Chăm sóc và điều trị bệnh thủy đậu

Bài viết được viết bởi BSCK II Phạm Thị Vân Hạnh, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Bệnh thủy đậu là căn bệnh nhiễm trùng cấp tính, lây lan qua đường hô hấp do hít phải những giọt nước bọt bắn ra từ người bệnh. Bệnh không được điều trị sớm sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như: bội nhiễm liên - tụ cầu, viêm não, viêm tủy... Vậy cách điều trị bệnh như thế nào, chăm sóc người bệnh ra sao?

1. Đại cương

Bệnh thuỷ đậu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp do hít phải những giọt nước bọt bắn ra từ người bệnh. Thường gặp vào mùa đông xuân, chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi.

Bệnh đặc trưng bởi phát ban dạng bọng nước ở da và niêm mạc. Thường diễn biến lành tính nhưng cũng có thể gây tử vong khi biến chứng viêm não, hội chứng Reye.

VZV gây bệnh theo hai cách khác nhau trên lâm sàng là thuỷ đậu và Zona. Thuỷ đậu xuất hiện ở người chưa có miễn dịch. Zona là trạng thái tái hoạt động của một trạng thái nhiễm trùng tiềm tàng gặp điều kiện thuận lợi như chấn thương, ung thư, suy giảm miễn dịch.

Viêm màng não cấp tính là dấu hiệu của việc nhiễm viêm gan E
Bệnh thủy đậu có thể tiến triển thành viêm não nếu không được điều trị sớm

2. Biểu hiện lâm sàng

2.1 Thời kỳ ủ bệnh

Từ 10 – 21 ngày. Trung bình 14 -17 ngày.

2.2 Thời kỳ khởi phát

Khoảng 24 - 48 giờ, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng như:

  • Sốt nhẹ, có thể không sốt. Trẻ suy giảm miễn dịch thường sốt cao, khi có sốt cao nói lên tình trạng nhiễm trùng nặng.
  • Mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu.
  • Phát ban, khởi đầu là những hồng ban nổi gờ trên da, kích thước vài mm. Tồn tại khoảng 24 giờ trước khi chuyển thành bóng nước.
Trẻ sốt nhẹ
Triệu chứng ban đầu của bệnh thủy đậu có thể là sốt nhẹ

2.3 Thời kỳ toàn phát

Thời kỳ toàn phát, bé sẽ giảm sốt. Trường hợp sốt cao thường do có bội nhiễm.

Hồng ban nhanh chóng chuyển thành bọng nước trong vòng 24 giờ. Trên da nổi bóng nước tròn trên nền viền da màu hồng. Đường kính 3-13 mm. Thường < 5 mm. Lúc đầu chứa dịch trong, sau 24 giờ hoá đục, nhiều lứa tuổi (có bọng nước mới mọc xen kẽ bọng đã hóa đục và bọng đã đóng mày hay bong vảy. Bọng nước xuất hiện ở da đầu, thân người sau đó lan ra tay chân, có đau, ngứa. Bọng nước có thể trên niêm mạc đường hô hấp, tiết niệu, tiêu hoá, sinh dục.

2.4 Thời kỳ hồi phục

Sau 1 tuần, bọng nước đóng vảy rồi bong, thường không để lại sẹo.

2.5 Các biến chứng thường gặp

  • Viêm mô tế bào do bội nhiễm liên cầu – tụ cầu: Bọng nước hóa mủ, đỏ da, sưng tấy xung quanh bóng nước, viêm mô tế bào, tạo ổ áp xe. biểu hiện nhiễm trùng nhiễm độc, có thể gây nhiễm trùng huyết.
  • Viêm não: Sốt cao, đau đầu, rối loạn tri giác, co giật, hôn mê
  • Viêm tủy, Guillain- Barre: yếu chi
  • Hội chứng Reye: nôn nhiều, hôn mê hạ Glucose máu
  • Biến chứng khác: Viêm cơ tim, viêm giác mạc, viêm khớp, viêm phổi, viêm cầu thận.
Viêm cơ tim
Viêm cơ tim là một biến chứng của bệnh thủy đậu

3. Chẩn đoán

3.1. Chẩn đoán xác định

Dựa vào lâm sàng và dịch tễ: chưa tiêm phòng thuỷ đậu, có tiếp xúc với người bị thuỷ đậu trong vòng 3 tuần.

Lâm sàng có bọng nước nhiều lứa tuổi ở da và niêm mạc.

3.2 Chẩn đoán phân biệt

  • Chốc lở, nhiễm trùng da: thường các mụn mủ tập trung từng vùng, cùng tuổi,có đau
  • Bệnh tay chân miệng: ban ở vị trí đặc biệt (lòng bàn tay, chân, gối, mông...). Bọng nước nhỏ hơn, không đau, không ngứa
  • Tổn thương do Herpes simplex: dựa vào phân lập virus
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế
Bệnh thủy đậu rất dễ nhầm lẫn với bệnh tay chân miệng

4. Điều trị

4.1 Nguyên tắc

  • Điều trị đặc hiệu;
  • Điều trị triệu chứng;
  • Phát hiện và điều trị biến chứng.

4.2 Tiêu chuẩn nhập viện

Cho bé nhập viện khi bé thuộc một trong các tình huống sau:

  • Sốt cao liên tục, khó hạ, có các dấu hiệu bệnh nặng hoặc nghi ngờ có biến chứng;
  • Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi;
  • Cơ địa suy giảm miễn dịch: HIV/AIDS, đang dùng Corticoid;
  • Sang thương quá nhiều;
  • Nghi ngờ nhiễm trùng huyết: Sốt cao, mệt, lừ đừ, vẻ mặt nhiễm trùng.

4.3 Điều trị đặc hiệu

Acyclovir đường uống:

  • Hiệu quả cao nếu điều trị sớm trong 24 giờ đầu sau khi khởi phát.
  • Liều uống: 80 mg/kg/ngày chia làm 4 lần. (tối đa 800 mg/lần).
  • Thời gian điều trị: 5 ngày hoặc đến khi không xuất hiện thêm bóng nước mới
  • Lưu ý: Nếu bệnh tự ổn định trong 48 giờ thì có thể không dùng Acyclovir (ngoại trú)
  • Chỉ định dùng Acyclovir trong điều trị ngoại trú:

+ Chỉ định cho trẻ > 12 tuổi

+ Trẻ ≤ 12 tuổi, không suy giảm miễn dịch, tiền sử khỏe mạnh, bệnh tự ổn định trong 48 giờ có thể không cần điều trị Acyclovir trừ khi có một trong các yếu tố sau:

Tái nhiễm lần 2

Có tiền sử bệnh về da hoặc bệnh tim phổi mãn

Thường xuyên dùng Steroid đường uống hoặc hít

Dùng Salicylate kéo dài tăng nguy cơ hội chứng Reye

Thuốc Acyclovir
Thuốc Acyclovir có hiệu quả trong điều trị bệnh thủy đậu

Acyclovir đường tĩnh mạch:

Trẻ suy giảm miễn dịch hoặc có biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não – màng não, viêm gan nặng, giảm tiểu cầu... Điều trị càng sớm càng tốt khi nổi những mụn nước đầu tiên.

Liều dùng: 10 mg/kg/lần X 3 lần/ngày, trong 7 đến 10 ngày

Kháng thể kháng Varicella Zoster (nếu có):

Chỉ định:

  • Bệnh nhân suy giảm miễn dịch chưa tiêm phòng Thuỷ đậu

+ Bệnh bạch cầu cấp hoặc Lymphoma

+ Suy giảm miễn dịch do thuốc (hóa trị, sử dụng Steroid liều cao >14 ngày)

+ Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải

  • Trẻ sơ sinh có mẹ bị Thuỷ đậu 5 ngày trước sinh đến 2 ngày sau sinh
  • Trẻ sinh non phơi nhiễm VZV:

+ ≥ 28 tuần thai và mẹ chưa tiêm phòng Thuỷ đậu

+ < 28 tuần thai hoặc cân nặng lúc sinh ≤ 1000g

  • Liều VZIG (tiêm bắp) theo cân nặng
Cân nặng Liều
≤ 10 kg 200 IU
> 10 kg 400 IU
> 30 kg 600 IU

  • Nếu không có VZIG có thể dùng IVIG, liều 0,4 g/kg thay thế ở những trường hợp trên hoăc những trường hợp Thuỷ đậu rất nặng, ảnh hưởng sinh tồn.

4.4 Điều trị hỗ trợ

Điều trị hỗ trợ khác

  • Vệ sinh da hàng ngày, chấm xanh methylen vào các tổn thương da
  • Mặc quần áo kín, cắt sạch đầu móng tay

4.5 Dấu hiệu nặng cần khám ngay

  • Bọng nước nổi toàn thân
  • Bọng nước hóa mủ và tấy đỏ xung quanh
  • Sốt cao không hạ
  • Mệt, lừ đừ, bỏ ăn
  • Co giật, yếu chi
Co giật ở trẻ em
Trẻ bị thủy đậu kèm co giật cần được đưa ngay đến bệnh viện

4.6. Hướng dẫn chăm sóc tại nhà

  • Vệ sinh cơ thể hàng ngày bằng nước sạch. Tuyệt đối không kiêng tắm
  • Không kiêng ăn
  • Nghỉ học 7 đến 10 ngày
  • Tránh tiếp xúc với người xung quanh, đặc biệt là phụ nữ mang thai
  • Nên mang khẩu trang.

4.7 Chăm sóc tại bệnh viện

  • Cách ly khu vực riêng (Phòng áp lực âm nếu có), thời gian cách ly 7 – 10 ngày từ khi bắt đầu có ban phỏng đến khi ban phỏng khô
  • Người bệnh đeo khẩu trang
  • Vệ sinh da, răng miệng, chấm xanh methylen, castellani vào các nốt phỏng, tránh gãi
  • Vệ sinh phòng bệnh, xử lý đồ vải, tư trang đúng quy định
  • Theo dõi tiến triển của ban phỏng, mật độ, màu sắc, tình trạng nhiễm trùng của ban (mủ, dịch vàng, tấy đỏ ...)

5. Phòng bệnh

5.1 Vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu (Vắc-xin sống giảm độc lực)

  • Chỉ định phòng cho trẻ 12 - 18 tháng tuổi. Nếu trong nhà có người bị thuỷ đậu có thể tiêm từ 9 tháng tuổi. Nhắc lại liều thứ 2 lúc 5 đến 6 tuổi hoặc cách liều thứ nhất 3 tháng.
  • Người lớn tiêm 2 liều, cách nhau 1 tháng.
Các loại vắc-xin cho trẻ đang có mặt ở Vinmec
Trẻ em cần được tiêm vắc-xin sớm để ngăn ngừa bệnh thủy đậu

5.2 Biện pháp phòng ngừa khác

Tránh tiếp xúc với người bị thuỷ đậu, rửa tay thường xuyên.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang triển khai dịch vụ tiêm phòng thủy đậu cho trẻ em và người lớn.

  • Trẻ sẽ được các bác sĩ chuyên khoa nhi – vắc-xin thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc-xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế thế giới nhằm đảm bảo hiệu quả tốt nhất và an toàn nhất cho trẻ.
  • Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng nhi giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý trẻ và áp dụng cách giảm đau hiệu quả cho trẻ trong quá trình tiêm chủng.
  • 100% trẻ tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
  • Được theo dõi đa khoa trước, trong và sau tiêm chủng tại Hệ thống y tế Vinmec và luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp – ngừng tuần hoàn, đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.
  • Phòng tiêm chủng thoáng mát, có khu chơi, giúp trẻ có cảm giác thoải mái như đang dạo chơi và có tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.
  • Vắc xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giữ vắc-xin trong điều kiện tốt nhất để đảm bảo chất lượng.
  • Bố mẹ sẽ nhận tin nhắn nhắc lịch trước ngày tiêm và thông tin tiêm chủng của bé sẽ được đồng bộ với hệ thống thông tin tiêm chủng Quốc gia.

Những năm tháng đầu đời, sức đề kháng và khả năng miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên rất dễ mắc phải các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tới tính mạng: tiêu chảy, thuỷ đậu, viêm não, ho gà, sởi,...Vì vậy, hãy lên lịch tiêm chủng trọn gói cho bé tại Vinmec để trẻ được phát triển khỏe mạnh và toàn diện nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Vacxin thủy đậu cần tiêm mấy mũi?

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan