt là trẻ sinh non (chiếm 70 - 80% ở trẻ có tuổi thai thấp). Trẻ sinh đủ tháng cũng có thể mắc bệnh này nhưng tỷ lệ ít hơn.

Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, thành ruột sẽ hoại tử, gây thủng ruột, làm tràn dịch tiêu hóa vào khoang bụng, dẫn tới tắc ruột, viêm phúc mạc. Những biến chứng này này có thể gây tử vong nên cần được phẫu thuật ngay lập tức.

Hiện chưa rõ nguyên nhân gây viêm ruột hoại tử sơ sinh. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố liên quan gây bệnh gồm: Sinh non tháng (ruột trẻ sinh non chưa hoàn thiện như trẻ đủ tháng), nhiễm khuẩn, tổn thương mạch máu, giảm lưu lượng máu đến ruột, trẻ bị ngạt khi sinh, suy hô hấp sau sinh, bệnh tim bẩm sinh, bất thường chuyển hóa, quá trình phát triển bào thai bất thường, hạ thân nhiệt, trẻ ăn sữa công thức,...

Trắc nghiệm: Thế nào là trẻ sơ sinh non tháng?

Trẻ sơ sinh non tháng rất cần được chăm và điều trị thật tốt để giúp giảm nguy cơ gặp phải các di chứng về tinh thần, vận động và sự phát triển sau này. Cùng theo dõi bài trắc nghiệm dưới đây để có thể nhận biết trẻ sơ sinh non tháng và có thêm kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất cho trẻ.

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

Ma Văn Thấm
Ma Văn Thấm
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Nhi
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

2. Chẩn đoán viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh non tháng

2.1 Chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng

  • Giai đoạn sớm: Trẻ li bì, ngủ lịm, nhiệt độ không ổn định, đau bụng trên hoặc quanh rốn, dịch dạ dày chậm tiêu, ứ dịch khoảng 20%. Trẻ có những cơn ngừng thở ngắn, nhịp tim có thể bị chậm, hạ đường huyết;
  • Giai đoạn tiếp theo: Trẻ nôn trớ dịch vàng, da xanh tái, đau bụng nhiều, tiêu chảy, có khi đi ngoài ra máu toàn phần hoặc vi thể. Kèm theo đó là triệu chứng bụng trướng, thăm trực tràng đôi khi có máu.
  • Giai đoạn muộn: Dịch dạ dày có màu nâu đen, có sốc, đau bụng dữ dội, bụng trướng nề, thành bụng có ban đỏ, có cảm ứng phúc mạc, viêm phúc mạc.

Chẩn đoán viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh non tháng
Chẩn đoán viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh non tháng

2.2 Các xét nghiệm chẩn đoán viêm ruột hoại tử sơ sinh non tháng

  • Xét nghiệm máu ngoại biên: Bạch cầu tăng, tiểu cầu giảm.
  • Xét nghiệm khí máu động mạch: Toan chuyển hóa.
  • Điện giải đồ: Natri giảm, Kali tăng;
  • Xét nghiệm chức năng đông máu: Có thể có rối loạn đông máu;
  • Cấy phân, tìm hồng cầu trong phân;
  • Chọc dịch màng bụng: Có máu hoặc mủ;
  • Soi cấy dịch tìm vi khuẩn gram (-);
  • X-quang bụng: Hình ảnh hơi trong thành ruột là dấu hiệu đặc trưng giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh. Hơi tự do trong ổ bụng cho thấy có biến chứng thủng ruột. Quai ruột bất động, giãn to trên nhiều phim cho thấy quai ruột bị hoại tử. Không có hơi ruột là dấu hiệu của viêm phúc mạc;
  • Chụp bụng 6 - 8 giờ/lần trong 48 giờ đầu. Sau đó, chụp bụng 8 - 12 giờ/lần cho tới khi bệnh ổn định để phát hiện dấu hiệu bụng ngoại khoa;
  • Vi khuẩn: Nuôi cấy máu, phân và dịch màng bụng (thường do E.coli, Proteus, Klebsiella, Staphylococcus,...).

3. Điều trị viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh non tháng

3.1 Điều trị nội khoa

Các biện pháp điều trị nội khoa cần thực hiện ngay khi có dấu hiệu cho thấy bệnh nhi bị viêm ruột hoại tử, không cần chờ tới khi chẩn đoán chắc chắn để tránh bỏ lỡ cơ hội điều trị bệnh sớm. Các phương pháp gồm:

  • Nhịn ăn đường miệng: đặt ống thông dạ dày dẫn lưu dịch dạ dày. Chỉ cho bệnh nhi ăn đường miệng trở lại khi diễn tiến lâm sàng tốt (hết tiêu ra máu, bụng không chướng) hoặc ít nhất 5 ngày sau khi chụp X-quang bụng cho thấy bệnh đã được kiểm soát (không còn hơi thành ruột). Nếu đang đặt catheter tĩnh mạch rốn, cần rút bỏ catheter. Kết hợp với bồi hoàn dịch điện giải, chống sốc, điều trị DIC. Khi huyết động học ổn định chuyển sang dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch toàn phần trong 1 - 2 tuần;
  • Kháng sinh ban đầu: Dùng Ampicillin + Cefotaxim/Gentamicin + Metronidazol. Nếu không đáp ứng, cần thay đổi kháng sinh theo kháng sinh đồ. Nếu không có kháng sinh đồ, sử dụng pefloxacin phối hợp với Metronidazol. Thời gian sử dụng kháng sinh cho bệnh nhi bị viêm ruột hoại tử là 10 - 14 ngày;
  • Theo dõi sát: Các dấu hiệu lâm sàng của tắc ruột, vòng bụng, chụp X-quang bụng mỗi 8 - 12 giờ trong giai đoạn bệnh chưa ổn định để kịp thời phát hiện các biến chứng ngoại khoa và có phương án điều trị kịp thời, hiệu quả.

Theo dõi dấu hiệu viêm ruột hoại tử ở trẻ để có phương án điều trị kịp thời
Theo dõi dấu hiệu viêm ruột hoại tử ở trẻ để có phương án điều trị kịp thời

3.2 Điều trị ngoại khoa

  • Can thiệp phẫu thuật: Chỉ định trong trường hợp bệnh nhi bị thủng ruột, viêm phúc mạc, quai ruột bị hoại tử, tắc ruột. Cân nhắc phẫu thuật khi điều trị nội khoa sau 48 - 72 giờ nhưng tình trạng bệnh không cải thiện, tiếp tục giảm tiểu cầu, toan chuyển hóa và rối loạn đông máu. Bác sĩ sẽ loại bỏ phần ruột hoại tử và các phần bị nhiễm bệnh khác. Ruột sẽ được nối lại hoặc sẽ được chuyển ra thành bụng thông qua hậu môn nhân tạo. Việc điều trị sẽ tiếp tục cho đến khi chữa khỏi bệnh hoàn toàn;
  • Chế độ dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh non tháng: Cho trẻ bú lại khi lâm sàng ổn định, bụng mềm không trướng, không ứ đọng dịch dạ dày và không có máu trong phân. Nên cho trẻ bú sữa mẹ. Ở những trẻ phát hiện và điều trị viêm ruột hoại tử ở giai đoạn sớm, có thể cho trẻ ăn sớm hơn, sau 72 giờ. Với trẻ viêm ruột hoại tử được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sau, cần nhịn ăn đường miệng tối thiểu 10 - 14 ngày. Cho trẻ bắt đầu bú sữa mẹ với lượng 10ml/kg, sau tăng dần 10ml/kg mỗi ngày. Đồng thời, cần theo dõi sát dịch dư trong dạ dày, tình trạng bụng và máu ẩn trong phân của bệnh nhi.

*Lưu ý: Thận trọng khi cho trẻ dùng một số loại thuốc như: Nhóm xanthin (theophylin, aminosid), vitamin E dùng kéo dài, Indometacin, cytokine, cocain,...

4. Biện pháp phòng ngừa viêm ruột hoại tử ở trẻ sinh non

  • Các bà mẹ mang thai nên đi khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Cần phát hiện các thai phụ có nguy cơ cao về các bệnh lý đi kèm khi có thai hoặc bệnh lý nền ở bà mẹ để có hướng phòng ngừa hiệu quả;
  • Có chiến lược cụ thể về việc điều trị và chăm sóc cho thai phụ để giúp thai nhi trong thời gian ở trong bụng mẹ có sức khỏe tốt, phát triển phù hợp với từng giai đoạn trong thai kỳ;
  • Tránh để xảy ra tình trạng sinh non tháng. Cần nắm được những trường hợp sinh sớm so với ngày dự sinh để có hướng điều trị tốt, giúp thai nhi phát triển tốt;
  • Tránh các nguy cơ trong và sau sinh khác như: đẻ ngạt, suy hô hấp kéo dài, đa hồng cầu ở trẻ đẻ non;
  • Thận trọng khi nuôi dưỡng trẻ sơ sinh non tháng bằng đường ruột vì cho trẻ ăn số lượng lớn, tăng nhanh số lượng với thời gian không hợp lý là nguy cơ gây viêm ruột hoại tử. Nên cho trẻ ăn từ từ từng bữa với lượng nhỏ. Việc điều chỉnh tốt thời gian và lượng sữa trong bữa ăn có thể phòng ngừa được viêm ruột hoại tử. Nên tăng dần lượng sữa không quá 20ml/kg/ngày. Đồng thời cần theo dõi và đánh giá tình trạng dung nạp sữa của trẻ;
  • Trẻ cần được cho bú sữa mẹ ngay ở những giờ đầu sau sinh vì sữa mẹ chứa nhiều yếu tố bảo vệ như IgA, IgG, IgM,... giúp giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử ở trẻ sinh non. Các bà mẹ nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn cả ngày và đêm. Để có nguồn sữa dồi dào, sản phụ cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, chú trọng nhất về chất đạm, đồng thời nghỉ ngơi đầy đủ và ngủ đủ giấc.

Trẻ bú sữa mẹ sớm giúp giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử
Trẻ bú sữa mẹ sớm giúp giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử

Viêm ruột hoại tử ở trẻ sinh non diễn biến nhanh, để lại hậu quả nặng nề cho bệnh nhi. Vì vậy, các cặp vợ chồng cần chú ý tới việc phòng ngừa viêm ruột hoại tử cho bé, đặc biệt với những trẻ sơ sinh non tháng. Đồng thời, khi thấy bé có các triệu chứng nghi viêm ruột hoại tử, cần cho trẻ đi thăm khám ngay để được chẩn đoán chính xác và có hướng xử trí kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe