Bệnh tay chân miệng độ 1 mấy ngày thì khỏi?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp, bệnh xảy ra rải rác quanh năm nhưng có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm: tháng 3 - 5 và tháng 9 - 12 tại hầu hết tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, tay chân miệng cấp độ 1 là mức độ nhẹ nhất của bệnh.

1. Tác nhân gây bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do các chủng virus đường ruột gây ra, có thể lây trực tiếp từ người sang người. Con đường lây truyền bệnh chủ yếu nhất là đường tiêu hóa và dễ gây thành dịch lớn. Tại Việt Nam, hai tác nhân gây tay chân miệng thường gặp nhất là virus Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71).

Tay chân miệng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ bệnh cao nhất là ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi, trong đó đặc biệt tập trung và gây nhiều biến chứng ở những trẻ dưới 3 tuổi.

Bệnh lây từ người sang người, vì vậy hằng năm đều có các đợt dịch tay chân miệng xảy ra ở hầu hết các địa phương. Những yếu tố làm gia tăng khả năng mắc bệnh ở trẻ bao gồm trẻ sinh hoạt ở môi trường tập thể như đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo hoặc đến những địa điểm tập trung đông đúc như siêu thị, công viên...

Bệnh tay chân miệng hiện nay được phân chia thành 4 cấp độ từ nhẹ đến nặng:

Tay chân miệng độ 1: Biểu hiện ở trẻ chỉ có loét miệng và/hoặc tổn thương trên da;

Tay chân miệng độ 2a: Bên cạnh loét miệng và tổn thương da còn kèm theo một trong các dấu hiệu sau:

  • Trẻ có biểu hiện giật mình dưới 2 lần trong 30 phút và bác sĩ không ghi nhận giật mình lúc khám
  • Trẻ sốt cao trên 39 độ C, sốt kéo dài trên 2 ngày, nôn ói nhiều lần, thay đổi tri giác lừ đừ hoặc quấy khóc vô cớ;

Tay chân miệng từ độ 2b đến độ 3, độ 4: Đây là những cấp độ bệnh nặng hơn, xuất hiện các biến chứng ở trẻ như biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp...

Phòng ngừa bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do các chủng virus đường ruột gây ra, có thể lây trực tiếp từ người sang người

2. Bệnh tay chân miệng độ 1 mấy ngày thì khỏi?

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra nên hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, nguyên tắc điều trị tay chân miệng chủ yếu là điều trị triệu chứng, nâng đỡ thể trạng, dự phòng và điều trị các biến chứng xảy ra ở trẻ, đặc biệt là khi xảy ra biến chứng suy tuần hoàn, hô hấp.

Trong số các cấp độ bệnh, chỉ có tay chân miệng cấp độ 1 là được điều trị ngoại trú và theo dõi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Các biện pháp hỗ trợ đối với trẻ bị tay chân miệng độ 1 bao gồm:

  • Chế độ dinh dưỡng đầy đủ tùy theo độ tuổi;
  • Khi trẻ sốt có thể sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol với liều lượng từ 10-15mg/kg/lần uống hoặc đặt hậu môn cách mỗi 6 giờ;
  • Vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ;
  • Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều, tránh hoàn toàn các kích thích;

Quan trọng nhất là đưa trẻ đến gặp bác sĩ theo lịch hẹn. Thông thường tay chân miệng độ 1 sẽ tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu tiên. Trường hợp trẻ sốt thì tái khám mỗi ngày đến khi ngưng sốt ít nhất 48 giờ.

Tay chân miệng cấp độ 1 có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, nếu trẻ có các biểu hiện sau đây thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay:

  • Trẻ sốt cao, thân nhiệt trên 39 độ C;
  • Thay đổi nhịp thở như thở nhanh, khó thở, thở co kéo;
  • Đột ngột trẻ xuất hiện giật mình lúc ngủ;
  • Trẻ lừ đừ, quấy khóc vô cớ hoặc bứt rứt khó ngủ;
  • Nôn ói nhiều;
  • Đối với trẻ biết đi thì phụ huynh nên chú ý quan sát theo dõi con khi thấy trẻ đi loạng choạng hoặc run tay chân.
  • Dấu hiệu suy tuần hoàn như da nổi vân tím, tay chân lạnh vã mồ hôi;
  • Trẻ đột nhiên co giật hoặc hôn mê.

Trong hầu hết các trường hợp tay chân miệng độ 1 sẽ tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị quá nhiều trong khoảng thời gian từ 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, trong những tình huống đặc biệt, bác sĩ có thể sẽ tư vấn thêm cho phụ huynh các biện pháp điều trị hoặc cách chăm sóc tay chân miệng độ 1 tại nhà cho đến khi bệnh khỏi hoàn toàn.

Bệnh tay chân miệng: Lâm sàng, chẩn đoán, biến chứng
Trong hầu hết các trường hợp tay chân miệng độ 1 sẽ tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị quá nhiều trong khoảng thời gian từ 7 đến 10 ngày

3. Những dấu hiệu nhận biết trẻ mắc tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng thường trải qua các giai đoạn sau:

3.1. Giai đoạn ủ bệnh

Giai đoạn ủ bệnh của bệnh tay chân miệng khoảng 3-7 ngày.

3.2. Giai đoạn khởi phát

Giai đoạn khởi phát kéo dài 1-2 ngày với các dấu hiệu như sốt nhẹ, trẻ biếng ăn, mệt mỏi hơn bình thường hoặc kèm theo tiêu chảy;

3.3. Giai đoạn toàn phát

Giai đoạn toàn phát có thể kéo dài 3-10 ngày và trẻ thường có các dấu hiệu điển hình của tay chân miệng như:

  • Loét miệng: Vùng niêm mạc miệng xuất hiện các vết loét đỏ, có thể có phỏng nước với đường kính khoảng 2-3mm. Các vết loét bội nhiễm gây đau nhiều và là yếu tố làm trẻ bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt;
  • Tổn thương điển hình là các phát ban dạng phỏng nước ở vị trí lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Tổn thương da thường tồn tại tại dưới 7 ngày, lành để lại vết thâm da và hiếm khi bội nhiễm;
  • Sốt: Thường nhẹ, nếu sốt cao gợi ý các biến chứng xảy ra;

Ngoài ra, giai đoạn này có thể xuất hiện các biến chứng thần kinh, tuần hoàn hoặc hô hấp và gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ;

3.4. Giai đoạn lui bệnh

Tiếp theo sau giai đoạn toàn phát, giai đoạn lui bệnh kéo dài khoảng 3-5 ngày, trẻ thường sẽ hồi phục hoàn toàn và không có biến chứng nếu mắc tay chân miệng độ 1.

Tay chân miệng
Loét miệng, phát ban dạng phỏng nước, sốt nhẹ là những dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng

4. Phòng tránh bệnh tay chân miệng hiệu quả

Hiện nay, vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng đặc hiệu. Vì vậy việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng lây lan trong cộng đồng là vô cùng cần thiết:

  • Đặc biệt đối với bệnh tay chân miệng, phòng bệnh ở nơi cộng đồng, nhất là những nơi thường xuyên tập trung đông trẻ như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, các địa điểm vui chơi giải trí cho trẻ em...
  • Thường xuyên vệ sinh cá nhân, luôn rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, thay tã lót hoặc sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt, phỏng nước của đối tượng mắc bệnh).
  • Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, ăn chín, uống sôi, vật dụng ăn uống cần rửa sạch trước khi sử dụng, không mớm thức ăn từ miệng của người lớn cho trẻ; không nên cho trẻ ăn bốc; không để trẻ tự mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ sử dụng chung khăn mền, gối, vật dụng ăn uống, đồ chơi của người khác mà chưa được khử trùng.
  • Thường xuyên rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà đối với gia đình có trẻ nhỏ.
  • Nên lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc có thể thay thế bằng các dung dịch khử khuẩn khác.
  • Tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc người có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng
  • Ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám bác sĩ hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất về tình trạng sức khỏe của trẻ.
  • Tuân thủ việc cách ly trẻ bệnh tại nhà trong trường hợp trẻ mắc tay chân miệng độ 1, không đưa trẻ đến nhà trẻ, trường học, những nơi có các trẻ khác tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh. Nhập viện điều trị ngay khi tay chân miệng độ 1 trở nặng.
Lau nhà
Nên lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc có thể thay thế bằng các dung dịch khử khuẩn khác để phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng độ 1 là thể bệnh nhẹ nhất của bệnh. Tùy thuộc mức độ, cũng như cách chăm sóc mà thời gian phục hồi ở một số trẻ có thể khác nhau. Vì thế, khi trẻ có dấu hiệu của bệnh, ngoài việc đưa trẻ đến các trung tâm y tế thì các bậc cha mẹ cũng nên chú ý đến việc chăm sóc, thực hiện theo đúng khuyến cáo của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan