Cai sữa đột ngột có hại cho bé không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Cai sữa đột ngột có thể khiến cho cả mẹ và bé khó thích nghi được với những thay đổi cả về thể chất lẫn tinh thần. Cai sữa đột ngột thường phát sinh từ một tình huống bắt buộc hoặc theo quyết định của người mẹ. Dù là lý do gì đi chăng nữa thì các bà mẹ cũng nên tìm hiểu về những phương pháp cai sữa cho con và đưa ra lựa chọn sáng suốt có lợi nhất cho cả mẹ và bé.

1. Cai sữa đột ngột là gì?

Cai sữa đột ngột hay còn được gọi là cai sữa một cách vội vã hoặc bất ngờ. Tình trạng này nhằm ám chỉ sự kết thúc nhanh chóng của việc cho con bú. Đôi khi, việc cai sữa cho trẻ diễn ra vội vã vì một tình huống bất ngờ hoặc một trường hợp khẩn cấp nào đó. Ngoài ra, nó cũng có thể xuất phát từ quyết định ngừng cho con bú của người mẹ vào một thời điểm cụ thể.

Nhìn chung, dù việc cai sữa cho trẻ là cố tình hay không thể tránh khỏi thì nó cũng ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của cả mẹ và bé tại thời điểm đó.

2. Sự khác biệt giữa cai sữa đột ngột và cai sữa dần dần

Khi cai sữa đột ngột, bạn sẽ không có nhiều thời gian để chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng cho bản thân và con bạn trước những thay đổi bất ngờ về thể chất cũng như cảm xúc. Khi cơ thể không có cơ hội để thích nghi với những thay đổi nhanh chóng đó, việc cai sữa cho trẻ sẽ trở nên khó khăn hơn, thậm chí gây ra nhiều phiền toái không mong muốn cho cả mẹ và bé.

Cai sữa đột ngột thường trái lại với cai sữa dần dần. Hình thức cai sữa dần dần là sự chuyển đổi chậm rãi từ việc cho con bú sữa mẹ sang một nguồn dinh dưỡng khác. Nếu bạn lựa chọn các phương pháp cai sữa cho con, tốt nhất bạn nên cai sữa theo kiểu chậm rãi và từ từ.

Việc cai sữa dần dần sẽ giúp bạn ngăn ngừa được một số vấn đề về vú hoặc các vấn đề nảy sinh khác liên quan đến việc cai sữa. Thêm vào đó, phương pháp cai sữa này cũng thường ít gây tổn thương cho trẻ hơn. Sở dĩ, nuôi con bằng sữa mẹ chính là cách cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và đây cũng là một nguồn dinh dưỡng an toàn, đem lại sự thoải mái cho cả mẹ lẫn bé.

Một số đứa trẻ có thể cai sữa mà không quấy khóc, tuy nhiên một số trẻ khác sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là khi việc cai sữa diễn ra quá nhanh và đột ngột.

3. Vì sao một số phụ nữ lại chọn cai sữa đột ngột cho trẻ?

Chắc chắn sẽ có những trường hợp mẹ buộc phải cai sữa đột ngột cho con, chẳng hạn như tình trạng y tế khẩn cấp cần được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, trong nhiều tình huống, chúng ta có thể chủ động tránh được việc cai sữa đột ngột cho trẻ. Tốt nhất, bạn nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn về việc cho con bú nhằm tìm hiểu xem liệu nó có thực sự cần thiết hoặc có lựa chọn khác ngoài việc nuôi con bằng sữa mẹ hay không.

Cai sữa đột ngột
Cai sữa đột ngột sẽ khiến bé khó thích nghi

Dưới đây là một số lý do chính khiến nhiều phụ nữ quyết định ngừng cho con bú một cách đột ngột, bao gồm:

  • Sử dụng một loại thuốc mới: có một số loại thuốc kê đơn mà bạn không thể dùng trong khi đang cho con bú. Nếu bác sĩ kê một loại thuốc mới không tương thích với việc cho con bú, bạn nên hỏi xem có loại thuốc nào có thể thay thế an toàn không. Tuy nhiên, nếu sức khỏe của bạn phải phụ thuộc vào loại thuốc không tương thích này, chẳng hạn như thuốc hóa trị để điều trị ung thư, thì bạn sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cai sữa.
  • Bệnh tật, nằm viện hoặc phẫu thuật: trong trường hợp bạn bị mắc bệnh nhẹ, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc đau dạ dày, bạn vẫn có thể tiếp tục cho con bú. Nhưng nếu bệnh của bạn nặng đến mức phải nằm viện hoặc phẫu thuật thì khả năng cao bạn sẽ phải cai sữa đột ngột cho trẻ.
  • Buộc phải tách con: khi bạn phải xa con trong một thời gian dài, chẳng hạn như đi làm xa thì bạn sẽ không thể cho con bú. Nếu bạn định cho con bú trở lại khi trở về nhà, hãy thường xuyên hút sữa để duy trì nguồn cung cấp sữa mẹ cho con. Tất nhiên, điều này có thể gây ra nhiều khó khăn và tốn thời gian, vì vậy nhiều bà mẹ lựa chọn cách ngừng cho con bú đột ngột.
  • Áp lực từ người khác: sự chỉ trích và áp lực từ người bạn đời, gia đình hoặc bạn bè về việc cho con bú có thể khiến người mẹ quyết định cai sữa đột ngột, đặc biệt là khi trẻ đã lớn hơn một chút.
  • Mang thai mới: không phải lúc nào cũng cần phải ngừng cho con bú vì mang thai mới. Tuy nhiên, việc cho con bú khi đang mang thai có thể dẫn đến các cơn co thắt tử cung. Nó cũng gây ra rủi ro cao nếu bạn là người có nguy cơ dễ bị sảy thai hoặc sinh non. Do đó, cai sữa có thể là một lựa chọn an toàn hơn.

4. Việc cai sữa đột ngột ảnh hưởng đến các bà mẹ như thế nào?

Cai sữa có thể ảnh hưởng đáng kể đến thể chất, nội tiết tố và cảm xúc của người mẹ. Khi cai sữa dần dần, bạn sẽ có thời gian để chuẩn bị tinh thần cũng như đón nhận những thay đổi về thể chất. Tuy nhiên, khi cai sữa đột ngột, nó có thể ảnh hưởng lớn đến cơ thể của bạn, cùng với một số tác động như:

  • Đau tức ở vú
  • Nhiễm trùng vú gây viêm vú, tắc ống dẫn sữa hoặc áp xe vú do căng sữa
  • Sốt sữa, một tình trạng giống như cúm với các triệu chứng như sốt, ớn lạnh và yếu cơ
  • Vú bị rò rỉ sữa ra ngoài, có thể mất nhiều tháng để sữa cạn hoàn toàn
  • Kinh nguyệt và khả năng sinh sản của bạn quay trở lại
Cai sữa đột ngột
Cai sữa đột ngột cũng có thể khiến mẹ bị ảnh hưởng như: Đau tức vú, nhiễm trùng vú,...

Cai sữa đột ngột và trầm cảm ở phụ nữ

Khi cai sữa đột ngột không phải là điều bạn mong muốn, hoặc do tình thế ép buộc có thể mang lại cho bạn cảm giác buồn bã, thất vọng, tức giận và tội lỗi. Ngay cả khi bạn đang mong đợi kết thúc thời gian cho con bú, bạn có thể ngạc nhiên khi nhận ra bản thân cảm thấy hụt hẫng khi nó kết thúc quá đột ngột. Nỗi buồn thậm chí còn lớn hơn ở những người phụ nữ từng bị trầm cảm trước đây.

Tốt nhất bạn nên nói chuyện với người bạn đời, gia đình hoặc bạn bè, và chia sẻ với họ cảm xúc của bạn. Bạn cũng có thể tham gia vào một hội nhóm các bà mẹ đang trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ để được hỗ trợ và giải đáp các thắc mắc về việc cai sữa. Nếu bạn từng bị trầm cảm hoặc có các vấn đề tâm thần trong quá khứ, bạn nên nhờ đến sự tư vấn từ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nhằm tìm ra hướng giải quyết hợp lý nhất dành cho bạn và con.

Mặt khác, sự thay đổi hormone có thể làm ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn theo nhiều cách khác nhau, do đó bạn nên theo dõi chặt chẽ hơn những thay đổi của cơ thể trong khoảng thời gian này.

Đối phó với cai sữa đột ngột

Mặc dù việc cai sữa đột ngột có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu và buồn bã, nhưng bạn hoàn toàn có thể vượt qua được những cảm xúc tiêu cực này bằng cách áp dụng những điều sau đây.

Để làm giảm bớt sự khó chịu về mặt thể chất, bạn nên vắt bỏ một ít sữa mẹ ra ngoài. Bạn có thể thực hiện vắt tay hoặc dùng máy hút sữa để giảm áp lực và giảm đau cho bầu vú. Tuy nhiên, bạn chỉ nên hút sữa với một lượng vừa đủ, tránh hút quá nhiều hoặc quá thường xuyên, vì điều này sẽ khiến cơ thể bạn tiếp tục tạo ra sữa nhiều hơn trước.

Bên cạnh đó, bạn nên mặc áo ngực có tác dụng nâng đỡ nhưng không được quá chật. Việc chọn áo ngực bó chặt bầu ngực có thể dẫn đến tắc ống dẫn sữa hoặc nhiễm trùng vú.

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng phương pháp chườm lạnh hoặc đắp lá bắp cải lạnh vào ngực để làm dịu tình trạng sưng tấy và đau do vú căng sữa. Nếu kiên trì sử dụng biện pháp chườm lạnh trong một thời gian dài, nó có thể giúp giảm tiết sữa hiệu quả. Thêm vào đó, một số loại thuốc như Motrin hoặc Tylenol cũng hữu ích trong việc làm giảm đau vú, tuy nhiên bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng chúng. Một số loại thảo mộc khác cũng có thể làm giảm tiết sữa cho bạn, chẳng hạn như cây xô thơm, mùi tây và bạc hà.

Sự căng sữa do cai sữa đột ngột có thể làm tăng thêm áp lực trong vú của bạn. Áp lực này có thể gây rò rỉ sữa vào những thời điểm ngẫu nhiên, đặc biệt là khi bạn nghe thấy tiếng con khóc. Đối với tình huống này, bạn nên đeo miếng đệm ngực trong áo ngực để thấm hết lượng sữa bị rò rỉ ra ngoài.

5. Cai sữa đột ngột ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?

Cai sữa dần dần sẽ cho phép trẻ thích nghi từ từ với nguồn thức ăn mới và quen dần với việc mất đi sự thoải mái, an toàn mang lại từ bú mẹ. Vì vậy, khi cai sữa cho con nhanh chóng, nó có thể ảnh hưởng đến trẻ theo nhiều cách khác nhau.

Trẻ có thể từ chối bú bình, nhất là khi mẹ đang cố gắng cho trẻ tập làm quen với điều này. Thậm chí, một số trẻ có thể quấy khóc, buồn bã hoặc giận dỗi vì bạn không cho chúng bú.

Đối với trẻ sơ sinh khi cai sữa đột ngột thường dễ bị ốm hơn. Trong khi đó, việc nuôi con bằng sữa mẹ giúp ngăn ngừa một số bệnh thông thường ở trẻ nhỏ, vì vậy việc cai sữa bất ngờ có thể khiến trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng tai và đường hô hấp.

Giúp con bạn cai sữa

Để đáp ứng nhu cầu bú tự nhiên của trẻ, bạn có thể cho trẻ ngậm núm vú giả. Ngoài ra, bạn nên đưa trẻ những món đồ chơi mà chúng thích để xoa dịu bé.

Nếu bạn không thể cho trẻ bú bình, hãy để người khác thử làm điều này, đặc biệt nếu trẻ chưa bao giờ bú bình trước đó. Trong trường hợp trẻ đã gần 6 tháng tuổi, bạn có thể bỏ qua bú bình và chuyển thẳng sang sử dụng cốc.

Đối với trẻ lớn hơn, bạn nên đánh lạc hướng chúng trong khoảng thời gian mà bạn thường cho con bú, và bắt đầu tập cho trẻ một thói quen mới, chẳng hạn như đi dạo, chơi trò chơi hoặc chơi với một đứa trẻ khác.

Cai sữa thành công
Để có thể giúp bé cai sữa thành công, bạn có thể cho bé tập bú bình

Nên cho con ăn gì khi cai sữa:

Khi cai sữa cho trẻ, bạn sẽ cần cung cấp cho con một nguồn dinh dưỡng khác. Nếu bạn đã dự trữ sữa đông lạnh, bạn có thể tiếp tục cho con bú sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu bạn không có sẵn sữa mẹ thì việc cho con ăn gì sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ.

Đối với trẻ dưới 1 tuổi, bác sĩ thường khuyến nghị mẹ nên chọn một loại sữa công thức dành cho trẻ. Ở trẻ khoảng 6 tháng tuổi có thể bắt đầu ăn thức ăn đặc kết hợp với sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh. Bạn nên tiếp tục cho con ăn thức ăn đặc với sữa bột cho trẻ trong vòng một năm.

Khi trẻ hơn một tuổi, con bạn sẽ cần nhiều dinh dưỡng hơn từ các loại thực phẩm khác nhau, vì vậy bạn có thể chuyển từ sữa công thức cho trẻ sơ sinh sang sữa bò. Tuy nhiên, một số trẻ cũng có thể dùng sữa công thức cho trẻ mới biết đi thay vì sữa bò. Lựa chọn các thực phẩm thay thế sữa mẹ một cách hiệu quả và an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến từ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: verywellfamily.com, babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan