Chẩn đoán nguyên nhân co giật ở trẻ em

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Nam Phong - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Co giật là một cấp cứu thần kinh thường gặp ở trẻ em và gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo đó, việc chẩn đoán co giật ở trẻ em chính xác là điều kiện tiên quyết để điều trị bệnh hiệu quả.

1. Nguyên nhân gây co giật ở trẻ em

Co giật là tình trạng rối loạn tạm thời về vận động, ý thức, cảm giác, thần kinh tự động do sự phóng điện đột ngột quá mức của một số nơron thần kinh. Co giật là một cấp cứu thần kinh thường gặp ở trẻ em. Có nhiều hình thức co giật, trong đó nghiêm trọng nhất là khi trẻ bị co giật liên tục kéo dài trên 30 phút hoặc trẻ bị nhiều cơn co giật liên tiếp nhau không có khoảng tỉnh.

Có nhiều nguyên nhân có thể gây co giật ở trẻ em, có thể phân loại thành:

1.1. Co giật có tổn thương thực thể ở não (co giật triệu chứng)

Co giật bắt nguồn từ một vùng tổn thương ở não. Tại vùng tổn thương này có những tế bào thần kinh sống sót nhưng trong trạng thái nuôi dưỡng bất thường. Những tế bào này dễ bị kích thích gây nên tình trạng co giật. Não có thể tổn thương một hoặc nhiều ổ, vị trí tổn thương có thể trên hoặc dưới vỏ não. Các nguyên nhân gây tổn thương ở não có thể do:

  • Nhiễm khuẩn não màng não: trẻ có thể bị viêm màng não do nhiễm các virus sởi, ho gà, thủy đậu, quai bị; nhiễm các vi khuẩn não mô cầu, liên cầu, E.coli, lao,... Áp-xe não do nhiễm khuẩn từ các xoang hay viêm tai giữa. Do nhiễm ký sinh trùng sốt rét, toxoplasma,...
  • Chấn thương não: Trẻ có thể bị tổn thương não do những thủ thuật sản khoa như giác hút, Forceps, gây tê, gây mê quá mức,... Người mẹ chuyển dạ quá nhanh hoặc quá lâu. Những tai biến trong quá trình sinh như vòng rau quấn cổ, sa dây rau, ngạt gây thiếu oxy cho thai nhi cũng có nguy cơ gây tổn thương não ở trẻ.
  • Khối u: u thân não, u tiểu não thường gặp ở trẻ em 5-8 tuổi.
  • Các dị tật bẩm sinh có thể gây co giật ở trẻ em như dị dạng mạch máu não, tắc mạch não.
Trẻ co giật
Co giật ở trẻ là một triệu chứng rất nguy hiểm và gây ra nhiều biến chứng

1.2. Co giật do rối loạn chức năng não

Trong co giật ở trẻ em do rối loạn chức năng não thì co giật do sốt chiếm phần lớn các trường hợp. Co giật do sốt thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, trong đó phổ biến nhất là ở trẻ 2-3 tuổi. Co giật xuất hiện đột ngột khi trẻ sốt cao 39-40 độ, thường là co giật toàn thân, lan tỏa, thời gian mỗi cơn co giật không quá 10 phút. Kết quả điện não đồ bình thường, dịch não tủy bình thường. Những cơn co giật cho sốt thường lành tính, không để lại biến chứng, cơn giật càng ngắn thì tiên lượng càng tốt.

Trẻ sốt 38 độ C kèm ho và nôn ói
Sốt cao cũng gây ra tình trạng co giật ở trẻ

1.3. Co giật do rối loạn chuyển hóa

Trẻ bị co giật do mắc các bệnh lý rối loạn chuyển hóa như:

  • Bệnh nhiễm leucine: là một bệnh di truyền lặn do rối loạn quá trình khử carboxyl trong cơ thể.
  • Co giật do hạ canxi máu: thường gặp ở trẻ còn bú mẹ. Trẻ xuất hiện những cơn co giật đột ngột, co rút người, có những cơn co giật nội tạng, co thắt thanh quản, dấu hiệu Chvotek-Trousscau (+) nguyên nhân thường do còi xương sớm, tiêu chảy.
  • Bệnh phenylceton niệu: triệu chứng lâm sàng là da chàm, trẻ chậm phát triển tinh thần, co giật cục bộ ở tư thế gập. Đây là một bệnh di truyền gen lặn do thiếu men Phenyl alanin 4 hydroxylase.
  • Co giật do tăng Bilirubin tự do: là hiện tượng tăng quá nhiều Bilirubin tự do và muối mật gây nhiễm độc thần kinh. Trẻ bị vàng da, co giật tăng trương lực cơ.
  • Co giật do rối loạn glucose máu: trẻ có dấu hiệu vã mồ hôi, tay chân lạnh, bú kém, tim đập nhanh, run rẩy, co giật, chân tay co cắp,...
  • Co giật do hạ hoặc tăng natri máu: khi natri máu dưới 120 mmol/lít có thể xuất hiện co giật, hiện tượng này thường gặp khi trẻ bị tiêu chảy mất nước nhược trương, ăn kiêng lâu ngày. Khi natri máu trên 150 mmol/lít cũng có thể có triệu chứng co giật. Tăng natri máu thường gặp trong các trường hợp đái tháo nhạt, tiêu chảy ưu trương, sốt cao kéo dài, bỏng, say nắng,...
  • Co giật do hạ Magie khi nồng độ magie máu thấp hơn 0.5 mmol/l, biểu hiện yếu cơ, co giật, run toàn thân.

Ngoài ra, thiếu vitamin B6, dùng một số thuốc như long não, strycin hoặc tăng huyết áp do bệnh viêm cầu thận cũng có thể gây co giật ở trẻ em. Ngoài ra, nếu trẻ co giật mạn tính, tái phát, những cơn co giật có chung đặc điểm lâm sàng, tiên lượng, nguyên nhân, có thể trẻ co giật do hội chứng động kinh.

Vitamin B6
Thiếu vitamin B6 làm tăng nguy cơ co giật ở trẻ

2. Xử trí khi trẻ bị co giật

*Gọi cho bác sĩ:

Ngay cả khi trẻ xuất hiện co giật nên gọi ngay cho bác sĩ và làm theo các hướng dẫn của bác sĩ.

*Trong khi chờ đợi sự trợ giúp y tế

Nếu trẻ thở bình thường:

  • Đặt trẻ nằm nghiêng trên sàn cứng và dọn sạch những đồ vật ở gần.
  • Nới lỏng quần áo chật xung quanh đầu hoặc cổ.
  • Dùng dụng cụ chèn lưỡi theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý dùng các vật sắc hoặc dễ gẫy.
  • Đặt trẻ nằm nghiêng đề phòng trẻ nôn, nếu trẻ nôn thì cố móc chất nôn ra ngoài
  • Không đè hoặc giữ chặt làm hạn chế cử động của trẻ

3. Chẩn đoán nguyên nhân co giật ở trẻ em

Khi tiếp nhận trẻ bị co giật, nhằm khai thác thông tin để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ hỏi người nhà về:

  • Tiền sử bệnh của trẻ: trẻ đã từng bị sốt cao co giật trước đây chưa, đã từng bị chấn thương đầu, tiếp xúc với độc chất hoặc mắc bệnh động kinh, rối loạn chuyển hóa, bệnh về tâm thần vận động,...hay không?
  • Bệnh sử của trẻ: trẻ có bị sốt, bỏ ăn, tiêu chảy,... trong những ngày gần đây? Tính chất cơn co giật của trẻ, thời gian co giật,...như thế nào?

Tiếp theo, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và chỉ định thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng. Về lâm sàng, sẽ khám:

  • Tri giác của trẻ;
  • Đo mạch, huyết áp, thân nhiệt, nhịp thở, SaO2;
  • Tìm các tổn thương ngoài da liên quan đến chấn thương;
  • Tìm để phát hiện các dấu hiệu thiếu máu, dấu hiệu thần kinh khu trú, dấu hiệu viêm màng não như cổ cứng, thóp phồng,...

Về cận lâm sàng, trẻ sẽ được thực hiện xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét. Ngoại trừ trường hợp xác định trẻ bị co giật do sốt cao, các trường hợp khác cần cho trẻ thực hiện:

Xét nghiệm công thức máu toàn bộ giúp phát hiện ra nhiều loại bệnh
Xét nghiệm công thức máu giúp chẩn đoán cận lâm sàng

Dựa vào kết quả khám và kết quả cận lâm sàng, bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân co giật ở trẻ em và có hướng xử lý bệnh phù hợp. Co giật có thể gây các biến chứng rất nguy hiểm như thiếu oxy não, tắc nghẽn đường thở, thậm chí có thể gây tử vong. Do đó, khi trẻ bị co giật, ngay sau trẻ kết thúc cơn giật, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để chẩn đoán co giật ở trẻ em và điều trị kịp thời.

Co giật có thể để lại nhiều biến chứng bệnh nguy hiểm, vì thế các bậc cha mẹ cần nắm được các dấu hiệu của co giật để sớm có hướng thăm khám và điều trị kịp thời.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý, trong đó có chuyên khoa Nhi - Sơ sinh. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

64.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan