Bệnh lỵ trực khuẩn ở trẻ em có nguy hiểm không?

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Dinh - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Bệnh lỵ trực khuẩn là bệnh nhiễm trùng đường ruột cấp tính do vi khuẩn Shigella gây ra, bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi với biểu hiện lâm sàng đa dạng.

1. Bệnh lỵ trực khuẩn là gì?

Bệnh lỵ trực trùng, hay còn gọi là lỵ trực khuẩn hoặc xích lỵ, là bệnh kiết lỵ do vi khuẩn Shigella gây ra nhiễm trùng ruột và trực tràng. Các dấu hiệu chính của nhiễm Shigella là tiêu chảy và phân thường có lẫn máu.

Ở thể điển hình, bệnh biểu hiện bằng 2 hội chứng chính:

  • Hội chứng lỵ: Biểu hiện đau quặn bụng dọc theo khung đại tràng, mót rặn nhiều và đi ngoài phân nhầy máu nhiều lần trong ngày.
  • Hội chứng nhiễm khuẩn: sốt cao 39- 400C, kèm ớn lạnh, đau nhức cơ toàn thân, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn. Trẻ có thể có co giật do sốt cao, hoặc do nhiễm độc thần kinh. Thể trạng suy sụp nhanh chóng, mệt mỏi hốc hác, môi khô, lưỡi bẩn.
Một loại trực khuẩn thuộc nhóm Shigella
Vi khuẩn Shigella là nguyên nhân gây bệnh lỵ trực trùng

2. Bệnh lây truyền như thế nào?

Bệnh dễ lan truyền qua tiếp xúc trực tiếp giữa trẻ trong cùng nhà trẻ, mẫu giáo, trong cùng gia đình hay qua tiếp xúc trung gian như đồ chơi, tay nắm cửa,...

Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, đường lây gián tiếp qua ruồi nhặng, thức ăn, nước uống bị nhiễm bẩn thường là đường lây chính.

Cho trẻ chơi với những đồ vật lớn
Bệnh có thể lây truyền qua tiếp xúc trung gian như đồ chơi

3. Bệnh nguy hiểm như thế nào nếu trẻ bị mắc?

Trẻ mắc lỵ trực khuẩn có biểu hiện lâm sàng đa dạng:

  • Thể nhẹ: Trẻ tiêu chảy nhẹ hoặc không triệu chứng rõ ràng, chỉ có đau bụng âm ỉ, đi ngoài phân lỏng thoáng qua sau đó tự giới hạn.
  • Thể nặng và cấp: Trẻ sốt rất cao, rét run, có thể kèm co giật, biểu hiện thần kinh: li bì, lơ mơ, đau đầu, cổ cứng, tiêu chảy phân máu ồ ạt. Một số trường hợp có thể tử vong do hội chứng tán huyết, urê huyết cao hoặc sốc nội độc tố, rối loạn nước điện giải, suy tuần hoàn.
  • Thể mãn tính: Trẻ tiêu nhày máu kéo dài làm mất nhiều đạm, rối loạn nước điện giải kéo dài, ăn uống kém dẫn đến thể trạng suy kiệt.

4. Bệnh được chữa trị như thế nào?

Trẻ mắc lỵ trực khuẩn cần được nhập viện theo dõi điều trị rối loạn nước điện giải và các rối loạn khác đi kèm. Điều trị kháng sinh diệt vi khuẩn phù hợp với từng trẻ bệnh và từng cơ sở y tế khác nhau.

Sử dụng thuốc như các loại kháng sinh, NSAID...cũng có thể gây tăng bạch cầu ái toan tại đường tiêu hoá
Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị bệnh lỵ trực khuẩn

5. Bệnh có dự phòng được không?

Bệnh lỵ trực khuẩn là bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh nhưng có thể dự phòng được bằng các biện pháp như sau:

  • Giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của rửa tay bằng xà phòng
  • Vệ sinh phòng bệnh: xây nhà xí hợp vệ sinh. Bảo vệ, lọc, làm sạch nguồn nước sinh hoạt. Diệt ruồi, xử lý rác. Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.
  • Khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ. Cần đun sôi nước trước khi cho trẻ uống.
  • Cách ly tốt những người mắc bệnh. Xử lý vệ sinh quần áo, chăn màn của bệnh nhân. Khử khuẩn phân trước khi thải ra ngoài môi trường.

Tùy thuộc vào mức độ mà trẻ mắc lỵ trực khuẩn sẽ có mức nguy hiểm, biến chứng khác nhau. Tuy nhiên, dù ở thể nặng hay nhẹ thì bệnh vẫn gây nguy hiểm, rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Vì thế các bậc cha mẹ cần nắm được dấu hiệu của bệnh để sớm đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.

Bên cạnh đó, cha mẹ còn cần bổ sung cho con các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen, vitamin B1,... để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Việc bổ sung các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan