Bơm surfactant điều trị suy hô hấp sơ sinh: Những điều cần lưu ý

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi khoa, đặc biệt trong chuyên ngành hồi sức và điều trị bệnh lý nhi sơ sinh, bệnh lý hô hấp, tiêu hóa trẻ em.

Sự thiếu hụt Surfactant tiên phát ở trẻ sinh non gây nên hội chứng suy hô hấp. Hội chứng này thường được điều trị bằng kỹ thuật bổ sung hợp chất Surfactant. Trước đây, y học thường dùng kỹ thuật bơm Surfactant qua nội khí quản và cho trẻ thở máy. Ngày nay, kỹ thuật bơm Surfactant điều trị suy hô hấp sơ sinh ít xâm lấn và đang ngày càng được sử dụng rộng rãi.

Hội chứng suy hô hấp cấp, gây suy hô hấp nặng, tiến triển ở trẻ sơ sinh non tháng. Nguyên nhân gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh non tháng là do thiếu hụt Surfactant - thành phần có tác dụng làm giảm sức căng bề mặt và duy trì tính ổn định của phế nang, ngăn ngừa xẹp các phế nang nhỏ ở cuối thì thở ra. Vì vậy ngay sau khi chào đời hoặc sau một thời gian thở bình thường, trẻ non tháng có nhiều phế nang bị xẹp do thiếu Surfactant và gây suy hô hấp.

1. Bơm Surfactant điều trị suy hô hấp sơ sinh

Chỉ định bơm Surfactant được áp dụng trong điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh non tháng do ở các trẻ này, hệ thống enzym xúc tác cho quá trình tổng hợp Surfactant bởi các phế bào II chưa được hoàn chỉnh, trong khi surfactant rất cần thiết cho hoạt động của phổi ở trẻ sơ sinh. Vì vậy ở trẻ sơ sinh dễ xảy ra nguy cơ khởi phát bệnh suy hô hấp.

Hội chứng suy hô hấp ở trẻ sinh non thường được điều trị bằng kỹ thuật bổ sung hợp chất Surfactant. Như trước đây, y học thường dùng kỹ thuật bơm Surfactant qua nội khí quản và cho trẻ thở máy. Ngày nay, kỹ thuật bơm Surfactant điều trị suy hô hấp sơ sinh ít xâm lấn và ngày càng được sử dụng rộng rãi. Hiện tại có nhiều phương pháp và kỹ thuật bơm surfactant khác nhau, cần cân nhắc tùy theo từng trường hợp cụ thể.

2. Chỉ định bơm Surfactant

  • Bệnh màng trong ( hội chứng suy hô hấp cấp): Điều trị dự phòng, điều trị bệnh, điều trị nhắc lại
  • Ngưng thở không đáp ứng với CPAP.
  • Nhu cầu FiO2>=40%/CPAP ( trẻ >=26 tuần).
  • Nhu cầu FiO2>=30%/CPAP ( trẻ <26 tuần).
  • Điều trị hội chứng suy hô hấp do trẻ hít phải phân su nặng (MAP >10-12 cmH2O. FiO2>50%)
  • Cân nhắc điều trị trong một số trường hợp như: xuất huyết phổi, viêm phổi nặng.

3. Lưu ý khi Bơm surfactant điều trị suy hô hấp sơ sinh

Bơm surfactant điều trị suy hô hấp sơ sinh: Những điều cần lưu ý
Bơm surfactant điều trị suy hô hấp sơ sinh

  • Không hút đờm nội khí quản trong vòng 1h sau khi bơm thuốc ( trừ khi có dấu hiệu tắc nghẽn đường thở rõ ràng.
  • Surfactant cải thiện thể tích phổi, cải thiện FRC và độ đàn hồi do đó cần điều chỉnh thông số máy phù hợp để hạn chế tràn khí màng phổi, tổn thương phổi.
  • Sau khi dùng Surfactant tránh gây đỉnh tăng oxy máu bằng cách giảm nhanh fiO2

4. Biến chứng và xử trí

4.1 Trong khi bơm Surfactant

  • Giảm bão hòa O2: thường thoáng qua và cần tăng tạm thời FiO2, áp lực máy thở, hoặc tạm ngừng bơm Surfactant.
  • Nhịp tim chậm: có thể liên quan với giảm bão hòa O2 hoặc kích thích dây thần kinh phế vị, nên tạm thời ngừng bơm Surfactant.
  • Tăng PCO2: do tắc nghẽn đường thở tạm thời bởi Surfactant.
  • Rò Surfactant xung quanh ống nội khí quản vào vùng hầu họng do ống nội khí quản quá nhỏ.
  • Thuốc chỉ vào một phổi: do ống nội khí quản đi vào nhánh phế quản chính phải hoặc trẻ chưa nằm ở tư thế đúng.

4.2 Sau khi bơm Surfactant

  • Hạ huyết áp: do giảm thể tích, ống động mạch lớn, giảm chức năng cơ tim. Điều trị NaCl 0,9%: 10ml/kg bolus, nếu thất bại cần sử dụng thuốc vận mạch.
  • Tràn khí màng phổi: Do thuốc chỉ vào một phổi cần chọc hút khí qua da hoặc mở dẫn lưu màng phổi tối thiểu hút khí liên tục.
  • Chảy máu phổi: do ống động mạch lớn cần tăng PEEP hoặc HFO và bơm Surfactant, truyền tiểu cầu, plasma tươi 10-15ml/kg, sau đó điều trị đóng ống động mạch.

Nhìn chung, kỹ thuật bơm Surfactant sẽ khó thực hiện được nếu tiêu chuẩn chăm sóc chung không đạt chất lượng cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan