Cách chữa đi tiểu nhiều lần ở trẻ em

Trẻ đi tiểu nhiều lần trong ngày có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm bệnh lý, tâm lý hoặc sinh lý. Việc phát hiện và điều trị sớm tình trạng tiểu rắt, tiểu nhiều lần ở trẻ sẽ giúp bé ngăn ngừa nguy cơ gặp phải các biến chứng sức khoẻ khác.

1. Nguyên nhân nào khiến trẻ đi tiểu nhiều lần trong ngày?

Trẻ bị tiểu rắt hoặc đi tiểu nhiều lần trong ngày, cụ thể là khoảng trên 8 lần, có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Nguyên nhân sinh lý: Tình trạng trẻ bị tiểu rắt trong ngày nhưng không kèm theo các dấu hiệu bất thường khác như đau hay nóng rát khi đi tiểu thì nguyên nhân có thể là do trẻ đã uống nhiều sữa, nước hoặc ăn nhiều cháo hay các thực phẩm chứa nhiều muối. Nhìn chung, đây là một vấn đề sinh lý hoàn toàn bình thường ở trẻ, do đó ba mẹ không cần phải quá lo lắng nếu thấy trẻ thường xuyên đi tiểu trong ngày. Tình trạng này sẽ dần biến mất sau khoảng vài ngày.
  • Nguyên nhân bệnh lý: Trẻ đi tiểu nhiều lần trong ngày và có các triệu chứng khác của chứng rối loạn tiểu tiện như tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu mủ, tiểu máu hoặc tiểu đục,... thì nguy cơ cao bé đang bị nhiễm trùng đường tiểu. Đối với tình trạng tiểu rắt ở bé trai, nguyên nhân thường bắt nguồn chủ yếu do bao quy đầu dài hoặc hẹp bao quy đầu.
  • Nguyên nhân tâm lý: Sự thay đổi lớn về tâm lý hay căng thẳng kéo dài có thể khiến bé đi tiểu thường xuyên hơn trong ngày. Đa phần, bạn có thể nhận rõ nhất tình trạng này khi trẻ bắt đầu đi học, bị trêu chọc hoặc gia đình có thêm thành viên mới. Nếu trẻ bị tiểu nhiều lần mà xuất phát từ lý do tâm lý bị kích thích, tình trạng này sẽ tự khỏi mà không gây nguy hại đến sức khoẻ thể chất của bé. Tuy vậy, ba mẹ cũng nên tìm hiểu nguyên do vì sao khiến trẻ nảy sinh tâm lý căng thẳng nhằm giúp bé vượt qua sớm nhất có thể.

2. Cách nhận biết trẻ đi tiểu nhiều lần trong ngày do nhiễm trùng đường tiết niệu

Hiện tượng trẻ bị tiểu rắt hoặc tăng tần suất đi tiểu trong ngày kèm đau rát khi tiểu có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Tình trạng nhiễm trùng này thường xảy ra bởi vi khuẩn E.Coli trong hệ tiêu hoá xâm nhập vào bên trong đường tiểu. Theo nghiên cứu cho biết, đây là căn bệnh nhiễm trùng phổ biến thứ 2 ở trẻ em mà cha mẹ cần đặc biệt lưu ý.

2.1. Triệu chứng ở trẻ sơ sinh và trẻ em < 2 tuổi

Thông thường, trẻ dưới 2 tuổi bị nhiễm trùng đường tiết niệu thường có biểu hiện khá nghèo nàn và không rõ nét. Tuy nhiên, ba mẹ vẫn có thể nhận biết tình trạng này ở trẻ thông qua một số dấu hiệu sau:

  • Sốt không kèm theo sổ mũi và ho.
  • Trẻ đi tiểu nhiều lần trong ngày.
  • Nước tiểu trông vẩn đục hoặc có lẫn máu.
  • Trẻ bỏ bú, bỏ ăn.
  • Nôn mửa, tiêu chảy, hay vặn mình và có cảm giác khó chịu.
  • Trẻ bị hăm tã kéo dài.

2.2. Triệu chứng ở trẻ trên 2 tuổi

Trường hợp trẻ trên 2 tuổi bị nhiễm trùng đường tiết niệu thường có các triệu chứng rõ ràng hơn, bao gồm:

  • Khó tiểu hoặc nóng rát khi đi tiểu.
  • Trẻ đi tiểu nhiều lần trong ngày hoặc tiểu rắt.
  • Trẻ thường xuyên muốn đi tiểu khẩn cấp mà không thể kiềm chế được.
  • Nước tiểu có mùi hôi, thỉnh thoảng có lẫn máu.
  • Nôn mửa, đau bụng, đau ở phần trên thắt lưng và dưới khung xương sườn.
  • Trẻ bị đái dầm vào ban ngày.
  • Bé gái xuất hiện dịch tiết từ âm đạo.

3. Cách chữa đi tiểu nhiều lần ở trẻ em an toàn và hiệu quả

Thực tế, cách chữa đi tiểu nhiều lần ở trẻ em sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh ở trẻ. Dưới đây là những biện pháp xử trí tình trạng tiểu rắt hoặc tiểu nhiều lần trong ngày ở trẻ:

3.1. Xử trí tiểu rắt bằng thuốc

Tiểu rắt do táo bón:

Đối với trẻ bị táo bón gây tiểu rắt cần phải áp dụng các biện pháp điều trị ổn định, tránh để kéo dài dẫn đến khó chữa. Về nguyên tắc điều trị sẽ cần giải phóng khối lượng phân bị ùn tắc trước đó thông qua các loại thuốc thụt tháo phân đường hậu môn (duy trì sử dụng trong vòng 6 tháng). Bên cạnh đó, cho bé tập thói quen ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước và đi cầu hàng ngày vào một khoảng thời gian cố định.

Hiện nay có 2 loại thuốc nhuận tràng giúp làm mềm phân được áp dụng phổ biến cho trẻ, bao gồm Macrogol 3350 và Lactulose. Bên cạnh cho trẻ dùng thuốc, phụ huynh cũng nên bổ sung cho bé lợi khuẩn thông qua các thực phẩm được lên men hoặc sữa chua.

Tiểu rắt do nhiễm khuẩn đường tiểu:

Nếu trẻ bị tiểu rắt do nhiễm khuẩn đường tiểu gây ra bởi vi khuẩn, bác sĩ có thể đề nghị áp dụng liệu pháp kháng sinh đường tiêm hoặc uống, chẳng hạn như Clavulanic kết hợp Amoxicillin hoặc thuốc Cefixim. Thời gian điều trị tình trạng nhiễm khuẩn này thường kéo dài từ 5 – 7 ngày.

Điều trị tiểu rắt cho trẻ bằng thuốc kháng cholinergic:

Nếu trẻ đi tiểu nhiều lần trong ngày mà không thể đáp ứng với các biện pháp điều trị bệnh lý nền, điều chỉnh thói quen hay tập luyện, thuốc kháng cholinergic (Oxybutynin) được xem là một lựa chọn kê đơn hợp lý cho trẻ. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ ngoại ý khi sử dụng, chẳng hạn như khô miệng, táo bón, chịu nhiệt kém, nóng bừng mặt hoặc giảm co bóp bàng quang. Bởi vậy, cần tránh dùng thuốc Oxybutynin cho trẻ có bệnh lý suy giảm chức năng bàng quang, tiểu ngắt quãng hoặc có tiền sử bí tiểu.

3.2. Mẹo chữa đi tiểu nhiều lần trong ngày cho trẻ không dùng thuốc

Ngoài các biện pháp sử dụng thuốc, bạn cũng có thể khắc phục hiệu quả tình trạng tiểu rắt hay tiểu nhiều lần trong ngày của trẻ bằng các mẹo sau:

  • Giúp trẻ giải toả tâm lý stress hoặc căng thẳng, tránh cáu gắt hoặc nóng giận khi trẻ đi tiểu nhiều lần, bởi điều này sẽ khiến tình trạng đi tiểu của trẻ trở nên nặng hơn.
  • Tránh cho trẻ uống các đồ uống công nghiệp, cà phê,... gây kích thích bàng quang phải hoạt động quá mức.
  • Khuyến khích trẻ lập thời gian biểu đi tiểu, nên đi tiểu ban ngày cách nhau từ 2 – 3 giờ, sau đó khen ngợi và có thể trao phần thưởng nếu trẻ tuân theo thời gian biểu này.
  • Khuyến khích trẻ tránh nhịn tiểu và nên thư giãn các cơ khi đi tiểu với tư thế đúng.
  • Khi tắm, cần tránh để xà phòng tiếp xúc với vùng sinh dục của bé gái bởi những chất này có thể gây kích ứng bộ phận sinh dục và dẫn đến tiểu rắt nhiều hơn.
  • Đối với bé gái có thể dạy cách vệ sinh bộ phận sinh dục sau khi đi tiểu hoặc đi cầu nhằm tránh nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.
  • Đối với bé trai cần dạy cách vệ sinh sạch sẽ đầu dương vật, nhất là những trẻ có bao quy đầu hẹp.
  • Cho trẻ đi tẩy giun định kỳ, bởi giun kim được xem là một trong những tác nhân khiến vi khuẩn xâm nhập và gây viêm tiết niệu ở trẻ.
  • Khuyến khích trẻ thường xuyên uống nước, tập đi tiêu và tăng cường chất xơ mỗi ngày nhằm ngăn ngừa táo bón.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

85K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan