Biếng ăn suy dinh dưỡng ở trẻ: cách khắc phục và điều trị

Hiện nay theo thống kê thì tỷ lệ trẻ biếng ăn suy dinh dưỡng tại Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ gây nên nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe của trẻ. Cha mẹ cần làm gì để hiểu rõ được tình trạng sức khỏe của trẻ cũng như giúp trẻ cải thiện chứng biếng ăn và suy dinh dưỡng?

1. Nguyên nhân gây nên tình trạng biếng ăn suy dinh dưỡng ở trẻ

Trẻ em trong những năm đầu đời không chỉ gặp nhiều khuyết thiếu về thể chất mà còn dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe với các tác động từ bên ngoài môi trường. Do ở giai đoạn này trẻ đang phát triển và dần dần hoàn thiện các chức năng của cơ thể. Tuy nhiên do nguyên nhân nào đó cũng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ gây nên tình trạng biếng ăn suy dinh dưỡng ở trẻ. Một vài nguyên nhân có thể kể tới bao gồm:

  • Cha mẹ thiếu kiến thức trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ: Những cha mẹ trẻ và lần đầu thực hiện vai trò cao cả này, thường sẽ rất thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ. Từ đó, dẫn đến những sai lầm trong việc chăm sóc trẻ lúc khỏe cũng như lúc ốm.... Hoặc nếu gặp phải tình trạng thiếu sữa, khi người mẹ thiếu kiến thực có thể khiến cho trẻ bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn bằng sữa từ đó làm cho trẻ suy giảm miễn dịch cũng như có thể gây nên các tình trạng rối loạn tiêu hoá.
  • Chế độ dinh dưỡng của trẻ không đảm bảo nhu cầu, không hợp lý với lứa tuổi của trẻ khiến cho trẻ có nhiều khả năng bị suy dinh dưỡng. Khi trẻ không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, trẻ sẽ không hào hứng ăn uống, từ đó dẫn đến mất cân bằng về dinh dưỡng gây nên các tình trạng biếng ăn, rối loạn tiêu hoá thức ăn.
  • Những trường hợp trẻ bị loạn khuẩn đường ruột, nếu trẻ thường xuyên sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh lý cấp tính hoặc mãn tính có thể gây nên các nguy cơ về rối loạn tiêu hoá ở trẻ. Bởi vì kháng sinh sử dụng cho trẻ có thể tiêu diệt các vi khuẩn có lợi và có hại của đường ruột dẫn đến mất cân bằng gây ra tình trạng loạn khuẩn, trẻ ăn sẽ không thấy ngon miệng đồng thời dưỡng chất cũng khó hấp thu vào cơ thể hơn.
  • Cha mẹ cung cấp vi chất dinh dưỡng không đủ nên xuất hiện thiếu vi chất ở trẻ và ảnh hưởng đến khả năng thèm ăn. Bởi vì những vi chất dinh dưỡng ngoài việc giúp trẻ sinh trưởng và phát triển toàn diện thì những dưỡng chất này còn được xem như yếu tố kích thích bài tiết men tiêu hoá giúp trẻ ăn ngon miệng. Khi cha mẹ cung cấp không đủ những dưỡng chất khiến cho trẻ bị hạn chế trong bài tiết men tiêu hoá gây ra mất cảm giác ngon miệng và tiêu hoá thức ăn .
  • Thói quen sinh hoạt không hợp lý và lành mạnh: Trẻ thường xuyên ăn vặt, sử dụng nước trong các bữa ăn phụ có thể ảnh hưởng lớn đến bữa ăn chính của trẻ. Thậm chí làm thay đổi khẩu vị khiến trẻ không thích ăn các món ăn cha mẹ nấu...
  • Một số bệnh lý trẻ gặp cũng sẽ ảnh hưởng tình trạng của trẻ làm cho trẻ biếng ăn suy dinh dưỡng. Trẻ thường xuyên đau ốm, mắc bệnh mãn tính làm sức khỏe giảm sút gây nên tình trạng chán ăn, thể trạng giảm sút dẫn đến suy dinh dưỡng.
trẻ thiếu vi chất
Thiếu vi chất ở trẻ làm ảnh hưởng tới cảm giác ngon miệng và quá trình tiêu hóa thức ăn

2. Mức độ suy dinh dưỡng của trẻ và một số cách khắc phục và điều trị

Suy dinh dưỡng ở trẻ biếng ăn được xem như tình trạng cơ thể không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cả về số lượng và chất lượng hoặc vấn đề tăng trưởng của trẻ có dấu hiệu bất thường. Theo tổ chức Y thế giới, suy dinh dưỡng ở trẻ được chia thành các mức độ khác nhau, mục đích giúp điều trị trẻ biếng ăn suy dinh dưỡng được tốt hơn:

  • Suy dinh dưỡng độ 1: Khi đó cân nặng của trẻ còn khoảng 70-80% cân nặng so với trẻ khoẻ mạnh bình thường. Ở thời điểm này lớp mỡ dưới da bụng của trẻ mỏng, trẻ vẫn có dấu hiệu thèm ăn và chưa có dấu hiệu của rối loạn tiêu hoá.
  • Suy dinh dưỡng độ 2: cân nặng của trẻ ở thời kỳ này thường nằm trong khoảng 60-70% cân nặng so với trẻ khỏe mạnh bình thường. Trẻ ở thời kỳ này bắt đầu có những dấu hiệu về gầy gò, không có lớp mỡ dưới da, đặc biệt ở vùng bụng, mông, chân, tay... và trẻ cũng bắt đầu có dấu hiệu rối loạn tiêu hoá từng đợt cùng với tình trạng biếng ăn.
  • Suy dinh dưỡng độ 3 lúc này tình trạng của trẻ ở cấp độ nặng với cân nặng của có thể bằng hoặc nhỏ hơn 60% cân nặng của trẻ khoẻ mạnh. Ở mức độ suy dinh dưỡng nghiêm trọng có thể tồn tại ở các thể như thể phù, thể teo đét và thể hỗn hợp.

Đối với những trẻ suy dinh dưỡng ở mức 1 và mức 2, trẻ có thể được cha mẹ áp dụng điều trị tại nhà bằng cách thay đổi chế độ ăn sao cho hợp lý và phù hợp với trẻ. Áp dụng cách điều trị trẻ suy dinh dưỡng này cha mẹ có thể thực hiện như:

  • Cha mẹ có thể bổ sung các vi chất dinh dưỡng cho trẻ như sắt, kẽm, selen, ... nhằm mục đích đáp ứng đủ nhu cầu khuyến nghị đối với trẻ giúp cho trẻ có thể hồi phục và phát triển bình thường.
  • Khi xây dựng chế độ ăn cho trẻ, cha mẹ nên lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng, và khoáng chất như giá, đậu, trứng, sữa, thịt bò, lợn gà, hải sản...
  • Ngoài việc sử dụng protein có nguồn gốc từ động vật thì cũng nên lựa chọn những protein có nguồn gốc từ thực vật như đậu đỗ, lạc, vừng...
  • Cha mẹ nên thực hiện lựa chọn thực phẩm đa dạng và phong phú bao gồm đủ 4 nhóm thực phẩm nhằm giúp cho bữa ăn của trẻ đạt tiêu chuẩn cả về chất và lượng. Ngoài ra, khi lựa chọn các thực phẩm có màu sắc bắt mắt cũng giúp trẻ kích thích vị giác và thị giác khi ăn khiến trẻ hứng thú với đồ ăn nhiều hơn.
  • Trong quá trình ăn cha mẹ không nên gây áp lực cho trẻ khiến trẻ có thể có những phản ứng trái chiều, chống đối lại với các yêu cầu của cha mẹ.
điều trị trẻ suy dinh dưỡng
Cha mẹ có thể áp dụng cách điều trị trẻ suy dinh dưỡng khác nhau tùy thuộc vào tình hình cụ thể

Đối với những trẻ suy dinh dưỡng nặng thì mức độ ăn uống của trẻ trở nên kém, trẻ thường xuyên bị rối loạn tiêu hoá từ đó dẫn đến tình trạng suy giảm miễn dịch ở trẻ. Và đây cũng được coi như nguyên nhân làm cho trẻ ốm đau và không phát triển được toàn diện. Những trẻ có tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng này cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để có được tư vấn đầy đủ về vấn đề chăm sóc trẻ cũng như làm giảm thiểu tình trạng dinh dưỡng nghiêm trọng của trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ có thể thực hiện bổ sung tăng cường các khoáng chất, vi chất dinh dưỡng giúp nâng cao sức khỏe của trẻ hay áp dụng một số lưu ý sau nhằm giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ:

  • Các bữa ăn hàng ngày của trẻ cha mẹ nên chia thành các bữa nhỏ, mục đích nhằm giúp trẻ được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng trong các bữa ăn. Vì khi trẻ ở giai đoạn này sẽ có tình trạng biếng ăn, chán ăn, nên nếu ép trẻ ăn nhiều trong một bữa có thể gây tác dụng tiêu cực hoặc trẻ sẽ phản ứng ngược lại không đáp ứng với cha mẹ.
  • Trong quá trình lựa chọn thực phẩm và chế biến thức ăn cha mẹ hoàn toàn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo bữa ăn đảm bảo và an toàn cho trẻ.
  • Thường xuyên vệ sinh cá nhân cho trẻ và môi trường xung quanh.
  • Cha mẹ nên khuyến khích, động viên trẻ giúp trẻ hợp tác với cha mẹ trong quá khắc phục và cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ.
  • Cha mẹ nên cho trẻ khám sức khỏe định kỳ đặc biệt về cân nặng, chiều cao để có thể nắm bắt được sớm tình trạng sức khỏe cũng như tình trạng dinh dưỡng của trẻ để từ đó có những can thiệp kịp thời giúp trẻ phát triển toàn diện.

Tóm lại, việc cải thiện triệu chứng trẻ biếng ăn có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho con dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng. Nếu cần thiết có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để có những chỉ định phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan