Cách xây dựng lòng tự trọng cho trẻ độ tuổi đi học

Tự nhận thức là một kỹ năng quan trọng đối với những đứa trẻ có sự khác biệt trong học tập và suy nghĩ. Những đứa trẻ tự nhận thức được những điểm mạnh và điểm yếu của chúng. Điều này có nghĩa là trẻ biết mình giỏi ở điểm nào và trẻ cần cải thiện điều gì để thành công. Một đứa trẻ mắc chứng khó tự nhận thức có thể thừa nhận rằng em cần thêm thời gian để học trong tuần khi có bài kiểm tra chính tả vào cuối tuần. Phát triển nhận thức về bản thân ở trường lớp có thể giúp con bạn thành công ở độ tuổi đi học. Điều này cũng có thể giúp con học cách thể hiện cho nhu cầu của mình khi lớn hơn. Trong bài viết này chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích để giúp bạn biết cách dạy con lòng tự trọng cho trẻ độ tuổi đi học.

1. Lòng tự trọng ở một đứa trẻ

Lòng tự trọng là sự nhận thức, ý thức về giá trị của bản thân - không liên quan đến tài năng hoặc đặc điểm tính cách cụ thể.

Những đứa trẻ có lòng tự trọng:

  • Trẻ luôn tự tin về bản thân.
  • Trẻ cảm thấy tự hào về những việc trẻ có thể làm.
  • Trẻ tin vào chính bản thân mình.
  • Trẻ luôn suy nghĩ tích cực.

Những đứa trẻ cảm thấy hài lòng về bản thân có sự tự tin để thử những điều mới. Chúng có nhiều khả năng cố gắng hết sức mình. Trẻ luôn cảm thấy tự hào về những gì họ làm được. Lòng tự trọng giúp trẻ đương đầu với những sai lầm. Nó giúp trẻ em thử lại, ngay cả khi chúng thất bại lần đầu. Kết quả là, lòng tự trọng giúp trẻ học tốt hơn ở trường, ở nhà và với bạn bè, tránh được những vấn đề gây bệnh trầm cảm, tự kỷ ở lứa tuổi này.

Những đứa trẻ có lòng tự trọng thấp:

  • Trẻ luôn tự phê bình chính mình và cảm thấy sự yếu kém của bản thân.
  • Luôn cảm thấy mình không giỏi bằng những trẻ khác.
  • Suy nghĩ nhiều về những thất bại của chúng hơn là những thành công.
  • Thiếu sự tự tin, luôn e dè.
  • Cảm thấy nghi ngờ bản thân không thể làm tốt được một công việc nào đó.

Những đứa trẻ có lòng tự trọng thấp luôn cảm thấy không tự tin về bản thân, và dễ gặp những dấu hiệu của rối loạn cảm xúc hay nặng hơn là rối loạn lo âu. Nếu trẻ nghĩ rằng người khác không chấp nhận mình, trẻ có thể không tham gia mọi hoạt động. Trẻ có thể để người khác đối xử không tốt với mình mà không hề kêu ca. Trẻ cũng có thể gặp khó khăn trong việc tự đứng lên. Hoặc có thể dễ dàng từ bỏ, hay không cố gắng gì cả. Những đứa trẻ có lòng tự trọng thấp khó đối phó khi chúng mắc sai lầm, thua cuộc hoặc thất bại. Kết quả là, trẻ có thể không làm tốt mọi việc trong khi những việc đó trong khả năng của trẻ.

trẻ 6 tuổi
Lòng tự trọng là sự nhận thức, ý thức về giá trị của bản thân

2. Cách để trẻ tự phát triển lòng tự trọng

Lòng tự trọng nên có ngay từ khi còn bé. Nó phát triển chậm theo thời gian hoặc hình thành khi một đứa trẻ cảm thấy an toàn, được yêu thương và được chấp nhận. Lòng tự trọng cũng có thể hình thành khi một đứa trẻ nhận được sự quan tâm tích cực và sự chăm sóc yêu thương từ người thân.

Khi trẻ mới biết đi, chúng có thể làm một số việc. Trẻ nhận thức được mọi thứ xung quanh bằng việc sử dụng những kỹ năng mới của mình. Lòng tự trọng của trẻ sẽ lớn lên khi cha mẹ chú ý, để trẻ cố gắng, nở nụ cười và thể hiện rằng bạn tự hào về trẻ như thế nào.

Khi trẻ lớn hơn, lòng tự trọng cũng phát triển theo. Bất cứ việc gì trẻ làm và học hỏi mọi thứ đều là cơ hội để phát triển lòng tự trọng. Những việc đó bao gồm:

  • Trẻ thực hiện được mục tiêu đề ra.
  • Trẻ học được nhiều thứ ở trường.
  • Trẻ kết bạn.
  • Học kỹ năng - âm nhạc, thể thao, nghệ thuật, nấu ăn, kỹ năng công nghệ
  • Được thực hành những hoạt động yêu thích.
  • Khi giúp đỡ người khác.
  • Được khen ngợi khi làm việc tốt.
  • Làm những việc theo sở trường của trẻ.
  • Trẻ luôn cảm thấy được thấu hiểu và có thể chia sẻ.
  • Nhận được phần thưởng cho những cố gắng và nỗ lực của trẻ.
Vui chơi với trẻ
Khi trẻ lớn hơn, lòng tự trọng cũng phát triển theo

3. Những việc cha mẹ có thể làm để dạy con lòng tự trọng

Mỗi đứa trẻ đều khác nhau. Lòng tự trọng đến với đứa trẻ này dễ dàng thì lại khó khăn với đứa trẻ khác. Một số trẻ phải đối mặt với việc có thể làm giảm lòng tự trọng của chúng. Nhưng ngay cả khi điều đó xảy ra, bạn vẫn có thể giúp trẻ lấy lại lòng tự trọng. Sau đây là những việc cha mẹ có thể làm để giúp những đứa trẻ của mình:

3.1. Trao yêu thương vô điều kiện

“Con yêu của mẹ, dù con như thế nào mẹ vẫn yêu con vô điều kiện”. Đó chính là thông điệp mà bạn luôn phải thể hiện cho trẻ thấy. Con bạn được hưởng lợi nhiều nhất khi bạn chấp nhận bản thân chúng dù chúng giỏi giang hay kém cỏi, bất kể điểm mạnh điểm yếu, khó khăn hay thất bại, tính khí hay khả năng của trẻ.

3.2. Chăm chú lắng nghe

Đặt điện thoại của bạn sang một bên đủ lâu để trẻ biết bạn đang tập trung chú ý và trả lời các câu hỏi của trẻ. Giao tiếp bằng mắt cho trẻ biết rằng bạn đang thực sự lắng nghe những gì trẻ nói. Điều này thực sự quan trọng đối với cảm giác về giá trị bản thân của con bạn vì nó cho trẻ thấy rằng bạn nghĩ chúng quan trọng.

Khi bạn quá bận, hãy cố gắng dành chút thời gian để bạn và trẻ có thể tâm sự về những việc xảy ra ở trường, ở nhà, với bạn bè hay người thân. Mọi thứ đủ để trẻ hiểu bạn không lãng quên trẻ.

3.3. Giúp trẻ học cách làm mọi thứ

Ở mỗi độ tuổi, luôn có những điều mới để trẻ em học hỏi. Ngay cả trong thời thơ ấu, việc học cách cầm cốc hoặc tập những bước đầu tiên đã khơi dậy cảm giác thích thú khi được học hỏi những kỹ năng mới. Khi con bạn lớn lên, những thứ như học cách mặc quần áo, đọc sách hoặc đi xe đạp là cơ hội để phát triển lòng tự trọng.

3.4. Khuyến khích chấp nhận rủi ro một cách lành mạnh

Khi dạy trẻ cách làm, ban đầu hãy hướng dẫn và cùng trẻ thực hiện một vài lần. Sau đó, hãy để trẻ làm những gì trẻ có thể, ngay cả khi chúng mắc sai lầm. Đảm bảo rằng con bạn có cơ hội học hỏi, thử sức và cảm thấy tự hào. Đừng đặt những thử thách mới quá dễ - hoặc quá khó.

Trẻ chơi bóng đá
Đừng đặt những thử thách mới cho trẻ quá dễ - hoặc quá khó

3.5. Để thất bại xảy ra

Khi thực hiện bất kỳ một việc gì đó, nguy cơ thất bại luôn có thể xảy ra. Dạy cho trẻ cách phải đối mặt với thất bại như thế nào là điều bạn cần làm. Lấy ví dụ nếu trẻ không thể tập đi xe đạp được, bạn hãy khen ngợi trẻ vì đã cố gắng và khuyến khích trẻ tiếp tục thực hiện thay vì chê bai hay la mắng chúng. Phản hồi mang tính xây dựng và đánh giá cao những nỗ lực của trẻ có thể bù đắp những cảm giác xấu hổ hoặc thất bại mà trẻ có thể đang cảm thấy và điều này có thể giúp con bạn tiến lên với cảm giác có động lực và lạc quan hơn. Với cách tiếp cận này, con bạn sẽ bắt đầu chấp nhận những thất bại như một phần bình thường của cuộc sống và học tập.

3.6. Khen ngợi những nỗ lực

Tránh chỉ tập trung khen ngợi vào kết quả (chẳng hạn như đạt điểm 10) hoặc những phẩm chất cố định (chẳng hạn như thông minh).

Thay vào đó, hãy khen ngợi nỗ lực, sự tiến bộ và thái độ của bạn. Lấy ví dụ như: Cảm ơn trẻ vì đã giúp bạn làm việc nhà, thừa nhận rằng bạn không thể làm tốt nếu trẻ không giúp bạn. Điều này sẽ nâng cao ý thức về giá trị bản thân của trẻ đồng thời cho trẻ biết chính xác những gì trẻ đã làm đúng. Và với kiểu khen ngợi này, trẻ sẽ nỗ lực vào mọi việc, hướng tới mục tiêu và cố gắng. Khi trẻ làm được điều đó, chúng có nhiều khả năng thành công hơn.

3.7. Trở thành hình mẫu tốt

Khi bạn nỗ lực vào các công việc hàng ngày (như dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, chăm sóc cây cối, giặt giũ hoặc rửa xe), bạn đang là một tấm gương tốt. Con bạn học cách sẽ học theo và nỗ lực làm bài tập về nhà, dọn dẹp đồ chơi hoặc dọn giường.

Khi bạn làm nhiệm vụ một cách vui vẻ (hoặc ít nhất là không cằn nhằn hay phàn nàn), bạn sẽ dạy con bạn làm điều tương tự.

3.8. Đồng cảm

Nếu con bạn cần nói chuyện, hãy điều chỉnh cảm xúc của con và cho con biết rằng bạn hiểu và tôn trọng quan điểm của con. Trẻ cần được biết rằng những suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn và quan điểm của trẻ đều quan trọng với bạn.

Việc chấp nhận những cảm xúc của trẻ mà không cần phán xét sẽ cho thấy rằng bạn quan tâm đến những gì trẻ nói. Bạn cũng có thể chia sẻ những trải nghiệm tương tự từ thời thơ ấu của chính mình để cho con bạn thấy rằng bạn hiểu những cảm giác của trẻ lúc này.

3.9. Tuyệt đối không so sánh

Bản chất con người là luôn luôn không bằng lòng với những gì mình đang có, luôn thấy con nhà người ta hơn con mình về mọi mặt, nhưng hãy nhớ rằng mọi sự so sánh đều vô nghĩa và con bạn là một cá thể duy nhất không giống bất kỳ ai. Những câu nói “ Tại sao con không học giỏi bằng bạn A”, “Tại sao con không thể giống như bạn B” thực sự là một áp lực với chính con của bạn. Điều đó chỉ khiến trẻ nuôi dưỡng sự xấu hổ, đố kỵ và ganh ghét mà thôi.

Thay vào đó, hãy cho con thấy sự đồng cảm của bạn bằng cách nêu ra những mặt mạnh của con như “ Bạn A học rất giỏi nhưng bạn ấy chưa chắc đã vẽ đẹp bằng con”.

Nếu trẻ rơi vào vòng xoáy tiêu cực luôn cảm thấy mình kém cỏi và thiếu tự tin không thể thực hiện được bất kỳ việc gì. Hãy giúp trẻ nhìn nhận mọi việc dưới góc độ thực tế hơn như việc động viên trẻ rằng “ con học tốt nhưng chỉ gặp một chút vấn đề với Toán mà thôi. Giờ chúng ta cùng nhau giải quyết vấn đề đó nhé”. Giúp con bạn nhận ra rằng tất cả chúng ta đều có điểm mạnh và điểm yếu, và trẻ không cần phải hoàn hảo để cảm thấy hài lòng về bản thân.

Nếu bạn cảm thấy lo lắng về việc con có thể bị ảnh hưởng tâm lý dẫn đến trầm cảm hãy gặp chuyên gia tâm lý để có những lời khuyên hữu ích.

Trầm cảm ở trẻ em
So sánh con quá nhiều có thể khiến con rơi vào trầm cảm

3.10. Không chỉ trích gay gắt

Những thông điệp mà trẻ nghe về bản thân từ những người khác dễ dàng chuyển thành cảm nhận của chúng về bản thân. Những lời nói thô bạo: "con thật lười biếng!". Có hại chứ không phải là động lực. Khi trẻ nghe thấy những thông điệp tiêu cực về bản thân, điều đó sẽ làm tổn hại đến lòng tự trọng của chúng. Hãy kiên nhẫn cùng trẻ sửa đổi, nếu trẻ làm sai lần sau hãy cùng trẻ thực hiện lại.

3.11. Luôn khích lệ, động viên

Khuyến khích không giống như lời khen ngợi. Ví dụ như: bạn khen trẻ khi trẻ vẽ một bức tranh rằng “ Đó là bức tranh đẹp nhất mẹ từng thấy” có thể khiến trẻ thấy rằng mình làm gì cũng tốt và không cần cố gắng nhiều, lâu ngày sẽ khiến trẻ thấy tự mãn với bản thân. Thay vào đó hãy khen: “Kể cho mẹ về bức tranh của con, chắc hẳn con đã dành nhiều thời gian cho nó lắm, nó rất đẹp”.

Quá nhiều lời khen ngợi có thể làm suy giảm lòng tự trọng vì nó có thể tạo ra áp lực để thực hiện và đặt ra nhu cầu liên tục được người khác chấp thuận. Vì vậy, hãy cân nhắc khen ngợi một cách thận trọng và khuyến khích một cách thoải mái. Điều này giúp con bạn lớn lên và cảm thấy hài lòng về bản thân.

3.12. Hãy để trẻ có cơ hội được giúp đỡ người khác

Lòng tự trọng phát triển khi trẻ em thấy rằng những gì chúng làm có ý nghĩa quan trọng đối với người khác. Trẻ em có thể giúp việc nhà, thực hiện một kế hoạch nhỏ ở trường, hoặc giúp đỡ anh chị em. Những hành động giúp đỡ này giúp trẻ xây dựng lòng tự trọng và những tình cảm tốt đẹp khác.

Ở độ tuổi này bé rất dễ gặp phải những vấn đề về tâm lý, vì vậy cha mẹ nên trò chuyện với con nhiều hơn, gần gũi con nhiều hơn. Nếu bé có những biểu hiện khác thường về tâm lý, cha mẹ nên đưa bé đến gặp các chuyên gia tâm lý ngay.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo:babycenter.com, understood.org, kidshealth.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan