Chăm sóc trẻ còi cọc như thế nào mới đúng cách?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng .

Theo Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Việt Nam nằm trong top 16 nước có tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng cao nhất thế giới. Nếu gia đình có trẻ còi cọc, bạn có thể áp dụng một số phương pháp của các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị nhằm giúp trẻ mau hồi phục và phát triển, bố mẹ an tâm.

1. Trẻ còi cọc có những dấu hiệu gì?

Tình trạng trẻ còi cọc có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho bé như chậm phát triển về ý thức và trí tuệ, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn về đường tiêu hoá, viêm đường hô hấp,... Nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Do đó, bố mẹ cần lưu tâm hơn khi trẻ có những dấu hiệu như:

  • Trẻ đứng cân trong 2 - 3 tháng liền, sụt cân hoặc tăng cân chậm
  • Trẻ chán ăn, môi xanh thẫm, niêm mạc mắt nhợt nhạt, tóc phía trước và sau gáy mọc thưa dần
  • Trẻ hay buồn bực, ủ rũ, quấy khóc, kém linh hoạt trong lúc chơi và ăn uống
  • Bé ngủ không ngon, khóc và đổ mồ hôi trộm vào ban đêm
  • Chậm biết bò, đi, đứng, lật, cũng như mọc răng chậm
  • Các bắp thịt ở tay chân mềm nhão, bụng to dần.
cách chăm sóc trẻ còi cọc
Cách chăm sóc trẻ còi cọc giúp bé tăng cân

2. Điều kiện chuẩn để nhận biết trẻ còi cọc

Trẻ còi cọc là trẻ bị suy dinh dưỡng, bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết trong cơ thể, làm ảnh hưởng tới quá trình sống, hoạt động cũng như sự phát triển của trẻ. Trẻ còi cọc có số đo về chiều cao, cân nặng thấp hơn so với trẻ bình thường, có thể kèm còi xương hoặc không. Biểu hiện của trẻ còi cọc là hay mệt mỏi, không hoạt bát, chán ăn, hay quấy khóc, ít ngủ, hay bị bệnh, chậm bò trườn, đi đứng, chậm mọc răng. Một số trẻ bị phù thũng toàn thân, rối loạn sắc tố da, thiếu máu da xanh tái.

cách chăm sóc trẻ còi cọc
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ là cách chăm sóc trẻ còi cọc

3. Cách chăm sóc trẻ còi cọc

Một trong những vấn đề các mẹ quan tâm nhất là trẻ còi cọc phải làm sao tăng cân và ăn ngon hơn. Sau đây là những bí quyết giúp các bậc ba mẹ đang loay hoay tìm cách giúp con mình thoát khỏi tình trạng này:

  • Đảm bảo an toàn trong ăn uống: Cho trẻ ăn chín uống sôi, đảm bảo bón cho bé ăn ngay thức ăn vừa nấu xong, không cho bé ăn rong ở ngoài đường hay gần những công trình đang thi công, nơi khói bụi nhiều sẽ ảnh hưởng đến cơ quan tiêu hoá của bé.
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Thường xuyên tắm rửa, vệ sinh thân thể cho trẻ, không cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt và tập thói quen đánh răng sau khi ăn tối, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, cắt móng tay cho trẻ định kỳ. Hạn chế để trẻ chơi ở dưới đất bẩn, đưa tay bẩn, đồ vật hay đồ chơi bẩn lên miệng nhằm tránh các bệnh liên quan đến giun sán,...
  • Luôn khích lệ trẻ: Thường xuyên động viên trẻ, tạo bầu không khí vui vẻ trong bữa ăn. Mẹ tuyệt đối không to tiếng, quát mắng, buộc trẻ ăn sẽ tạo nên áp lực tâm lý, khiến trẻ quấy khóc và ngày càng sợ ăn, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ diễn biến nặng hơn.
  • Bổ sung kiến thức: Bố mẹ nên có kiến thức chăm sóc tại nhà trong khi trẻ ốm, bị tiêu chảy hoặc tệ hơn là viêm đường hô hấp. Ngoài việc cho bé uống thuốc, bố mẹ cần chú trọng nuôi dưỡng phù hợp để giúp trẻ mau khỏi bệnh. Không tùy tiện cho con sử dụng kháng sinh mặc dù bé bị nhiễm khuẩn, mà cần theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài những điều trên, bố mẹ cần chú ý đến các điểm mấu chốt sau:

  • Thực đơn đa dạng, chất lượng: Ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thể chất và tinh thần của bé. Vì vậy, thực đơn mỗi ngày của trẻ còi cọc biếng ăn cần đảm bảo đầy đủ những nhóm dưỡng chất cần thiết với đa dạng thực phẩm tươi sạch, chế biến thơm ngon, hấp dẫn thị giác và vị giác của trẻ.
  • Tăng cường đạm, canxi và chất béo lành mạnh: Tăng lượng Protein có trong các thực phẩm như thịt, trứng, cá, sữa, tôm, cua... hoặc đạm thực vật trong vừng, đậu, đỗ, lạc. Bổ sung thêm các thực phẩm giàu Canxi như sữa, sữa chua, phô mai, cua đồng... Ngoài ra, thêm lượng dầu mỡ phù hợp trong thực đơn của bé cũng giúp cho hệ tiêu hoá hấp thụ tối đa dinh dưỡng trong thức ăn.
  • Ăn các bữa nhỏ: Bố mẹ có thể chia nhỏ mỗi bữa ăn của bé vì con thường không chịu ăn một bữa lớn, nhờ đó trẻ sẽ không nhàm chán trong lúc ăn. Trẻ còi cọc chậm tăng cân có thể dùng thêm trái cây, sữa chua,... vào bữa phụ nhằm tăng dinh dưỡng và khỏe mạnh hơn.
  • Sinh hoạt hợp lý: Dù ở bất cứ giai đoạn nào trẻ cũng nên được vui chơi, làm quen với các trò chơi vận động phù hợp với từng lứa tuổi, như đi bộ, chạy, bơi lội, đạp xe,... để bé tiếp xúc với môi trường tự nhiên sẽ giúp nâng cao sức đề kháng, tăng cường sức khỏe và phát triển toàn diện, đặc biệt tốt cho trẻ con còi cọc.
  • Theo dõi sức khỏe thường xuyên: Đối với trẻ con còi cọc biếng ăn, cha mẹ nên theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của con qua các số đo về chiều cao, cân nặng cũng như thói quen sinh hoạt, vận động của trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu bất thường như khó ngủ hay ốm vặt, gặp phải các vấn đề về tiêu hóa... cần đưa bé tới gặp bác sĩ ngay để được hỗ trợ kịp thời.

Tóm lại, bố mẹ có trẻ nhỏ còi cọc cần quan tâm và chú ý nhiều hơn đến việc ăn uống và sinh hoạt để giúp bé nhanh chóng cải thiện và phát triển toàn diện về thể chất lẫn trí tuệ. Ngoài ra, bố cũng cũng cần chú ý bổ sung các vi chất cần thiết như: Selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... Đặc biệt là loại kẽm sinh học để cải thiện vị giác, giúp trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Để có thêm kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, cha mẹ hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng hàng đầu của Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec khi cần tư vấn về sức khỏe của trẻ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan