Các phương pháp điều trị táo bón ở trẻ em

Táo bón thuộc bệnh lý đường tiêu hóa hay gặp ở trẻ em. Trường hợp trẻ bị táo bón lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể có những biến chứng nghiêm trọng xảy ra nếu không được điều trị kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin cần thiết về điều trị táo bón ở trẻ em.

1. Táo bón là bệnh gì?

Táo bón là tình trạng đi đại tiện không thường xuyên, khối phân to cứng, đau và khó khăn kèm phân són ra ngoài. Theo tiêu chuẩn chẩn đoán táo bón của ROME III, 1 trẻ được chẩn đoán táo bón khi có ít nhất 2 trong số các triệu chứng sau trong vòng 1 tháng với trẻ dưới 4 tuổi, 2 tháng đối với trẻ trên 4 tuổi như sau:

  • Có trên 3 lần đi ngoài mỗi tuần.
  • Ít nhất 1 lần són phân mỗi phần ở trẻ đã được huấn luyện đi ngoài.
  • Trẻ thường nhịn đi ngoài hoặc đi ngoài có cảm giác đau và khó khăn.
  • Có khối lượng phân lớn trong trực tràng.
  • Có tiền sử đi ngoài đau hoặc khó khăn.
  • Tiền sử đi ngoài phân to có thể gây tắc bồn cầu.

Phân loại táo bón gồm:

2. Nguyên nhân của táo bón

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng táo bón ở trẻ em bao gồm:

  • Táo bón do tình trạng rối loạn cơ năng của đường ruột.
  • Táo bón do nguyên nhân thần kinh: Rối loạn thần kinh dạ dày - ruột (bệnh Hirschsprung, loạn sản thần kinh ruột, bệnh Chaga) hoặc thần kinh trung ương (như bệnh bại não, thoát vị màng não tủy, u dây sống, tật nứt dọc tủy sống).
  • Táo bón do nguyên nhân nội tiết chuyển hóa hoặc bệnh hệ thống: Bệnh suy giáp trạng, đa xơ cứng, tăng hoặc giảm canxi máu,...

3. Các bước cơ bản để điều trị táo bón kéo dài

Bước 1: Chẩn đoán

Cần xác định rõ trẻ có thực sự bị táo bón hay không thông qua các dấu hiệu nhận biết bệnh. Từ đó xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh táo bón của trẻ để có cách điều trị phù hợp.

Bước 2: Tháo phân

Sau khi xác định chính xác tình trạng của trẻ bị táo bón thì nên tiến hành việc tháo phân cho trẻ. Thực hiện làm rồng đại tràng, kích thích đại tràng thải phân ra ngoài bằng cách dùng các sản phẩm thảo dược có tác dụng nhuận tràng hoặc người nhà có thể thực hiện việc massage vùng bụng cho trẻ để tăng nhu động ruột giúp kích thích đẩy phân ra ngoài dễ dàng hơn.

Bước 3: Phục hồi chức năng tiêu hóa tự nhiên

  • Bằng cách cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho hệ tiêu hóa của trẻ như sản phẩm Probiotic (có chứa các vi khuẩn có lợi), Prebiotic (có chứa các chất xơ hòa tan), vitamin C, khoáng chất giúp kích thích tiêu hóa hoàn toàn thức ăn khi trẻ ăn vào. Bên cạnh đó, giúp tăng cường hấp thu dinh dưỡng, làm tơi xốp phân giúp trẻ đi đại tiện dễ dàng, lấy lại phản xạ đại tiện hàng ngày cho trẻ.

Bước 4: Dự phòng và tránh táo bón tái phát

  • Cân bằng chế độ dinh dưỡng bằng cách cho trẻ ăn đầy đủ, cân đối các thành phần dinh dưỡng, tăng cường chế độ ăn giàu chất xơ từ nguồn thực phẩm là rau xanh, quả chín và uống đủ lượng nước mỗi ngày theo từng độ tuổi, có thể tăng cường thêm các sản phẩm giúp tiêu hóa thức ăn tốt dành cho trẻ.
  • Tăng cường chế độ vận động, massage vùng bụng cho trẻ hàng ngày từ 2 đến 3 lần khi bụng đói. Việc này giúp tăng hoạt động của ruột non, ruột già, đẩy phần hơi thừa trong bụng ra ngoài giúp trẻ xì hơi, bớt đau bụng, dễ đi tiêu hơn.
  • Duy trì cho trẻ thói quen đi đại tiện hằng ngày vào một giờ nhất định, thường sau bữa ăn sáng hoặc sau bữa ăn tối vì lúc này các nhu động ruột hoạt động thuận lợi cho việc đẩy phân ra ngoài, nên trẻ sẽ cảm thấy muốn đi đại tiện và dễ dàng đi hơn thời điểm khác trong ngày. Hằng ngày cho trẻ ngồi vào bô đại tiện, những ngày đầu chưa quen, trẻ sẽ khó chịu và không đi đại tiện được nhưng hãy kiên trì cho trẻ thực hiện khoảng 10 đến 15 phút, sau vài tuần trẻ có thể hình thành thói quen phản xạ đi ngoài.
  • Cho trẻ tắm nước ấm hàng ngày từ 8 đến 12 phút mỗi ngày để giúp trẻ thư giãn để giúp phân di chuyển dễ dàng hơn.

4. Phác đồ điều trị táo bón ở trẻ

4.1. Điều trị táo bón cơ năng

Mục đích của việc điều trị:

  • Giúp khôi phục lại phân có khuôn hình như phân bình thường (phân mềm, không đau khi đi đại tiện, không bị són phân ra ngoài).
  • Ngăn ngừa táo bón tái phát.
  • Giúp cha mẹ của trẻ có thể hiểu và nắm bắt tình trạng táo bón của trẻ để cùng thực hiện các biện pháp can thiệp giúp cải thiện bệnh táo bón của trẻ tốt hơn.

Thụt tháo phân (được thực hiện trước khi tiến hành điều trị duy trì):

  • Dùng PEG (Poly Ethylene Glycol) với liều từ 1 - 1,5g/kg/ ngày, dùng 3 lần mỗi ngày.
  • Thụt hậu môn: Dùng Phosphate Soda enemas (Fleet) cho đối tượng là trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Dầu Paraffin: Dùng cho trẻ em trên 1 tuổi với liều từ 15 - 30ml/tuổi, chia thành 2 lần mỗi ngày.

Điều trị duy trì (bao gồm điều trị thuốc, chế độ ăn và tập luyện việc đi đại tiện):

Điều trị bằng thuốc nhuận tràng thẩm thấu:

  • Thuốc Lactulose với liều dùng từ 1 - 3ml/kg/ ngày, chia thành 2 lần dùng mỗi ngày.
  • Thuốc Sorbitol với liều dùng từ 1 - 3ml/kg/ ngày, chia thành 2 lần dùng mỗi ngày.
  • Thuốc PEG 3350 không có điện giải với liều dùng từ 1g/kg/ ngày.
  • Thuốc Magiesium hydroxide với liều dùng từ 1 - 3ml/kg/ ngày, chia thành 2 lần dùng mỗi ngày.

Nhuận tràng bôi trơn (ít dùng):

  • Dầu Paraffin: Dùng cho trẻ em trên 1 tuổi với liều từ 1 - 3ml/kg/ ngày, chia thành 2 lần mỗi ngày.

Nhuận tràng kích thích:

  • Dùng Bisacodyl cho trẻ trên 2 tuổi với liều dùng 0,5 - 1 viên đạn tương đương 10mg mỗi lần hoặc dùng từ 1 - 3 viên nén hàm lượng 5mg mỗi lần.
  • Dùng Glycerin đặt hậu môn.

Chế độ ăn:

  • Cần tăng cường lượng dịch, Carbonhydrate và chất xơ được ăn vào mỗi ngày cho trẻ. Lượng chất xơ được yêu cầu cho trẻ theo từng độ tuổi dựa vào công thức là: Độ tuổi + 5 (gam/ ngày) đối với trẻ dưới 2 tuổi.

Đối với trường hợp một số trẻ bị táo bón do không dung nạp được các thành phần có trong sữa bò:

  • Dùng thay thế bằng sữa đậu nành hoặc sữa đạm thủy phân
  • Bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau quả, bánh mì nguyên cám và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Tập luyện cho trẻ thói quen đi đại tiện hàng ngày.

4.2. Điều trị táo bón thực thể

Đối với táo bón thực thể, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra táo bón để có cách điều trị thích hợp như sau:

  • Bệnh phình đại tràng bẩm sinh: Có thể thực hiện phẫu thuật cắt bỏ đoạn đại tràng vô hạch.
  • Bệnh suy giáp trạng bẩm sinh: Có thể dùng liệu pháp hormon để thay thế.
  • Khối u vùng tủy thắt lưng, các dị tật thần kinh như bệnh thoát vị màng não tủy hoặc tật nứt dọc cột sống cần phải được điều trị triệt để bằng phẫu thuật mới giải quyết được tình trạng táo bón cho trẻ.

5. Khi nào trẻ bị táo bón cần phải đi khám tại bệnh viện

Đối với trường hợp trẻ bị táo bón thoáng qua có thể chỉ cần chăm sóc và can thiệp các biện pháp tại nhà, điều chỉnh chế độ ăn giàu chất xơ (rau xanh và trái cây), uống đủ lượng nước theo nhu cầu độ tuổi mỗi ngày. Tuy nhiên, những trường hợp trẻ bị táo bón rơi vào một trong các trường hợp sau cần đưa trẻ đi đến Bệnh viện ngay như sau:

  • Trẻ bị táo bón kéo dài trên 2 tuần.
  • Trẻ mới sinh bị táo bón, chướng bụng thường xuyên, lặp lai dù đã thực hiện các can thiệp tại nhà.
  • Trẻ bị táo bón kèm theo một trong các triệu chứng như sốt cao, nôn trớ, chướng bụng, đại tiện ra máu, sụt cân,...

Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng trên hoặc nghiêm trọng hơn, trong trường hợp khẩn cấp người nhà có thể thực hiện việc thụt tháo tại nhà sau đó mới đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất. Người nhà của trẻ có thể dùng nước ấm hoặc dung dịch nước muối 0,9% bơm vào hậu môn với thể tích 100 -150ml giúp làm giảm áp lực của khối phân cứng rắn ở đại tràng.

Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến bệnh táo bón và cách điều trị. Cha mẹ có thể áp dụng cho trẻ nếu tình trạng táo bón của trẻ mới xuất hiện và ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng trong việc sử dụng các thuốc điều trị táo bón nhất là các thuốc nhuận tràng và thuốc thụt tháo cho trẻ tại nhà. Thường xuyên theo dõi việc đi đại tiện của trẻ nhằm phát hiện sớm các biến chứng của táo bón để kịp thời xử trí. Tốt nhất các cha mẹ nên chủ động phòng bệnh táo bón cho trẻ thông qua chế độ ăn, tập luyện hằng ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

100 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan