Cảnh giác trẻ hay bị viêm phế quản vào mùa lạnh

Trẻ hay bị viêm phế quản phổi do virus, vi khuẩn xâm nhập, đặc biệt là trong mùa lạnh. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần hiểu rõ về bệnh viêm phế quản ở trẻ em để chủ động phòng ngừa và điều trị kịp thời, giúp bảo vệ sức khỏe của bé một cách tốt nhất.

1. Bệnh viêm phế quản là gì?

Khi bước vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa lạnh, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp tăng cao. Những bệnh lý phổ biến là cảm lạnh, viêm phổi, viêm phế quản, hen phế quản,... Trong đó, viêm phế quản cấp là bệnh hay gặp nhất.

Viêm phế quản là bệnh nhiễm trùng cấp tính, xảy ra khi đường thở dưới hoặc cuống phổi của bệnh nhân bị viêm nhiễm, sưng đau, gây triệu chứng đau rát cổ họng, ho nhiều. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ (suy hô hấp, viêm phổi, thậm chí tử vong).

2. Vì sao trẻ hay bị viêm phế quản vào mùa lạnh?

Viêm phế quản thường gây ra bởi virus, vi khuẩn. Các loại virus gây bệnh thường gặp gồm: Adenovirus, virus cúm A, virus cúm B, RSV, Rhinovirus,... Vi khuẩn gây bệnh có thể là: Vi khuẩn ho gà, Mycoplasma Pneumoniae, Chlamydia Pneumoniae,... Ngoài ra, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh của trẻ như: Cơ địa trẻ dễ dị ứng, cha mẹ bị hen suyễn hoặc môi trường sống nhiều khói bụi, khói thuốc lá,...

Bệnh viêm phế quản ở trẻ hay gặp vào mùa lạnh vì thời tiết mùa đông - xuân rất thích hợp cho sự phát triển của virus gây bệnh. Bên cạnh đó, nếu trẻ có sức đề kháng yếu hoặc cơ thể bị nhiễm lạnh thì các yếu tố gây bệnh càng dễ tấn công. Đó là lý do đỉnh bệnh thường rơi vào mùa lạnh.

trẻ hay bị viêm phế quản
Trẻ hay bị viêm phế quản vào mùa lạnh vì thời tiết thích hợp cho sự phát triển của virus gây bệnh

3. Biểu hiện bệnh viêm phế quản ở trẻ

  • Ho: Là triệu chứng thể hiện tình trạng viêm ở đường hô hấp. Trẻ bị viêm phế quản có thể ho khan hoặc ho có đờm, ho từng tiếng hoặc ho theo cơn,...;
  • Sốt: Bệnh nhi có thể bị sốt cao, sốt nhẹ hoặc không sốt; sốt theo cơn hoặc sốt liên tục;
  • Tiết đờm: Đờm có thể có màu xanh, vàng hoặc trắng;
  • Khò khè: Trẻ thở khò khè do thu hẹp lòng phế quản, co thắt cơ trơn phế quản hoặc có nhiều đờm trong lòng phế quản,...;
  • Triệu chứng khác: Sổ mũi, nghẹt mũi, thở ngắn và thở nhanh hơn bình thường, biếng ăn, mệt mỏi, nôn trớ,...

4. Điều trị viêm phế quản cho trẻ vào mùa lạnh như thế nào?

Nhiều phụ huynh băn khoăn trẻ hay bị ho phải làm sao, trẻ hay bị viêm phế quản vào mùa lạnh cần làm gì? Thực tế, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện kịp thời. Theo đó, tùy từng nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định biện pháp điều trị phù hợp. Cụ thể, nếu viêm phế quản do virus gây ra thì việc điều trị chủ yếu là làm giảm triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và tăng cường hệ thống miễn dịch của trẻ. Còn nếu nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn thì cần điều trị bằng kháng sinh.

Thông thường, viêm phế quản sẽ tự cải thiện sau khoảng 7 - 10 ngày. Các bậc phụ huynh nên theo sát triệu chứng ở trẻ ngay từ khi bệnh khởi phát tới khi điều trị khỏi hoàn toàn. Một số lời khuyên hữu ích cho các phụ huynh:

  • Vệ sinh mũi cho trẻ: Sử dụng nước muối sinh lý NaCl 0.9% để nhỏ mũi, làm sạch mũi cho trẻ nhiều lần trong ngày;
  • Giữ ấm cơ thể trẻ, cho trẻ uống nhiều nước ấm, tránh để viêm phế quản tiến triển thành viêm phổi. Việc cho trẻ uống nhiều nước cũng giúp bé hạ sốt, giảm tắc nghẽn đường hô hấp, bé dễ ho và tống đờm ra ngoài;
  • Chườm ấm toàn thân để hạ sốt cho trẻ, theo dõi nhiệt độ cơ thể bé thường xuyên (đặc biệt là vào ban đêm). Khi trẻ sốt cao trên 38.5°C thì có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol theo chỉ dẫn của bác sĩ với liều lượng thích hợp;
  • Không tự ý cho trẻ uống kháng sinh: Nếu trẻ bị viêm phế quản do virus thì các thuốc kháng sinh không có hiệu quả điều trị bệnh. Việc tự ý sử dụng kháng sinh có thể khiến trẻ mắc nhiều hệ lụy về sức khỏe sau này;
  • Dùng mật ong giảm ho: Cha mẹ có thể cho trẻ uống mật ong trực tiếp hoặc pha với nước ấm để làm dịu cổ họng. Ngoài ra, mật ong còn có tính kháng virus, kháng khuẩn, loại bỏ tác nhân gây bệnh ở trẻ. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý chỉ áp dụng cho trẻ trên 1 tuổi.

Phụ huynh nên xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp để giúp trẻ nhanh khỏi bệnh với một số lưu ý quan trọng sau:

  • Cho bé ăn nhạt vì thức ăn quá nhiều muối sẽ làm gia tăng triệu chứng viêm;
  • Cho bé ăn các món lỏng, dễ nuốt như cháo, súp, sữa chua,...;
  • Tích cực cho bé ăn nhiều trái cây và rau xanh để bổ sung vitamin A, E, C,... nhằm tăng cường sức đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể;
  • Nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để tránh tình trạng bé mệt mỏi, chán ăn hoặc nôn trớ;
  • Hạn chế cho trẻ ăn: Bánh kẹo ngọt, nước có ga, đồ ăn nhanh hoặc nhiều dầu mỡ, trái cây chua và chát, thực phẩm cay nóng, đồ ăn chế biến sẵn,...
trẻ hay bị viêm phế quản
Sử dụng nước muối sinh lý NaCl 0.9% để nhỏ mũi, làm sạch mũi cho trẻ

5. Phòng ngừa viêm phế quản vào mùa lạnh cho trẻ

Nếu trẻ hay bị viêm phế quản phổi vào mùa lạnh thì cha mẹ nên chủ động phòng ngừa cho bé bằng các cách sau:

  • Giữ ấm cơ thể bé, đặc biệt là khi thời tiết lạnh giá và thời điểm giao mùa;
  • Giữ bé tránh xa các tác nhân gây dị ứng như bụi bẩn, phấn hoa, lông chó mèo,...;
  • Giữ môi trường luôn sạch sẽ và thoáng mát;
  • Xây dựng một chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe của trẻ;
  • Cách ly trẻ với người đang mắc các bệnh ở đường hô hấp;
  • Hạn chế cho bé tiếp xúc với khói thuốc lá, môi trường ô nhiễm hoặc ẩm mốc;
  • Tiêm vắc-xin đầy đủ phòng các bệnh về đường hô hấp cho trẻ;
  • Kiểm tra sức khỏe trẻ định kỳ để phát hiện bệnh kịp thời (nếu có);
  • Các thai phụ cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để thai nhi có sức khỏe và sức đề kháng. Với trẻ sơ sinh, nên cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.

Ngoài các biện pháp trên thì bổ sung vi chất cho bé như kẽm, vitamin C cũng rất quan trọng, cha mẹ nên thực hiện bổ sung theo chỉ dẫn của bác sĩ. Cũng theo các chuyên gia về dinh dưỡng khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho con dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh về vai trò của kẽm sinh học; cha mẹ nên tìm hiểu và bổ sung kẽm cho trẻ đúng cách vào các mốc thời điểm thích hợp, tránh tình trạng thiếu kẽm làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ.

Tóm lại, cha mẹ cần cảnh giác với tình trạng trẻ hay bị viêm phế quản vào mùa lạnh để có hướng phòng ngừa tốt và kịp thời can thiệp điều trị nếu trẻ mắc bệnh. Việc này giúp bảo vệ sức khỏe của bé, tránh được nguy cơ gặp phải những biến chứng khó lường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan